Ngày 21/2/2013, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tổ chức cuộc điều trần trong khuôn khổ đợt xem xét hành chính lần thứ tám về chống bán phá giá cá tra, cá ba sa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Dự kiến, DOC sẽ có phán quyết về việc lựa chọn nước thứ ba làm căn cứ tính giá và tính thuế chống bán phá giá vào 14/3/2013.
Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra, cá basa lớn thứ 2 của Việt Nam. Năm 2012, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt được 1,8 tỷ USD (tương đương với 2011) thì kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ đạt hơn 358 triệu USD, chiếm khoảng trên 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
|
Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra, cá basa lớn thứ 2 của Việt Nam.
|
Do vậy, diện tích nuôi cá da trơn ở Mỹ đã giảm một nửa, từ khoảng 67.000 ha mặt nước xuống còn hơn 33.000 ha. Những năm trước đây, các nhà nuôi cá da trơn của Mỹ đã nhiều lần tìm cách ngăn cản các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường nước này. Trong đó có cả việc gây sức ép đối với các cơ quan chức năng của Mỹ phải tạo ra các hàng rào kỹ thuật, xếp cá tra, cá ba sa của Việt Nam không phải là cá da trơn.
Tình hình kinh tế thế giới năm 2013 có dấu hiệu phục hồi chậm nên nhiều dự báo, thị trường xuất khẩu cá tra sẽ còn gặp khó khăn. Đến nay, có thêm thông tin các doanh nghiệp Mỹ yêu cầu Bộ Thương mại nước này lựa chọn một nước khác như Indonesia hoặc Philippines làm căn cứ tính giá và tính thuế, thay thế Bangladesh cho vụ kiện chống bán phá giá cá tra, cá basa vào thị trường Mỹ trong phiên điều trần lần thứ tám. Trong quá trình điều tra chống bán phá giá của cá tra Việt Nam, Mỹ thường chọn nước thứ ba thay thế để làm cơ sở so sánh yếu tố chi phí đầu vào.
Những lần xem xét trước, Bangladesh (một quốc gia có nền kinh tế tương đương Việt Nam) được chọn là nước thứ ba thay thế, nhưng trong lần này, Mỹ lại chọn Indonesia hoặc Philippines.
Điều này khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cảm thấy bất an và lo lắng bởi sản lượng xuất khẩu cá tra, cá basa xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ sụt giảm mạnh và làm tăng thuế suất nếu Bộ Thương mại Mỹ kiên quyết không chọn Bangladesh làm căn cứ như những lần trước.
Sau khi tham dự phiên điều trần, ông Đào Trần Nhân, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ bày tỏ quan ngại: “Đây là một hành động hết sức nguy hiểm đối với ngành nuôi trồng, chế biến cá tra và cá ba sa của Việt Nam, vì nó có thể làm tăng thuế suất lên tới hai, ba chục lần trong khi các doanh nghiệp xuất mặt hàng này vào Mỹ trong năm 2012 chỉ chịu thuế suất rất thấp là 0% (đối với sản phẩm của công ty Vĩnh Hoàn) hoặc chưa tới 1% (0,03 USD/kg) với nhiều doanh nghiệp khác”, ông Nhân nói.
Tuy nhiên, ông Nhân cũng tỏ ra lạc quan về khả năng DOC sẽ không thay đổi việc lựa chọn nước thứ ba vì tại phiên điều trần, các luật sư đại diện cho phía Việt Nam đã trình bày những lập luận và bằng chứng sắc sảo với DOC, cho rằng không có lý do gì để thay đổi sau gần 8 năm liên tục sử dụng Bangladesh làm căn cứ tính thuế cho cá tra, cá ba sa nhập khẩu từ Việt Nam. Cơ sở chính là những điều kiện và trình độ phát triển nghề nuôi trồng và chế biến cá tra, cá ba sa của Việt Nam tương đồng với Bangladesh.
Mặt khác, bất cứ sự thay đổi nào cũng gây khó khăn cho chính DOC trong việc thu thập số liệu. Theo ông Nhân, lý do cá tra, cá ba sa Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ cần phải sử dụng nước thứ ba làm căn cứ tính thuế chống bán phá giá là vì sau nhiều năm đề nghị và đấu tranh, Việt Nam vẫn chưa được Mỹ công nhận là nước có nền kinh tế thị trường.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex cho rằng, việc DOC chuyển đổi nước thứ ba làm căn cứ sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam. “Những số liệu của Bangladesh chúng ta đã lấy từ lâu nên việc cập nhật sẽ thuận lợi hơn. Bây giờ DOC muốn chuyển sang Indonesia hoặc Philippines thì để có số liệu, chúng ta phải làm lại từ đầu. Như vậy sẽ rất tốn tiền và có nhiều khó khăn, thậm chí nếu họ “bắt tay” nhau đưa ra số liệu bất lợi cho Việt Nam thì lúc đó đã khó lại càng thêm khó!”.
Năm 2011, DOC chọn Philippines làm nước thứ 3 và chúng ta đã đấu tranh quyết liệt, họ mới chấp nhận lấy số liệu từ Bangladesh nên có những doanh nghiệp được hưởng thuế suất bằng 0 hoặc chỉ vài cent/kg. Nếu lần này DOC kiên quyết chọn Indonesia hoặc Philippines thì cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ vô cùng khó khăn. Khi Mỹ lựa chọn 1 nước nào đó ngoài Bangladesh làm nước thứ 3 chúng ta đều bất lợi, do phải bỏ chi phí, công sức thu thập thông tin, tư liệu cần thiết cho quá trình xem xét để cung cấp cho DOC.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ được hưởng thuế suất thấp đã cùng nhau hạ giá bán phi lê cá tra đông lạnh loại 1 xuống còn khoảng 2,35 – 2,4 USD/kg (FOB), thấp hơn giá thành sản xuất khiến cho các nhà nuôi cá da trơn của Mỹ bị mất thị trường trong nước và đã phản ứng mạnh mẽ bằng cách tác động lên DOC thông qua các vụ kiện chống bán phá giá.
Điều này khiến DOC liên tục thay đổi nước thứ ba làm căn cứ trong vụ kiện cá tra Việt Nam vào Mỹ và vì thế, xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ được dự báo sẽ ngày càng khó khăn hơn.
Theo VnEconomy