Báo cáo ngành hàng điều Quý III

09/03/2007

Thị trường thế giới

Sản lượng hạt điều thế giới mấy năm qua liên tục tăng, phản ánh xu hướng sản lượng của châu Phi và Việt Nam. Trong vòng 10 năm qua, sản lượng điều thế giới tăng gấp hơn 2 lần, đạt gần 2 triệu tấn. Việt Nam đang tiến sát Ấn Độ về sản xuất điều. Trong khi Ấn Độ sản xuất 460.000 tấn năm 2004, chiếm 25% sản lượng hạt điều thế giới, thì sản lượng của Việt Nam đạt gần 400.000 tấn.

Cạnh tranh gia tăng trên thị trường xuất khẩu điều thế giới đẩy giá mặt hàng này liên tục giảm từ đầu năm tới nay. Trong khi nguồn cung điều từ các nước sản xuất đều tăng lên thì nhu cầu liên tục giảm từ đầu năm tới nay, đặc biệt là Mỹ - thị trường tiêu thụ điều lớn nhất thế giới. Giá quả hạnh trên thị trường thế giới giảm, và tiêu thụ những loại hạt khác tăng lên trên những thị trường tiêu thụ lớn cạnh tranh trực tiếp với hạt điều. Dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong vài tháng tới.

Giá trung bình trong 5 tháng đầu năm nay là 4,1 USD/kg, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu giảm trên thị trường thế giới và sự cạnh tranh tăng từ các nước sản xuất khác đã làm giảm xuất khẩu điều của Ấn Độ trong quý đầu tiên của tài khoá 2006/07 (tháng 4-6). Do cung tăng vượt cầu, giá điều trên thị trường thế giới đã giảm.

Vì vậy, xuất khẩu nhân điều của Ấn Độ trong nửa đầu tài khoá này đã giảm cả về khối lượng cũng như trị giá.

Trong giai đoạn tháng 4-9/2006, Ấn Độ đã xuất khẩu tổng cộng 58.210 tấn hạt điều, trị giá 12.229,3 triệu Rupi, so với 59.112 tấn, trị giá 13.314 triệu Rupi cùng kỳ năm ngoái, giảm 1,51% về khối lượng và 8,15% về trị giá. Giá mỗi kg điều xuất khẩu đã giảm 6,72%.

Trong tháng 9/2006, xuất khẩu hạt điều tăng so với cùng tháng năm ngoái, và Ủy ban Khuyến khích Xuất khẩu Điều Ấn Độ hy vọng xu hướng tăng này sẽ tiếp diễn trong những tháng còn lại của tài khoá này.

Mỹ tiếp tục là khách hàng tiêu thụ nhân điều lớn nhất của Ấn Độ trong năm 2005/06 với 43.149 tấn, trị giá 9.583,3 triệu Rupi, chiếm 37,8% tổng khối lượng và 38,1% tổng trị giá xuất khẩu điều của Ấn Độ. Hà Lan là thị trường lớn thứ 2.

Xuất khẩu nhân điều Ấn Độ năm 2005/06 đạt 114.143 tấn, trị giá 25.148,6 triệu Rupi, so với 126.667 tấn, trị giá 27.092,4 triệu Rupi năm 2004/05.

Nhập khẩu điều thô đã giảm trong năm 2005-06, xuống 565.400 tấn, trị giá 21.629,5 triệu Rupi, so với 578.884 tấn, trị giá 21.909.4 triệu Rupi tài khoá trước.

Sản lượng điều thô Ấn Độ tài khoá 2005/06 đạt 573.000 tấn, so với 544.000 tấn tài khoá 2004/05 và 535.000 tấn tài khoá trước đó. Công suất chế biến điều nhân của Ấn Độ vào khoảng 1,2 triệu tấn mỗi năm, tức là nguồn cung nguyên liệu nội địa chỉ đáp ứng được gần một nửa.

Mặc dù rất nỗ lực, ngành này vẫn không thể tự sản xuất đủ nguyên liệu cho ngành chế biến, vì vậy một số nhà máy đã phải đóng cửa sản xuất.

Thị trường trong nước

Tình hình xuất khẩu 9 tháng đầu năm và Quý 3 năm 2006:

Theo thống kê sơ bộ 9 tháng đầu năm nay, toàn ngành xuất khẩu được khoảng 92.000 tấn nhân các loại và đạt kim ngạch khoảng 368 triệu USD. Như vậy, xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2005, tăng gần 20% về lượng nhưng chỉ tăng nhẹ về trị giá xuất khẩu do giá xuất khẩu 9 tháng năm nay thấp hơn 9 tháng cùng kỳ năm trước.

Tổng hợp từ các số liệu xuất khẩu nhân hạt điều Việt Nam (từ nguồn vinanet.vn và Hiệp hội Điều Việt Nam) cho thấy sơ bộ trong Quý 3/2006, cả nước đã xuất được 37,251 ngàn tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 148,814 triệu USD. Mỗi tháng xuất khẩu bình quân 12,4 ngàn tấn.

Giá xuất khẩu bình quân trong Quý 3 đạt 3.995 USD/tấn nhân.

Trên thị trường nội địa Việt Nam, giá điều thô cũng giảm mạnh, từ mức 16.000-17.000 đồng/kg đầu năm 2005 xuống chỉ còn khoảng 8.000 đồng/kg liên tục trong các tháng 7, 8 và 9 (giá tại thị trường Pleiku, tỉnh Gia lai).

Về thị trường xuất khẩu:

Hạt điều Việt Nam đã xuất sang 30 thị trường chính; trong đó, xuất sang Mỹ đạt cao nhất. Kế đó là các thị trường Trung Quốc, Hà Lan, Úc, Hà lan, Anh, Canada. Các thị trường Trung Quốc, Hà Lan, Australia đều có tốc độ tăng trưởng cao.

Sản lượng xuất khẩu 9 tháng qua các thị trường lớn trọng điểm tiếp tục tăng, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng khá mạnh. Trong 7 tháng đầu năm, nhân điều Việt Nam xuất sang Mỹ đạt 24.290 tấn, đạt kim ngạch 97,34 triệu USD, tăng 42,7% về lượng và tăng 22,3% về trị giá so với 7 tháng đầu năm 2005.

Cùng với thị trường Mỹ, xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng tăng khá như: Italia tăng 27,7%, Pháp tăng 13,3%, Úc tăng 29,6%, đặc biệt Ả rập Xê út tăng tới 96,1%, Hồng Kông tăng 171,8%, Nauy tăng 52,3%.

Tuy nhiên xuất khẩu sang một số thị trường lại giảm như: Tây Ban Nha giảm 25,2%, Canada giảm 35,1%, New Zealand giảm 30%…

Về giá cả xuất khẩu:

Tính chung giá xuất khẩu trung bình 9 tháng đạt khoảng 4.000 USD/ tấn FOB các loại. So với cùng kỳ năm 2005, giá xuất khẩu trung bình giảm tới 13,3% nhưng chưa phải là năm có giá xuất khẩu thấp nhất vì năm 2002, 2003, 2004 giá xuất khẩu còn thấp hơn nữa.

Về cơ cấu hàng xuất khẩu:

Nhân hàng trắng năm nay vẫn giảm. Lý do chủ yếu là do nguyên liệu năm nay xấu, tỷ lệ hàng trắng thấp. Trong nhân hàng trắng, loại W240 có giá ổn định nhất, sau đó là W320; riêng loại W450 giá trồi sụt liên tục và khó bán (giá giảm trên 20% so với năm 2005).

Nhóm hàng nâu thì LBW vẫn dễ bán, đặc biệt là LBW320. Hàng DW sau một thời gian dài khó bán nay có dấu hiệu nóng trở lại. Nhóm hàng nhân vỡ (nhân hạt điều không nguyên vẹn) vẫn dễ bán. Tuy nhiên thị trường yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Có thể đánh giá chung là: 9 tháng đầu năm, mặc dù có khó khăn nhưng sản lượng xuất khẩu của ta vẫn tăng trên 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, về trị giá chỉ tăng nhẹ do giá xuất khẩu bình quân giảm khoảng 13,3%. Thị phần xuất khẩu chủ yếu vẫn là các thị trường lớn, quan trọng và thị phần tăng khá, đặc biệt là Mỹ và Úc.

Theo Trung tâm Thông tin Thương mại - Bộ Thương mại thống kê thì tháng 7/2006, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của 18 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đạt khoảng 34 triệu USD và bằng 75% kim ngạch xuất khẩu hạt điều của toàn quốc; đó là các doanh nghiệp: Công ty Olam Việt Nam, Công ty Vật tư Tổng hợp Phú Yên, Công ty Nitagrex, Công ty Donafood, Công ty Lafooco, Công ty Tanimex, Công ty Vinalimex, Công ty XNK Tổng hợp 1, Công ty TNHH Dân Ơn, Công ty TNHH Đa Kao, Công ty TNHH Huỳnh Minh, Công ty TNHH Ninh Sơn, Công ty TNHH BIMICO, Công ty TNHH Nhật Huy, Công ty TNHH Hoàng Sơn 1, Chi nhánh Công ty SX XNK Tổng hợp Hà Nội tại Tp. HCM, Công ty CP Long Sơn, Công ty TNHH Thảo Nguyên.

Trong tháng 10, Hiệp Hội Điều Việt Nam đã cử 25 thành viên đến dự Hội nghị ngành điều do Hiệp hội các ngành công nghiệp thực phẩm (AFI) tổ chức tại Hoa Kỳ từ ngày 8/10. Tham dự hội nghị lần này có mặt hầu hết các đại gia ngành điều ở Mỹ và đề tài hạt điều VN được hội nghị nhấn mạnh như một chủ đề quan trọng. Một số khách hàng quốc tế lớn còn cho rằng chất lượng hạt điều VN có thể đứng hàng đầu thế giới và nếu giá thu mua các nước bằng nhau thì họ vẫn ưu tiên mua hàng của VN. Lưu ý rằng Hoa Kỳ hiện là thị trường chủ yếu của sản phẩm điều Việt Nam, chiếm khoảng 40 ngàn tấn nhân điều xuất khẩu, tương đương khoảng 40% sản lượng xuất.

Các vấn đề được các khách hàng Hoa Kỳ đặt ra chủ yếu là chất lượng, bao gồm tỷ lệ tạp chất, vết sâu bệnh trên bề mặt hạt, độ đồng nhất của sản phẩm về mùi vị và mày sắc, các phương pháp chế biến và bảo quản.

Nhận định chung

* Một số dự đoán về tình hình xuất khẩu quý 4 năm 2006:

Nhu cầu mua không cao nhưng giá vẫn có thể tăng nhẹ do có đến gần 50% các nhà máy ở Việt Nam hết nguyên liệu chế biến. Sản lượng xuất khẩu quý 4 của Việt Nam sẽ giảm đáng kể so với quý 3 do không phải nhà máy nào cũng có điều kiện nhập điều thô.

Hiện nay vấn đề thua lỗ của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn là bài toán khó giải quyết mà nguyên nhân chính là giá nguyên liệu và xăng dầu cao mà giá xuất khẩu lại thấp.

Do hạn hán, sản lượng điều quốc gia năm nay khả năng giảm 100.000 tấn so với năm ngoái, xuống chỉ khoảng 250.000 tấn.

Doanh thu xuất khẩu cả năm 2006 ước chỉ đạt 400 triệu USD, so với doanh thu 486 triệu USD và 103.000 tấn xuất khẩu trong năm 2005.

Nguồn:

Tổng hợp từ các báo cáo và bản tin

- Nguyễn Văn Lãng, Hiệp hội Điều Việt Nam (trích từ Báo Thanh Niên, ngày 18/10/2006

- Bản tin Vinacas số 10, ngày 25 tháng 9 năm 2006

- Các bản tin website vinanet.com.vn/ của Bộ Thương Mại

- Các bản tin thị trường. Trung tâm thông tin Bộ NN&PTNT

- Các nguồn báo, tạp chí Trung ương và các địa phương


Tin khác