Tín dụng DNNVV nông nghiệp nông thôn: Không chỉ là đồng vốn

15/12/2009

DNNVV nông nghiệp nông thôn (NNNT) chiếm 87% trong tổng số 453.800 DNNVV VN. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2007-2008, giới chuyên gia nghiên cứu-phân tích kinh tế và hoạch định chính sách cùng ghi nhận vai trò bệ đỡ của nền kinh tế khu vực nông nghiệp, với DNNVV NNNT là tác nhân quan trọng...

Tuy vậy, thành tựu của lực lượng này chưa phản ánh đúng tiềm năng do cùng lúc phải đối diện nhiều khó khăn và thách thức của biến động kinh tế trong nước và quốc tế. Trong đó, khơi nguồn vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn từ lâu là bài toán khó.

 
 Bài viết trên Diễn đàn doanh nghiệp.

Theo thống kê của AgriBank - một trong số ít tổ chức tín dụng phục vụ nhu cầu vốn nông nghiệp nông thôn, năm 2008, tổng dư nợ vốn tín dụng nông nghiệp nông thôn đạt 248.000 tỷ đồng. Con số này tăng 15,1% so với năm 2007 nhưng mới chiếm 20% tổng dư nợ tín dụng chung. Tỷ trọng dư nợ tín dụng nông nghiệp cũng đang giảm từ 23-27%/năm của thời kỳ trước năm 2006 xuống còn 19-20%/năm những năm gần đây. Xu thế này không phản ánh nhu cầu vốn của DN NNNT đang thu hẹp. Ngược lại, tiếp cận hạn chế với nguồn vốn luôn là bức xúc lớn.

Không thiếu vốn cho nông nghiệp, nông thôn

NHNN cho biết, năm 1998, dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn là 34.000 tỷ đồng. Sau một thập kỷ, quy mô tín dụng giải ngân cho nông nghiệp nông thôn được nâng lên gấp 7. Quyết sách Tam Nông ở trọng tâm phát triển kinh tế, các Quyết định 131/2009/QĐ-TTg, 443QĐ/TTg, 497/QĐ-TTg hỗ trợ lãi suất tín dụng ngắn hạn và lãi suất vay vốn mua máy móc thiết bị vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn, Nghị định 56/2009 của Chính phủ về phát triển mô hình Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác càng thể hiện rõ quan tâm ưu tiên nguồn lực cho khu vực kinh tế đại diện tới 80% dân số này. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 24/9/2009, khu vực DN ngoài nhà nước (bao gồm cả kinh tế hộ gia đình) đã được giải ngân tín dụng hỗ trợ lãi suất ước khoảng 340 nghìn tỷ đồng. Đặt giả thuyết, toàn bộ khoản tín dụng này dành toàn bộ cho DNNVV thì bình quân mỗi DN được hỗ trợ tín dụng gần 750 triệu đồng. Đây là quy mô vốn rất đáng kể so với hoạt động sản xuất kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn. Kết quả khảo sát DNNVV NNNT của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tại hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam ghi nhận nhu cầu bổ sung vốn ngắn hạn, trong thời điểm khó khăn kinh tế năm 2008, dao động từ vài chục tới vài trăm triệu đồng, (xem bảng). Thực tế này gợi mở những hướng tiếp cận phi tài chính cho bài toán tín dụng DNNVV nông nghiệp, nông thôn.

Hỗ trợ kỹ thuật

Theo khảo sát của VCCI năm 2008, thiếu tài sản thế chấp, vướng mắc thủ tục hành chính và khó khăn trong lập phương án kinh doanh là những rào cản tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phổ biến nhất của SMEs. Khảo sát DN nông nghiệp, nông thôn của IPSARD ghi nhận trên 80% trả lời phỏng vấn của đại diện DN, tổ chức tín dụng và quản lý địa phương xác nhận thiếu tài sản thế chấp là khó khăn chủ yếu. Trên 70% ý kiến cho rằng DN còn rất yếu trong khả năng xây dựng và thuyết minh phương án sử dụng vốn vay.

Với quy mô nhỏ và đặc thù sản xuất nông nghiệp – sử dụng phần lớn tiền vốn vốn cho lao động, vật tư và đầu vào khác, DNNVV trong NNNT hầu như không có tài sản để thế chấp hoặc nếu có thì giá trị cũng rất thấp. Vay vốn ngân hàng bằng tín chấp, do vậy, là yêu cầu khách quan và mong muốn chính đáng. Ngân hàng đã chủ động xây dựng các cơ chế cho vay tín chấp thuận lợi và thông thoáng hơn.

Tháng 8/2009, Ngân hàng nhà nước dự thảo phương án nâng mức cho vay nông nghiệp, nông thôn không cần tài sản đảm bảo lên 50 triệu đồng đối với đối tượng là các hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm; 200 triệu đồng đối với các hộ sản xuất ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn; 500 triệu đồng đối với các đối tượng là chủ trang trại, hợp tác xã. Nhưng can thiệp hành chính vào quyết định phê duyệt tín dụng của ngân hàng không nên là giải pháp. Tính lành mạnh, phát triển bền vững của hệ thống tín dụng nông thôn và các cam kết hội nhập quốc tế phải được tôn trọng trước tiên và trên hết.

Ngân hàng là đơn vị kinh doanh, có nhiệm vụ phát triển đồng vốn. Nghiệp vụ cho vay vốn cùng lúc vận hành theo nguyên lý tìm kiếm lợi nhuận thị trường và tuân thủ chặt chẽ các quy chế quản trị rủi ro tín dụng. DN NNNT thường có lịch sử kinh doanh và giao dịch ngân hàng ngắn. Bởi thế, căn cứ thuyết phục tốt nhất, đáng tin cây nhất với ngân hàng là con số lợi nhuận được tính toán hợp lý và khả thi trên cơ sở hiệu suất sử dụng vốn vay của chính DN.

Việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, tính toán khả thi và đo lường hiệu suất thương mại là đòi hỏi tính chuyên môn cao, nhất là khi cần đáp ứng các tiêu chuẩn thẩm định tín dụng. Trong điều kiện hạn chế về nguồn nhân lực, tự triển khai có chi phí quá cao, thậm chí là không thể cả cho người đi vay lẫn tổ chức cấp vốn. Các chương trình hỗ trợ kỹ thuật là giải pháp giảm nhẹ chi phí từ phát huy lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Nhóm hoạt động này giúp DNNVV  NNNT về các mặt chuyên môn như viết dự án, hoạch định tài chính, quy chuẩn quản trị - điều hành, hay lên phương án marketing, bán hàng và khai thác thị trường.

 
 Nguồn: IPSARD.

Bên cạnh đó, hỗ trợ kỹ thuật được các tổ chức tài trợ phát triển quốc tế ưa thích sử dụng. Cơ chế triển khai hỗ trợ kỹ thuật chú trọng xây dựng năng lực và phát huy sức mạnh liên kết từ chính các cộng đồng. Nỗ lực hình thành các chuẩn mực thực hành tốt nhất trong tiếp cận và sử dụng hiệu quả tín dụng tại DN nông thôn của đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp được thiết kế với định hướng chuyển giao cho lực lượng “chuyên gia tại chỗ”. Điểm này là cốt lõi đặt nền móng cho phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Hiệp hội ngành nghề và tổ chức xã hội nông thôn không chỉ chủ động tham gia quá trình xây dựng năng lực địa phương mà còn giữ vai trò quyết định thành công với hai ưu thế quan trọng. Trước tiên, những đơn vị này có con người và mạng lưới hoạt động bao phủ rộng khắp, tới từng đơn vị nhỏ nhất của cộng đồng nông thôn như thôn, xóm. Lợi thế thứ hai, như hệ quả tất yếu, là hiểu biết sâu sát và nắm vững hiện trạng. Tùy thuộc vào điều kiện thực tế, từng cán bộ khuyến nông, hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên, cựu chiến binh... đều có thể trở thành một chuyên gia tư vấn cho hộ kinh doanh và DN tại khu vực cư trú.

Liên kết giữa các cộng đồng lân cận sẽ hình thành mạng lưới tư vấn viên có khả năng phối hợp và hỗ trợ nhau. Triển khai thành công mô hình này xóa bỏ áp lực chi phí chuẩn bị thủ tục và tài liệu phương án kinh doanh tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Quan trọng hơn, năng lực cân nhắc tính hợp lý và hiệu quả thương mại với nỗ lực khởi tạo hay mở rộng, điều chỉnh sản xuất kinh doanh của cư dân nông thôn đã sẵn sàng. Chính điều này kiến thiết nên một không gian cổ vũ các hoạt động khởi nghiệp – động lực của tăng trưởng kinh tế.

Khuyến khích khởi nghiệp

Trong nỗ lực triển khai các ý tưởng kinh doanh, tự thân người khởi nghiệp nông thôn sẽ tìm ra phương cách huy động đủ nguồn lực cần thiết. Tìm đến các tổ chức tín dụng chính thức thường không phải lựa chọn duy nhất và đầu tiên để có vốn. Phương cách làm ăn mới vượt qua thẩm định trước tiên của gia đình, họ hàng và bè bạn. Kết quả mong đợi là một phần tiền tiết kiệm sẽ dành cho đầu tư, một khoản tiền vay với nhiều ưu ái, hay giản dị là một cam kết cùng làm việc với chi phí thấp. Theo Tiến sĩ Vương Quân Hoàng (ĐHTH Bruxelles), thì việc tạo không gian tín dụng và thuế đặc cách cho khởi nghiệp và tái khởi nghiệp là những nội dung trọng yếu trong kích thích khởi nghiệp. Kết quả tích cực của các chương trình hỗ trợ kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi để phương thức cho vay theo dự án phát huy kết quả. Điều kiện về tài sản thế chấp được nới lỏng, thậm chí dỡ bỏ với những phương án kinh doanh hứa hẹn mang lại hiệu suất kinh tế cao. Đổi lại, để phù hợp với nguyên tắc xác định rủi ro trong kinh doanh tiền tệ, lãi suất cho vay có thể đặt ra cao hơn mức bình quân.

Đầu tư cho khởi nghiệp còn được khuyến khích bằng chính sách miễn hoàn toàn thuế thu nhập trong tối thiểu 3 năm hoạt động đầu tiên, một chu kỳ cần thiết để tạo lãi, hoặc tương ứng với một mức lợi nhuận hay quy mô đầu tư nào đó. Điều này tương đương với việc miễn cả thuế lợi tức trên các khoản tín dụng hay đầu tư của các ngân hàng và nhà đầu tư cho khởi nghiệp. Lợi nhuận từ hoạt động khởi nghiệp nếu được sử dụng để tái đầu tư sẽ tiếp tục miễn thuế với phần thu nhập mới tạo ra. Cách làm này không khó về mặt kỹ thuật, đồng thời phù hợp với chính sách khuyến khích đầu tư và kích thích kinh tế hiện hành.

Công tác tài chính nông nghiệp, nông thôn đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa. Các Quỹ Chia Sẻ hình thành trên cơ sở tập hợp không chỉ vốn đầu tư mạo hiểm mà cả kiến thức và bài học lập nghiệp của chính những doanh nhân khởi nghiệp thành công, xuất phát từ nông nghiệp nông thôn. Hoạt động chủ đạo của những quỹ này bên cạnh cấp vốn trực tiếp còn đóng vai trò tác nhân kết nối và tập hợp nguồn lực trong cộng đồng cho khuyến khích khởi nghiệp nông thôn.

Lời giải cho bài toán tín dụng vẫn còn là ẩn số khi thiếu những hiểu biết cốt lõi về khởi nghiệp và DNNVV nông nghiệp, nông thôn. Lượng kiến thức này cần thiết và hữu ích cho cả người dân nông thôn, nhà quản lý, tổ chức tín dụng và mọi tác nhân kinh tế liên quan. Bản thân DNNVV NNNT là một khái niệm rộng, trải từ hộ nông dân sản xuất kinh tế tới các Cty kinh doanh quy mô. Chỉ riêng phân loại rạch ròi các nhóm này cũng đã mang lại nhiều gợi ý cho các giải pháp hoàn toàn khác biệt như tín dụng vi mô hay sản phẩm chứng khoán hóa. Giải pháp khơi thông nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn không nằm gọn trong chiếc hộp các kỹ thuật tài chính, tín dụng. Dù là quy mô nào, ở nông thôn hay thành thị, các giao dịch kinh tế vẫn tiến hành trong các bối cảnh không gian và thời gian cụ thể.

Trần Trí Dũng (Dan Houtte, Vuong and Partners)

Nguyễn Đình Hùng (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn)


Tin khác