Tác động của việc gia nhập WTO và hội nhập KTQT đến phát triển KT-XH của Việt Nam: một năm nhìn lại

30/01/2008

Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã xuất hiện nhiều thách thức lẫn cơ hội cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Sau một năm chính thức gia nhập tổ chức này, bên cạnh việc phải đối mặt với những thách thức cần vượt qua, chúng ta cũng đã chủ động nắm bắt và triển khai nhiều cơ hội. Bước đầu chúng ta đã đạt được những thành tựu nhất định: tính 11 tháng đầu năm 2007 tổng vốn FDI tăng gần 40% so cùng kỳ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 40% GDP; đặc biệt đã từng bước hình thành tư duy quản lý và chuẩn mực kinh doanh mới...

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ra Nghị quyết 08 Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới. Nghị quyết đã lường định những tác động nhiều mặt, những cơ hội có được cũng như những thách thức mà nước ta phải vượt qua khi gia nhập tổ chức này.

Một năm đã qua, thời gian chưa dài để đánh giá toàn diện và lượng hóa đầy đủ tác động của sự kiện đó. Nhưng chúng ta đã có thể thấy rõ chiều hướng tác động của nó.

1 - Những cơ hội mới xuất hiện

- Do phải thực hiện cam kết, chúng ta tạo ra được môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, không phân biệt đối xử. Đây là những yếu tố khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hơn nữa, với việc gia nhập WTO, các nhà đầu tư có được thị trường tiêu thụ rộng lớn cho sản phẩm của mình mà không bị phân biệt đối xử. Đây cũng là yếu tố làm tăng khả năng thu hút các nhà đầu tư.

Thực tế đã xuất hiện làn sóng đầu tư đổ vào nước ta từ cuối năm 2006, trong đó có các tập đoàn và công ty lớn khi các nhà đầu tư đã thấy rõ khả năng Việt Nam có thể gia nhập WTO trong năm đó. Làn sóng này tiếp tục mạnh hơn trong năm 2007. Chỉ tính 11 tháng đầu năm 2007 cả nước đã tiếp nhận trên 15 tỉ USD vốn FDI, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước vượt mục tiêu đề ra cho cả năm nay (13 tỉ). Đầu tư từ khu vực dân doanh trong nước cũng tăng nhanh và tăng khoảng 20% so với năm 2006, đưa tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên trên 40% GDP. Đây là cơ sở quyết định để thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm và bảo đảm tăng trưởng.

- Gia nhập WTO chúng ta có thị trường xuất khẩu rộng lớn bao gồm 150 thành viên với mức cam kết về thuế nhập khẩu đã và sẽ được cắt giảm cùng các biện pháp phi quan thuế cũng sẽ được loại bỏ theo nghị định thư gia nhập của các thành viên này mà không bị phân biệt đối xử. Điều đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ta mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thực tế, xuất khẩu 11 tháng ước đạt 43 tỉ 640 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ 2006. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2007 đạt khoảng 48 tỉ USD. Nếu không có sự sụt giảm về sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu thô thì tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu còn cao hơn so với mức tăng của năm 2006. Điều đáng chú ý là: lần đầu tiên trong nhiều năm, tốc độ tăng xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước cao hơn khu vực có vốn nước ngoài (22,1% so với 18,6%) chứng tỏ các doanh nghiệp trong nước đã năng động khai thác thị trường - cơ hội do việc gia nhập WTO mang lại; do không bị khống chế về hạn ngạch khi trở thành thành viên của WTO, 11 tháng kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt trên 7 tỉ USD, tăng 32% so với cùng kỳ chiếm trên 16% tổng kim ngạch xuất khẩu; xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm các hàng hóa khác mà chúng ta không thống kê được các sản phẩm cụ thể tăng mạnh, tỉ lệ tăng 38,9% với kim ngạch 8 tỉ 700 triệu USD chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu (nếu thống kê rõ được chi tiết các sản phẩm, chúng ta sẽ có những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn).

Đầu tư và xuất khẩu tăng, thị trường nội địa được mở rộng tạo điều kiện cho công nghiệp và dịch vụ phát triển, nên GDP tăng gần 8,5%, là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua.

2 - Hình thành tư duy quản lý và chuẩn mực kinh doanh mới

Đầu tư từ khu vực dân doanh trong nước tăng nhanh và tăng khoảng 20% so với năm 2006, đưa tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên trên 40% GDP

Mặc dù chúng ta chủ động đổi mới hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế để hội nhập khu vực và quốc tế, nhưng do sự níu kéo của tư duy cũ nên tiến trình đổi mới diễn ra thiếu đồng bộ, tư tưởng bao cấp còn nặng, còn có sự phân biệt đối xử giữa quốc doanh và dân doanh; tính công khai, minh bạch kém; chậm hình thành đồng bộ các yếu tố của kinh tế thị trường. Điều này, một mặt, do chưa phát huy đầy đủ tiềm năng và thế mạnh của các thành phần kinh tế, làm cho việc phân bố nguồn lực thiếu hiệu quả, giảm sức cạnh tranh. Mặt khác, không tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp ít quan tâm đến việc nghiên cứu thị trường và hoạch định chiến lược kinh doanh, phát hiện lợi thế so sánh và tìm cách tận dụng lợi thế so sánh, xây dựng chuẩn mực kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp mà thường dựa dẫm vào sự bao cấp của Nhà nước, thiên về "kinh doanh cơ hội" có tính "chụp giật".

Việc thực thi các cam kết về mở cửa thị trường, áp dụng nguyên tắc không phân biệt đối xử, xóa bỏ bao cấp và các loại trợ cấp bị cấm, công khai minh bạch các cơ chế chính sách kinh tế, thực hiện các tiêu chuẩn về vệ sinh động thực vật (SPS), thực hiện hiệp định rào cản thương mại (TBT), bảo hộ quyền sở hữu tài sản trí tuệ... chẳng những thúc đẩy việc hình thành tư duy mới, các chuẩn mực quản lý mới trong quản lý nhà nước mà còn buộc các doanh nghiệp quan tâm đến việc xây dựng chiến lược kinh doanh, tiếp cận thị trường, tạo dựng thương hiệu, hình thành chuẩn mực kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp.

Đương nhiên, mức độ và hiệu quả của các tác động này tùy thuộc vào cố gắng của từng cơ quan, doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế, tác động này là khá rõ. Chúng ta đã đạt được những kết quả cụ thể trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế, những tiến bộ trong cải cách thủ tục hành chính. Đề án hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang được khẩn trương xây dựng và đã được đặt vào chương trình nghị sự của Hội nghị Trung ương VI. Khu vực doanh nghiệp cũng có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều doanh nghiệp đang áp dụng các bộ tiêu chuẩn quản lý theo tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), công cụ nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp sau hội nhập 6-SIGMA và các thực tiễn quản trị tốt. Phong trào xây dựng và quảng bá thương hiệu diễn ra khá rầm rộ. Các mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước cũng như giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã xuất hiện.

3 - Những thách thức đang tác động ngày càng rõ hơn

Lần đầu tiên trong nhiều năm, tốc độ tăng xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước cao hơn khu vực có vốn nước ngoài (22,1% so với 18,6%).

- Tuy có được những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ phải thẳng thắn thừa nhận rằng những chuyển biến tích cực nêu trên là không đồng đều và không đủ mạnh để có thể tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, tạo ra những bứt phá mới. Cải cách hành chính tuy có đạt được những kết quả nhất định nhưng nhiều khâu còn trì trệ, gây phiền hà và làm tăng chi phí giao dịch. Chúng ta chưa xây dựng được một bộ chuẩn mực về thủ tục hành chính để áp dụng chung cho các địa phương trên cơ sở phân tích và tổng kết những thực tiễn tốt nhất. Hệ thống pháp luật vẫn thiếu đồng bộ, chồng chéo, vừa kém hiệu quả, vừa tăng gánh nặng pháp lý lên người dân và doanh nghiệp. Môi trường kinh doanh của nước ta, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), vẫn đứng ở nửa dưới của bảng xếp hạng (thứ 91/181). Trong đó, các tiêu chí về thời gian nộp thuế, làm thủ tục hải quan, khả năng tiếp cận nguồn tín dụng, thời gian cần thiết để gia nhập thị trường, phá sản doanh nghiệp là những khâu có vị trí xếp hạng thấp hơn cả. Năng lực cạnh tranh toàn cầu của nước ta cũng bị tụt đi 4 bậc và xếp thứ 68/131 so với vị trí 64 một năm trước đó (sự tụt hạng này có lý do vì có 3 trên 8 nền kinh tế mới đưa vào xếp hạng năm nay xếp trên nước ta). Nếu xét riêng năng lực cạnh tranh từng sản phẩm cụ thể (một trong những thách thức mà ta phải đương đầu được nhấn mạnh trong Nghị quyết VIII) theo công thức (Xuất - Nhập) / (Xuất + Nhập) thì trừ một số sản phẩm nông nghiệp (gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu) còn lại, năng lực cạnh tranh phần lớn sản phẩm của ta là thấp. Ngay cả mặt hàng dệt may, mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 sau dầu thô thì cũng phải nhập tới 70% -80% nguyên, phụ liệu. Các mặt hàng giày dép, sản phẩm nhựa, dây điện và cáp điện... đều trong tình trạng tương tự. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập siêu lớn trong năm 2007. Điều này bắt nguồn từ cơ cấu sản xuất dịch chuyển chậm, công nghiệp phụ trợ kém phát triển, làm cho nền kinh tế nước ta phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa, sự biến động từ thị trường ngoài nước tác động rất nhanh, rất mạnh đến thị trường trong nước, đều đã được nêu rõ trong Nghị quyết 8. Công nghiệp phụ trợ phát triển chậm, làm gia tăng sự phụ thuộc vào thị trường thế giới, đẩy chi phí trung gian lên cao, nhất là khi giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới tăng mạnh. Những hạn chế có tính cơ cấu đã hình thành nhiều năm chậm được khắc phục cùng với những yếu kém trong quản lý tiền tệ, làm cho lạm phát năm nay ở nước ta vừa có biểu của lạm phát giá cả do chi phí đẩy vừa có biểu hiện lạm phát tiền tệ.

- Trong năm 2007 chúng ta tiếp tục thu được kết quả ấn tượng về xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, đã đưa tỉ lệ hộ nghèo từ 18% năm 2006 xuống còn 14,7% năm 2007 - một thành tựu được WB đánh giá cao. Tuy nhiên, giá cả tăng mạnh cùng với thiên tai, dịch bệnh đã làm cho đời sống một bộ phận dân cư đặc biệt là nông dân khó khăn hơn, khoảng cách giàu nghèo ngày càng dãn ra, ảnh hưởng đến định hướng của sự phát triển. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định miễn thuỷ lợi phí cho nông dân và đã chỉ đạo các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát để loại bỏ các khoản thu không hợp pháp nhằm giảm bớt sự đóng góp của nông dân. Những việc làm đó thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với nông dân. Mặc dù vậy, vẫn chưa có chuyển biến lớn trong nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là trong tổ chức sản xuất và dịch chuyển cơ cấu kinh tế. Thách thức đối với nông nghiệp và nông thôn nước ta vẫn còn rất gay gắt.

4 - Đổi mới mạnh hơn để tăng tốc phát triển

Do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và xu thế toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc với những tác động tích cực và tiêu cực của nó, chúng ta đang sống trong một thời đại mà thế giới thay đổi rất nhanh và biến động khó lường . Bối cảnh mới làm cho toàn cầu hóa kinh tế ngày càng sâu sắc; sự hình thành kinh tế tri thức; sự phát triển liên tục của công nghệ và sáng tạo; cải cách và tái cấu trúc kinh tế diễn ra khắp nơi; các liên kết kinh tế xuất hiện ngày càng nhiều; mạng lưới kinh doanh và chuỗi giá trị toàn cầu phát triển; chủ nghĩa bảo hộ mới và những hàng rào kỹ thuật hiện đại; sự khan hiếm các nguồn nguyên liệu và năng lượng ; những thách thức về môi trường, dịch bệnh và an ninh phi truyền thống tác động đến tăng trưởng và ổn định; những điều chỉnh chiến lược trong các công ty bao gồm hình thái tổ chức; sự chạy đua giữa các quốc gia trong quá trình phát triển; vai trò tăng lên của các tổ chức phi chính phủ; ý thức dân chủ của người dân ngày càng mạnh mẽ...

Tỷ lệ hộ nghèo từ 18% năm 2006 xuống còn 14,7% năm 2007 - một thành tựu được WB đánh giá cao.

Thích ứng với bối cảnh đó, thế giới đang thực hiện các chuyển hướng lớn: từ kỷ nguyên công nghệ chế tạo sang kỷ nguyên công nghệ cao do công nghệ thông tin dẫn dắt; từ lao động cơ bắp sang lao động trí tuệ; từ sản xuất vật chất sang dịch vụ; từ thị trường quốc gia sang thị trường khu vực và thế giới; từ phân công lao động theo nguồn lực sang tối ưu hóa hoạt động thị trường; từ chạy theo tốc độ tăng trưởng cao sang ưu tiên phát triển bền vững; từ đáp ứng nhu cầu cơ bản sang nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bối cảnh quốc tế và các chuyển hướng nêu trên tác động đến mọi quốc gia trong đó có Việt Nam. Để thích ứng với bối cảnh đó, vượt qua các thách thức phát triển, chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy mạnh hơn nữa:

- Đổi mới tư duy phát triển: Chuyển từ phát triển theo cái mình muốn hoặc cái mình có sang phát triển dựa vào lợi thế so sánh dài hạn, bảo đảm quy mô kinh tế trên tầm nhìn liên vùng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, để có thể chiếm giữ các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này có liên quan đến việc lựa chọn mô hình tăng trưởng, cũng là mô hình công nghiệp hóa.

- Đổi mới quan niệm quản lý: Chuyển từ quan niệm quản lý chủ yếu là để xác lập trật tự sang quan niệm quản lý chủ yếu là để thúc đẩy phát triển.

- Thay đổi quan điểm về mối quan hệ giữa nhà nước và người dân. Từ chỗ coi nhà nước là thuộc "phân hệ quản lý" còn người dân thuộc "phân hệ bị quản lý" sang quan điểm người dân là chủ thể của sự phát triển, các cơ quan nhà nước phục vụ vào sự phát triển đó.

Thay đổi chức năng của nhà nước, thay vì nhà nước làm tất cả, bao cấp tất cả sang quan niệm nhà nước xây dựng quy hoạch, ban hành cơ chế chính sách để dân làm, nhà nước bảo đảm ổn định vĩ mô, chăm lo phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, phát triển các dịch vụ công (ngay cả những việc này nhà nước cũng không thể làm tất cả mà phải tạo cơ chế chính sách để huy động các thành phần kinh tế cùng làm).

- Phát triển bền vững phải là quan điểm xuyên suốt trong quá trình điều hành kinh tế.

Phải trên nền tảng của đổi mới tư duy mà khẩn trương hành động. Bởi lẽ, tư duy lành mạnh bao giờ cũng dẫn đến hành động cải tạo hiện thực theo hướng tiến bộ. Đó là bản tính và bản lĩnh của người cách mạng. Chính phủ đã sớm ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương. Tuy nhiên, việc triển khai của các ngành và các địa phương còn chậm, cần khẩn trương khắc phục tình trạng này, bảo đảm cho chương trình hành động của Chính phủ được thực hiện có kết quả.

Trương Đình Tuyển

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Thương mại.

(Nguồn: Tạp chí Cộng sản điện tử)


Tin khác