“Khoán” ở Hải Phòng

13/02/2008

Được làm việc với đồng chí Lê Thanh Nghị, đồng chí cho biết cái khổ, cái cực và cái tủi của một con người đại diện cho một đất nước có nhiều tiềm năng về sản xuất nông nghiệp mà không làm ra thóc cứ vác rá đi xin trợ cấp lương thực, bước hai xin vay dài hạn. Không biết tình hình này còn bao nhiêu bước vay nữa...

Trước ngày thành lập huyện, tình hình nông nghiệp của các hợp tác xã làm theo chế độ công điểm, ai làm được nhiều công điểm thì được hưởng nhiều thóc. Làm theo công điểm, bà con xã viên đều chạy theo công điểm; còn việc chăm bón, làm cỏ lúa, trừ sâu bệnh, diệt chuột... năng suất lúa ra sao đều khoán trắng cho ban chủ nhiệm... Chính vì vậy đã dẫn đến năng suất lúa đạt thấp, đời sống xã viên thiếu đói triền miên, gây bất ổn định trong nông thôn. Nhất là gia đình thuộc diện chính sách, các gia đình ít lao động chính trong nông nghiệp. Có những nơi mới cấy xong, lúa chết hàng trăm mẫu, có những cánh đồng lúa quá xấu xã viên không thiết thu hoạch đã bỏ ruộng đi tìm kiếm việc khác để sống qua ngày. Từ tình hình sản xuất ruộng đồng khó khăn ấy nên một vài HTX ở mấy nơi như: xã Đoàn Xá, xã Minh Tân (huyện An Thụy), xã Bắc Hà (thị xã Kiến An)... đã bí mật khoán ruộng, lợn cho xã viên chăn nuôi... vì sợ vi phạm điều lệ HTX nông nghiệp; nếu cấp trên biết sẽ bị kỷ luật như tỉnh Vĩnh Phú chẳng hạn.

Từ tình hình diễn biến như vậy, đến ngày 10-3-1980 Chính phủ đã điều chỉnh địa giới, tách huyện An Thụy ra làm hai, An Lão với thị xã Kiến An hợp thành huyện Kiến An. Đến ngày 25-3-1980, Thành ủy ra quyết định thành lập Đảng bộ huyện Kiến An (đồng chí Bùi Quang Tạo – Bí thư Thành ủy ký). Đến cuối tháng 4, Thành ủy triệu tập cuộc họp do đồng chí Bí thư Thành ủy chủ trì hội nghị. Mục đích của cuộc họp là nghe các đồng chí bí thư các huyện phản ánh đời sống của nhân dân, khâu sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn như thế nào? Một số ý kiến của các huyện đề nghị Thành ủy nghiên cứu có phương kế nào tháo gỡ để giải quyết đời sống vô cùng khó khăn cho bà con vì có nhiều bà con xã viên đã bỏ đồng ruộng, bỏ quê hương đi lang thang kiếm sống. Đồng chí Bí thư Thành ủy xúc động và xin tiếp thu những ý kiến của các đồng chí lãnh đạo và hứa giải quyết...

Sau cuộc họp này, đồng chí Tạo đã cử cán bộ xuống các huyện nghiên cứu thực tế về đời sống, sản xuất của bà con xã viên để về báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy. Thường trực Thành ủy đã dự thảo Nghị quyết số 24 của Ban Thường vụ Thành ủy về khâu khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Đồng chí Bí thư cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy tranh thủ ý kiến của một số huyện, trong đó có huyện Kiến An. Sau khi nghe phản ánh của một số huyện, đồng chí Bí thư Thành ủy lên báo cáo với Ban Bí thư Trung ương Đảng về vấn đề khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Đồng chí Bùi Quang Tạo ở Trung ương đã về thống nhất với Ban Thường vụ Thành ủy ra Nghị quyết số 24 của Ban Thường vụ Thành ủy. Sau khi ra nghị quyết số 24, Thường trực Thành ủy đã triệu tập các Bí thư Huyện ủy lên họp để quán triệt tinh thần Nghị quyết số 24 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Đồng chí Tạo báo cáo trước hội nghị là: Tôi đã trực tiếp báo cáo vấn đề này với Ban Bí thư Trung ương Đảng mới được một nửa các đồng chí tán thành, còn một nửa các đồng chí chưa đồng ý... Nhưng về phía ta cứ quyết tâm làm vì đời sống nhân dân của một số huyện, một số vùng thiếu đói nghiêm trọng.... Tôi lại tiếp tục lên báo cáo với Ban Bí thư: Nếu Ban Bí thư Trung ương Đảng chưa nhất trí cao, có cách chức Bí thư Thành ủy tôi xin chịu trách nhiệm. Còn các đồng chí bí thư các huyện cứ triển khai theo tinh thần Nghị quyết số 24 của Ban thường vụ Thành ủy. Trong khi các đồng chí tiến hành, Thường vụ Thành ủy lấy một huyện làm điểm triển khai khoán sản phẩm trong nông nghiệp để rút kinh nghiệm cho toàn thành phố. Nói xong, đồng chí Tạo chỉ định huyện Kiến An làm điểm để rút kinh nghiệm.

Nhưng thực tế tôi được nghe một đồng chí nói lại là đồng chí Tạo lên báo cáo lần thứ 3 vẫn không được các đồng chí nhất trí cao khoán sản phẩm trong nông nghiệp.

Đồng chí Tạo không biết làm cách nào để thuyết phục một số đồng chí lãnh đạo cấp cao tán thành quan điểm “khoán”. Nhớ đêm tháng 3 ấy, đồng chí Tạo, đồng chí Thành đã thức trắng tìm phương kế và đi đến kết luận: Phải dùng tình cảm thuyết phục từng đồng chí một may ra mới có kết quả... Việc này anh Thành sáng mai cắp cặp lên Trung ương...

Đồng chí Đoàn Duy Thành nhận trọng trách lên báo cáo với Trung ương Đảng. Với tinh thần “thuyết phục” vì đồng chí đã suy nghĩ vấn đề này nhiều năm, vì sao nhân dân ta có nhiều ruộng đất mà vẫn phải nhập lương thực từ 500 nghìn tấn đến 600 nghìn tấn. Không những phải đi vay tiền để nhập lương thực mà còn không đủ ăn. Riêng thành phố Hải Phòng năm nào cũng phải huy động cán bộ đi chống đói, đến vụ thu hoạch lại phải đi gặt lúa giúp nông dân... Phải chăng vì nông dân thiếu ý thức lao động; vì trình độ kỹ thuật và cơ sở vật chất kém; hay vì cơ chế quản lý không phù hợp? Với lập luận này đồng chí Đoàn Duy Thành đã gặp đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn báo cáo chi tiết và nói rõ quan điểm của mình là vì mắc ở khâu: “cơ chế quản lý không phù hợp” do vậy dân thiếu đói... Đồng chí Lê Duẩn tán thành ý kiến của đồng chí Thành phân tích và đồng ý cho “khoán” và ngày hôm sau sang báo cáo với đồng chí Chủ tịch nước Trường Chinh:

- Đồng chí Trường Chinh bảo Hải Phòng các anh chỉ tính khoán chui, chắc các anh lại học tập anh Kim Ngọc ở Vĩnh Phú chăng? Hôm vừa rồi tôi đã phê bình anh Bùi Quang Tạo về việc khoán chui ở Hải Phòng... Tôi thấy trong lúc này mà cứ dùng phương châm “thuyết phục” với đồng chí Chủ tịch nước thì chưa ổn... tôi phải nói lái sang câu chuyện khác: Báo cáo Chủ tịch, hôm 10/2 được làm việc với đồng chí Lê Thanh Nghị, đồng chí cho biết cái khổ, cái cực và cái tủi của một con người đại diện cho một đất nước có nhiều tiềm năng về sản xuất nông nghiệp mà không làm ra thóc cứ vác rá đi xin trợ cấp lương thực, bước hai xin vay dài hạn. Không biết tình hình này còn bao nhiêu bước vay nữa, anh Nghị nói, tôi rưng rưng nước mắt... Và cứ thế trong 5 lần, đồng chí Đoàn Duy Thành dùng mọi hình thức: báo cáo, thuyết phục và tình cảm, đồng chí Chủ tịch nước Trường Chinh mới cho “Khoán sản phẩm trong nông nghiệp”. Đồng chí Chủ tịch nước nhấn mạnh cho khoán nhưng phải làm đúng điều lệ HTX nông nghiệp...

Trích "Khoán sản phẩm nông nghiệp ở Kiến An ngày ấy"

Vũ Ngọc Làn (kể) - Bồ Anh Tuấn (ghi)

Nhà xuất bản Hải Phòng, 2002, trang 6-13


Tin khác