Tìm kiếm mô hình phát triển bền vững

11/05/2006

Tài nguyên và môi trường Việt Nam có đặc điểm đa đạng, tuy nhiên phân tán và manh mún, thiên tai, suy thoái và xuống cấp, hậu quả chiến tranh và sức ép dân số. Bảy mươi phần trăm dân số Việt Nam kiếm sống từ đất đai, trực tiếp phụ thuộc vào chất lượng và khối lượng của tài nguyên thiên nhiên hiện có. Đồng thời, tốc độ tăng dân số, đô thị hoá và phát triển kinh tế đang tạo ra sức ép ngày càng tăng đối với môi trường ở Việt Nam.
Tài nguyên và môi trường Việt Nam có đặc điểm đa đạng, tuy nhiên phân tán và manh mún, thiên tai, suy thoái và xuống cấp, hậu quả chiến tranh và sức ép dân số. Bảy mươi phần trăm dân số Việt Nam kiếm sống từ đất đai, trực tiếp phụ thuộc vào chất lượng và khối lượng của tài nguyên thiên nhiên hiện có. Đồng thời, tốc độ tăng dân số, đô thị hoá và phát triển kinh tế đang tạo ra sức ép ngày càng tăng đối với môi trường ở Việt Nam.| Đứng trước các vấn đề nổi cộm về tài nguyên và môi trường Việt Nam, ngày 10 tháng 5 năm 2006, tại Khách sạn Hòa Bình, Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam đã tổ chức hội thảo”Sinh kế bền vững và các Sáng kiến cộng đồng về Bảo vệ môi trường” nhằm mục đích đưa ra những sáng kiến phát triển bền vững từ những nghiên cứu thực trạng về lâm nghiệp, làng nghề và thủy sản. Đến nay đã có nhiều nghiên cứu về mô hình phát triển bền vững nhưng ngành, cộng đồng, lãnh thổ vẫn chưa có một mô hình phát triển bền vững hoàn chỉnh nào.

Về phát triển lâm nghiệp, theo Tiến sỹ Hoàng Sỹ Động, Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để tạo ra bước đột phát phát triển lâm nghiệp hiệu quả và bền vững cần phải có một cơ chế, chính sách đột phá về chủ sử dụng tài nguyên rừng; đổi mới hệ thống tổ chức ngành lâm nghiệp gắn chặt với cải cách hành chính, đổi mới chính sách và cơ chế thu hút đầu tư, đổi mới khoa học công nghệ và đào tạo, hỗ trợ đồng bào các dân tộc sinh sống ở miền núi. Bên cạnh đó, theo ông cũng cần phải có chương trình lớn để thực hiện các bước đột phá này. Các chương trình cần thực hiện là chương trình xây dựng lâm phận quốc gia (đổi mới cơ cấu theo chiều sâu), chương trình giống lâm nghiệp quốc gia (Công nghệ sinh học), chương trình thâm canh rừng nguyên liệu quốc gia (Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tạo tích tụ khoa học công nghệ cao trên đơn vị sản phẩm), chương trình hàng hóa lâm sản truyền thống chủ lực quốc gia (đổi mới cơ cấu, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cải cách hành chính và hội nhập quốc tế), chương trình xây dựng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng trọng điểm quốc gia, chương trình giao rừng, khoán rừng (cách mạng về đất rừng).

Về phát triển làng nghề: tiến sỹ Phan Sỹ Mẫn, Viện nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững cho rằng sự phát triển ngành nghề và làng nghề không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của các xã, làng nghề mà còn có ý nghĩa đối với với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa ở khu vực nông thôn nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển của làng nghề cũng đang làm phát sinh nhiều vấn đề bức xúc về môi trường. Và làng nghề càng phát triển thì nguy cơ ô nhiễm và suy thoái môi trường càng cao. Thực tế hậu quả này do các nguyên nhân về kinh tế và công nghệ – kỹ thuật (do tập quán sản xuất nhỏ, thủ công và tình trạng lạc hậu, chắp vá về công nghệ kỹ thuật), các nguyên nhân về tổ chức, quản lý đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường ở các làng nghề và các nguyên nhân bắt nguồn từ nhận thức, ý thức, trách nhiệm và hành vị ứng xử của chính người dân và cộng đồng dân cư trong các làng nghề. Do đó, cần phải có những biện pháp để khắc phục tránh những hậu quả lớn về môi trường.

Về phát triển thủy sản: Tiến sỹ Bùi Quang Tề, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I cho rằng nuôi trồng thuỷ sản đóng góp một phần đáng kể trong thị phần xuất khẩu của một số quốc gia trên thế giới đặc biệt là các nước Châu Á và là một ngành kinh tế mũi nhọn ở nước ta. Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 2,65 tỷ USD, bằng 106% chỉ tiêu kế hoạch. Hiệu quả kinh tế của nuôi trồng thuỷ sản lợi nhuận cao gấp 2-3 lần trồng lúa hoặc trồng cói. Tuy nhiên, nuôi trồng thuỷ sản cũng có rủi ro đáng ghờm. Điển hình nuôi tôm là siêu lợi nhuận nhưng cũng là siêu rủi ro. Mọi người mới chỉ nhìn thấy lợi nhuận trước mắt mà không quan tâm đến chi phí rủi ro của nó. Dựa trên chỉ số ASI (Aquaculture Sustainable Index), thì các vùng nuôi tôm trên cát ở Ninh Thuận là kém bền vững, nuôi trồng thuỷ sản ở Nghĩa Hưng, Nam Định cũng kém bền vững do các nhà sản xuất không quan tâm đến nghĩa vụ bảo vệ môi trường,cả trong khâu quy hoạch và hoạt động canh tác của chủ trại. Như vậy, trong quá trình phát triển xây dựng mô hình nuôi trồng thuỷ sản, các nhà sản xuất cũng cần phải chú ý đến rủi ro, ô nhiễm môi trường, đảm bảo các tiêu chí như nơi tiêu thụ phải ổn định lâu dài; các sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành hạ, hạn chế chất thải và tác động của môi trường; sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên đầu vào và dịch vụ hậu cần cho nuôi trồng thuỷ sản có chất lượng cao, giá cả hợp lý.

 

Kim Phượng

Tin khác

©2020 Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - IPSARD
Số 16 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội
Tel: 04-39722067, Fax: 84-4-39711062, Email: viencscl@ipsard.gov.vn
Số giấy phép 234/GP-BC