Một năm KH&CN trọng điểm

12/03/2008

Tại buổi “Báo cáo tình hình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước năm 2007, kế hoạch và nhiệm vụ hoạt động của các chương trình năm 2008” do Bộ KH&CN vừa tổ chức, phần lớn thành viên ban chủ nhiệm chương trình đều cho rằng công tác quản lý của Bộ KH&CN đã sát sao và hợp lý hơn; dầu vậy, các vấn đề về tài chính, thủ tục vẫn cần thông thoáng hơn nữa.

Những thành quả mới nhất

Tại HTX nông nghiệp Tam Hưng (Thanh Oai, Hà Tây), có hơn 20 ha đồng trũng, đất xấu, rất khó canh tác. Nhưng từ gần 2 năm trở lại đây, có hai giống lúa mới luôn tươi tốt trên cánh đồng này: hai giống lúa ĐB5 và ĐB6. Cũng trên khu ruộng “xấu” đó, giống lúa vốn khá phổ biến với người dân Tam Hưng là Khang dân và Q5 bị đổ rạp. Ông Kiều Văn Quy, chủ nhiệm HTX Tam Hưng cho biết, hai giống ĐB5 và ĐB6 này có khả năng chịu sâu bệnh khá. Trên cùng khu đồng, giống Bắc thơm bị bạc lá nặng, trong khi giống ĐB 5 không hề bị, ĐB 6 thì chỉ bị bạc lá nhẹ… Ông Phạm Như Hải, đồng tác giả của hai giống lúa trên cho biết, ĐB5, ĐB6 có năng suất 63-70 tạ/ha, khả năng thích ứng rộng. Chỉ trong một thời gian ngắn, ĐB5 và ĐB6 đã tham gia vào cơ cấu xuân muộn – mùa sớm ở các tỉnh phía Bắc, vụ đông xuân – hè thu ở các tỉnh miền Trung với tổng diện tích lên tới 20.000 ha.

Hai giống lúa thuần cao sản ĐB5 và ĐB6 của Trung tâm Khảo nghiệm      giống sản phẩm cây trồng và phân bón quốc gia là “sản phẩm” của Dự án SXTN KC.06.DA.05/06-10, một dự án thuộc Chương trình trọng điểm khoa học cấp nhà nước KH&CN.06 “Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm xuất khẩu vả sản phẩm chủ lực”.

Cũng có thể kể đến một “thành quả” mới nhất của các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước trong năm 2007 là Quy trình công nghệ chế tạo và lắp đặt dàn chống tự hành trong khai thác than với điều kiện địa chất có độ dốc vỉa dày đến 35o . Với đề tài KC.06.01/06-10, Viện Công nghệ Mỏ kết hợp với công ty than Vàng Danh đã sản xuất thử được 30 bộ dàn chống, đáp ứng được tất cả các thông số về năng suất, sản lượng, an toàn lao động mà giá thành chỉ bằng 75% nhập ngoại.

Ngoài ra còn phải kể đến các kết quả của các chương trình KH&CN trọng điểm trong năm qua như Quy trình công nghệ chế biến mủ cao su RSS quy mô tiểu điền: 3 dây chuyền chế biến này đã được lắp đặt tại các công ty cao su, đảm bảo chất lượng xuất khẩu (Dự án SXTN KC.06.DA.08/06-10). Trong đề tài KC.09/06-10, công nghệ sản xuất viên nang mềm HASAMIN bào chế từ hải sâm đã được cấp bằng sáng chế độc quyền và chuyển giao cho Công ty cổ phần dược phẩm Đông Dương để sản xuất cho thị trường quốc tế.

Với đề tài KC.04.06/06-10 nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất que thử heroin và methamphetamine, những lô que thử đã được sản xuất để cung cấp cho một số cơ quan điều tra. Gần đây, một số vụ án lớn liên quan đến ma tuý đã được phá với sự “giúp sức” của những que thử ma tuý này.

Thủ tục hành chính “vẫn gây khó”

Dù đã có được một số kết quả đáng kể trên, cũng phải nói rằng việc thực hiện khối lượng các đề tài, dự án trong các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước năm 2007 vừa qua vẫn còn “ở mức hạn chế”. Nguyên nhân chính là kinh phí cấp muộn (từ tháng 6/2007) nên thời hạn thực hiện chỉ còn có 6 tháng. Một lần nữa, bài toán “cơ chế tài chính cho khoa học” tồn tại hàng chục năm qua vẫn tiếp tục… chờ giải!

Phần lớn thành viên trong Ban chủ nhiệm các chương trình trọng điểm cấp nhà nước đều  nói gặp khó khăn trong thủ tục hành chính về mua sắm thiết bị và nguyên vật liệu phục vụ nghiên cứu. Góp ý với lãnh đạo Bộ KH&CN, TS Tô Văn Trường, Viện trưởng Viện Quy hoạch thuỷ lợi Miền nam (BCN KC.08) cho rằng, thủ tục hành chính rắc rối đã khiến một số nhà khoa học tài năng “ngán” các đề tài cấp nhà nước. Ông nêu ví dụ về một nhà khoa học rất giỏi về…, sau một vài lần “trượt” đăng ký đề tài chỉ vì sai sót trong hồ sơ đã không còn muốn đăng ký đề tài tiếp nữa.  Đồng ý với ý kiến của GS Tô Văn Trường, TS Dương Vũ Hiệp (KX.05) cũng cho rằng việc đăng ký và thực hiện các đề tài trọng điểm giờ đây “dân chủ hơn, nghiêm túc hơn”, đồng thời cũng… rắc rối hơn. TS Hiệp cũng nêu một thực tế: “Trong khi không quản được những chuyến đi nước ngoài lãng phí mà kết quả là những báo cáo nghèo nàn, thì cơ chế tài chính lại đi quản việc chi tiêu từng tờ giấy, cái bút”.

Theo quy chế mới về tổ chức quản lý hoạt động các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2006 – 2010, việc lập Văn phòng các chương trình trực thuộc Bộ KH&CN nhằm giúp hoạt động quản lý của các Ban chủ nhiệm chương trình được thuận lợi hơn. Tuy nhiên do mới đi vào hoạt động nên sự phối hợp giữa các thành viên mới của Ban chủ nhiệm với Văn phòng các chương trình vẫn chưa thật “nhịp nhàng”. TS Phan Đức Hiền (KC.05) phát biểu: Ngay chức năng nhiệm vụ của thư ký chương trình, Ban chủ nhiệm cũng “chưa thuộc”.

Bên cạnh các ý kiến về tài chính, quản lý các chương trình KH&CN trọng điểm, còn nổi lên vấn đề về đánh giá hiệu quả của các chương trình này. Có thể nói, các yêu cầu về sáng chế độc quyền, kết quả và sản phẩm công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế trong các chương trình trọng điểm vẫn chưa được đề cập một cách quyết liệt. Phải chăng điều đó “không cần thiết” – như một vài thành viên ban chủ nhiệm chương trình từng nói – hay là các chuẩn mực nghiêm túc về chất lượng của “trọng điểm” vẫn bị xem nhẹ?

(Theo Tia sáng)


Tin khác