5 kiến nghị về quản lý KHCN trong nông nghiệp

09/09/2011

Trong 25 năm đổi mới, nhờ các yếu tố đầu vào như đất đai, nước tưới, lao động, vật tư…. Lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã duy trì được mức tăng trưởng cao đều đặn 4 – 5%, giúp Việt Nam đạt được những thành công đáng kể về phát triển kinh tế xã hội: đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, duy trì mức xuất siêu nông sản…

Tuy nhiên, tới nay, sau khi hầu hết các nguồn lực này đã đến mức giới hạn tăng trưởng của ngành nông nghiệp bắt đầu chững lại và có xu hướng giảm: năm 2008 tăng trưởng GDP của ngành 4,7%; đến năm 2010 còn 2,8%.
Rõ ràng đã đến lúc chúng ta phải chuyển từ một nền nông nghiệp tăng trưởng theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu (hiệu quả, năng suất, giá trị gia tăng phải thay thế cho quy mô sản lượng), trong đó , động lực của chính sách, hiệu quả của KHCN và các biện pháp quản lý phải trở thành nguồn lực chính tạo nên tăng trưởng.
 
Trong những năm gần đây, Bộ Nông nghiệp đã thay đổi mạnh công tác quản lý KHCN: về tổ chức đã và đang gom bớt đầu mối từ vài chục Viện xuống còn 11 Viện chính. Số cán bộ nghiên cứu khoa học tăng lên gần 8.000 người, cán bộ khuyến nông tăng 33.000 người. Đầu tư xây dựng cơ bản và nghiên cứu cũng tăng mạnh, gấp 10 lần hơn 10 năm trước. Dù vậy, những nỗ lực này chưa đem lại thay đổi quan trọng về kết quả KHCN.
Cũng giống như tình trạng đã từng diễn ra ở các HTX trước kia, ở các nông lâm trường quốc doanh và các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay, yếu tố cản trở lớn nhất cho hoạt động của các cơ quan KHCN công lập không phải kinh phí hay cơ sở vật chất, mà chính là đội ngũ cán bộ thiếu động lực. Cán bộ khoa học, cán bộ khuyến nông không coi mình là chủ nhân của Viện nghiên cứu, trạm kỹ thuật. Hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học không coi người sản xuất kinh doanh là khách hàng, KHCN là hàng hóa.
Cán bộ không coi mình là chủ đơn vị
Mặc dù Nhà nước đã đưa ra Nghị định 115, Nghị định 43, Nghị định 80 để trao quyền tự chủ cho cơ quan sự nghiệp hoạt động KHCN công lập, thậm chí cho phép thành lập các doanh nghiệp KHCN nhưng những văn bản trên đi vào cuộc sống rất chậm (Nghị định 115 đã phải lùi thời hạn thực hiện từ 2009 đến năm 2013). Cho tới nay, các cơ quan sự nghiệp vẫn tiếp tục quan hệ “xin – cho” với các cơ quan quản lý về nhiều hoạt động tổ chức và tài chính. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là có cơ quan quản lý Nhà nước không muốn mất quyền, một số cán bộ làm công tác quản lý không muốn mất lợi.
Ngược lại, tại nhiều đơn vị KHCN công lập có những cán bộ quản lý không muốn bươn chải với thị trường, không ít cán bộ nghiên cứu chỉ quen hoạt động khoa học kinh viện, không quan tâm tới triển vọng ứng dụng của tiến bộ kỹ thuật nên vẫn muốn bám vào bao cấp của Nhà nước. Tình trạng này chẳng khác gì quá trình khó khăn khi chuyển hệ thống doanh nghiệp quốc doanh ra khỏi quản lý trực tiếp của Nhà nước trước đây.
Không hình thành được quan hệ thị trường trong hoạt động KHCN
Yếu tố cản trở lớn nhất cho hoạt động của các cơ quan KHCN công lập không phải là kinh phí hay cơ sở vật chất, mà chính là đội ngũ cán bộ thiếu động lực.
Mặc dù, đã trải qua 25 năm đổi mới nhưng cơ chế quản lý KHCN vẫn mang dáng dấp của kinh tế kế hoạch trước kia. Kế hoạch nghiên cứu khoa học do các cơ quan quản lý Nhà nước lập ra với ý kiến tham mưu của những người đứng đầu các cơ quan nghiên cứu công lập không tính đến yêu cầu thực tế đặt ra hàng ngày từ thực tế sản xuất. Hoạt động đấu thầu cũng tập trung trong phạm vi các đơn vị này và hội đồng chọn thầu, đánh giá nghiệm thu kết quả cũng quanh quẩn trong một số “cây đa, cây đề” trên, thiếu ý kiến trực tiếp của người sử dụng. Do vậy, tình trạng nể nang nhau, thậm chí là tiêu cực khó tránh khỏi. Tương tự như thế, kinh phí khuyến nông cũng được xây dựng bởi các cơ qua Trung ương, triển khai thành các chương trình khuyến nông trọng điểm, giao kinh phí và nội dung từ trên xuống cho từng địa bàn.
Vì thế, đối với người nghiên cứu, sản phẩm cuối cùng chỉ là báo cáo khoa học. mục đích cuối cùng chỉ là được Hội đồng thông qua, còn tiến bộ khoa học đó có được áp dụng hay không, có đem lại lợi ích cho nông dân hay không lại không phải là mối quan tâm của họ. Chưa có một cán bộ khoa học, một cán bộ khuyến nông bị trừ lương vì không đem lại tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, hay một Viện nghiên cứu nào bị giải thể hoặc lãnh đạo bị cách chức vì không có kết quả nghiên cứu được ứng dụng.
5 kiến nghị đổi mới quản lý KHCN trong nông nghiệp
Nếu như thập kỷ 80 chứng kiến công cuộc đổi mới trong HTX, trả lại quyền tự chủ và trao lại trách nhiệm nuôi sống xã hội cho người nông dân thì đã đến lúc cần có một công cuộc đổi mới trong các đơn vị KHCN, trả lại quyền tự chủ và trao cho cán bộ khoa học trách nhiệm cung cấp tiến bộ cho nông dân.
Để làm được việc này, cần thực hiện những kiến nghị sau về việc tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý KHCN:
Chia kinh phí KHCN thành 3 nhóm:
-        Nhóm 1: phục vụ các nhiệm vụ nghiên cứu mang tầm ngành do lãnh đạo Bộ quản lý.
-        Nhóm 2: phục vụ những nghiên cứu đáp ứng các vấn đề cụ thể của sản xuất kinh doanh do đại diện người sử dụng tham gia quản lý.
-     Nhóm 3: phục vụ các nghiên cứu có triển vọng về khoa học và các nhiệm vụ KHCN thường xuyên do đại diện các nhà nghiên cứu quản lý.
Ở mỗi nhóm, từ công tác lập kế hoạch đến phân chia kinh phí và nghiệm thu kết quả do chính người sử dụng kết quả chịu trách nhiệm. Kinh phí được ưu tiên cho các đơn vị nghiên cứu có năng lực của ngành, dựa trên hiệu quả đem lại của đơn vị. Ngoài ra, một tỷ lệ nhất định đươc đấu thầu hoặc trao cho các đơn vị ngoài ngành và ngoài các đơn vị công lập.
Đơn giản hóa thủ tục quản lý tài chính, hướng vào khoán đến sản phẩm KHCN cuối cùng:
-        Đối với nghiên cứu úng dụng, sản phẩm cuối cùng là một giống mới, một mẫu máy mới, hay một kỹ thuật mới… được người sản xuất hoặc cơ quan kiểm định chứng nhận.
-        Đối với sản phẩm KHCN thường xuyên cũng khoán đến kết quả cuối cùng như: kết quả điều tra khảo sát; kết quả phân tích thị trường; kết quả dự báo dự tính… được các cơ quan sử dụng công nhận.
-        Đối với hoạt động khuyến nông, kết quả và chất lượng cũng phải được nông dân đánh giá hoặc đại diện của họ. Đánh giá này phải ảnh hưởng tới lương bổng, hoặc kinh phí hoạt động của lực lượng khuyến nông.
Có chính sách khuyến khích đặc biệt về vật chất và tinh thần để người nghiên cứu và chuyển giao công nghệ được hưởng lợi từ chính kết quả làm việc của mình.
-        Đặc thù của ngành nông nghiệp là tiến bộ kỹ thuật không thể giữ được bản quyền, vì vậy Nhà nước cần có phương thức thu lại lợi nhuận của người sản xuất kinh doanh thông qua phí, thuế để phân phối lại cho cán bộ nghiên cứu.
-        Bên cạnh đó, đặc điểm của hoạt động KHCN là phân tán trên mọi địa bàn, trong khi đời sống của cán bộ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy cần ban hành chế độ xây dựng và sử dụng nhà công vụ để đảm bảo điều kiện sống cho cán bộ KHCN.
Khuyến khích đầu tư tư nhân và quốc tế:
-        Ở các nước phát triển, kinh phí nghiên cứu và chuyển giao khoa học ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp của tư nhân thường cao hơn Nhà nước. Cần ban hành các chính sách khuyến khích đặc biệt để thu hút đầu tư của các tổ chức quốc tế và tư nhân trong nước vào hoạt động KHCN, kể cả việc thành lập cơ quan nghiên cứu, cơ quan khuyến nông, cơ quan dịch vụ KHCN, cơ quan kinh doanh sản phẩm KHCN. Trước hết, hãy bắt đầu từ việc đơn giảm hóa thủ tục, hỗ trợ đất đai và giảm thuế.
Khuyến khích, tiến đến bắt buộc các cơ quan KHCN trong nước áp dụng thực hiện theo các tiêu chuẩn về phương pháp nghiên cứu quản lý, về đội ngũ cán bộ khoa học, về trang thiết bị, về công nghệ của các cơ quan KHCN trong khu vực, sau đó nâng lên mức các Viện quốc tế. Thu hút các cán bộ được đào tạo tốt từ nước ngoài về tham gia nghiên cứu và quản lý. Đặc biệt ưu đãi các chuyên gia hàng đầu quốc tế. Khuyến khích thành lập các tổ chức KHCN liên doanh với quốc tế.
Đầu tư cho KHCN hôm nay cần phải được ưu tiên như đầu tư khai hoang, xây dựng hệ thống thủy lợi trước đây. Tăng mức đầu tư cho KHCN từ mức 0,15% tổng ngân sách hiện tại hiện nay lên mức 0,4 – 0,6% ngân sách, như các nước trong vùng. Trong đó, tập trung vào đầu tư phát triển con người. Hỗ trợ cả đào tạo và ưu đãi sử dụng cán bộ, đầu tư trang bị điều kiện làm việc song song cải thiện điều kiện sống.
Đổi mới quản lý KHCN là cuộc cải cách toàn diện về đầu tư công, chính sách, tổ chức bộ máy mà bản thân nhiều người trong cuộc không muốn thay đổi. Nhưng nếu buông xuôi tất cả chúng ta sẽ phải đương đầu với một tình trạng khủng hoảng hoặc trì trệ chậm phát triển kéo dài. Phương pháp thích hợp nhất là tiến hành đổi mới theo mô hình thử nghiệm. Thành công sẽ đến nếu có quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo.
Nếu hoạt động KHCN được “chủ nhân hóa, thị trường hóa, tư nhân hóa, quốc tế hóa” thì sẽ huy động được nguồn lực to lớn của xã hội và quốc tế, đưa sản xuất nông nghiệp lên một tầm cao mới.
* Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện có 11 Viện nghiên cứu trực thuộc Bộ, trong đó có 2 Viện được xếp hạng đặc biệt là Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (17 Viện, trung tâm thành viên) và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (14 Viện, tổ chức thành viên).
* Tổng số cán bộ KHCN làm việc tại các Viện hơn 7.930 người, trong đó số cán bộ hưởng lương ngân sách Nhà nước gần 4.600 người (gần 60%); số còn lại do các đơn vị tự lo lương và các chế độ khác. Có 67 GS, P.GS; 426 TSKH, TS; gần 1.300 thạc sỹ.
* Tham gia nghiên cứu còn có sự tham gia của các trường đại học, các Viện hưởng lương sự nghiệp kinh tế thuộc Bộ, các tổ chức, các Viện ngoài Bộ. Hiện cả nước có hơn 33.200 cán bộ khuyến nông, 85 người cấp Trung ương, hơn 2.100 người cấp tỉnh, gần 3.800 người cấp huyện, còn laị là xã, thôn, bản.
* Trong 1.000 tỷ đồng hàng năm đầu tư cho nghiên cứu, khoảng một nửa là đầu tư xây dựng cơ bản; nửa còn lại, thì 50% cho quỹ lương và hoạt động bộ máy, và phần còn lại cho hoạt động nghiên cứu KHCN, trong đó, phần dành cho các đề tài nghiên cứu chưa đến 200 tỷ đồng.
 
TS. Đặng Kim Sơn

 

Bài đã đăng trên Tạp chí Tia sáng  số 17 ngày 05-09-2011

 


Tin khác