Lao động "nội" và "ngoại" đều đang tăng

27/12/2007

Hiện có khoảng 400 ngàn người Việt Nam đang lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan... đồng thời có hàng chục ngàn người nước ngoài cũng đang mưu sinh tại Việt Nam. Đáng mừng là những con số này đều đang có xu hướng tăng lên.

Chuyên gia Việt Nam xuất khẩu

Hiện có khoảng 400.000 người lao động Việt Nam đang làm việc ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Đài Loan nổi lên là thị trường chính của lao động xuất khẩu Việt Nam (chiếm đến 80% tổng số lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng - PV).

Xuất khẩu lao động được coi là một hình thức hội nhập quốc tế phổ biến, vì vậy Việt Nam đang hướng đến sau năm 2010 sẽ có hơn 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm và phấn đấu có hơn 1 triệu người Việt Nam thường xuyên làm việc ở nước ngoài sau năm 2015. Ngoài 4 thị trường truyền thống (Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan), Việt Nam đang tìm kiếm khôi phục thị trường lao động tại các nước Đông Âu và Cộng hoà Liên bang Nga, đồng thời nhắm đến một loạt các thị trường mới như Úc, Mỹ, Macau... hay các nước Trung Đông: Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.

Trong chiến lược để giữ được thị trường cũ và mở rộng thị trường mới, Việt Nam buộc phải thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao trình độ nghề nghiệp, giáo dục kỷ luật lao động và văn hoá doanh nghiệp cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, ít nhất trong vòng 3 năm nữa, tỉ lệ lao động xuất khẩu đã qua đào tạo nghề phải chiếm tối thiểu khoảng 75% tổng số lao động xuất khẩu hàng năm, trong đó những người có trình độ từ trung cấp nghề trở lên chiếm phân nửa. Vẫn theo lộ trình được vạch ra, sau đó 5 năm sẽ chủ yếu xuất khẩu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và các chuyên gia.

Ngoài việc xuất khẩu lao động thường như hiện nay, chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong khuôn khổ làm việc với các đơn vị trực thuộc của các công ty xuyên quốc gia đã bắt đầu được thực hiện. Điển hình như Tập đoàn Unilever Việt Nam hiện có gần 20 người Việt Nam đang làm quản lý cho Unilever tại các nước châu Á; P&G Việt Nam hiện cũng có 10 nhà quản lý cao cấp trẻ tuổi người Việt đang làm việc tại Singapore, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc và Cộng hoà Liên bang Đức; Tập đoàn vận tải Maersk hiện có 6 người Việt Nam đang làm việc tại Singapore và 2 người khác làm tại Trung Quốc.

Tất cả lao động nước ngoài đều phải xin giấy phép

Theo số liệu của 38 sở lao động thương binh và xã hội và 20 ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, cả nước hiện có trên 34.000 người nước ngoài đang làm việc. Con số này tăng đáng kể khi năm 2004 mới chỉ có 12.602 người; năm 2005 là 21.117 người.

Phần lớn người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là công dân của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Anh, Pháp... Chiếm già nửa trong số này là người châu Á, châu Âu đứng thứ nhì với 14%, còn lại là các châu lục khác. Nhìn chung, về trình độ kỹ thuật của người nước ngoài hiện đang làm việc ở Việt Nam khá cao. Số lao động nước ngoài làm quản lý chiếm khoảng 1/3; chuyên gia kỹ thuật chiếm 41,2% và lao động khác chiếm 27%. Số người có trình độ đại học trở lên chiếm 46,5% và nghệ nhân những ngành nghề truyền thống cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể.

Được biết, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang dự thảo nghị định về tuyển dụng và quản lý người lao động nước ngoài tại Việt Nam. Theo dự thảo nghị định mới này, đối tượng áp dụng là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu sử dụng người nước ngoài được mở rộng, đồng thời mở rộng các hình thức mà Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO như: di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; thực hiện các loại hợp đồng về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hoá, thể thao; các nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng, chào bán dịch vụ.

Dự thảo nghị định mới cũng yêu cầu tất cả các lao động nước ngoài vào làm việc ở Việt Nam đều phải xin giấy phép, trừ lao động làm việc dưới 3 tháng, lao động là chủ doanh nghiệp và lao động chào bán dịch vụ. Việc phân cấp quản lý cũng được tính lại, trước đây trong trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp xin tuyển lao động nước ngoài vượt quá tỷ lệ 3% tổng số lao động hoặc gia hạn giấy phép lao động nước ngoài thì phải trình chủ tịch UBND tỉnh hoặc thành phố quyết định. Nay với dự thảo nghị định mới, việc này được phân về cho các sở lao động thương binh và xã hội.

(Nguồn: Vietnamnet)


Tin khác