Chất lượng của đầu tư công là một chỉ báo then chốt cho sự thành công của Chính phủ trong cải cách. Những người hay nhóm có thế lực chính trị thường lợi dụng các dự án đầu tư công để trục lợi cá nhân và trở nên giàu có một cách bất chính. Với tư cách là chủ đầu tư, Nhà nước không thể cho phép các chương trình đầu tư của mình đi chệch khỏi mục tiêu tối đa hóa lợi ích của quốc gia. Khi đầu tư công trở thành đối tượng của các hành vi trục lợi thì một mặt mục tiêu của dự án đầu tư không được thực hiện, đồng thời gánh nặng chi phí sẽ được đặt lên vai của người dân và nền kinh tế.
>>"Lựa chọn thành công: Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của VN"
Với các giáo sư thuộc chương trình VN của Đại học Harvard, chuyến đi đến VN giữa tháng 1-2008 là một trong những chuyến công tác đáng nhớ nhất, bởi đây là lần đầu tiên họ được tiếp kiến Thủ tướng VN tại Văn phòng Chính phủ trong tinh thần "nói thẳng, nói thật".
Đây cũng là lần đầu tiên Chính phủ mời các chuyên gia nước ngoài góp ý phản biện về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của VN.
Là một trong những thành viên tham gia cuộc gặp gỡ ngày 15-1 với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, giáo sư David Dapice - chuyên gia kinh tế trưởng chương trình VN - đã có cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ tại TP.HCM trước khi ông rời VN về Mỹ.
|
Giáo sư David Dapice |
* Thưa giáo sư, đâu là những điểm mấu chốt trong cuộc trao đổi giữa Thủ tướng và các vị khách mời đến từ Harvard? Điều gì trong báo cáo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của VN đến năm 2020 làm ông ấn tượng nhất mà ông xem như là một điểm đột phá trong tư duy quản lý của Chính phủ cho những năm tới? - GS David Dapice: Chúng tôi trao đổi về nhiều vấn đề, trong đó tập trung về những thách thức ngắn hạn và dài hạn đối với sự tăng trưởng của VN. Sự vận hành của nền kinh tế VN trong tương quan với Trung Quốc cùng các nước Đông Nam Á và Đông Á cũng được thảo luận qua các bài học về quản lý trong ngắn hạn và chiến lược công nghiệp. Nhìn chung, chúng tôi có cảm tưởng rằng bản báo cáo chiến lược phát triển đến năm 2020 do Chính phủ soạn thảo có lời lẽ rõ ràng hơn, quyết đoán hơn và mạnh mẽ hơn khi nhận diện những vấn đề còn tồn tại để từ đó đưa ra sự chọn lựa cho VN.
* Ông có thể cho biết những thách thức đối với công tác điều hành của Chính phủ trong năm 2008 là gì? Bản thân ông kỳ vọng những đề xuất phản biện của đoàn công tác Harvard sẽ được Chính phủ tiếp thu đến mức nào?
- Tôi nghĩ nền kinh tế thế giới sẽ có nhiều biến động và tăng trưởng chậm hơn trong năm nay so với một vài năm trước. Điều này cũng tiềm ẩn những thách thức đối với VN, đặc biệt khi năm nay thâm hụt thương mại của VN dự đoán sẽ ở mức cao. Để đối đầu với chúng, VN cần có những chính sách vĩ mô linh hoạt và tập trung hơn. Trong dài hạn, việc nâng chất giáo dục, đầu tư đúng lúc, đúng chỗ và đúng giá cộng với việc tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp sẽ là những giải pháp hàng đầu.
* Các ông đã cảnh báo với Thủ tướng về việc các tập đoàn lớn của VN đang tập trung đầu tư vào lĩnh vực bất động sản khi giá nhà đất tăng chóng mặt trong hơn một năm qua. Có phải đã đến lúc Chính phủ cần "thổi còi" họ không, thưa ông?
- Tôi cho rằng giá đất VN đang quá cao, nếu so sánh với một số nước như Thái Lan và thậm chí là Nhật Bản. Các chính sách thuế về nhà đất đã được các cơ quan quản lý nhà nước đề xuất, nếu được thi hành một cách nghiêm ngặt có thể sẽ hạn chế bớt nạn đầu cơ. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, Chính phủ cần tạo một danh mục đầu tư tài sản tài chính đa dạng hơn, áp dụng một phương thức khoa học hơn khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, và xây dựng một hệ thống đăng ký quyền sở hữu đất đai "tin học hóa" sẽ giúp đưa thị trường bất động sản trở lại trạng thái bình thường.
* Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng có một sự liên thông nào đó giữa thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán VN. Nhìn từ bên ngoài, ông có nhận xét gì về các chính sách tiền tệ, đặc biệt là việc đối xử với nguồn vốn ngoại tràn ngập trên thị trường chứng khoán, của Ngân hàng Nhà nước trong năm qua?
- Chính sách tiền tệ còn phải gánh một loạt áp lực khác chứ không đơn thuần chỉ có Ngân hàng Nhà nước quyết là xong. Điều này cũng giải thích tại sao xu hướng của VN cứ hay dùng tỉ lệ dự trữ bắt buộc và các công cụ kiểm soát định lượng khác thay vì dùng ngay lãi suất để hạ nhiệt lạm phát. Khi một nền kinh tế đã phát triển đến mức độ phức tạp hơn và nguồn cung vốn tăng mạnh thì các phương pháp cũ hiếm khi phát huy hiệu quả. Tôi cho rằng nếu Ngân hàng Nhà nước hoạt động độc lập hơn và có khả năng sử dụng công cụ lãi suất một cách linh hoạt mỗi khi thực tế đòi hỏi thì sẽ là một giải pháp tốt để "chiến đấu" với tình hình hiện nay.
* Các ông đã kiến nghị Chính phủ thận trọng với việc cho những tập đoàn kinh tế nhà nước mở các ngân hàng trong lòng họ, trong khi đây đang là "mốt" kinh doanh thịnh hành ở VN hiện nay với việc EVN, PetroVietnam, Petrolimex… đã tham gia sở hữu ngân hàng. Các nước khác xử lý tình huống này như thế nào, thưa ông?
- Kinh nghiệm của các nước châu Á nơi các tập đoàn kinh tế sở hữu ngân hàng cho thấy đây là một mô hình không hay ho gì, tất nhiên trừ một số trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, có một thực tế rằng sẽ có những khoản trợ cấp ngầm (mà ngân hàng con cung cấp cho các tập đoàn mẹ) làm thiệt hại quyền lợi của những cổ đông khác và những người gửi tiền. Bản thân tôi cho rằng đây là một phương thức làm ăn ẩn tàng nhiều mối nguy cơ hơn là đem lại lợi ích cho nền kinh tế.
* Quay lại một vấn đề rất nóng trong công tác điều hành của Chính phủ năm qua là kiểm soát lạm phát. Ông có thể cho biết lạm phát hai con số năm 2007 đã thật sự là mối đe dọa đến đời sống của người dân VN, đặc biệt là người nghèo?
- Lạm phát là một vấn đề nan giải cho tất cả mọi người, trong đó có người nghèo. Nếu tiền lương không chạy theo kịp với lạm phát, cuộc sống người dân rõ ràng bị ảnh hưởng trực tiếp. Tôi cũng muốn nói thêm là các cuộc đình công mà chúng ta đang chứng kiến hằng ngày có thể là một phần của vấn đề này. Bên cạnh đó, lạm phát cao thường kéo theo sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế, thậm chí là sự suy thoái, mà hậu quả là thất nghiệp tăng cao. Và vào lúc này thì cũng chính người nghèo (và những người khác) lại bị tổn thương trước tiên.
* Xin hỏi thật, ông thấy việc quản trị đầu tư công ở VN trong năm qua có được cải thiện gì không?
- Chất lượng đầu tư công có thể đã được cải thiện về mặt mức độ, cách thức phân bổ vốn và triển khai dự án. Nếu dòng vốn đầu tư ngắn hạn cho những năm sắp tới khan hiếm dần thì cải cách đầu tư công là biện pháp duy nhất để ngăn chặn những khó khăn liên quan đến khả năng tài trợ nhập khẩu và chi tiêu của Chính phủ.
(Theo: Tuổi trẻ)
Mời góp ý chiến lược phát triển kinh tế - xã hội VN | Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và GS Thomas Vellery | Phát biểu tại buổi tiếp giáo sư Thomas Vellery và các thành viên trong Chương trình Việt Nam của Đại học Harvard (Hoa Kỳ) vào chiều 15-1 tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các giáo sư Đại học Harvard tiếp tục góp ý về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của VN, nhất là trong điều hành chính sách tài chính, kinh tế vĩ mô... Thủ tướng cho rằng để thúc đẩy phát triển kinh tế và trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020, VN đang thực hiện nền kinh tế thị trường, đẩy nhanh hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện dân chủ - công bằng xã hội và xây dựng bộ máy quản lý nhà nước hiệu lực với hiệu quả cao. Do vậy, VN rất cần sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, nhất là tập trung phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch - đầu tư và Bộ Ngoại giao làm việc cụ thể với các giáo sư để tư vấn cho Chính phủ VN trong điều hành phù hợp với điều kiện thực tiễn và thông lệ quốc tế. (Theo: Thông tấn xã Việt Nam) |
Chất lượng đầu tư công: Chỉ báo then chốt cho sự thành công
Chất lượng của đầu tư công là một chỉ báo then chốt cho sự thành công của Chính phủ trong cải cách. Những người hay nhóm có thế lực chính trị thường lợi dụng các dự án đầu tư công để trục lợi cá nhân và trở nên giàu có một cách bất chính. Với tư cách là chủ đầu tư, Nhà nước không thể cho phép các chương trình đầu tư của mình đi chệch khỏi mục tiêu tối đa hóa lợi ích của quốc gia. Khi đầu tư công trở thành đối tượng của các hành vi trục lợi thì một mặt mục tiêu của dự án đầu tư không được thực hiện, đồng thời gánh nặng chi phí sẽ được đặt lên vai của người dân và nền kinh tế. Trên thực tế VN đang đánh mất một phần đáng kể nguồn lực của mình do lãng phí và tham nhũng. Công luận không ngớt đưa tin về những dự án cơ sở hạ tầng bị chậm tiến độ, đội giá và chất lượng kém. Trong nhiều trường hợp, dự án được lựa chọn mà không hề căn cứ vào những tiêu chí kinh tế thích hợp. Ví dụ như VN đang đầu tư xây dựng mới rất nhiều cảng nước sâu dọc bờ biển miền Trung, trong khi đó cơ sở hạ tầng ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi hấp thụ gần 60% lượng gia tăng dân số và lao động của cả nước, lại đang quá tải một cách trầm trọng nhưng không được đầu tư thỏa đáng. Dự án đầu tư 33 tỉ USD cho đường sắt cao tốc Bắc - Nam ở thời điểm hiện nay là quá sớm và vì vậy sẽ đóng góp không đáng kể cho tăng trưởng kinh tế, trong khi gia tăng gánh nặng nợ nần cho quốc gia và giảm cơ hội đầu tư cho các dự án khác cấp thiết hơn nhiều. Nhiều cá nhân và nhóm có thế lực chính trị ở VN đang "hô biến" tài sản quốc gia thành sở hữu cá nhân thông qua những phi vụ đất đai mờ ám và cổ phần nội bộ. Ở VN, một đất nước có thu nhập bình quân đầu người khoảng 800 USD/năm, nhưng giá đất lại đắt ngang với những nước giàu nhất thế giới. Không hiếm trường hợp các cá nhân giàu có kiếm được những khoản lợi nhuận kếch sù từ hoạt động đầu cơ bất động sản, và họ làm được điều này chủ yếu là nhờ hệ thống qui định và quản lý nhà nước quá yếu kém. Có doanh nghiệp kinh doanh bất động sản công khai tuyên bố: "Nhờ quản lý quá kém, tôi làm giàu quá nhanh". Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước sẽ là một chủ trương đúng nhằm tăng cường hiệu quả và sức cạnh tranh cho khu vực kinh tế nhà nước, nếu như quá trình này được thực hiện một cách minh bạch và có trách nhiệm. Tuy nhiên trên thực tế, cũng vì quản lý yếu kém nên cổ phần hóa trong nhiều trường hợp đã bị biến thành tư nhân hóa, giúp những người nắm quyền kiểm soát công ty trở nên giàu có trong khi tài sản của dân, của đất nước bị thất thoát nặng nề. (Trích từ tài liệu "Lựa chọn thành công: Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của VN" vừa được các giáo sư ĐH Harvard gửi tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)
|