Thành phố Hồ Chí Minh mời các nhà khoa học vào cuộc

15/04/2008

TP Hồ Chí Minh vừa vạch ra mục tiêu, nhiệm vụ cần thực hiện trong năm 2008 của các nhà khoa học và quản lý khoa học công nghệ (KHCN). Với mảng khoa học xã hội là nghiên cứu các vấn đề sát với cuộc sống, giải quyết bài toán quản lý xã hội. Còn lĩnh vực KHCN, vấn đề đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh là "đơn đặt hàng" quan trọng hàng đầu của TP Hồ Chí Minh.

Kéo nhà khoa học vào cuộc

Khoa học không phải là "mì ăn liền". Có những công trình, những nghiên cứu phải được hình thành qua hàng chục năm, qua nhiều thế hệ của các nhà khoa học. Vì vậy, chúng ta không thể chỉ yêu cầu các nhà khoa học phải nghiên cứu ngay "bề nổi", nghiên cứu nhanh, ứng dụng nhanh.

"Theo tôi, cần có những chương trình, những nghiên cứu dài hơi, những kế hoạch năm năm, mười năm hay xa hơn nữa trong lĩnh vực khoa học công nghệ". Ðó là ý kiến của ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết năm 2007, do Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Song, ông Nguyễn Thành Tài cũng nhấn mạnh: Bên cạnh việc nghiên cứu những vấn đề cơ bản hay các công trình, dự án lớn, TP Hồ Chí Minh cũng cần những nghiên cứu giải quyết bài toán phát triển hiện nay.

Các chương trình chủ yếu trong năm 2008 sẽ là đẩy mạnh chương trình robot công nghiệp; chương trình phát triển năng lượng mới và nhiên liệu sinh học. Triển khai các dự án chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển tạo ra những sản phẩm công nghệ cao; ứng dụng công nghệ hiện đại xây dựng mô hình đô thị ba chiều phục vụ quản lý đô thị thành phố; Dự án quy hoạch phát triển kinh tế biển, ven biển thuộc khu vực thành phố; Dự án Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ...

Mở rộng cơ chế hoạt động và đãi ngộ

Ðể thực hiện các yêu cầu trên, một vấn đề quan trọng là đổi mới cách quản lý khoa học công nghệ hiện nay. Theo UBND TP Hồ Chí Minh, năm 2008, thành phố sẽ phát huy cơ chế đặt hàng; giao nhiệm vụ KHCN gắn kết chặt chẽ với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Ða dạng các chương trình liên kết, hợp tác, tạo bước phát triển đột phá cho hoạt động KHCN; áp dụng cơ chế khoán kinh phí nghiên cứu khoa học, đưa quan điểm mới vào trong vấn đề nghiên cứu khoa học: không bó buộc các nhà khoa học trong các quy định tài chính chi tiết, mà khoán trọn gói kinh phí cho một đề tài, dự án. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về KHCN, từ cấp quận, huyện. Tạo điều kiện phát huy vai trò của các hiệp hội, hội quần chúng trong thực hiện các hoạt động khoa học kỹ thuật, tư vấn, tham gia giám sát hành nghề. Mở rộng hợp tác quốc tế để tăng cường nguồn lực, thu hút các nguồn vốn đầu tư cho KHCN. Tạo lập, phát triển thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm, dịch vụ khoa học công nghệ.

Trong năm 2008, một giải pháp hỗ trợ cũng rất được các nhà quản lý quan tâm là đưa Quỹ Phát triển KH và CN thành phố, với số vốn 50 tỷ đồng vào hoạt động có hiệu quả.

Ðây cũng là năm mà TP Hồ Chí Minh tập trung xây dựng và triển khai các dự án: Ðầu tư hệ thống tính toán hiệu năng cao cho Viện KH và CN tính toán; đầu tư xây dựng trung tâm thiết kế chế tạo thiết bị mới; đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm của thành phố về phân tích và thí nghiệm làm cơ sở kiểm định chất lượng sản phẩm trình độ cao ngang tầm quốc tế. Triển khai đề án đổi mới cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng lực lượng KHCN ở thành phố và người Việt Nam ở nước ngoài.

Tin khác