Sáng ngày 28 tháng 4 năm 2006, tại phòng họp Bộ NN PTNT, Văn phòng Bộ NN và PTNT và Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn trực tiếp tổ chức Hội thảo “Phát triển nông thôn bằng nội lực và tài sản của cộng đồng”, là kết quả của sự hợp tác tích cực giữa Viện Quốc tế Coady (CANADA) và Bộ NNPTNT. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Bùi Bá Bổng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNTNT TS Đặng Kim Sơn cùng chủ trì hội thảo.
Sáng ngày 28 tháng 4 năm 2006, tại phòng họp Bộ NN PTNT, Văn phòng Bộ NN và PTNT và Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn trực tiếp tổ chức Hội thảo “Phát triển nông thôn bằng nội lực và tài sản của cộng đồng”, là kết quả của sự hợp tác tích cực giữa Viện Quốc tế Coady (CANADA) và Bộ NNPTNT. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Bùi Bá Bổng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNTNT TS Đặng Kim Sơn cùng chủ trì hội thảo. |
Đã từ lâu, luật bất thành văn là người ta chỉ để ý đến những khiếm khuyết của cộng đồng, chỉ quan tâm đến cái cộng đồng không có để tìm kiếm nhu cầu cộng đồng, giải quyết nó cho mục tiêu phát triển. Thông điệp chính mà các chuyên gia quốc tế trình bày và nhấn mạnh đó là ngoài những khiếm khuyết, thiếu thốn đó, mỗi cá nhân nói riêng và mỗi cộng đồng nói chung đều có những mặt mạnh riêng, và để giải quyết mục tiêu phát triển thì cần phải nhìn thấy những thế mạnh và ưu điểm đó, phát huy sức sáng tạo cộng đồng, theo một cách tiếp cận Phát triển cộng đồng dựa vào gây dựng tài sản (Asset Based Community Development), viết tắt là ABCD và trường hợp ứng dụng thành công của Etiopia.
Lý luận và bài học kinh nghiệm của EtiopiaPhần trình bày của các chuyên gia gồm 5 phần chính. Thứ nhất, xác định nhu cầu, tài sản và thành viên của cộng đồng. Thứ hai, tập trung phân tích lý thuyết phát triển dựa vào nội lực cộng đồng, với hình tượng bao trùm “Tham gia mà cảm thấy cái đó không phải của chính mình thì chẳng khác nào đang diễn một vở kịch” . Thứ ba, phân tích những nhân tố tác động đến cách tiếp cận ABCD trong một khung sinh kế bền vững: kinh nghiệm cộng đồng có được, Sự tham gia và các mối quan hệ giữa các thành viên, Năng lực tài sản cộng đồng, cách tiếp cận sinh kế bền vững, vốn xã hội, phát triển kinh tế cộng đồng và các cách tiếp cận đa dạng hoá chủ thể. Thứ tư, trình bày những bài học thành công của Etiopia trong ứng dụng phát triển cộng đồng dựa vào gây dựng tài sản, trong việc cải thiện tài nguyên thiên nhiên và tài sản tài chính, tài sản vật chất, tăng lòng tin và tính tự chủ của các thành viên trong cộng đồng. Thứ năm, là những thách thức khi áp dụng cách tiếp cận này.
Quỹ Ford với chương trình hỗ trợ gây dựng tài sản cộng đồng
Trong hơn 10 năm gần đây, quỹ tài trợ quốc tế - Quỹ Ford đang hướng vào các hoạt động cấp tài trợ để góp phần gây dựng tài sản ở Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ La tinh và Hoa Kỳ, với tôn chỉ “Quỹ Ford là nguồn hỗ trợ cho những cá nhân và tổ chức có tư tưởng sáng tạo trên toàn thế giới”, theo mục tiêu của Ford trong suốt nửa thế kỷ qua là “tăng cường các giá trị dân chủ, giảm bớt nghèo khổ và bất công, thúc đẩy hợp tác quốc tế và đẩy mạnh thành tựu của con người”. Với sự trợ giúp của Quỹ Ford, công việc gây dựng tài sản ở một số nơi đang giúp giảm nghèo khổ và bất công, với hàng loạt các chiến lược cải thiện điều kiện gây dựng tài sản và trực tiếp ham gia gây dựng tài sản cho những người và cộng đồng thu nhập thấp, từ vùng Amazon của Braxin, từ Mêhicô tới Cairô và Nam Phi, Oklahoma và khu bảo tồn của người bản địa Hoa Kỳ. Những câu chuyện đã minh hoạ được khả năng của những con người và những tổ chức làm nên những khác biệt lớn trong việc tạo dựng, phân phối và sử dụng những tài sản then chốt của cộng đồng, trong mục tiêu giảm bớt nghèo khổ và bất công.
Ở Braxin, là câu chuyện của vùng rừng mưa và chính quyền bang Acre xây dựng năng lực bảo vệ và phát huy tài nguyên thiên nhiên vì sự phát triển bền vững.
Ở Nam Phi, là câu chuyện thiết lập liên minh giữa 10 tổ chức cộng đồng và 20 doanh nghiệp tư nhân để hình thành nên Tập đoàn liên danh- Tờ rớt giáo dục cung (JET) để phục vụ những nhóm người thiệt thòi, cải thiện bức tranh về việc làm và thay đổi căn bản hệ thống giáo dục-đào tạo của quốc gia.
Ở Hoa Kỳ, là câu chuyện thành công về khuyến khích được những người Mỹ có thu nhập thấp dành dụm tiền, sau đó sử dụng số tài sản tài chính lớn dần lên ấy đề đầu tư vào cuộc sống, ở nhiều cộng đồng nông thôn và thành thị, trong đó có Tulsa, bang Oklahoma.
Ở Montana, là câu chuyện người dân tại khu bảo tồn Blackfeet thu gom nguồn vốn cộng đồng thông qua tăng cường quan hệ giữa người Bản địa và người không phải là bản địa qua một lễ hội văn hoá-Vũ hội mùa trăng và Bán đấu giá nghệ thuật Anh-điêng. Kể từ năm 1993, sáng kiến này đã giúp tăng tài sản của Quỹ cộng đồng Montana từ 4,5 triệu USD lên 35 triệu USD.
Ở Ai cập, là câu chuyện cư dân ở những vùng đô thị với công việc thu gom và tái chế phế liệu cho những cơ hội kinh tế mới, và cải thiện môi trường, giải quyết việc làm, tạo thu nhập.
Và ở Ấn Độ, là câu chuyện phụ nữ đang được tăng cường bảo vệ sức khoẻ sinh sản của mình, một trong những tài sản quan trọng nhất của họ, để ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ.
Gây dựng tài sản cộng đồng-Hướng đi mới trong PTNT Việt Nam? Trở lại thực tiễn Việt Nam, Giáo Sư Viện Sỹ Đào Thế Tuấn trăn trở “Có một nghịch lý trong phát triển nông thôn Việt Nam, đó là Chính phủ thì luôn quan tâm đến câu chuyện xuất khẩu, là làm thế nào để đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo, điều, cà phê đứng thứ nhất, thứ nhì thế giới, trong khi người nông dân thì đơn thuần thì luôn lo về kế sinh nhai của họ như thế nào. Vì vậy giữa Chính phủ và người dân có những mục tiêu khác nhau.” Một câu hỏi lớn đặt ra đó là với những bài học thành công ở các nước, cách tiếp cận phát triển cộng đồng dựa vào gây dựng tài sản có ý nghĩa và vai trò đến đâu trong công cuộc phát triển nông thôn mới Việt Nam hiện nay?
Để tìm được lời giải rõ ràng, cần phải có một nghiên cứu điển hình về các câu chuyện thành công ở Việt Nam trong phát triển cộng đồng dựa vào gây dựng tài sản, đưa ra mô hình và thực hiện các nghiên cứu, trao đổi cần thiết để xây dựng một phương pháp tiếp cận ABCD của Việt Nam, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và thành tựu 20 năm Đổi Mới, trước khi đưa ra kết luận cuối cùng, Tiến Sỹ Viện Trưởng Đặng Kim Sơn kết luận tại Hội thảo.