Đa giá trị trong sản xuất lúa gạo nhằm tăng thu nhập của người nông dân

07/05/2024

Câu chuyện thành công của ngành lúa gạo nói chung và của xuất khẩu gạo nói riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, với tổng khối lượng xuất khẩu chỉ tăng 22,2% nhưng tăng tới 34,7% về giá trị. Điều này đã cho thấy những thành công trong nỗ lực cải thiện giá trị của nông sản Việt Nam nói chung và thu nhập của nông dân sản xuất lúa gạo nói riêng.

Ngoài ra, nhằm cải thiện thu nhập trong sản xuất nông nghiệp, ở nhiều địa phương từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến Đồng bằng Bắc bộ hay các tỉnh Tây Bắc… đã xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình sản xuất hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị. Đặc biệt, ở nhiều địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, bà con đã từng bước khai thác được những giá trị gia tăng từ nông nghiệp, kết hợp văn hóa, du lịch... để tạo nên một điểm đến thu hút du khách.

Một số các định hướng để nâng cao giá trị trong chuỗi sản xuất lúa gạo

-                Gia tăng chế biến, xuất khẩu sản phẩm từ gạo

Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Bình Tây (Thành phố Hồ Chí Minh), cho rằng: Giá gạo cuối năm 2023 tăng đột biến là do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và khan hiếm của thị trường nói chung. Vì vậy, Việt Nam cần có giải pháp giữ vững mức giá này trong lâu dài thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm từ hạt gạo.

Để dẫn chứng cho vấn đề này, bà Giàu cho biết Công ty cổ phần thực phẩm Bình Tây xuất khẩu bánh tráng, phở với doanh thu 20 triệu đô la Mỹ dù quy mô nhà máy nhỏ.

Tại sự kiện Vietnam Festival phở ở Nhật Bản, do Báo Tuổi Trẻ tổ chức, người Nhật Bản phải xếp hàng dài để mua phở, doanh thu 1 triệu yên/ngày. Bà Giàu khẳng định: "Người ta thích món chế biến từ gạo Việt Nam".

Bà Lê Thị Giàu chia sẻ: "Ở Hàn Quốc một năm sản xuất có 4 triệu tấn lúa mà họ làm ra bánh gạo Hàn Quốc xuất khẩu qua Việt Nam, ăn rất ngon. Điều đó cho thấy khâu chế biến quan trọng lắm. Cần có chính sách nâng cao giá trị hạt gạo qua con đường chế biến, đồng thời hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho người nông dân và có luồng tín dụng tốt nhất".

Từ đó, bà Giàu đề xuất Nhà nước cần có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng ngay cho nông dân như điện, nước, nhà kho, sân phơi và đầu tư thêm các khâu trong chuỗi chế biến nhằm nâng cao giá trị hạt gạo.

-                Đẩy mạnh chế biến các sản phẩm phụ của gạo

Trong nhiều năm qua, mức tăng trưởng thức ăn chăn nuôi gần 15% đã khiến Việt Nam phải nhập khẩu tới 90% cám khô dầu từ Ấn Độ để phục vụ sản xuất. Do đó, khai thác giá trị từ cám gạo nói riêng sẽ giúp gia tăng lợi ích kinh tế nước nhà nhiều mặt. Cụ thể, việc tận dụng cám gạo hay các sản phẩm từ lúa khác giúp tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, tiết kiệm chi phí cho nông dân ngành chăn nuôi, gián tiếp tăng thu nhập cho nông dân các ngành khác.

Ngoài ra, tuy cám gạo là mặt hàng được cho là không có giá trị cao, nhưng nếu sử dụng kỹ thuật để chiết xuất các tinh chất có giá trị về mặt dinh dưỡng và sức khỏe, giá trị gia tăng mang lại có thể nâng lên gấp nhiều lần.

Ông Murai Hiromichi - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Oryza Oil & Fat Chemical có trụ sở tại tỉnh Nagoya, cho biết lượng dầu gạo tách chiết ra từ cám mang lại giá trị 320-350 đô la Mỹ/tấn, các hợp chất lấy ra sau khi tách chiết dầu của công ty được sử dụng trong 70 sản phẩm dinh dưỡng và làm đẹp, mang lại giá trị hàng nghìn đô la Mỹ/tấn cám.

Dầu gạo là sản phẩm được ưa chuộng tại Nhật Bản và các nước phát triển, chứa nhiều hợp chất hữu ích cho cơ thể như acid linolei, oleic, gama-oryzanol, vitamin E, tocotrienols... Đây là các hợp chất giúp giảm cholesterol xấu, ngăn ngừa ung thư, các bệnh về tim mạch cũng như giảm béo.

Nhiều công ty tại Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ đã tận dụng cám gạo sau khi chiết xuất dầu để tách các hợp chất quý dùng trong dược phẩm và mỹ phẩm như gama-oryzanol, axit ferulic, tocotrienol, tocopherol, squalen, octacosanol...

Đây là các hợp chất thiên nhiên, ít tác dụng phụ, được sử dụng để sản xuất ra các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch, bổ não, chống ung thư, chống viêm, đặc biệt là thuốc tăng trưởng chiều cao có thành phần từ axit ferulic và gama-oryzanol được bán khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ước tính một tấn cám có thể mang lại giá trị 2.000-3.000 đô la Mỹ hoặc thậm chí cao hơn nếu được tận dụng triệt để.

- Sản xuất lúa tích hợp với nuôi trồng thủy sản và dịch vụ du lịch nông nghiệp

Việc trên một cánh đồng lúa có nhiều hoạt động trên nền cây lúa (lúa cá, lúa tôm, lúa du lịch nông nghiệp…), sẽ làm tăng tổng giá trị sản xuất, và các thành phần trong chuỗi giá trị đều được chia phần nhiều hơn.

Các phương thức sản xuất kết hợp trên không chỉ giúp cho nông dân tăng thu nhập, mà còn đảm bảo việc người nông dân sử dụng hàm lượng chất bảo vệ thực vật đúng mức, thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng tới các động vật xung quanh.

Ngoài ra, du lịch nông nghiệp cũng tạo điều kiện quảng bá các sản phẩm đặc sản của riêng địa phương, giúp tăng doanh số cho các mặt hàng của địa phương.

Giải pháp

- Gia tăng sản xuất các sản phẩm chế biến

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy chế biến sâu, hướng đến việc sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm từ gạo có giá trị cao. Đầu tư cho công nghệ chế biến sâu mang lại giá trị gia tăng lớn, nhưng tỷ suất đầu tư cũng sẽ rất cao. Do đó, để hiện thực hóa được mục tiêu này, Nhà nước cần hoạch định chính sách vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo tiền đề thu hút tổ chức, doanh nghiệp tham gia.

Ngoài công nghệ thì Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân cần phải tìm hiểu rõ thị trường cũng các yêu cầu, tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm tại các quốc gia định hướng xuất khẩu. Từ đó có giải pháp đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong chế biến, tiêu thụ…

Song song đó, việc chuẩn bị thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo giúp nghiên cứu về giống, quy trình cây tác, quy trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý cũng như nghiên cứu ra những sản phẩm tuần hoàn trên cây lúa hay nói cách khác sẽ tạo ra giá trị mới, chứ không phải chỉ mỗi vai trò “mua đi bán lại” trong và nước ngoài.

Khi đó, sẽ đi từ chuỗi ngành hàng, chứ không phải cắt khúc như hiện nay, giúp nông dân và doanh nghiệp hưởng lợi lâu dài, giúp nhau cùng tiến.

- Gia tăng chế biến các sản phẩm phụ

Để tăng cường việc sử dụng các sản phẩm phụ của gạo cho thức ăn chăn nuôi, cần có chính sách khuyến khích áp dụng hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào thu gom, chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Ngoài ra, cần khuyến khích các ý tưởng, nghiên cứu và start-ups trong việc xử lý và sử dụng phụ phẩm của gạo như vỏ trấu, cám, rơm rạ,… nhằm tăng tính hiệu quả của nền kinh tế và hướng đến mục tiêu kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong tương lai.

- Kết hợp sản xuất lúa tích hợp với nuôi trồng thủy sản và dịch vụ du lịch nông nghiệp

Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất mới cho người nông dân, thực hiện các mô hình canh tác kiểu mẫu để người nông dân thăm quan, nghiên cứu và ứng dụng vào quy trình sản xuất của họ;

Liên kết các doanh nghiệp với người nông dân về giống lúa, thủy sản, kỹ thuật bảo quản và chế biến nhằm đảm bảo chất lượng trong chọn giống, giá cả, tạo cho người dân sự tin tưởng và động lực thực hiện với đề án mới;

Nghiên cứu, tính toán để chọn ra các địa phương có những điều kiện lý tưởng về không gian vật lý và khí hậu nhằm ứng dụng các mô hình sản xuất tích hợp một cách thuận lợi;

Sự phát triển và tiềm năng của ngành sản xuất lúa gạo tại Việt Nam là vô cùng ấn tượng, đặc biệt là trong bối cảnh Nhà nước đang có những chính sách đẩy mạnh hiệu quả sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, để thực hiện các định hướng và giải pháp này cần sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước, các doanh nghiệp, và người nông dân. Cần có chính sách hỗ trợ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ, cũng như khuyến khích sự liên kết và hợp tác giữa các bên liên quan.

Chỉ khi có được những sự hợp tác này, ngành sản xuất lúa gạo mới có thể thực sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, góp phần vào sự thịnh vượng của nền kinh tế nước nhà và tăng cường cuộc sống của người dân nông thôn./.

Nguyễn Việt Dũng/ Ban nghiên cứu Chính sách và Chiến lược/Ipsard

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.                Nông nghiệp đa giá trị là hướng đi của tương lai. Trang báo điện tử chinhphu.vn.

2.                Trọng Tùng. (2020). Chuỗi giá trị sản phẩm từ gạo: Tiềm năng còn bỏ ngỏ. Báo Kinh tế và Đô thị.

3.                Chí Hạnh, Chí Quốc, Lê Dân. (2023). Việt Nam có lợi thế trồng lúa vượt trội, nông dân sẽ thịnh vượng nếu làm theo cách này. Báo Tuổi trẻ online.

4.                Trung Chánh. (2023). Nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo để ‘chiếc bánh’ lợi nhuận ngày càng to lên. Báo Kinh tế Sài Gòn Online.

5.                Đức Thịnh. (2022). Phụ phẩm lúa gạo sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho nông nghiệp Việt. Báo vietnamplus.vn.

6.                Ngọc Hân. (2018). Triển vọng từ mô hình sản xuất lúa – tôm kết hợp. Cổng Thông tin Điện tử Tỉnh Cà Mau.

7.                Nguyễn Huyền. (2019). Giải pháp công nghệ nâng tầm lúa gạo Việt Nam. Báo VnEconomy.

 


Tin khác