Giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững: Đầu tư hợp lý, hiệu quả

09/02/2009

Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, nước ta đã có nhiều thay đổi về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành nông nghiệp đã bộc lộ một số hạn chế như tăng trưởng kém bền vững, bị động, lạc hậu... Mặc dù ngành đã đề ra nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển, kêu gọi các nguồn lực đầu tư, trong đó có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng hiệu quả không như mong muốn. Vì vậy, nếu không sớm tăng cường đầu tư hợp lý thì nông nghiệp, nông thôn nước ta sẽ vẫn mãi đi sau các nước trong khu vực.

Tăng trưởng nhưng chưa bền vững

Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với những hoạch định chiến lược và chính sách đầu tư hợp lý, đây là một thành công lớn. Nhờ gia nhập WTO, tư duy quản lý và sản xuất của hàng vạn nông dân đã thay đổi, nhiều nông sản có mặt tại thị trường nước ngoài. Điều này đã được minh chứng bằng việc tôm, cá tra, ba sa, thanh long Bình Thuận, vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang) được tiêu thụ rộng rãi trên các thị trường châu âu, châu Mỹ. Từ nước đói nghèo, chúng ta đã trở thành quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông sản, thực phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, ngành nông nghiệp còn tồn tại không ít hạn chế, khó khăn mà một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn quá thấp, chỉ bằng 10% so với tổng đầu tư ngân sách xã hội. Chính vì đầu tư thấp nên sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; trình độ canh tác của nông dân lạc hậu; hệ thống hạ tầng phục vụ nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu; tốc độ cơ giới hóa chậm; chất lượng nông sản thấp, giá thành cao, khả năng cạnh tranh kém, luôn bị động trước những diễn biến bất lợi của thị trường. Bên cạnh đó, con số đầu tư 10% ngân sách cho nông nghiệp cũng chưa thực sự hiệu quả bởi chúng ta chưa làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược và có chính sách cụ thể, hợp lý. Nếu giải quyết được những ẩn số này, việc đầu tư ngân sách và thu hút FDI vào khu vực nông nghiệp chắc chắn sẽ có nhiều triển vọng.

Cần đầu tư có hiệu quả

Dự thảo Chiến lược thu hút và nâng cao hiệu quả chiến lược đầu tư FDI trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn do Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và PTNT) soạn thảo đã nêu khá toàn diện những vấn đề trong nông nghiệp, trong đó có việc đầu tư cho từng lĩnh vực cụ thể. Tôi cho rằng, chúng ta cần sớm ban hành Dự thảo làm cơ sở cho quá trình hoạch định chính sách, định hướng và kêu gọi vốn đầu tư, phân khúc và xây dựng hệ thống các chỉ tiêu cho từng phân ngành trong toàn bộ chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp. Điều này càng trở nên quan trọng khi chúng ta vẫn là nước nông nghiệp đang trong quá trình chuyển đổi và từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trong nông nghiệp, chúng ta còn đề cao thành tích, với quá nhiều mục tiêu, mà không xếp thứ tự ưu tiên dựa trên thế mạnh của từng lĩnh vực, ngành nghề để đầu tư hiệu quả. Ví dụ, về lúa gạo, mục tiêu là nâng cao năng suất và chất lượng để tăng cường sức cạnh tranh trong xuất khẩu. Vậy, giải pháp hay phương tiện để đạt được mục tiêu ấy là gì? Giống mới hay công nghệ sản xuất, công nghệ bảo quản? Nên tập trung sản xuất ở vùng nào là chủ yếu? Đối với sản xuất ngô để phục vụ chăn nuôi, chúng ta phải quy hoạch, phân vùng, sử dụng cơ cấu giống thế nào cho hợp lý? Nghĩa là, chúng ta phải đặt mục tiêu cụ thể theo thứ tự tầm quan trọng chứ không phải định hướng theo kiểu khẩu hiệu chung chung.

Đầu tư vào nông nghiệp chỉ thành công khi đảm bảo được các nguồn tài chính, kỹ thuật công nghệ, thị trường và con người. Hiện, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa hiệu quả, đặc biệt là với lao động ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đặc thù nhiều rủi ro của ngành nông nghiệp thì trình độ nguồn nhân lực chính là một trong những lý do khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài ngại ngần và cân nhắc khi bỏ tiền đầu tư cho các dự án nông-lâm nghiệp.

Theo tôi, Nhà nước cần tăng đầu tư cho nông nghiệp lên 15% tổng vốn đầu tư cho toàn xã hội, đây cũng chính là bước đệm nhằm thu hút FDI nhiều hơn. Theo đó, cần lập quỹ phòng chống rủi ro thiên tai, bão lũ, dịch bệnh; có chính sách đào tạo miễn phí cho thanh niên nông thôn; tăng cường tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản; đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau quả, bảo quản và xử lý sau thu hoạch; tăng đầu tư cho nghiên cứu, du nhập giống cây, con mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Cần xây dựng chiến lược linh hoạt, hiệu quả cho nông nghiệp (bao gồm cả ngắn, trung và dài hạn); tạo thuận lợi cho nông dân tiếp cận nguồn vốn vay dựa vào các quỹ tín dụng...


Nguồn: www.kinhtenongthon.com.vn

Tin khác