Năng lượng cho phát triển bền vững: Sản xuất nhiên liệu sinh học gắn liền với lợi ích của nông dân

26/08/2010

AGROINFO - Sau gần một tháng đưa xăng sinh học E5 kinh doanh thí điểm tại 20 cửa hàng, đại lý xăng dầu của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) và Công ty Thương mại kỹ thuật và Ðầu tư (PETEC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ngày 24-8, phóng viên báo chí đã có cuộc trao đổi ý kiến với đồng chí Lý Hồng Đức, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam, một trong những nhà đầu tư chính trong sản xuất, phân phối, kinh doanh nhiên liệu sinh học (NLSH) cũng như phát triển vùng nguyên liệu chuẩn bị cung cấp cho ba nhà máy sản xuất ethanol ở Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước.

Chọn sắn làm nguyên liệu chính để sản xuất Ethanol sẽ giúp cải thiện đời sống của nông dân nghèo, góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn ở nước ta.

PV: Thưa đồng chí, mặc dù đã sử dụng xăng sinh học E5, song người tiêu dùng vẫn còn băn khoăn về chất lượng cũng như số lượng xăng cung ứng nếu nhu cầu sử dụng tăng lên?

Phó TGÐ Lý Hồng Ðức: Hiện nay NLSH được sử dụng phổ biến ở hơn 50 quốc gia trên thế giới. Các nước Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu đều có kế hoạch sản xuất nhiên liệu thay thế ở quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu sử dụng NLSH ngày càng tăng. Như vậy, thực tế là xăng E5 không phải là sản phẩm hoàn toàn mới. Riêng về chất lượng xăng E5 do PV OIL sản xuất đều được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, từ nguyên liệu đầu vào (ethanol của Công ty Ðồng Xanh và xăng A92 của Nhà máy lọc dầu Dung Quất) đến sản phẩm đầu ra (xăng sinh học E5 từ khi xuất kho đến tận trạm xăng dầu). Mỗi một mẻ xăng E5 trước khi xuất kho đều phải được chứng nhận hợp quy theo các quy định (QCVN1:2009/BKHCN và TCVN 8063:2009) của Tổng cục Tiêu chuẩn - Ðo lường - Chất lượng Việt Nam. Ðơn vị thực hiện kiểm định là Quatest 1 và Quatest 3 (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh).

Về khả năng cung ứng xăng sinh học khi nhu cầu sử dụng tăng cao, PVN đang xây dựng ba nhà máy ethanol tại Bình Phước, Quảng Ngãi và Phú Thọ có công suất 100 triệu lít/nhà máy/năm. Dự kiến, các nhà máy này sẽ đi vào sản xuất năm 2011 và chắc chắn sẽ bảo đảm khả năng cung ứng xăng sinh học cho thị trường cả nước.

PV: Xin đồng chí cho biết NLSH liệu có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch?

Phó TGÐ Lý Hồng Ðức: Nguồn nhiên liệu từ hóa thạch không phải là vô hạn. Bản thân nó cũng không được tái tạo. Vì vậy, ngoài việc tiếp tục tìm kiếm thêm các mỏ dầu, mỏ than thì việc phát triển NLSH giúp các quốc gia chủ động hơn về nguồn nhiên liệu. NLSH còn đặc biệt có ý nghĩa với những quốc gia không có nguồn dầu mỏ và than đá. Ðồng thời, sản phẩm này còn giúp ổn định tình hình năng lượng cho thế giới và bảo đảm an ninh năng lượng mỗi quốc gia.

Ở nước ta trong hơn 10 năm qua, việc khai thác năng lượng sơ cấp tăng trung bình 16,4%. Sử dụng năng lượng sơ cấp tăng bình quân hơn 10%. Tốc độ tăng trưởng năng lượng tăng 11%, cao hơn tăng trưởng kinh tế 1,46 lần. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế và với trữ lượng năng lượng hóa thạch hiện có thì khả năng khai thác dầu khí cũng chỉ đáp ứng trong vòng 30 - 40 năm nữa. Do vậy, cần sớm tìm ra nguồn nguyên liệu thay thế và NLSH là một lựa chọn tất yếu.

Sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực dẫn đến di dân từ nông thôn ra thành thị với tốc độ ngày càng cao, cùng với đô thị hóa nhanh và sự gia tăng các phương tiện giao thông làm không khí bị ô nhiễm trầm trọng. Hiện tại, mức độ ô nhiễm tại các thành phố lớn của Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã ở mức báo động. Báo cáo triển vọng môi trường toàn cầu 4 do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố ngày 26-10-2007 đã đánh giá Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai trong số sáu thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới.

Vì vậy, NLSH sẽ là giải pháp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nhờ giảm thiểu đáng kể các loại khí thải như CO, SOx, HC, NOx hạt bụi và khí CO2.

PV: Nguyên liệu để sản xuất ethanol ở ba nhà máy đều sử dụng sắn lát khô, vậy chính sách tạo vùng nguyên liệu và với nông dân ở vùng nguyên liệu ra sao? Liệu có dẫn đến cạnh tranh nguyên liệu khi cả ba nhà máy đi vào hoạt động?

Phó TGÐ Lý Hồng Ðức: Hiện nay, để sản xuất ethanol, các nước đã sử dụng các loại thực vật như mía, ngô, sắn, rơm rạ, vỏ trấu... làm nguyên liệu. Công nghệ sản xuất ethanol ở ba nhà máy của PVN sử dụng sắn nguyên liệu, vì đây là loại cây dễ trồng, phù hợp điều kiện thực tế ở Việt Nam. Ðây cũng là cách giúp người nông dân ổn định đời sống khi có đầu ra cho cây sắn. Theo tính toán, mỗi nhà máy khi đi vào sản xuất sẽ sử dụng 240.000 tấn sắn lát/nhà máy cho khoảng 15.000 hộ trồng sắn tại các xã vùng cao của các tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên và Ðông Nam Bộ. Các nhà máy cam kết hỗ trợ nông dân về vốn, giống, kỹ thuật canh tác, bảo đảm nguồn thu mua ổn định... Như vậy, việc sản xuất ethanol từ sắn không chỉ giúp xóa đói, giảm nghèo ở các vùng sâu, vùng xa mà còn cải thiện cuộc sống với nguồn thu nhập ổn định cho phần lớn nông dân ở các địa phương, rút ngắn dần khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương.

Ðiều quan trọng là PVN không chỉ quan tâm đến sản xuất mà còn có kế hoạch quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu tập trung, cũng như xây dựng hệ thống thu mua, tồn trữ, phân phối, bảo đảm cung cấp ổn định 100% nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy.

Về nguyên liệu thì năm 2009, sản lượng sắn cả nước đạt gần 10 triệu tấn. Mỗi năm nước ta xuất khẩu từ 1,2 đến hai triệu tấn sắn thô sang Trung Quốc và Hàn Quốc. Các nước này nhập sắn cũng để sản xuất ethanol. Với việc phát triển NLSH, Việt Nam sẽ giảm xuất khẩu nguyên liệu sắn thô với giá trị thấp. Từ năm 2012 đến năm 2014, các nhà máy ethanol của PVN và của các thành phần kinh tế khác cũng chỉ tiêu thụ hết 16% sản lượng sắn của cả nước. Riêng PV OIL đã có kế hoạch dài hạn chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu đầu vào chất lượng cao cho các nhà máy. PV OIL sẽ áp dụng tiến bộ KHKT bằng việc liên kết với Viện KHKT nông nghiệp miền nam để đưa giống sắn và kỹ thuật canh tác mới, đưa sản lượng sắn bình quân đạt 18 - 25 nghìn tấn vào năm 2015. PV OIL cũng sẽ nghiên cứu giống mía cao sản và áp dụng kỹ thuật canh tác tiến bộ để đạt năng suất 70 - 90 tấn/ha vào năm 2015.

PV: So với việc xuất khẩu sắn thô, nông dân được lợi gì khi bán cho nhà máy?

Phó TGÐ Lý Hồng Ðức: Có nhiều cái lợi, cụ thể như: Một là, so với sắn xuất khẩu, sắn bán cho nhà máy trong nước sẽ tiết kiệm cả chi phí vận chuyển và chi phí trung gian mà người nông dân sẽ được thụ hưởng. Hai là, giá sắn cũng như lượng sắn xuất khẩu phụ thuộc vào biến động của thị trường thế giới trong khi các nhà máy cam kết tiêu thụ ổn định với mức giá sàn bảo đảm thu nhập cho nông dân. Ba là, khác với các thương gia nước ngoài, chúng tôi cam kết bảo đảm ổn định đời sống cho nông dân trồng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy những người sẽ gắn bó lâu dài trong chương trình NLSH của quốc gia.

Nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp nhưng chưa được phát huy tối đa. Nông thôn, nông nghiệp có "mỏ dầu" năng lượng sinh học từ lâu nhưng tiềm năng chưa được khai thác. Với định hướng phát triển NLSH thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Chính phủ Việt Nam đã mở ra hướng đi mới nâng cao đời sống của nông dân, xã viên, góp phần thiết thực xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương trong cả nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Những ai quan tâm có thể truy cập www.pvoil.com.vn hoặc gọi số 1800545429 để tìm hiểu thêm thông tin về xăng sinh học E5.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.


Phạm Khánh (Theo Báo Nhân Dân)

Tin khác