Ngày 21 tháng 4 năm 2006, tại Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh Lào Cai, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, phối hợp với Viện Nghiên cứu cây ăn quả và Sở NN Lào Cai diễn ra hội thảo “Hệ thống sản xuất và marketing rau quả ở vùng núi phía bắc-Trường hợp của Lào Cai tập trung vào ba loại hàng hoá chính của Lào Cai là nhãn, mận và su su”, trong khuôn khổ tài trợ dự án ACIAR.
Ngày 21 tháng 4 năm 2006, tại Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh Lào Cai, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, phối hợp với Viện Nghiên cứu cây ăn quả và Sở NN Lào Cai diễn ra hội thảo “Hệ thống sản xuất và marketing rau quả ở vùng núi phía bắc-Trường hợp của Lào Cai tập trung vào ba loại hàng hoá chính của Lào Cai là nhãn, mận và su su”, trong khuôn khổ tài trợ dự án ACIAR. |Tới dự hội thảo, các đại biểu địa phương có Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai, hội khuyến nông, đại diện các huyện, đại diện đến từ các vùng chuyên canh mận, nhãn, susu.
Để thực hiện nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Tư vấn Chính sách sử dụng các phương pháp phỏng vấn sâu đối với lãnh đạo và người buôn bán, cán bộ hải quan ở Lào Cai; sử dụng điều tra bán cấu trúc với mẫu 240 gia đình ở Lào Cai, 20 người bán buôn rau quả ở Hà Nội và 30 người bán lẻ rau quả ở Hà Nội; thu thập lấy ý kiến chuyên gia (trong nước và quốc tế) và dùng mô hình phân tích chính sách.
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu trình bày kết quả tìm được về hệ thống sản xuất, bao gồm cung đầu vào cho sản xuất, tình trạng sử dụng đất, chi phí sản xuất và doanh thu, năng suất, và các hoạt động sau thu hoạch của cây mận ở Bắc Hà, nhãn ở Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn và su su ở Sapa. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến hệ thống sản xuất các sản phẩm nông sản này như dịch vụ khuyến nông, bệnh và sâu bệnh, tín dụng, các kênh thông tin về giá và thị trường. Ngoài ra, đã mô hình hoá và phát hiện những tồn tại trong chuỗi marketing mận, nhãn, su su từ Lào Cai đến Hà Nội, phân tích thực trạng và những khó khăn của người nông dân, lợi ích của người nông dân nhận được trong việc tiếp cận với người buôn bán, khó khăn của người thu gom, khó khăn của người buôn bán đường dài trong marketing và phân tích tỷ phần chênh lệch giá của từng sản phẩm nông sản theo các giai đoạn marketing (Xem chi tiết trong tài liệu đính kèm).
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã kết hợp với các chuyên gia quốc tế dùng mô hình để mô phỏng và phân tích chính sách, với 4 câu hỏi/giả thuyết chính: (i) Chính sách tăng cung ảnh hưởng như thế nào đến giá, (ii) Chính sách tăng cầu ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân thế nào, (iii) Chính sách giảm chênh lệch giữa giá bán tại nơi sản xuất và giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng (marketing margin) có lợi cho người sản xuất và tiêu thụ như thế nào? Và (iv) việc kéo dài thời kỳ thu hoạch sẽ cải thiện thu nhập của nông dân như thế nào?
Ba nhóm đề xuất chính sách được đưa ra tại hội thảo. Thứ nhất, hỗ trợ sản xuất. Cần nâng cao chất lượng mận ở những diện tích đang trồng thay vì mở rộng diện tích trồng mận, thông qua tăng cường chất lượng giống, kỹ thuật canh tác tỉa cành cho năng suất cao hơn, quả to hơn và tăng cường đào tạo và mô hình trình diễn tại ruộng. Cần kéo dài thời gian thu hoạch mận. Giảm thất thoát sau thu hoạch là các kỹ thuật rất cần thiết cho mận và nhãn, thông qua tổ chức đào tạo về phương pháp thu hoạch có hiệu quả, nghiên cứu thêm về công cụ và phương tiện dùng trong thu hoạch và bảo quản, hỗ trợ thiết bị giữ lạnh trong khi chuyên chở cho các thương mại và công tác dự báo thời tiết cần tốt hơn, tăng cưởng phương pháp tập huấn về sử dụng phân bón. Thứ hai, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thông qua triển lãm, hội chợ, web, xây dựng chương trình thương hiệu “Mận Bắc Hà”, bài học từ “vải Thiều”, “bưởi Năm Roi”; cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường hệ thống thông tin rau quả. Thứ ba, hỗ trợ tín dụng cho người trồng nhãn và mận từ đầu vụ để mua đầu vào, hỗ trợ tín dụng cho thương lái để thu mua rau quả, gián tiếp hỗ trợ nông dân bán sản phẩm.
Ông Phan Duy Hạnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai hoàn toàn nhất trí với kết quả nghiên cứu và đề xuất chính sách mà nhóm nghiên cứu trình bày tại Hội nghị. Tuy nhiên, theo sát thực tế của Lào Cai, ông bổ sung “Ba cải tạo” lớn cần thực hiện cho hệ thống sản xuất rau quả của Lào Cai. Thứ nhất là cải tạo cây, tăng cường chất lượng giống, chăm sóc canh tác, tạo tỉa tán cành, đầu tư thâm canh, sử dụng phân bón và công tác tưới. Hiện nay diện tích mận chủ yếu dựa vào nước tưới tự nhiên, đến mùa khô thiếu nước nên tình trạng rụng quả cao, ảnh hưởng năng suất mận. Thứ hai là cải tạo vườn, phải thực hiện lại khâu chọn giống, đất và vườn trồng hiện nay chưa hợp lý. Thứ ba là cải tạo vùng, trước kia Lào Cai độc quyền về canh tác mận, chưa có chính sách đưa giống mận đi Sơn La, Tuyên Quang, chưa có cạnh tranh của mận nhập khẩu, vì vậy, cung mận có hạn, mận được giá, dẫn đến việc nông dân đổ xô trồng mận. Kết quả là, đến nay mận được trồng khắp nơi, cả trên đất đồi núi, đất tầng dày có 40-50 cm cũng trồng mận, diện tích mận trồng không đúng đất tăng mạnh. Thực tế trớ trêu là mận càng được mùa, tỉnh càng tốn nhiều tiền, mấy năm gần đây cần đến 500-600 triệu để hỗ trợ cước vận chuyển thương lái. Vì vậy, diện tích mận trồng không đúng đất, hoặc tầng dày của đất không phù hợp phải chuyển sang trồng cây khác. Bên cạnh đề xuất “ba cải tạo”, ông Giám đốc Sở đề ra “Hai hỗ trợ” cho Lào Cai “hỗ trợ sản xuất” cho hệ thống sản xuất và marketing nhãn Bảo Thắng, và “hỗ trợ vùng” thực hiện ý tưởng “Xây dựng vùng rau và hoa ở Lào Cai”, nếu được xây dựng sẽ là cầu nối Lào Cai (Việt Nam) với Vân Nam (Trung Quốc), và nằm trên hành lang Hà Nội-Quảng Ninh-Hải Phòng-Vân Nam.
Năm 2004, diện tích trồng mận của Lào Cai là 1767 ha, với bốn loại giống là Trại Tràng ly, Tá Hoàng Lý, Hậu và mận tím. Có tới 80% quả mận giống địa phương là tiêu thụ trong tỉnh, trong khi đó 80% mận Tam Hoa đã tiêu thụ được ở Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phía Nam, nhưng người dân trồng mận vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi giá mận giảm. Bắc Hà là huyện có diện tích trồng mận lớn nhất, chiếm 73,7% tổng diện tích mận của toàn tỉnh. Năm 2004, sản lượng mận Bắc Hà đạt 8000 tấn, trong tổng sản lượng 9112 tấn của toàn tỉnh. Mận được coi là cây mũi nhọn của Bắc Hà, mang lại lợi ích kinh tế lớn tương đối so với các loại cây trồng khác. Một người dân vùng chuyên canh mận Bắc Hà tham dự tại hội thảo phát biểu “mận là cây mũi nhọn của huyện Bắc Hà, nhưng người dân chúng tôi vẫn luôn đối mặt với chuyện được mùa mất giá-được giá mất mùa. Quả “ mận ngố” Bắc Hà của chúng tôi, quả to, thơm, ngọt, nhưng giá bán ở Lào Cai chỉ được 5000 đồng/1 kg, trong khi quả mận Mỹ bán ở Hà Nội được giá là 90.000 đồng/1 kg. Tỉnh cũng đã đầu tư cho 1 hợp tác xã ở Bắc Hà để sản xuất mứt mận và chế biến sirô nước mận, nhưng hàng hoá sản xuẩt ra chưa tiêu thụ hết, đến giờ vẫn tồn trong kho”. Thực tế, vấn đề quy hoạch vùng mận chuyên canh, nâng cao chất lượng và chính sách cải tạo, phục tráng”, tiếp thị và xây dựng thương hiệu mận cần được quan tâm hơn nữa.
Có cùng quan điểm này, nhưng Anh Dương Đức Huy, trưởng phòng kinh tế huyện Sapa phân tích tình huống-đề xuất chính sách sâu sắc hơn “Chủ trương chung cần làm đó là phải có quy định rõ về quy mô sản xuất, làm sao tránh được tình trạng cung vượt cầu, nghiên cứu biện pháp kỹ thuật rải vụ đẩy mạnh chăm sóc bảo quản sau thu hoạch đối với cây mận và hướng dẫn bà con kỹ thuật thu hái để tránh dập, hao hụt do tỉ lệ quả thối cao. Kỹ thuật rải vụ thực sự rất cần thiết vì rõ ràng các sản phẩm rau quả đầu vụ và cuối vụ thường bán được giá cao. Trong canh tác cây mận, chi phí làm giàn lớn nên nông dân gặp khó khăn, vì vậy cần chính sách vay vốn cho người dân có thể đầu tư. ”
Hoàng Ngân