Nông sản trong cơn bão dầu

06/06/2006

Liệu giá dầu sẽ giữ nguyên hay tiếp tục tăng? Các nhận định của giới chuyên gia trong hội thảo ở Singapore cho rằng giá dầu sẽ có xu hướng giảm? tuy nhiên bao giờ giá sẽ giảm xuống? Câu hỏi này quan trọng vì nó có hàm ý về mặt chiến lược và chính sách rất lớn cho các quốc gia theo hướng (i), đầu tư vào các nguồn nguyên liệu thay thế; (ii), hoặc các nước sản xuất dầu mỏ đầu tư xây dựng các nhà máy lọc dầu; hay (iii),  có chiến lược điều tiết các hoạt động kinh tế theo hướng sử dụng tiết kiệm năng lượng.

Liệu giá dầu sẽ giữ nguyên hay tiếp tục tăng? Các nhận định của giới chuyên gia trong hội thảo ở Singapore cho rằng giá dầu sẽ có xu hướng giảm? tuy nhiên bao giờ giá sẽ giảm xuống? Câu hỏi này quan trọng vì nó có hàm ý về mặt chiến lược và chính sách rất lớn cho các quốc gia theo hướng (i), đầu tư vào các nguồn nguyên liệu thay thế; (ii), hoặc các nước sản xuất dầu mỏ đầu tư xây dựng các nhà máy lọc dầu; hay (iii),  có chiến lược điều tiết các hoạt động kinh tế theo hướng sử dụng tiết kiệm năng lượng.|

Ông Choo Chiau Beng tổng giám đốc tập đoàn dầu lửa Singapore (SPC) cho rằng “giá dầu rất khó tiên đoán, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự ổn định chính trị ở các nước sản xuất dầu mỏ”. Một điểm nổi bật là các nơi sản xuất dầu mỏ lớn đều là những vùng đất bất ổn về mặt chính trị như Iraq, Iran ở Trung Đông, hay có môi trường pháp lý không nhất quán Venezuela ở châu Mỹ La Tinh với tuyên bố quốc hữu hoá các công ty dầu mỏ nước ngoài, hay Nga cũng không phải là địa chỉ để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn kinh doanh. Những lo sợ về rủi ro về chính trị càng dẫn đến xu hướng tăng thu mua dự trữ và đẩy giá dầu ngày càng cao. Trong khi đó, để xây dựng nhà máy lọc dầu mới thì từ khâu lập kế hoạch đến đầu tư xây dựng và đi vào sử dụng mất 3-7 năm. Đối với Hoa Kỳ và châu Âu do vấn đề về bảo vệ môi trường nên dự án xây dựng nhà máy lọc dầu mới khó được thông qua. Ông Choo Chiau Beng nhận xét hóm hỉnh “các nhà máy dầu không thể có được trong một đêm”.

Về phía cầu, dự đoán nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tiếp tục tăng lên ở các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh, trong khi đó Hoa Kỳ và châu Âu vẫn có thể chấp nhận mức giá cao. Trung Quốc tiếp tục tăng tiêu thụ dầu lửa mặc dù nhu cầu tăng không nhiều và chắc chắn Trung Quốc sẽ phải tăng cường tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy các hoạt động kinh tế ít tiêu hao năng lượng. Tuy nhiên, ở một chiều hướng khác xu hướng điều chỉnh tỷ giá theo hướng tăng giá trị đồng nhân dân tệ lại tạo thuận lợi cho nhập khẩu các mặt hàng và dầu lửa cũng không phải là một ngoại lệ.

Các chuyên gia về năng lượng của Hoa Kỳ cho rằng triển vọng trong trung hạn sẽ khó có thể xảy ra giá dầu giảm, chỉ 10 năm nữa thì giá mới có khả năng giảm xuống. Như vậy trước bối cảnh nhiều khả năng giá dầu tiếp tục duy trì ở mức cao, chiến lược an toàn đó là “sống chung với lũ”.

Mặc dù giá dầu trở thành câu chuyện thời sự song rất ít ai đề cấp đến khía cạnh tác động qua lại của giá dầu với sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy chưa có nhiều những đánh giá cũng như những điều tra  phân tích ảnh hưởng của giá dầu đến sản xuất nông nghiệp. Chuyên gia Matt Shane Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho rằng mối quan hệ giữa dầu lửa và nông sản có thể thông qua 3 kênh chính như sau: (i), Tác động trực tiếp vào chi phí sản xuất nông sản sử dụng nhiên liệu dầu hoặc các sản phẩm từ dầu như cơ giới hoá hay vận chuyển; (ii), tác động gián tiếp qua giá vật tư đầu vào như phân bón vì giá dầu có quan hệ mật thiết với giá phân bón; (iii) sản xuất nông sản như là một hướng để tạo ra các sản phẩm thay thế dầu lửa.

Như vậy các hoạt động sản xuất càng thiên về tiêu thụ năng lượng sẽ càng chịu áp lực giá thành đẩy của biến động giá dầu lửa. Hiện nay, có ý kiến cho rằng nông nghiệp Việt Nam đặc trưng bởi sản xuất quy mô nhỏ và ít sử dụng cơ giới hoá nên không sử dụng nhiều năng lượng từ dầu mỏ. Xu hướng này vô hình chung đã làm cho các chính sách đối phó với giá dầu cao chỉ quan tâm đến các hoạt động công nghiệp, hoặc khu vực đô thị trong khi không quan tâm đầy đủ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và khu vực nông thôn. Số liệu thực tế cho thấy sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng khá mạnh từ giá dầu mỏ. Ví dụ đối với mặt hàng lúa gạo ở Đồng bằng Sông Hồng vốn được coi là có quy mô sản xuất nhỏ so với Đồng bằng Sông Cửu long cho thấy tỷ trọng chi phí đối với sản xuất nông nghiệp của năng lượng khá cao. Trong chi phí vật chất thì tỷ trọng chi phí cơ giới hoá chiếm đến 18%, còn chi phí phân bón hoá học chiếm đến 34%. Kể từ năm 2004 đến nay giá phân ure đã tăng 50% từ mức 2800 lên 4200 đồng/kg. Như vậy, đối với các mặt hàng sử dụng nhiều năng lượng như các cây công nghiệp hoặc đánh bắt thuỷ hải sản thì tác động của giá dầu sẽ càng lớn.

Những tác động về chi phí đẩy và những rủi ro của thị trường, thời tiết, dịch bệnh, trong đó giá dầu là một nhân tố mới đây, sẽ càng làm trầm trọng thêm đời sống của người nông dân, dân đến tình trạng người nông dân không còn lợi ích từ sản xuất nông nghiệp, bỏ hoang ruộng đất. Việc giải phóng nông dân ra khỏi sản xuất nông nghiệp, tích tụ ruộng đất vào tay những nông hộ giỏi, có đầu óc kinh doanh hàng hoá là một xu hướng tích cực. Tuy nhiên khi khu vực phi nông nghiệp, đô thị không tạo được thêm việc làm trong khi chi phí sản xuất nông nghiệp ngày càng cao, lợi nhuận thấp đẩy nông dân ra khỏi nông nghiệp, nông thôn song cơ hội bên ngoài không có sẽ làm cho áp lực việc làm, di dân, môi trường, thu nhập cho cả hai khu vực nông thôn và thành thị. Liệu rằng nông thôn Việt Nam đã tiến đến tình huống xấu này chưa? Có lẽ chúng ta chưa có cuộc điều tra hay nghiên cứu nào có câu trả lời thoả đáng về vấn đề này. Nhưng báo chí và những phóng sự ở một số địa phương đã cảnh báo về tình trạng này và là một xu thế đáng để cho các nhà hoạch định chính sách phải suy nghĩ.

Trong bối cảnh giá dầu sẽ còn cao trong trung hạn, sử dụng các biện pháp tình thế để chờ giá dầu ổn định trở lại có thể mang lại rủi ro cao và tổn thất cho nền kinh tế lớn. Các chuyên gia quốc tế cho rằng cần phải có chiến lược ứng phó trong dài hạn, tránh bị động và làm sao để đạt hiệu quả cao. Thực tế cho thấy hiện nay Chính phủ các nước chưa có các chính sách hợp lý đối với sử dụng năng lượng và đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn. Ví dụ, chính sách theo hướng trợ giá và bảo hộ thị trường xăng dầu nội địa gây ra tình trạng “không phản ánh đúng tín hiệu của thị trường” và trong nhiều trường hợp làm giảm nguồn lực cho các mục tiêu phát triển. Ở Inđônêxia quỹ trợ giá năng lượng đã lớn hơn quỹ phát triển. Liệu trợ giá có phải là một giải pháp tốt? Trợ giá cho xăng dầu trong nhiều trường hợp làm lợi cho khu vực đô thị, sản xuất công nghiệp hay các tầng lớp giàu có sử dụng nhiều các hoạt động tiêu tốn năng lượng như các hoạt động sản xuất kinh doanh… so với các tầng lớp nghèo hoặc người nông dân.

Như vậy, một chiến lược ứng phó với giá dầu cao cần phải tính tới khu vực nông nghiệp nông thôn đầy đủ theo cả hai khía cạnh là chịu tác động và nguồn cung ứng tạo ra sản phẩm thay thế cho dầu mỏ, Nhà nước phải thể hiện vai trò của mình ở một số mặt sau:

Phát triên công nghệ mới sản xuất sản phẩm thay thế. Một số nước hiện đang có kế hoạch phát triển các sản phẩm ethanol để thay thế cho dầu. Inđônêxia đang thực hiện chiến lược chuyển mạnh sang các mặt hàng tạo nguồn nguyên liệu thay thế cho xăng dầu.  Trong khi đó, theo TS Ruangrai Tokrisna, đại học Kasetsart Thái Lan đang phát triển rất nhiều các nhà máy chế biến ethanol từ các nguồn nguyên liệu, đặc biệt là sắn. Tuy nhiên, sản phẩm thay thế dầu mỏ không thể phát triển dễ dàng vì liên quan đến giá thành sản xuất. Hiện nay giá thành sản xuất cao, đòi hỏi phải có công nghệ tiên tiến, trong khi đó đầu tư phát triển công nghệ tốn kém và mất thời gian dài.

Một hướng đi khác đó là thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng hay sử dụng năng lượng tái tạo như gió, ánh nắng mặt trời.

Nên bỏ trợ giá và dành tiền vào các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm chịu nhiều tổn thất. Bỏ trợ giá xăng dầu sẽ làm tăng ngân sách quốc gia, song song với có biện pháp hỗ trợ trực tiếp những nhóm chịu nhiều tổn thất trong đó có các hoạt động sản xuất nông sản chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Thái Lan đã có chính sách hỗ trợ đối với ngành hàng thuỷ sản.

Tài liệu
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Phạm Quang Diệu


Tin khác

©2020 Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - IPSARD
Số 16 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội
Tel: 04-39722067, Fax: 84-4-39711062, Email: viencscl@ipsard.gov.vn
Số giấy phép 234/GP-BC