Quốc hội có thể họp bất thường để sửa hiến pháp

26/08/2010

AGROINFO - Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo việc cho thuê đất rừng, Vinashin, tình hình phòng chống tham nhũng…

Chiều 25-8, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp Quốc hội thứ tám (dự kiến khai mạc vào ngày 20-10 tới), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tranh cãi chung quanh giả định: Nếu Quốc hội quyết là không còn HĐND huyện, quận, phường thì việc sửa hiến pháp sẽ thực hiện ngay trong kỳ họp hay phải có một kỳ họp riêng.

Sẽ có kỳ họp Quốc hội riêng để sửa hiến pháp?

Trình bày việc chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sắp tới, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho biết một nội dung quan trọng tại kỳ họp này là xem xét việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.

Ông nói: Nếu không tiếp tục tổ chức HĐND huyện, quận, phường, có thể phải sửa một số điều của Hiến pháp 1992 ngay tại kỳ họp này (vì tháng 1-2011 đã phải công bố ngày bầu cử). Theo đó, phải sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan như Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu HĐND, Luật Tổ chức HĐND và UBND...

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng không đồng tình việc sửa một số điều của Hiến pháp 1992 ngay tại kỳ họp thứ tám. “Làm như thế là gấp gáp, vi phạm, xem nhẹ việc sửa đổi hiến pháp. Theo quy định, dự án luật đưa vào chương trình đã phải gửi cho đại biểu Quốc hội 20 ngày trước khi khai mạc kỳ họp, huống chi đây là hiến pháp, đạo luật gốc của nhà nước, càng phải tuân thủ chặt chẽ các quy trình, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng…” - ông Vượng nói.

 
Quận 1, TP.HCM là một trong những nơi thí điểm không tổ chức HĐND. Ảnh: HTD

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Đình Đàn giải thích: Sửa đổi hiến pháp liên quan đến việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường chưa đưa vào chương trình dự kiến của kỳ họp, chưa lấy ý kiến đại biểu Quốc hội vì mới chỉ là khả năng. Trong thời gian một tháng diễn ra kỳ họp, nếu có đề xuất và Quốc hội đồng ý không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường thì sẽ ra nghị quyết, thành lập ủy ban sửa đổi hiến pháp, lấy ý kiến nhân dân…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng khẳng định việc sửa hiến pháp đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành. “Hiến pháp 1992 Điều 147 nêu rõ chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi hiến pháp. Việc sửa đổi hiến pháp phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành… Trong thực tiễn, Quốc hội cũng đã có lần sửa đổi một nội dung trong Hiến pháp 1980 tại một kỳ họp” - ông Lưu nói.

“Nếu thấy gấp gáp, Quốc hội có thể quyết tổ chức một kỳ họp chỉ để sửa đổi Hiến pháp 1992 ngay sau kỳ họp thứ tám” - ông Lưu đề xuất.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đồng tình: Quốc hội có thể tổ chức kỳ họp bất thường vào tháng 12, dành khoảng năm ngày để sửa đổi hiến pháp.

Gút việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng để ngỏ: Nếu bỏ HĐND quận, huyện, phường dứt khoát phải sửa hiến pháp nhưng không được vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Có thể sửa hiến pháp trong kỳ họp thứ tám của Quốc hội bằng việc kéo dài số ngày hoặc tổ chức một kỳ họp Quốc hội riêng…

Cần giải trình về vụ Vinashin?

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình đã đề nghị đưa vào chương trình nghị sự của kỳ họp thứ tám các vấn đề tại Tập đoàn Vinashin, cho thuê đất rừng…

Ông Bình nói: “Cử tri, dư luận đang quan tâm đến Tập đoàn Vinashin. Trường hợp đại biểu Quốc hội có đề nghị, Chính phủ cần báo cáo về vấn đề này bằng văn bản. Tôi nghĩ đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn, có báo cáo sẽ tạo điều kiện cho chất vấn tốt hơn…”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cũng “nhắc” Chính phủ phải báo cáo việc thực hiện những kiến nghị giám sát của Quốc hội về năng lực, hiệu quả sử dụng vốn, tài sản của tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã được ghi trong nghị quyết giám sát tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng Chính phủ phải có báo cáo về tình hình thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng như thường lệ vào kỳ họp cuối năm. “Nếu không có báo cáo này, cử tri hiểu nhầm là Quốc hội không quyết liệt phòng chống tham nhũng” - bà Thu Ba nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị Chính phủ có báo cáo về tình hình sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2003-2010 và kế hoạch 2011-2015 mà ủy ban này đang thực hiện giám sát.

Chốt thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đồng ý với việc bổ sung các báo cáo về phòng chống tham nhũng, về sử dụng vốn trái phiếu chính phủ vào kỳ hợp tới. Riêng báo cáo về vụ Vinashin, ông đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc thêm vì Bộ Chính trị đã có kết luận về việc này, Chính phủ cũng đang quyết liệt tái cơ cấu tập đoàn…

Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập. Trong trường hợp Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu hoặc theo quyết định của mình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập Quốc hội họp bất thường.

Việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đang được triển khai ở 67 huyện, 32 quận và 483 phường của bảy tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Trị, Phú Yên, Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu và ba thành phố TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng.


Phạm Khánh (Theo Báo Pháp Luật TP HCM)

Tin khác