Đói thấu mùa giáp hạt

15/03/2010

LTS: Nhiều đúc kết của người xưa có thể không còn đúng nữa nhưng thành ngữ “tháng ba ngày tám” với không ít nông dân vẫn còn là nỗi ám ảnh, nhắc nhở về cái đói thấu ruột mùa giáp hạt. Việt Nam là một cường quốc xuất khẩu gạo, nói đến cụm từ đói cơm, nhiều người cho đó là nghịch lý nhưng cái nghịch lý ấy vẫn tồn tại một cách hiển nhiên và dai dẳng. Những câu chuyện mà người dân nghèo kể cho phóng viên trong loạt phóng sự này cũng chính là những mong mỏi về một sự thay đổi để họ bớt cơ cực hơn.

Nhà cỏ ở Há Tỏ Sò

Đá trước mặt, đá sau lưng, đá dưới gót chân, đá kề sát ngực… Ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang), đâu đâu cũng có hiện diện của hàng hà sa số đá teo mèo. Chúng nhiều đến mức, đi cả ngày đường leo núi, gân nhão, bắp thịt căng cứng mà ngửa mặt lên trên trời vẫn thấy một màu xám đen của đá đến bất tận.

Trên chuyến xe khách lên Mèo Vạc, để giết thời gian cho qua những khúc cua, những con dốc ngang tầm mây phủ, tôi làm quen hết với mọi người. Hỏi chuyện về cơm ăn áo mặc, nhiều người ồ lên: “Mèo Vạc nghèo nhất Hà Giang, Hà Giang lại nghèo nhất Việt Nam, vậy là ở đây nghèo nhất nước đó”.

Mẹ con người mông đi rừng về

Tá túc tạm một đêm ở thị trấn, ngay từ sáng sớm, tôi đã lên xã Lũng Pù rồi từ Ủy ban xã theo đường mòn xuống bản Há Tỏ Sò. Ở đây, đá nhiều đến mức con bò, con lợn không dám thả rông vì sợ nó sẩy chân ngã xuống vực. Giữa hoàn cảnh khắc nghiệt đó, người dân đập đá tảng để bốc từng vốc đất, để vào trong đó một hai hạt ngô giống. Dân bản đập đá xếp thành hàng rào quanh nhà chống con dê, con lợn, con bò đi mất, chống kẻ trộm chui vào. Đến tận cùng cuộc đời, người dân ở đây khi chết cũng được vùi trong những ngôi mộ xếp bằng những hòn đá. Những ngôi mộ không có bia, trơ ra cùng thời gian vẫn một màu mốc meo, xám xịt của đá…

Chờ mãi, Sình Mí Dính mới đi lấy nước về. Dính năm nay mới 25 tuổi, đã có 2 con. Sáng Dính đi lấy nước, vợ đi lấy tấm bờ-lô về làm nhà cho con lợn nên hai đứa con bị nhốt ở nhà. Cửa mở toang, con chị độ 5 - 6 tuổi, trần truồng, thân đầy tro bụi, bẩn thỉu như người nguyên thủy ào ra bỗng thấy người lạ khóc oà lên, trốn cả vào trong góc nhà. Gia đình Dính có 3 - 4 tháng thiếu ăn, phải đi đập đá, xát đá thuê cho đám mở đường, mỗi ngày được 50.000 đồng, nhưng cũng thiếu việc suốt. Nhà lại sắp hết mèn mén để mà ăn. Dính cũng có cái xe máy Tàu nát bét nhưng không phải do dành dụm có tiền mua mà bởi đổi một con bò cho nhà anh trai lúc làm ma đứa con. Đứa bé bị đau bụng đi ngoài, cúng giàng (cúng trời) mãi chẳng khỏi đến khi đưa đi bệnh viện, dọc đường cứ lả đi, rồi chết.

Trưởng bản Sình Mí Là bảo bản có 48 hộ thì có 36 hộ nghèo, 12 hộ đói, nhưng Tết rồi chỉ được hỗ trợ một ít thôi. Những hộ đói, nghèo không có thịt lợn, không mổ gà, không có rượu uống nên ngày Tết chẳng khác gì ngày thường, có khi buồn hơn, chẳng dám ra khỏi nhà vì không có rượu, thịt mời anh em, dân bản.

Mèn mén chan nước lã

Thời tiết ở Mèo Vạc có hai mùa, mùa khô từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau. Năm nay trời chẳng có tí mưa nào, chỉ có gió nên khô đến mức hạt ngô bỏ xuống đất chẳng nảy mầm nổi, vài ngày là bị con kiến, con dế tha lôi đi mất. Hạn đến kiệt cùng cây cỏ còn khô quắt, cây rau cũng lụi tàn nên ngoài đói ngô, đồng bào ở đây còn đói cả rau. “Nhà giàu canh chua có mắm, muối, mỡ, mì chính nghĩa là nấu mặn, còn nhà bình thường chỉ có canh chua nhạt, chẳng có cái gì bởi nếu cho muối không vào mà không có mỡ, có mì chính thì mặn chát, không ăn nổi với mèn mén”. Trưởng bản Sình Mí Là bảo tôi cách phân biệt giàu nghèo nhưng mấy ngày tôi ở Há Tỏ Sò, ăn mấy bận mèn mén mà không thấy nhà nào bát canh chua có mỡ, mì chính cả. Toàn canh nhạt hoặc chan với nước lã.

Nhà Sình Mí Và thực sự là một ngôi nhà cỏ đúng nghĩa, xung quanh nhà được che đậy bằng thân cây ngô nhưng hở thông thống; con chó, con gà vẫn chạy ra, chạy vào như chỗ không người. Cột kèo trong nhà cái lớn bằng bắp tay, bé bằng cổ tay ngay cột cái cũng chưa bằng cái bắp chân người lớn. Mái nhà đã mục đến độ đêm nằm đếm được cả trăm ông sao sáng, trời mưa trong nhà ướt chẳng kém gì bên ngoài nên được Và căng một tấm bạt cũ đậy tạm. Và năm nay 38 tuổi, đã có 4 con, đứa lớn nhất 14 tuổi, đứa bé mới chỉ lẫm chẫm đi nhưng chỉ có duy nhất một cái giường mục cho vợ chồng Và ngủ. Bốn đứa con ngủ trên cái giàn bếp đầy bồ hóng và chăn, quần áo rách vứt tứ tung. Gió mới đủ lay ngọn cỏ voi ở ngoài hàng rào đá thì cả căn nhà đã rung chuyển, kẽo kẹt như đưa võng. Không biết ngôi nhà đó có trụ nổi qua mùa gió ở Lũng Pù, nơi những ngọn gió mải miết thổi ào ào, rùng rùng trườn qua những vách đá mèo tái xám vùng biên ải.

Chiếc áo mới nhất và duy nhất được đem ra mặc khi có khách

Nhà Và có đến 6 tháng đói, trên giàn bếp chẳng còn nổi một bắp ngô để nấu mèn mén. Nhà nước quan tâm cho Và 70 tấm bờ-lô để lợp nhà nhưng 30 tấm đã bán được 700.000 đ để biến thành… mèn mén trong bụng người, còn 40 tấm hiện đang cho vay, có lẽ cũng sẽ biến thành mèn mén hoặc rượu ngô. Khi tôi đến, nhà Và nát quá, chật đến nỗi chỉ kê vừa chiếc giường. Định tựa lưng vào cái cột nhà liền bị trưởng bản kéo lại, mặt thảng thốt: “Cẩn thận, nó mà đổ thì không khéo cán bộ phải đền đấy”.

Lúc tôi đến, Và đang mải miết xếp hàng rào đá thuê trên một đám nương gần nhà. Cả 5 người trong bản làm 5 ngày mà chưa xong được đám nương đó, ước còn phải hai ngày nữa mới xuể. Mỗi người làm được khoán 4 xinh ngô (cỡ 60 kg) cho một tuần làm việc cật lực, đập đá phồng rộp tay, có khi bị đá văng ra cứa chảy cả máu chân, không có mèn mén nuôi mà buổi trưa chỉ được có mấy hớp rượu rồi lại làm đến tối mịt.

Nhà Vừ Mí Pó, Sình Mí Cha cũng nghèo xơ, nghèo xác như nhà Và. Ngay cả Vừ Mí Già, một thanh niên mới 22 tuổi nhưng cũng chỉ ở trong ngôi nhà làm bằng… thân cỏ voi. Già không có bò, có 1 con gà, 1 con lợn bé và 6 tháng đói ăn, đói rau. Đúng bữa cả nhà đang ăn mèn mén. Người Mông không có bát, không có đũa mà mỗi người một cái môi lớn, xúc mèn mén trong cái chậu ra ăn, rồi lại chiêu vài môi canh cho trôi miếng mèn mén trong cổ họng. Vợ Già đang nuôi đứa con còn ẵm ngửa, đỏ hỏn cũng một tay bế đứa bé, một tay môi xúc mèn mén ăn. Không có tiền mua rau cải làm canh chua, mẹ già lom khom đến bên can nước lã rồi chế vào cái loa bằng nhựa, cả nhà múc ăn xì xoạt. Người dân ở đây không dùng tăm, có lẽ cũng bởi lý do ăn bột mèn mén suốt, cả năm có lẽ chỉ được thịt “mắc răng” lúc ngày Tết, ngày lễ mà thôi. (còn nữa)

Phạm Khánh (Theo Dương Tường / Báo Nông Nghiệp)


Tin khác