Hành động tập thể trong xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam

12/05/2006

Hành động tập thể là một chiến lược quan trọng đối với người nghèo, giúp cho họ có được những lợi thế của các cơ hội kinh tế. Việc tập hợp các nhà sản xuất nhỏ lẻ và người tiêu dùng có thể tăng thị trường và lợi thế thương lượng thông qua các thành quả đạt được trong việc giảm chi phí đầu vào và việc áp dụng các dịch vụ theo hướng thị trường khác như giám sát chất lượng, quảng cáo, giấy chứng nhận, nhãn hiệu và thương  hiệu.

Hành động tập thể là một chiến lược quan trọng đối với người nghèo, giúp cho họ có được những lợi thế của các cơ hội kinh tế. Việc tập hợp các nhà sản xuất nhỏ lẻ và người tiêu dùng có thể tăng thị trường và lợi thế thương lượng thông qua các thành quả đạt được trong việc giảm chi phí đầu vào và việc áp dụng các dịch vụ theo hướng thị trường khác như giám sát chất lượng, quảng cáo, giấy chứng nhận, nhãn hiệu và thương  hiệu. |Ngoài ra còn có các lợi ích khác về mặt thế mạnh chính trị và xã hội.|

Bởi vậy, hướng nghiên cứu về Hành động tập thể là một trong những ưu tiên hàng đầu trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật vùng “Nâng cao Hiệu quả Thị trường cho Người nghèo” (M4P) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan đại diện Thường trú tại Việt Nam thực hiện. Nhằm triển khai hướng nghiên cứu này trong năm 2006, ngày 11/5/2006 tại khách sạn Hanoi Horison, M4P đã tổ chức một buổi hội thảo với chủ để “Hành động tập thể và sự tham gia của những hộ nông dân nhỏ vào thị trường - Một cơ  hội thoát khỏi nghèo đói cho những hộ nông dân nhỏ”.

Mục đích của cuộc hội thảo là nhằm: (1) Tổng kết và đánh giá thực trạng, những lợi thế và khó khăn trong quá trình hợp tác để phát triển các hoạt động tập thể giữa các hộ nông dân nhỏ với mục đích phát triển sản xuất hàng hóa và sự tham gia vào thị trường một cách có hiệu quả; (2) Tổng kết một số kinh nghiệm trong việc hỗ trợ nông dân tham gia vào các hoạt động tập thể để phát triển sản xuất và thương mại hóa sản phẩm; (3) Dựa trên hai kết quả trên, xây dựng một khung lý thuyết và kế hoạch  hành động về những vấn đề liên quan đến hành động tập thể để hỗ trợ nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo để phát triển sản xuất hàng hóa.

Cuộc hội thảo đã làm rõ:  (1) Cơ sở lý luận của hành động tập thể (Nhóm nghiên cứu do GS. Đào Thế Tuấn đại diện); (2) Đánh giá các khung chính sách hiện nay và cơ chế hỗ trợ các hành động tập thể (TS. Chu Tiến Quang, CIEM); (3) Những nghiên cứu trường hợp về kinh nghiệm tổ chức hành động tập thể trong thực tế:

- Trường hợp gạo Tám xoan Hải Hậu (TS. Vũ Trọng Bình, và các cộng sự, IPSARD);

- Trường hợp Hiệp hội sản xuất hồng không hạt tại Bắc Kạn (TS. Đào Thế Anh và các cộng sự, VASS);

- Trường hợp ngành hàng luồng tại Thanh Hóa (TS. Ivan Cucco, Đại học công nghệ Sydney);

- Trường hợp tổ chức khuyến nông tại Hà Nam ( Lê Thị Nhâm, Hoàng Xuân Trường, VASS);

- Trường hợp HTX chăn nuôi lợn tại Hòa Bình (Dự án Helvetas);

- Trường hợp Hôi thú y Chợ Đồn, Bắc Kạn (Ths. Bùi Thị Thái, Dư Văn Châu, VASS);

- Trường hợp Hội sản xuất lúa giống Nam Sách, Hải Dương (Ths. Lê Đức Thịnh, IPSARD, và cộng sự);

Kết thúc buổi hội thảo, TS. Đào Thế Anh (VASS) đã tổng kết về lý thuyết, phương pháp và kế hoạch nghiên cứu về Hành động tập thể trong thời gian sắp tới. Đây có thể là một trong những hướng tiếp cận có hiệu quả không chỉ cho công tác xóa đói giảm nghèo nói riêng mà còn cho cả công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và tiếp sau.

Vi Dũng

 

Tin khác

©2020 Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - IPSARD
Số 16 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội
Tel: 04-39722067, Fax: 84-4-39711062, Email: viencscl@ipsard.gov.vn
Số giấy phép 234/GP-BC