Hồi ký Võ Chí Công về cải cách trong nông nghiệp

23/01/2008

Tôi nghĩ vì sao cũng người thanh niên trong hợp tác xã miền Bắc ở miền Nam đánh giặc chịu đựng gian khổ hy sinh lại hăng hái và hết sức tích cực, còn làm ăn trong hợp tác xã thì lại tiêu cực đến thế? Có lẽ đánh giặc cứu nước là động lực nên có tinh thần tích cực, còn trong lao động sản xuất phải chăng chưa tạo ra được động lực.

Sau một thời gian làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thủy sản, tôi được cử sang làm Bộ trưởng Nông nghiệp và phụ trách khối nông, lâm, hải sản. Đây là một lĩnh vực khá quan trọng vì nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân nước ta lúc bấy giờ. Tiềm năng đất đai nước ta khá lớn, 33 triệu ha so với dân số năm 1977, khoảng 50 triệu ha, diện tích canh tác lúc bấy giờ trên dưới 5 triệu ha, nếu khai thác được hết thì khoảng 10 triệu ha, đất lương thực quay vòng phổ biến là 1 vòng, nơi cao nhất 1,2 vòng, đặc biệt tỉnh Thái Bình được gần 2 vòng, khả năng bình quân đưa lên 2 vòng, sau này nhiều nơi đưa lên 2,5 vòng. Ngoài ra, còn bốn triệu ha đất chưa khai hoang, trong đó phần lớn là đất tốt, phân bố chủ yếu ở Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, nếu thực hiện như khả năng trên thì sẽ đạt được trên 20 triệu ha gieo trồng. Diện tích rừng và đất rừng khá lớn, trên 15 triệu ha, trong đó còn rừng 9,5 triệu ha. Thủy sản trữ lượng hai triệu tấn/năm, ngoài ra còn có các loại thủy sản nước lợ, nước ngọt nuôi trồng khá lớn. Đặc biệt nhân dân ta vốn cần cù, thông minh sáng tạo, đã xây dựng nên nền văn minh nông nghiệp lúa nước rực rỡ.

Rõ ràng khả năng hiện thực ở trong tầm tay, nhưng điều làm tôi băn khoăn, lo lắng nhất là nông nghiệp nước ta vẫn chưa giải quyết được vấn đề lương thực cho dân và chăn nuôi, nguyên liệu cho công nghiệp, hàng hóa xuất khẩu. Năm 1977, bình quân lương thực đầu người mới đạt 240 – 250 kg, không đủ cho người ăn, chăn nuôi, trước hết là chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hằng năm tuy sản lượng lương thực có tăng lên nhưng vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu dân số tăng quá nhanh, do đó phải nhập khẩu mỗi năm trên dưới hai triệu tấn lương thực. Cơ sở vật chất – kỹ thuật cũng như công nghiệp chế biến nông, lâm, hải sản quá thấp kém. Hơn nữa các loại vật tư thiết yếu cho các lĩnh vực này quá thiếu thốn.

Năm 1960, miền Bắc căn bản hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp. Bước đầu tổ chức hợp tác xã bậc thấp (gọi là nửa xã hội chủ nghĩa) tiến lên tổ chức hợp tác xã bậc cao tức là từ bậc thấp đưa lên bậc cao (gọi là hợp tác xã xã hội chủ nghĩa).

Tuy có những hạn chế nhất định nhưng hợp tác xã đã có vai trò to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; phải đánh giá vị trí của hợp tác xã một cách khách quan. Trong thực tế mọi công việc kinh tế - xã hội, quân sự, chính trị, văn hóa...; huy động nhân lực, tài lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ chủ yếu là do hợp tác xã đảm nhận. Từ 1965 trở đi, từng đơn vị bộ đội chủ lực, từng đoàn tân binh đã được tập luyện bổ sung náo nức lên đường, rầm rập hành quân trèo núi, leo dốc, lội suối, sang sông, vượt qua các dãy núi Trường Sơn hùng vĩ chi viện cho mặt trận. Tôi ở chiến trường vừa phấn khởi, vừa xúc động khi thấy lớp lớp các chiến sĩ con em đồng bào miền Bắc rời quê hương, gia đình vào miền Nam chiến đấu. Có thể nói quân chủ lực hầu hết là bộ đội miền Bắc.

Miền Bắc là chỗ dựa vững chắc, là nguồn sức mạnh to lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam. Có thể nói rằng nguồn nhân lực, tài lực chủ yếu là dựa vào các hợp tác xã nông nghiệp, một nhân tố lớn trong sự nghiệp đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến tranh kết thúc, những khiếm khuyết của hợp tác xã bộc lộ ngày càng rõ. Trải qua 20 năm (1960 – 1980) loay hoay củng cố, nhiều lần nhập vào, chia ra, làm đi, làm lại mãi, làm đủ cách nhưng hợp tác xã vẫn hoạt động không có hiệu quả. Quần chúng ngày càng phấn khởi lao động sản xuất, không thiết tha lao động trong hợp tác xã, chạy theo công điểm, “rong công phóng điểm”, chỉ quan tâm mảnh đất ruộng 5%, không nghĩ gì đến ruộng đất chung của hợp tác xã. Năng suất, hiệu quả ruộng đất 5% gấp 2, 3 lần của hợp tác xã, cho thấy một bên chăm lo hết mình, năng suất hiệu quả khá cao, một bên hiệu quả ngày càng thấp vì ngày công thấp, thu nhập kém.

Tôi nghĩ vì sao cũng người thanh niên trong hợp tác xã miền Bắc ở miền Nam đánh giặc chịu đựng gian khổ hy sinh lại hăng hái và hết sức tích cực, còn làm ăn trong hợp tác xã thì lại tiêu cực đến thế? Có lẽ đánh giặc cứu nước là động lực nên có tinh thần tích cực, còn trong lao động sản xuất phải chăng chưa tạo ra được động lực.

Trực tiếp đi kiểm tra nhiều nơi và cũng được các tỉnh báo cáo như tình trạng nói trên, tôi rất lo lắng, nếu tình trạng tiêu cực này kéo dài chẳng những sẽ nguy hiểm về kinh tế - xã hội mà còn có thể dẫn đến tiêu cực về chính trị. Với cương vị phụ trách nông nghiệp thấy tình trạng tiêu cực tôi thấy hơi ngan ngán, những nghĩ lại trong thời kỳ hoạt động cách mạng, trong chiến tranh có nhiều lúc, có nhiều vấn đề còn khó gấp nhiều lần, thậm chí có những việc tưởng chừng như bế tắc, nhưng rốt cuộc vẫn tìm ra giải pháp, vượt qua, vẫn giải quyết được, nên tôi vững tin hơn. Tôi nghĩ cần đi sâu vào thực tế tìm cho ra nguyên nhân. Khác với những lần kiểm tra trước, đến là hỏi dăm ba câu, anh em dưới trả lời hiện tượng chung chung theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, lần này tôi quyết tâm làm theo phương pháp đánh giặc: xuống sát chiến trường, để hiểu địch, hiểu ta để chỉ đạo, tác chiến. Do đó không xuống tỉnh, không xuống huyện mà tôi đi thẳng xuống một số hợp tác xã. Phần lớn thời gian tôi gặp các đội trưởng, đội phó đi vào một số gia đình xã viên hỏi thật kỹ, cụ thể cách làm của hợp tác xã và ruộng đất 5%, v.v, đi với đồng bào ra ruộng, xem cách làm, gợi ý cho họ phát biểu... Nhớ lại lúc hoạt động cách mạng, khi làm đường xe lửa ở Đại Lãnh: làm công nhật thì mọi người nói chuyện nhiều hơn làm, toàn chuyện trên trời dưới biển chờ cho hết buổi, hết ngày để lĩnh tiền; làm khoán thì họ làm rất chăm chỉ, đi sớm về tối, kết quả rất cao; lúc ở tù việc nhổ cỏ chỉ cần làm hai ngày là xong nhưng tôi làm mất một tháng, nghĩ đến ruộng 5% tôi đến một số nhà hỏi xem cách làm của họ.

Người ta nghĩ việc làm công nhật và làm công điểm cho hợp tác xã có làm hơn nữa cũng không đem lại lợi ích cho mình, còn làm khoán cũng như làm ruộng 5% người lao động thấy có lợi nên rất hăng hái. Qua đó tôi thấy phải khoán ruộng đất cho xã viên mới tạo được động lực và xóa được tiêu cực. Sau khi xem xét tình hình một cách cụ thể, tôi triệu tập một số đội trưởng, xã viên để thảo luận các cách khoán. Tôi gợi ý một số phương án để mọi người thảo luận, chẳng hạn hợp tác xã giao ruộng cho xã viên cày, cấy hoặc làm cỏ, thu hoạch, còn thủy lợi hợp tác xã đảm nhiệm... Qua thảo luận mọi người đều đồng tình phương án khoán đến người lao động. Tôi làm cách đó trong một số hợp tác xã, ý kiến đều giống nhau, nhưng ban quản trị hợp tác xã, một số đội trưởng lo ngại không quản lý được sản phẩm. Như vậy có thể thấy khoán sẽ giải quyết được lợi ích cho người lao động, tạo ra động lực sản xuất; động cơ lợi ích của người lao động đạt được thì sẽ xóa được tiêu cực.

Sau đó tôi viết thư cho đồng chí Hoàng Quy, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú đề nghị cho làm thí điểm khoán đến người lao động ở xã Thô Thụy, Vĩnh Lạc, huyện Vĩnh Tường. Được đồng chí Quy đồng ý, tôi dẫn hai cán bộ Bộ Nông nghiệp lên huyện gặp một số đồng chí ủy viên Tỉnh ủy, Huyện ủy, bàn kỹ cách làm. Bàn xong thấy ai cũng phấn khởi, hào hứng. Tôi để hai cán bộ của tôi trực tiếp ở lại xã, thỉnh thoảng đến xem và góp ý kiến. Có lần tôi đến vào giữa vụ lúa đông xuân thấy kết quả ruộng khoán rất xanh tốt, khác hẳn ruộng chưa khoán. Nhưng tôi vẫn chưa dám báo cáo với Chính phủ, Ban Bí thư và Bộ Chính trị. Anh em nói đây là làm chui, tôi trả lời: lĩnh vực này là trách nhiệm của tôi, tôi không làm trái đường lối, chủ trương của Đảng, hơn nữa đây mới là thí điểm. Trong khi đó rải rác ở một số tỉnh, nhiều xã bắt đầu làm chui, nhưng làm đủ kiểu cách, chưa có bài bản gì.

Tôi trực tiếp chỉ đạo hai xã, còn gợi ý với tỉnh nếu có cán bộ, chỉ đạo chặt chẽ thì có thể mở rộng ra một số xã nữa. Đến vụ thu hoạch xong tôi đến huyện (ngày xưa gọi là phủ) Vĩnh Tường và cùng các đồng chí Thường vụ tỉnh, huyện họp nghe báo cáo. Kết quả rất tốt: làm khoán mới được nửa huyện, năng suất và sản lượng tăng trên 20% so với hợp tác xã chưa khoán; số lượng lao động, ngày công lao động tăng 20 – 25%, tinh thần nhân dân phấn khởi, sôi nổi, tiêu cực biến mất. Đánh giá thí điểm thành công tốt đẹp về nhiều mặt, tôi động viên, vụ mùa tới nên làm hết cả huyện, còn toàn tỉnh nếu có cán bộ trực tiếp hướng dẫn, hội nghị tập huấn chỉ đạo chặt chẽ thì làm hết cũng được. Cuộc họp sơ kết khoán ở phủ Vĩnh Tường kết thúc, mọi người đều rất phấn khởi, hào hứng.

Ở Hải Phòng, Nghệ Tĩnh cũng có làm khoán chui ở một số hợp tác xã, nhưng quá đơn sơ chưa thoát ra khỏi cơ chế cũ. Tôi đến Hải Phòng nghiên cứu thêm và tổ chức một cuộc hội nghị bàn về khoán để rút kinh nghiệm về chỉ đạo và tổ chức công tác khoán, bởi vì cách làm có bài bản mới mang lại hiệu quả.

Phong trào khoán bắt đầu nở rộ, tình hình đó giúp cho Bộ Chính trị và Thường vụ Chính phủ có cơ sở để nghiên cứu xem xét. Sau khi tôi tập hợp thí điểm khoán ở Vĩnh Phú và Hải Phòng... Bộ Chính trị và Thường vụ Chính phủ có cơ sở thảo luận nhiều, căn bản nhất trí khoán mới nhưng đi vào cụ thể thì các ý kiến còn khác nhau, cuối cùng các anh giao cho anh Nghị và tôi trao đổi thêm, xây dựng dự thảo Chỉ thị 100. Anh Nghị bảo tôi dự thảo, anh sẽ góp ý kiến. Dự thảo xong, anh Nghị có một số ý kiến khác với dự thảo, như vấn đề khoán nhóm. Cuối cùng tôi thỏa hiệp để cho Chỉ thị 100 được ban hành. Tháng 1 – 1981, Chỉ thị 100 ban hành, các địa phương, các cấp và quần chúng nhiệt liệt tán thành, phong trào khoán mới sôi nổi, phấn khởi đi vào thực tế, cuối cùng là khoán đến người lao động, những ý kiến khác trong Chỉ thị 100 cũng biến mất.

Chỉ thị 100 chưa phải đã có tư duy mới đầy đủ, cơ chế quản lý rõ ràng, nhưng cũng bắt đầu từ thực tế đó mà dần dần hình thành tư duy mới, cơ chế quản lý mới trong nông nghiệp.

Võ Chí Công

Trích "Trên những chặng đường cách mạng (hồi ký)" (tr. 292-298)

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001


Tin khác