TUYỂN CHUYÊN GIA PHỤC VỤ NGHIÊN CỨU “ PHÁT TRIỂN QUẢN LÝ TRUY XUẤT NGUỒN GỐC XUẤT XỨ CHO MẶT HÀNG THANH LONG BẰNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN ”

27/02/2012

Ngành hàng rau quả Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh bởi điều kiện tự nhiên thuận lợi, lao động được đào tạo tốt về kỹ thuật canh tác, nhu cầu thị trường rau quả thế giới cũng như trong nước đang tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm rau quả lại đang phải đối mặt với những trở ngại lớn trong tiêu thụ do những đòi hỏi về kỹ thuật và môi trường ngày một nghiêm ngặt vì vấn đề sức khỏe, vệ sinh an toàn.

1- TÍNH CẤP THIẾT CỦA HOẠT ĐỘNG

Ngành hàng rau quả Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh bởi điều kiện tự nhiên thuận lợi, lao động được đào tạo tốt về kỹ thuật canh tác, nhu cầu thị trường rau quả thế giới cũng như trong nước đang tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm rau quả lại đang phải đối mặt với những trở ngại lớn trong tiêu thụ do những đòi hỏi về kỹ thuật và môi trường ngày một nghiêm ngặt vì vấn đề sức khỏe, vệ sinh an toàn. Không chỉ những thị trường có thu nhập và lợi nhuận cao như các nước châu Âu, Nhật Bản, Mỹ v.v luôn đòi hỏi các nhà thu mua, phân phối rau quả phải đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng mà ngay trong nước nhu cầu này cũng không ngừng tăng lên. Chính điều này đã khiến các doanh nghiệp phân phối, kinh doanh rau quả luôn đòi hỏi khâu sản xuất phải cung cấp các sản phẩm có chất lượng vệ sinh an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng những đòi hỏi nghiêm ngặt về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) để họ có thể kiểm soát chất lượng và khi cần họ có thể truy tìm nguồn gốc sản phẩm để biết rõ về chất lượngtrong quá trình sản xuất.
Để tăng khả năng tiếp cận thị trường, những năm gần đây ngành nông nghiệp đã triển khai mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, EuroGAP và GlobalGAP và nhiều qui trình SX an toàn khác trong đó có mặt hàng rau quả. Tuy nhiên, thị trường vẫn không phân biệt được đâu là rau quả an toàn hay không khiến cả người sản xuất và người tiêu dùng cùng thiệt thòi.
 
Một trong nhiều giải pháp quản lý được chuỗi SX- tiêu thụ trái cây theo hướng an toàn là cần phải xây dựng một hệ thống thông tin truy nguyên nguồn gốc (Traceability Information System – viết tắt là TIS). Hệ thống sẽ ghi chép một các khoa học, trở thành cơ sở dữ liệu được hệ thống hóa để có khả năng cập nhật thông tin, truy cập hoặc truy xuất thông tin khi cần thiết, giúp các đối tượng xác định rõ được sản phẩm sử dụng có thực sự đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn.
 
Để xây dựng được hệ thống TIS, các tác nhân trong chuỗi sản xuất – tiêu thụ rau quả phải cùng nhau tham gia để cung cấp thông tin sản phẩm một cách có hệ thống sao cho trong khâu sản xuất trái cây có thể có được những thông tin chi tiết về quy trình trồng, các nguyên liệu sử dụng để canh tác, xử lý sau thu hoạch, bảo quản, chế biến và phân phối. Những người quản lý chuỗi giá trị cần thông tin về nguồn gốc chất lượng và đặc điểm của sản phẩm một cách có hệ thống và chuyên nghiệp cho việc quản lý ngành hàng. Điều này có nghĩa là các sản phẩm nông nghiệp phải có đầy đủ tư liệu hồ sơ chứng minh nguồn gốc, địa điểm, quy trình kỹ thuật áp dụng.
 
Dự án Thông tin Thị trường Nông nghiệp (VAMIP) do Chính phủ Canada tài trợ đã thiết lập được mối quan hệ gắn bó giữa các tổ nhóm sản xuất rau quả và mạng lưới phân phối. Hơn nữa, Dự án cũng đã cung cấp những thiết bị như máy tính, điện thoại di động, và những thiết bị liên quan tới việc ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận thị trường rau quả. Hệ thống này do vậy sẽ là nền tảng rất tốt cho việc phát triển một hệ thống thử nghiệm thông tin truy xuất nguồn gốc xuất xứ để trên cơ sở đó rút kinh nghiệm cho việc phát triển những hệ thống hoàn chỉnh nhằm giúp ngành hàng nông sản có cơ hội tham gia thị trường tốt hơn, người nông dân SX nông sản bớt thiệt thòi hơn khi tham gia thị trường.
 
Hoạt động này mở rộng phạm vi của hoạt động ứng dụng SMS trước đây trong hoạt động 4.1.1 trong VAMIP năm 2009 bằng cách sử dụng SMS cho hoạt động mua bán rau quả của các tổ nhóm nông dân. Dự án VAMIP sẽ hỗ trợ hệ thống thử nghiệm TIS này khi bắt đầu, và sau đó sẽ chuyển giao cho Viện Chính sách Chiến lược PTNNNT khi hỗ trợ của VAMIP kết thúc.
 
Hê thống sẽ thử nghiệm đầu tiên trên trái cây Thanh long bởi thanh long của Việt Nam được xác định để trở thành một loại trái cây quan trọng trong chiến lược phát triển cây ăn quả của chính phủ. Ngày 05/06/2007 Thủ tướng và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cho phép và ký quyết định Số 52/2007/QĐ-BNN để thông qua chương trình phát triển ngành hàng rau quả, hoa và cây cảnh giai đoạn 2010 đến 2020. Trong 11 loại trái cây được cho là có vị thế ưu tiên cho xuất khẩu, thanh long được cho là có ưu thế nhất. Tuy nhiên, 80% các nhà nhập khẩu thanh long đều yêu cầu cung cấp thông tin về nguồn gốc sản phẩm. Bằng cách nào người tiêu dùng, nhà phân phối có thể biết về chất lượng nguồn gốc của thanh long trong quá trình canh tác? Việc ứng dụng công nghệ thông tin để hình thành hệ thống giám sát truy xuất nguồn gốc thanh long thông qua phần mềm công nghệ mới, nó có thể trả lời cho khách hàng những thông tin về quá trình SX, chất lượng SX thanh long.
 
Hê thống TIS có 2 phần quan trọng đó là TIS cho khâu sản xuất đồng ruộng và TIS cho quá trình lưu trữ phân phối rau quả. Khâu lưu trữ, phân phối cũng là khâu vô cùng quan trọng liên quan tới chất lượng VSAT thực phẩm, nó chủ yếu do doanh nghiệp kinh doanh, phân phối trái cây đảm nhận. Trong khuôn khổ kinh phí thử nghiệm có hạn, dự án ưu tiên làm thử nghiệm TIS cho khâu SX trái cây trên đồng ruộng và thu hoạch trước khi tham gia vào các kênh phân phối nhằm hỗ trợ cho nông dân vốn là đối tượng còn nhiều hạn chế về năng lực và khả năng tài chính.
 
Tuy nhiên, khi hoàn thiện hệ thống TIS, phần thông tin ngoài đồng ruộng và thông tin trong kho trữ chuẩn bị tham gia phân phối phải tương thích, gắn liền nhau nên trong quá trình xây dựng phải có sự lựa chọn, thống nhất các trường thông tin lưu trữ của 2 phần ngay từ đầu để đảm bảo có thể kết nối phục vụ truy suất thông tin toàn chuỗi sau này.
 
2- ĐỊA ĐIỂM TIẾN HÀNH
Hệ thống thử nghiệm thực hiện tại 2 tỉnh là Bình Thuận và Tiền Giang là 2 địa phương mang tính đại diện cao. Bình Thuận là tỉnh phía Nam có diện tích trồng thanh long lớn nhất cả nước (chiếm 76% sản lượng cả nước) . Thống kê bởi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình thuận đã cho thấy rằng diện tích trồng thanh long của tỉnh đã tăng từ 6.000 ha đầu năm 2006 đến hơn 13.000 ha năm 2010 với quy mô lớn và tập trung. Tiền Giang là tỉnh đứng thứ 2 với 3.000 ha.
 
3- MỤC TIÊU CỦA HOẠT ĐỘNG
Xây dựng mô hình thử nghiệm hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về nguồn gốc xuất xứ trái cây với các kỹ thuật canh tác sử dụng trước, trong và sau sản xuất trái cây phục vụ cho việc kiểm soát chất lượng sản phẩm.
 
4- NỘI DUNG THỰC HIỆN
Gồm những nội dung sau đây:
a. Lựa chọn địa bàn xây dựng mô hình: Dự kiến tại Bình Thuận và Tiền Giang mỗi tỉnh có 1 mô hình thử nghiệm. Mô hình là các nhóm nông dân đã liên kết ( HTX hoặc Tổ hợp tác ) trồng thanh long theo GAP, đã có kết nối với doanh nghiệp kinh doanh, với thị trường để tiêu thụ thanh long, đăc biệt là thị trường xuất khẩu;
b. Thiết lập các trường thông tin về thanh long cần lưu trữ sao cho phù hợp với yêu cầu có thể truy suất thông tin, kiểm soát chất lượng;
c. Thiết lập hệ thống thông tin từ máy chủ kết nối với các điểm của mô hình để chuẩn bị cho việc truyền gửi thông tin qua SMS và qua Internet để hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu ( CSDL) tích hợp một cách khoa học, có thể cập nhật tự động và các đối tác kinh doanh, phân phối trái cây có thể khai thác hiệu quả;
d. Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cách ghi chép, cập nhật thông tin vào hệ thống CSDL cho toàn bộ nông dân thuộc các HTX hoặc THT thuộc 2 mô hình thử nghiệm;
e. Tổng hợp, báo cáo, đúc kết kinh nghiệm
 
5- NHIỆM VỤ CHUYÊN GIA
Để triển khai các nội dung trên, dự kiến sẽ có 4 vị trí chuyên gia gồm: Chuyên gia Công nghệ thông tin; Chuyên gia Nông học; Chuyên gia Thông tin Thị trường Nông nghiệp và Chuyên gia Kinh doanh Thương mại.
 
+ Chuyên gia Công nghệ Thông tin – 01 vị trí
+ Nhiệm vụ
- Cùng Chuyên gia Nông học khảo sát thực trạng , tìm đối tượng nông dân SX thanh long đáp ứng yêu cầu; lựa chọn điểm đặt mô hình phù hợp yêu cầu, mục tiêu thử nghiệm, đảm bảo tính hiệu quả và khả thi cao; Xây dựng nội dung kế họach thực hiện
- Nghiên cứu tại bàn. Làm việc với các Chuyên gia Thông tin Thị trường NN, Chuyên gia Kinh doanh Thương mại, cùng bàn bạc, phác thảo hệ thống, với các thuyết minh cụ thể về yêu cầu, tính năng, cách vận hành hệ thống TIS và dự kiến các sản phẩm hình thành từ hệ thống;
- Thiết kế hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin tại Trung tâm CS CL PTNNNT đảm bảo (i) Đáp ứng khả năng lưu trữ, truy cập, khai thác thông tin theo yêu cầu (chính xác, tự động, khoa học) (ii) Kết nối thuận tiện, tương thích với hạ tầng thông tin tại 2 điểm mô hình và (iii) Có khả năng kết nối với hạ tầng hệ thống thông tin của doanh nghiệp lưu trữ, bảo quản, kinh doanh thanh long sau này;
- Khảo sát cơ sở hạ tầng thông tin tại 2 điểm dự kiến xây dựng mô hình, đưa ra phương án tổ chức hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho việc cập nhật và chuyển tải thông tin thuận tiện, chính xác từ các điểm về hệ thống trung tâm.
- Thiết kế hệ thống hạ tầng thông tin tại 2 điểm thuộc mô hình, đảm bảo sự tương thích và lưu chuyển dòng thông tin 2 chiều thuận lợi, đầy đủ, kịp thời, phù hợp với trình độ người sử dụng;
- Chuẩn bị nội dung bài giảng về lĩnh vực công nghệ thông tin : nguyên lý sử dụng hệ thống SMS, Internet v.v. Cách cập nhật, chuyển tin, lưu trữ và khai thác thông tin qua hệ thống TIS.
- Tập huấn, hướng dẫn cách cp nhật thông tin, truy cập, chuyển, lưu trữ thông tin vào hệ thống;
- Theo dõi hệ thống vận hành và hiệu chỉnh hệ thống suốt thời gian thử nghiệm;
- Chuyển giao hệ thống TIS cho Trung tâm CSCL NNNT vận hành và quản lý;
- Làm việc 138 ngày trong đó : 39 ngày cho việc khảo sát, lên kế hoạch thực hiện; 75 ngày cho việc thiết kế hệ thống và 24 ngày cho việc đào tạo, huấn luyện.
+ Yêu cầu sản phẩm
- Bản báo cáo kết quả khảo sát thực địa hiện trạng hạ tầng thông tin tại 2 địa điểm dự kiến đặt mô hình
- Bản phác thảo hệ thống, với các thuyết minh cụ thể về yêu cầu, tính năng, cách vận hành hệ thống TIS và dự kiến các sản phẩm hình thành từ hệ thống;
- Bản thiết kế hệ thống TIS tại Trung tâm CS CL PTNNNT đảm bảo (i) Đáp ứng khả năng lưu trữ, truy cập, khai thác thông tin theo yêu cầu (chính xác, tự động, khoa học) (ii) Kết nối thuận tiện, tương thích với hạ tầng thông tin tại 2 điểm mô hình và (iii) Có khả năng kết nối với hạ tầng hệ thống thông tin của doanh nghiệp lưu trữ, bảo quản, kinh doanh thanh long sau này;
- Bản sơ đồ phương án tổ chức hệ thống TIS phục vụ cho việc cập nhật và chuyển tải thông tin thuận tiện, chính xác từ các điểm về hệ thống trung tâm;
- Bài giảng về lĩnh vực công nghệ thông tin: nguyên lý sử dụng hệ thống SMS, Internet v.v. Cách cập nhật, chuyển tin, lưu trữ và khai thác thông tin qua hệ thống TIS;
- Các tài liệu vận hành và quản trị hệ thống TIS. Tài liệu thiết kế hệ thống;Tài liệu hướng dẫn nhập tin bằng SMS; Các phần mềm cài đặt để cập nhật và khai thác dữ liệu; Trang Web chứa CSDL.
+ Yêu cầu Chuyên môn – Trình độ
- Tốt nghiệp cử nhân chính qui trở lên chuyên ngành Công nghệ Thông tin
- Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế phần mềm, quản trị hệ thống thông tin dữ liệu. Ưu tiên ứng viên có kinh nghiệm về thiết kế phần mềm ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm;
- Có kỹ năng truyền đạt.
+ Chuyên gia Thông tin Thị trường Nông nghiệp – 01 vị trí
+ Nhiệm vụ
- Nghiên cứu tại bàn, nghiên cứu lý thuyết, xây dựng hồ sơ kỹ thuật hệ thống TIS cho khâu trồng, thu hái và sơ chế Thanh long ;
- Quyết định việc lựa chọn các trường thông tin trên cơ sở Qui trình sản xuất theo GAP (ViệtGAP hoặc EuroGAP hoặc GlobalGAP)
- Làm việc với các Chuyên gia khác, bàn bạc, phác thảo hệ thống, với các thuyết minh cụ thể về yêu cầu, tính năng, cách vận hành hệ thống TIS và dự kiến các sản phẩm hình thành từ hệ thống;
- Kiểm tra, giám sát toàn bộ nội dung bài giảng do các chuyên gia khác xây dựng.
- Chịu trách nhiệm hoàn chỉnh nội dung báo cáo tổng hợp, xây dựng bản kế hoạch chi tiết toàn bộ hoạt động thử nghiệm Hệ thống Thông tin Truy xuất nguồn gốc ( TIS);
- Làm việc 129 ngày trong đó : 75 ngày cho việc nghiên cứu lý thuyết, vận hành mô hình và 24 ngày cho việc giám sát huấn luyện và 30 ngày cho việc làm các báo cáo tổng hợp đánh giá hoạt động cuối kỳ.
+ Yêu cầu sản phẩm
- Bản hồ sơ kỹ thuật hệ thống TIS cho khâu trồng, thu hái và sơ chế Thanh long ;
- Bản Qui trình sản xuất theo GAP (ViệtGAP hoặc EuroGAP hoặc GlobalGAP);
- Bản kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết hoạt động triển khai thực hiện việc xây dựng TIS;
- Bản cuối cùng toàn bộ nội dung các bài giảng tập huấn cho nông dân
- Báo cáo tổng hợp cuối cùng hoạt động thử nghiệm Hệ thống Thông tin Truy xuất nguồn gốc ( TIS);
+ Yêu cầu Chuyên môn – Trình độ
- Trình độ Thạc sĩ Kinh tế trở lên;
- Có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn;
- Có kinh nghiệm nghiên cứu về chuỗi giá trị, ưu tiên ứng viên đã từng làm việc liên quan tới ngành hàng rau quả.
- Có kinh nghiệm trong lĩnh vực thông tin thị trường nông sản.
+ Chuyên gia Nông học – 01 vị trí
+ Nhiệm vụ
- Cùng Chuyên gia công nghệ thông tin khảo sát thực trạng, tìm đối tượng nông dân SX thanh long đáp ứng yêu cầu của mô hình; tham gia thiết lập mô hình; Xây dựng nội dung kế họach thực hiện;
- Nghiên cứu tại bàn, nghiên cứu lý thuyết, đóng góp ý kiến phần kỹ thuật canh tác trong hồ sơ kỹ thuật hệ thống TIS cho khâu trồng, thu hái và sơ chế Thanh long ;
- Tham gia việc lựa chọn các trường thông tin trên cơ sở Qui trình sản xuất theo GAP (ViệtGAP hoặc EuroGAP hoặc GlobalGAP);
- Tham gia cùng các Chuyên gia khác, bàn bạc, phác thảo hệ thống TIS dưới góc độ đặc điểm sinh lý, sinh hóa cây thanh long, qui trình sản xuất thanh long trên đồng ruộng và khi thu hoạch;
- Tham gia xây dựng bản kế hoạch thử nghiệm Hệ thống Thông tin Truy xuất nguồn gốc ( TIS);
- Tham gia xây dựng nội dung bài giảng và trực tiếp tập huấn cho nông dân;
- Làm việc 138 ngày trong đó : 39 ngày cho việc khảo sát xây dựng kế hoạch, 75 ngày cho việc xây dựng mô hình và 24 ngày cho việc đào tạo, huấn luyện;
+ Yêu cầu sản phẩm
- Bản báo cáo thực trạng, về đặc điểm sinh lý, sinh hóa, mùa vụ, qui trình canh tác bón phân, xử lý hóa chất v.v. cho thanh long tại 2 mô hình thử nghiệm;
- Bản phác thảo Danh mục các trường thông tin trên cơ sở Qui trình sản xuất theo GAP (ViệtGAP hoặc EuroGAP hoặc GlobalGAP) do 2 mô hình áp dụng;
- Bản góp ý phần nội dung thông tin về kỹ thuật nông học SX thanh long cho Bản phác thảo nội dung hệ thống TIS.
- Bản phác thảo nội dung bài giảng liên quan tới việc hướng dẫn nông dân ghi chép dữ liệu thông tin về qui trình canh tác trong SX thanh long.
+ Yêu cầu Chuyên môn – Trình độ
- Trình độ Cử nhân nông học trở lên;
- Có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp;
- Có kinh nghiệm SX nông nghiệp phía Nam, ưu tiên ứng viên đã từng làm việc liên quan tới SX rau quả phía Nam.
+ Chuyên gia Kinh doanh Thương mại – 01 vị trí
+ Nhiệm vụ
- Nghiên cứu tại bàn, nghiên cứu lý thuyết, xây dựng nội dung thông tin các yêu cầu về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của một số thị trường tiêu thụ lớn trong nước và thế giới, thị hiếu khách hàng, nhu cầu thị trường về thời gian cung ứng, qui cách mẫu mã, bao gói v.v đối với sản phẩm thanh long.
- Cùng các chuyên gia khác lựa chọn trường thông tin sao cho phần thông tin sản xuất tương thích với thông tin của doanh nghiệp kinh doanh, phân phối thanh long để hệ thống TIS thử nghiệm có thể kết nối truy suất nguồn gốc sản phẩm toàn chuỗi;
- Tham gia vào bản kế hoạch hoạt động của hệ thống
- Tham gia đào tạo tập huấn cho nông dân trồng thanh long về cách thức chuyển tin vào hệ thống TIS, phần thông tin về nhãn mác, thương hiệu.
- Viết báo cáo kết quả giữa kỳ
- Làm việc 114 ngày trong đó: 75 ngày cho việc thiết kế hệ thống và 24 ngày cho việc đào tạo, huấn luyện.; 15 ngày cho việc làm các báo cáo kết quả hoạt động giữa kỳ.
+ Yêu cầu sản phẩm
- Bản trình bày về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm thanh long.
- Bản đề xuất lựa chọn trường thông tin (tương thích với thông tin của doanh nghiệp kinh doanh, phân phối thanh long);
- Bản góp ý kế hoạch hoạt động của hệ thống;
- Nội dung bài tập huấn cho nông dân trồng thanh long về cách thức chuyển tin vào hệ thống TIS, phần thông tin về nhãn mác, thương hiệu.
- Báo cáo kết quả giữa kỳ.
+ Yêu cầu Chuyên môn – Trình độ
- Tốt nghiệp cử nhân ngành thương mại hoặc quản trị doanh nghiệp trở lên;
- Có kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại kinh doanh nông sản;
- Ưu tiên cho ứng viên có kinh nghiệm và hiểu biết về truy suất nguồn gốc sản phẩm;
- Có khả năng truyền đạt tốt.
 
6- PHƯƠNG THỨC TUYỂN CHỌN
- Các ứng viên gửi hồ sơ về:
Trung tâm Chính sách Chiến lược Nông nghiệp Nông thôn Miền Nam
196/1/8 Cộng Hòa, P.12 Quận Tân Bình, TPHCM.
hoặc gửi qua Email Bộ phận Hành chính của Trung tâm: so.ipsard@scap.gov.vn
- Hồ sơ sẽ được xem xét, lựa chọn và được mời phỏng vấn.
- Sau khi phỏng vấn, nếu trúng tuyển ứng viên sẽ được ký hợp đồng chuyên gia làm việc trong ngày với định mức lương, công tác phí … theo Thông tư 219/2009/TT-BTC, Ngày 19/11/2009 và theo Thông tư 97/2010/TT –BTC, Ngày 6/7/2010; Thông tư 51/2008 TT-BTC, Ngày 6/6/2008.
- Thời hạn nhận hồ sơ: Từ ngày đăng cho đến hết ngày 05/03/2012.

Tin khác