Nông nghiệp Việt Nam: Chống chọi với WTO

02/01/2008

Năm 2007 được đánh giá là một năm khá thành công của xuất khẩu (XK) nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên ngành này vẫn đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt, trên thị trường xuất khẩu và ngay tại sân nhà.

Hạn chế thông tin

Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch thương mại - dịch vụ 11 tháng năm 2007 của Vụ Thương mại và dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 11 tháng đầu năm, tỷ trọng XK của nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam rất khả quan. Kim ngạch XK của gạo tăng 15%, thủy sản tăng11,9% , cà phê tăng 35,6%, rau quả tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2006.

Bên cạnh đó, nông sản VN đã mở rộng thị trường sang nhiều nước trong khu vực và cả các thị trường lớn, đầy khó tính như EU, Úc, Nhật Bản… Nhiều mặt hàng nông sản đứng ở mức giá cao. Lần đầu tiên giá gạo xuất khẩu của VN tăng bằng giá gạo Thái Lan, thậm chí vượt.

Thế nhưng, đó chưa hẳn là tín hiệu lạc quan bởi giá thị trường năm nay tăng đột biến là nguồn cung lương thực thực phẩm luôn đặt trong tình trạng không đủ cầu và giảm sản lượng. Dự báo cả năm, sản lượng gạo XK của Việt Nam chỉ đạt 4,5 triệu tấn. Như vậy, sản lượng gạo xuất khẩu liên tục giảm sút qua các năm: năm 2005 XK 5,2 triệu tấn, năm 2006 XK 4,65 triệu tấn. Các mặt hàng khác như thủy sản, cà phê, điều thô… cũng ở vào tình trạng tương tự.

Một bất cập là nhiều địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam không được cơ quan nào cung cấp thông tin để nắm bắt kịp thời, rõ ràng các qui định về nhập khẩu nông sản của các thị trường XK đến. Tại một cuộc tiếp xúc mới đây với các chuyên gia kinh tế của Phòng thương mại Châu Âu (EROCHAM), một số Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm và doanh nghiệp xuất khẩu lương thực thực phẩm VN đã cho biết họ có rất ít kênh cung cấp thông tin về điều kiện nhập khẩu tại thị trường châu Âu nói riêng và các thị trường khác nói chung.

Một chuyên gia của EROCHAM cho gợi ý: “Chỉ cần thiết lập mối quan hệ đối tác với một nước trong khối EU thì hàng hóa của của VN sẽ dễ dàng vào các nước thành viên khác trong khối. Chẳng hạn Pháp chính là đầu mối để hàng hóa thâm nhập sang Đức dễ dàng.”

Một yếu tố không kém quan trọng nữa là thị trường Châu Âu đặc biệt khắt khe về tiêu chuẩn thân thiện với môi trường, trong khi đó, do chưa năm rõ đòi hỏi này, nhiều nhà XK Việt Nam đã bị loại.

Sự hạn chế về thông tin là một trong những rào cản lớn bên cạnh hàng rào kỹ thuật khắt khe của nước nhập khẩu khiến cho con đường XK của nông sản Việt Nam càng thu hẹp.

Không chuyển biến

Nhận định chung của các chuyên gia, nhà quản lý, DN xuất nhập khẩu, là xuất khẩu nông nghiệp năm qua không có gì mới mẻ hơn trước khi vào WTO.

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cao cấp, đó là kết quả tất yếu của một nền nông nghiệp có kết cấu hạ tầng yếu và trình độ dân trí thấp. Theo ông, một năm gia nhập WTO, trong khi khu vực thành thị và xuất khẩu đã có những cải thiện và tiến bộ rõ rệt thì những tiến bộ trong khu vực thành thị chậm hơn đáng kể. Quy trình “nông nghiệp sạch”, việc bảo đảm các tiêu chuẩn thực phẩm SPS theo WTO và yêu cầu của các nước nhập khẩu còn có khá nhiều hạn chế. Việc 80% cà phê bị loại trên thị trường Luân Đôn và số các vụ vi phạm định mức vệ sinh nông sản của Việt Nam do các nước Mỹ, Nga, Ấn Độ cảnh báo cho thấy khoảng cách giữa khả năng đáp ứng của nông sản Việt Nam so với yêu cầu của thị trường là không nhỏ.

Liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATVSTP), ông Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp TP.HCM nhận định: hiện Việt Nam còn thiếu, yếu và chưa thống nhất về các qui định ATVSTP nên các doanh nghiệp xuất khẩu bị rơi vào “mê hồn trận” các loại “chuẩn” và có “sức đề kháng” thấp trước rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Ngược lại, điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng tự vệ của nông sản Việt Nam đối với nông sản ngoại nhập.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam tuy được nhắc đến nhiều nhưng chưa được đầu tư đúng mức.

Những yếu kém đó khiến sản phẩm nông nghiệp VN không những thua trên thị trường xuất khẩu, mà còn bị thất thế trên sân nhà. Thực tế cho thấy, lúa mì, đậu tương, ngô của Mỹ; gạo, trái cây Thái Lan và Trung Quốc đang ồ ạt tràn vào Việt Nam và đang được người tiêu dùng trong nước chấp nhận.

Thay đổi đồng bộ.

Theo Vụ kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn) sau một năm gia nhập WTO, đã có 42 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào nông nghiệp VN nhưng chỉ chiếm 10,6% tồng số dự án và 6,5% số vốn đăng ký. Con số này quả thật còn rất khiêm tốn đối với một quốc gia mà nền nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu kinh tế như Việt Nam. Hơn nữa, phần đông các nhà đầu tư này đều ở Châu Á. Trong khi đó, những cường quốc về nông nghiệp như Mỹ, Canada, Úc… lại chưa chú ý tới Việt Nam. Trách nhiệm đó phụ thuộc phần nhiều vào các nhà hoạch chiến lược.

Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong cơ chế hội nhập, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, tập trung vào các vần đề như: tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp; thành lập các tập đoàn xuất khẩu từng mặt hàng cụ thể để tăng sức cạnh tranh; thay đổi tư duy, thực hiện các liên kết hợp tác, giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu, phổ biến thông tin.

Theo ông Từ Minh Thiện, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam, trước hết, nông dân cần được định hướng tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao như cây, con giống chất lượng cao; bò sữa, thủy sản, rau an toàn, cá sấu, cá kiểng, hoa, cây cảnh.v.v với công chất lượng đồng bộ, năng suất cao, công nghệ sau thu hoạch hiện đại bao gồm vận chuyển, phơi sấy, bảo quản, sơ chế thay vì cách làm manh mún, tự phát và “dàn hàng ngang mà tiến” như lâu nay.

Bên cạnh đó, cần thiết phải sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống qui định về hàng rào kỹ thuật để nâng cao khả năng tự vệ cho các mặt hàng có khả năng cạnh tranh thấp như trái cây, thịt heo…

(Theo VNN)


Tin khác