Những thách thức của sự phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam

20/06/2006

Chương trình Đổi mới ở Việt Nam đã được tiến hành trong 20 năm qua và trong thời gian đó, nền kinh tế đã được chuyển đổi. Mọi người thường nhắc tới những thay đổi hoàn toàn trong nông nghiệp, từ chỗ lạm phát tăng nhanh và thiếu thốn lương thực tới việc bình ổn giá cả, tăng thu nhập nông thôn và là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Chương trình Đổi mới ở Việt Nam đã được tiến hành trong 20 năm qua và trong thời gian đó, nền kinh tế đã được chuyển đổi. Mọi người thường nhắc tới những thay đổi hoàn toàn trong nông nghiệp, từ chỗ lạm phát tăng nhanh và thiếu thốn lương thực tới việc bình ổn giá cả, tăng thu nhập nông thôn và là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.| Ngoài ra còn có những thành công về cà phê, cao su, thuỷ hải sản và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác. Việc “tư nhân hoá” trong lĩnh vực nông nghiệp là một thành công đáng ngạc nhiên góp phần làm giảm nghèo đói nhiều hơn bất kỳ điều gì khác trong thập niên đầu của đổi mới. Tỷ ỉệ nghèo đói giảm từ khoảng 3/4 xuống dưới 1/4 sau hai thập kỷ, bất chấp sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, đối tác viện trợ và thương mại chính của Việt Nam.

Tiếp đó là quyết định đáng chú ý năm 2000 cho phép đăng ký dễ dàng thay vì phải cấp phép đối với hầu hết các doanh nghiệp tư nhân trước đó. Kết quả là đã có trên 120.000 công ty mới, hàng triệu việc làm và hàng tỷ đô la được huy động vào vốn đầu tư. Đối với tổng sản phẩm công nghiệp, tỷ lệ của lĩnh vực tư nhân trong nước đã tăng từ 1/4 năm 2000 lên 1/3 trong quý I năm 2006, còn các lĩnh vực nhà nước và nước ngoài đều giảm với tỷ lệ tương đương. Tỷ lệ tăng trưởng sản phẩm công nghiệp trong lĩnh vực nhà nước nay chỉ còn 15- 20%, mặc dù sử dụng nhiều vốn và lao động có trình độ hơn trong lĩnh vực tư nhân. Một lần nữa, việc dựa vào lĩnh vực tư nhân đã có kết quả tốt đẹp đáng kinh ngạc, góp phần tiếp tục giảm đói nghèo và tăng cao hơn nữa tỷ lệ tăng trưởng GDP.
 
Chính sách mở cửa cũng đã được áp dụng đối với hầu hết các loại hình đầu tư nước ngoài. Sau giai đoạn chậm chạp ban đầu do cuộc khủng hoảng ở châu á, dường như mối quan tâm của nước ngoài đối với Việt Nam đang tăng lên mạnh mẽ. Một phần nguyên nhân có thể vì những căng thẳng đang gia tăng giữa Nhật Bản và Đài Loan (hai nhà đầu tư chính) và Trung Quốc. Sự miễn cưỡng để FDI hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam, nhưng bên cạnh đó việc cải thiện chính sách, cơ sở hạ tầng cùng nguồn lao động học hỏi nhanh và có hiệu quả đều có đóng góp. Tất nhiên là Intel và Microsoft không chỉ quan tâm về nguồn lao động rẻ? Giá trị của những dự án đầu tư mới được cấp phép và cho phép tiếp tục đầu tư vào các dự án sẵn có vượt trên 5 tỷ đô la năm 2005 và FDI năm 2006 có thể từ 3 tới 4 tỷ đô la. FDI vào Việt Nam năm 2000 ở mức dưới 1 tỷ đô la. Đây là một mức FDI cao, thậm chí còn cao hơn Trung Quốc nếu tính trên đầu người.
 
Việc gia tăng xuất khẩu là một dấu hiệu khác của sự thành công. Xuất khẩu đòi hỏi tính hiệu quả, điều đang phải cạnh tranh với những nhà cung cấp có chi phí thấp nhất trên thế giới. Xuất khẩu tăng từ 2,1 tỷ đô la năm 1991 lên trên 32 tỷ đô la năm 2005, tương đương với một tỷ lệ tăng trưởng kép bằng 21% trong 14 năm. Ngoài ra, có rất nhiều sản phẩm với tổng giá trị xuất khẩu trên 500 triệu đô la như dầu thô, than, quần áo, giày dép, hải sản, gạo, cà phê, cao su, đồ điện tử và trang thiết bị. Việt Nam đang cải thiện khả năng cạnh tranh trong các lĩnh vực về nguyên liệu nông nghiệp, khoáng sản, hàng hoá cần nhiều nhân công và thậm chí một số mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Đáng chú ý là xuất khẩu tiếp tục gia tăng trong năm 2006 với một tỷ lệ cao (25%), và việc gia nhập WTO có thể góp phần duy trì những tiến bộ này trong tương lai.
 
Thực ra thì với việc giảm nghèo đói, tăng trưởng GDP, xuất khẩu và sản phẩm công nghiệp, những cải thiện trong giáo dục và y tế và những dấu hiệu rõ ràng của sự thịnh vượng ở một số thành phố, một số người có thể đơn giản xếp hạng A cho Việt Nam và không còn gì phải bận tâm. Còn những ai đã quen thuộc với phương pháp phân tích của tác giả thì sẽ không ngạc nhiên khi thấy đó không phải là điều kết luận của ông. Không chỉ bất chấp mà còn chính vì những thành công như đã nêu ở trên, dường như Việt Nam khó có thể hành động một cách dứt khoát theo phương hướng được chỉ rõ bởi những thành công đặc biệt trước đây. Sự lãnh đạo ở Việt Nam không phải bị bế tắc mà là chia rẽ. Một số lo sợ rằng việc nhượng bộ quá nhanh chóng lĩnh vực sản xuất do nhà nước làm chủ là nguy cơ về chính trị, thậm chí khi điều đó là hợp lý về kinh tế. Do tính hợp pháp của chính phủ và của Đảng chủ yếu được xây dựng không chỉ dựa trên những cuộc kháng chiến mà còn trên những thành tựu kinh tế xã hội rất tích cực gần đây, lập trường này có thể hơi khó hiểu.
 
Khi nhìn lại, Đổi mới là một thành công lớn, đưa Việt Nam từ một nước nghèo thành một nước đang phát triển hàng đầu. Đổi mới đã giải phóng các lực lượng sản xuất trong toàn bộ dân chúng và trên khắp đất nước, cải thiện hầu hết mọi khía cạnh của đời sống cho hầu hết tất cả mọi người. ở đâuđổi mới thực sự được cho phép và được thực hiện, ở đó có thành công. ở đâu đổi mới bị lảng tránh hoặc cắt bỏ, ở đó có sự thụt lùi. Nhìn về tương lai, cải cách hơn nữa có lẽ đem lại nhiều lợi ích thuần túy về kinh tế hơn. Câu hỏi đặt ra cho bài viết này có lẽ là liệu có một sự nhất trí chính trị để theo đuổi đổi mới không. Điều này có lẽ phụ thuộc vào việc những cải cách tiếp theo được tiết tục như thế nào.
 
Việt Nam hiện giờ đang là một nghịch lý. Việt Nam có nhiều tham nhũng và cũng là một xã hội tương đối cởi mở và báo chí và thông tin đại chúng cạnh tranh (nhưng ở mức độ nào đó vẫn bị kiểm soát). Sẽ không thể có sự ổn định nếu có người cứ bòn rút tiền nhà nước và nhiều người khác biết về việc đó. Phải làm điều gì đó. Hoặc là có hành động hướng tới nhà nước pháp quyền mạnh hơn và nghiêm túc hơn, đồng thời ít tham nhũng hơn, hoặc sẽ phải có sự hạn chế và giảm bớt tự do báo chí khi viết về các tệ nạn. Như đã bàn luận, nếu lựa chọn thứ hai được thực hiện, điều này sẽ làm tăng khả năng mất ổn định và tiến triển chậm. Nếu chọn cách thứ nhất thì Việt Nam sẽ có nhiều thời gian hơn để có thể đưa ra các lựa chọn chính trị trong sự phát triển kinh tế mạnh mẽ nói chung. Như Giáo sư Benjamin Friedman lập luận trong cuốn sách mới đây, The Moral Consequences of Economic Grotth (Những hậu quả về đạo đức của tăng trưởng kinh tế), các thời điểm tốt đem lại nhiều cơ hội hơn cho sự tham gia và tiến bộ chính trị - xã hội so với các thời điểm xấu. Nếu những lập luận này được chấp nhận thì bản thân nó có thể tranh luận cho việc tiếp tục đổi mới. Ngoài ra với các ví dụ về đường, Vinashin, Dung Quất đối với gạo, cà phê, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài, có lẽ sẽ có cả những lý do kinh tế và chính trị để tăng cường đổi mới hơn nữa.
 
Nhưng những điều này không đủ là lý do để cả hệ thống vận hành nhanh. Nhiều tỉnh sẽ vẫn hoài nghi về việc họ được lợi gì từ đổi mới. Họ thấy sự tiến bộ nhanh chóng ở một số thành phố lớn, nhưng lại tự hỏi liệu điều đó có nghĩa là họ đang bị bỏ lại phía sau không. Để thuyết phục họ ủng hộ đổi mới, cần phải có những động cơ thúc đẩy khác. Đầu tư công cộng cần phải nhiệt tình hơn với sự cải cách thay vì lạc hậu của địa phương. Khi các tiêu chuẩn đánh giá như chỉ số về tính cạnh tranh của địa phương cho thấy sự quản lý đang được cải thiện thì nên có sự hỗ trợ linh hoạt nhằm vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng cứng tại nơi mà cơ sở hạ tầng mềm cũng đã được cải thiện. Nếu hành động ủng hộ đổi mới được Hà Nội đền đáp, đồng thời nó cũng đem lại nhiều hoạt động tư nhân/FDI hơn, thì có lẽ nhiều tỉnh sẽ ủng hộ tiếp tục đổi mới. Mặc dù điều này không phải hoàn toàn được đảm bảo nhưng nhiều khả năng là như vậy.
 
Ngoài khía cạnh này của sự ủng hộ chính trị còn là vấn đề giáo dục. Nếu Nhà nước có khả năng chuyển từ việc cố gắng quản lý tất cả lĩnh vực giáo dục sang khuyến khích sự phát triển các cơ sở giáo dục đa dạng nhưng chất lượng thì sẽ gặt hái được những lợi ích chính trị lớn. Dân số được giáo dục tốt hơn sẽ hưởng nhiều lợi hơn, hấp dẫn được nhiều đầu tư hơn, thành lập được nhiều công ty năng suất hơn, và nhìn chung bản thân họ sẽ ủng hộ đổi mới nhiều hơn đồng thời cũng ủng hộ chính phủ. Có lẽ Xinhgapo là một ví dụ của kịch bản này - hạn chế cạnh tranh chính trị nhưng có hệ thống một đảng hiệu quả với sự ủng hộ rộng rãi nói chung. Chừng nào một nhà nước có thể cung cấp các dịch vụ công có chất lượng như y tế, giáo dục và nhà ở thì nhà nước đó sẽ được xem là hợp pháp. Tất nhiên, Xinhgapo cũng được xem là một trong những quốc gia có ít tham nhũng nhất trên thế giới.
 
Thách thức thứ ba liên quan đến tương lai là phải giảm tham vọng từ sự đầu tư vào công nghiệp nhà nước hoặc nỗ lực để cải thiện hiệu quả của công việc đang tiến hành. Tác giả không hề lạc quan rằng các nhà quản lý có năng lực sẽ thường được quản lý các doanh nghiệp nhà nước hiệu quả. Điều này có thể xảy ra như ở Xinhgapo và rất ít nơi khác. Nhưng trừ phi áp lực lên các nhà quản tỷ thay đổi đáng kể, nhà nước nên đóng một vai trò khiêm tốn và tập trung sức lực vào quản lý một số ít các doanh nghiệp nhà nước được cho là thực sự cần thiết thuộc về nhà nước hơn là phát triển một cách mạnh mẽ. Nếu các doanh nghiệp nhà nước phát triển mạnh mẽ thì việc kiểm soát tham nhũng sẽ khó khăn hơn. Sẽ có nhiều xích mích hơn với các đối tác thương mại, và những đầu tư FDI hay tư nhân sẽ hạn chế vì vốn và lao động có trình độ sẽ bị hút bớt.

Thách thức thứ tư là tìm cách kết hợp đầu vào của khu vực tư nhân mà không để khu vực này chi phối việc hoạch định chính sách. Với sự yếu kém của lĩnh vực tư nhân thì điều này dường như là một sự lo ngại không căn cứ. Nhưng nhiều công ty tư nhân được quản lý bởi những người có quan hệ tốt và gần gũi với giới lãnh đạo. Một điều hoàn toàn có thể xảy ra là họ sẽ đề nghị và nhận được nhiều lợi thế khác nhau khó xác định và do đó tránh được những thách thức về pháp luật hay từ WTO. Việc giảm độc quyền nhà nước và sự thiếu hiệu quả sẽ chỉ có những lợi ích khiêm tốn nếu được thay bằng sự độc quyền và thiếu hiệu quả của tư nhân. Điều đó sẽ trở thành một quan ngại còn lớn hơn về lâu dài và đã chứng thực là nguyên nhân sụp đổ của một số nền kinh tế châu á.

Tuy vậy thì nhìn chung hầu hết các quốc gia đều mong muốn có những vấn đề của Việt Nam. Rất ít quốc gia có cơ hội tốt như vậy. Những lựa chọn đúng đắn sẽ tiếp tục đem lại các kết quả tốt đẹp.
 
Lược trích bài viết của GS David Dapice tại hội thảo Tổng kết 20 năm đổi mới của Việt Nam, KS Melia 15-16/6/2006
 
 
 

Tin khác

©2020 Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - IPSARD
Số 16 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội
Tel: 04-39722067, Fax: 84-4-39711062, Email: viencscl@ipsard.gov.vn
Số giấy phép 234/GP-BC