Xây dựng chỉ tiêu tối thiểu về số công bố quốc tế

05/03/2008

Rất nhiều ý kiến trên diễn đàn của Tia Sáng đòi hỏi công trình nghiên cứu, đặc biệt là công trình của các nghiên cứu sinh trong nước phải được đăng trên các tạp chí quốc tế. Đó là điều vô lý với Một quốc gia chưa có trường đại học nào nằm trong Top 500 của thế giới, đầu tư cho nghiên cứu thấp như Việt Nam.

Chính vì vậy, chỉ nên yêu cầu bắt buộc chất lượng quốc tế đối với (i) các công trình nghiên cứu được đầu tư thoả đáng hoặc (ii) để bổ nhiệm các chức danh đặc biệt (trưởng khoa, phòng, bộ môn, phó giáo sư, giáo sư.v.v...) Còn với những nghiên cứu ngoài ngân sách nhà nước, hoặc với đầu tư thấp như đào tạo tiến sĩ trong nước hiện nay chỉ nên khuyến khích xuất bản quốc tế, chứ không thể ép buộc.

Để giải quyết các vấn đề trên tôi đề nghị:

1. Chương trình quốc gia về Nghiên cứu và Phát triển Khoa học cần đề ra các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn dựa trên tiêu chuẩn Chỉ số Quốc gia về ISI (Institute for Scientific Information).

2. Quản lý số công trình chất lượng quốc tế theo cơ quan và đề tài nghiên cứu chứ không theo cá nhân làm nghiên cứu. Ví dụ, hàng năm mỗi khoa/phòng ở các viện/trường/trung tâm nghiên cứu cần đăng ký số lượng xuất bản quốc tế theo kỳ hạn; ngắn hạn (trong vòng 1 năm) và trung hạn( 2-5 năm). Số đăng ký này có thể hiệu chỉnh theo từng năm để phù hợp với tình hình thực tế. Nhà nước dựa trên cơ sở đó để phân bổ ngân sách. Ngay cả trong trường hợp ngân sách không đủ, các cơ sở nghiên cứu lớn vẫn cần tự trang trải để thực hiện những yêu cầu tối thiểu về số công trình chất lượng quốc tế do Bộ chủ quản quy định. Ngược lại, các Bộ chủ quản cần nhanh chóng xây dựng những chỉ tiêu tối thiểu về số xuất bản quốc tế này. Chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu bằng ngân sách cũng cần cam kết chất lượng của sản phẩm nghiên cứu theo tiêu chuẩn quốc tế.

3. Đầu tư xây mới hoặc chỉ định một số khoa/phòng trở thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm. Ở các khoa/phòng này, có thể yêu cầu chất lượng quốc tế đối với hầu hết các công trình nghiên cứu.

4. Nghiên cứu sinh trong nước hợp tác nghiên cứu với các trường/viện nước ngoài hoặc đăng ký tốt nghiệp với xuất bản quốc tế, cần được ưu tiên xét hỗ trợ một phần kinh phí.

5. Xây dựng tiêu chuẩn bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo khoa, trường/viện/trung tâm, phó giáo sư, giáo sư…dựa trên số xuất bản quốc tế. Khuyến khích tuyển dụng những người có công trình chất lượng quốc tế vào các viện/trường/trung tâm nghiên cứu.

6. Loại bỏ yêu cầu học vị tiến sĩ ở các vị trí lãnh đạo không cần những hiểu biết sâu về chuyên môn.

7. Thư viện quốc gia và thư viện của các viện khoa học cần đăng ký tài khoản với các tạp chí trực tuyến chuyên ngành quan trọng trên thế giới với sự tham vấn của các chuyên gia từng ngành.

8. Thành lập Phòng Giám Định Chất lượng Các Công Trình Nghiên Cứu và Cục Xúc Tiến Nghiên cứu, Đổi mới & Phát Triển Khoa học Công Nghệ. Đây là một mô hình phòng đăng ký thuộc Cục Sở Hữu Công Nghiệp, Bộ KHCN (hoặc Bộ GD&ĐT) nhằm giúp các nhà nghiên cứu khẳng định “thương hiệu quốc tế” của mình ngay tại Việt Nam, đồng thời giúp nhà nước dễ dàng quản lý. Trên cơ sở đó có thể rút ra một Ngân hàng dữ liệu các nhà nghiên cứu có công trình quốc tế.

Điều này sẽ góp phần tách bạch các nhà nghiên cứu thực với các nhà nghiên cứu trên danh nghĩa. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng các tiến sĩ Việt Nam tốt nghiệp  ở các trường đại học uy tín ở nước ngoài cũng sẽ vui vẻ đăng ký chứng nhận chất lượng các công trình của mình, một khi họ muốn trở về làm việc tại Việt Nam.

* Theo ước tính của Bộ Giáo Dục& Đào tạo, đến năm 2020, Việt Nam cần đào tạo mới hai vạn tiến sĩ, (đa phần được đào tạo trong nước), để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của nền kinh tế. Nếu áp đặt một tiêu chuẩn gay gắt về chất lượng thì sẽ không thể đáp ứng đủ số lượng. Bởi lẽ (i) hai vạn là một con số rất lớn. (Từ 1954 đến nay, cả nước ta mới có khoảng một vạn tiến sĩ) (ii) số người đăng ký học tiến sĩ sẽ giảm đi rất nhiều. (iii) cần số tiền đầu tư cực lớn để có số lượng bài báo quốc tế tương ứng.

* Trên thực tế, ở Mỹ, mỗi ngành khoa học có khoảng 500 trường có đào tạo hệ Tiến sĩ, nhưng chỉ khoảng 200 trong số đó yêu cầu luận văn nghiên cứu đạt chất lượng tầm cỡ quốc tế. Ngay trong số 200 trường đầu tiên này, không phải các tiến sĩ ra trường đều có bài đăng tạp chí quốc tế. Điển hình như ngành kinh tế. Hầu hết công trình của nghiên cứu sinh tốt nghiệp từ 200 trường hàng đầu mới chỉ là tài liệu lưu hành trên Internet và đạt tiêu chuẩn cấp trường. Tuy nhiên, dù chưa được các xuất bản uy tín chấp nhận, các công trình cấp trường này cũng rất hữu ích, đóng góp không nhỏ vào các công trình sâu sắc và quy mô hơn của những người kế tiếp. (Đây chỉ là những kinh nghiệm về ngành kinh tế mà tôi biết. Việc xuất bản ở một số ngành khác có thể dễ dàng hơn).


(Theo Tia Sáng)

Tin khác