Thị trường thế giới - giá cà phê arabica giảm mạnh
Bất chấp những thông tin không mấy khả quan về tình hình sản xuất cà phê thế giới, hoạt động bán trục lợi của các quỹ hàng hoá và các nhà kinh doanh sau khi thấy giá tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2000 đã khiến cho giá cà phê các loại tuần qua giảm đáng kể trên các thị trường giao dịch thế giới, nhất là cà phê arabica.
Thị trường thế giới - giá cà phê arabica giảm mạnh
Bất chấp những thông tin không mấy khả quan về tình hình sản xuất cà phê thế giới, hoạt động bán trục lợi của các quỹ hàng hoá và các nhà kinh doanh sau khi thấy giá tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2000 đã khiến cho giá cà phê các loại tuần qua giảm đáng kể trên các thị trường giao dịch thế giới, nhất là cà phê arabica.|
Cuối ngày 17/6/2005, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9/05 trên thị trường NewYork chỉ còn 2464 USD/tấn, giảm 122 USD/tấn một tuần trước đó và giảm 50 USD so với 2.514 USD/tấn đầu tuần.
Thấp hơn 73 USD/tấn so với đầu tuần trước nhưng diễn biến của thị trường robusta vẫn khả quan hơn nhiều so với thị trường NewYork. Giá giao tháng 9/05 cuối tuần đạt 1.218 USD/tấn, tăng so với mức 1.165 USD/tấn của đầu tuần.
Lý giải cho sự ảm đạm của thị trường cà phê thế giới tuần qua, nhất là thị trường cà phê arabica NewYork, các thương nhân cho rằng phần lớn là do các quỹ hàng hoá tiến hành thanh lý bớt lượng hiện có sau một thời gian liên tục mua vào và trước thời điểm hợp đồng tháng 7/05 đáo hạn (ngày 21/6/05). Còn thị trường robusta tiếp tục được hậu thuẫn bởi khả năng thiệt hại do hạn hán của vụ cà phê tới ở Việt Nam. Thời tiết khô hạn kéo dài thời gian qua tiếp tục khiến cho thị trường đưa ra những đồn đoán về quy mô vụ mùa sắp tới và cho dù thời tiết có mưa sau cũng phải mất ít nhất hai năm sản lượng mới phục hồi trở lại mức bình thường. Trong khi đó, sản xuất ở Indonesia cũng bị ảnh hưởng nhiều vì thiếu lao động và những khó khăn về cơ sở hạ tầng sau khi diễn ra trận sóng thần hồi cuối năm ngoái.
Theo dự báo tháng 6 của Tổ chức cà phê thế giới, sản lượng cà phê niên vụ 2005/06 vẫn giữ nguyên mức 106 triệu bao cà phê (60 kg/bao) dự kiến hồi tháng 5, giảm đáng kể so với 113,98 triệu bao của vụ 2004/05.
Thị trường trong nước - giá đứng ở mức cao
Tại Đắc Lắc, giá cà phê nhân xô thu mua tiếp tục đứng ở mức trên 18.500 đồng/kg, gấp đôi so với cách đây 3 tháng.
Giá cà phê Robusta loại 2, 5% hạt đen và vỡ xuất khẩu dao động từ 1.060-1.100 USD/tấn, FOB Sài Gòn và diễn biến khá sát với giá trên thị trường London.
Kể từ thời điểm cà phê sụt giá vào năm 2000 đến nay, đây là giai đoạn có giá cao nhất. Cà phê lên giá nhưng nhiều đại lý thu mua cà phê ở Đắk Lắk phải chuyển sang kinh doanh phân bón, vì không còn cà phê để mua. Ngay sau khi thu hoạch xong và giá cà phê thu mua lên đến 11.000 đồng/kg, phần lớn bà con nông dân vội vàng bán hết cà phê trong nhà, để khắc phục hậu quả của đợt hạn nặng vừa qua.
Ước tính chưa tới 10% số hộ trồng cà phê ở Đắk Lắk còn trữ lại cà phê chờ giá cao để bán, nhưng cũng còn với số lượng không đáng kể.
Nhận định
Giá cà phê tuần tới có thể sẽ tăng trở lại do cầu cà phê thế giới tiếp tục vượt cung trong niên vụ tới khi sản lượng tại hầu hết các nước sản xuất lớn giảm. Theo dự kiến của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2005/06 đạt 113,1 triệu bao loại 60kg (132,276 lb), giảm khoảng 6% so với 119,8 triệu bao niên vụ trước. Sản lượng cà phê thế giới giảm như vậy chủ yếu do sản lượng cà phê của Braxin – nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới giảm. Sản lượng cà phê niên vụ 2005/06 của Braxin được dự đoán đạt 36,5 triệu bao, giảm 14% so với niên vụ 2004/05.
Với thị trường trong nước, giá dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao nhờ sự vững giá của thị trường thế giới.