Phát triển hệ thống thủy lợi góp phần hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn

26/02/2013

Nhìn lại năm 2012, Bộ NN&PTNT cho biết, việc đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đẩy mạnh.

Trong đó, công tác thủy lợi tiếp tục được quan tâm đúng mức. Năm 2012, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, Chính phủ đã tập trung vốn đầu tư các công trình dở dang có khả năng hoàn thành và đưa vào sử dụng; chú trọng nâng cấp, sửa chữa các công trình hiện có; ưu tiên đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các công trình thủy lợi trọng điểm phục vụ đa mục tiêu và triển khai các dự án chống ngập cho các thành phố lớn...
 
Bên cạnh đó, các địa phương, đã thực hiện các giải pháp về công tác thuỷ lợi khá đồng bộ: đổi mới phương thức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, thường xuyên tổ chức theo dõi sát diễn biến thời tiết, nguồn nước, kiểm tra thực địa các hồ chứa nước và công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, phòng chống ngập úng trong mùa mưa bão… Vì vậy, đã đảm bảo nguồn nước phục vụ làm đất gieo cấy cho 100% diện tích lúa Xuân ở các tỉnh vùng Trung du, Đồng bằng Bắc bộ; điều hành phân ranh mặn ngọt, đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ sản xuất vụ xuân - hè, hè - thu ở các tỉnh vùng ĐBSCL.
Đáng chú ý, công tác tu bổ, nâng cấp đê điều, ứng phó và giảm nhẹ thiên tai được tập trung chỉ đạo. Bộ NN&PTNT và các địa phương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc rà soát đánh giá hiện trạng đê điều, xây dựng phương án tu bổ, bảo dưỡng để đảm bảo chủ động phòng, chống lụt bão. Năm 2012 Chính phủ đã hỗ trợ cho các địa phương từ Quảng Ninh đến Quảng Nam là 785 tỷ đồng, và 390 tỷ đồng cho các địa phương từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang để thực hiện Chương trình củng cố và nâng cấp đê biển, đê sông.
Có thể nói, mặc dù nguồn lực hạn chế, nhưng cơ sở hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng. Đặc biệt là các công trình phục vụ khai thác, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kết hợp với bảo vệ an ninh vùng biển và chủ quyền quốc gia không ngừng được tăng cường. Trong năm 2012, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 3 khu neo đậu tránh trú bão. Như vậy, đến nay, cả nước đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 5 khu neo đậu cấp vùng, 18 khu neo đậu cấp tỉnh đảm bảo chỗ neo đậu cho 20.700 tàu thuyền. Đây là nỗ lực lớn trong việc nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học, chọn tạo và nhân giống cây trồng, vật nuôi, các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành tiếp tục được đầu tư, nâng cấp; các cơ sở khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm vật tư nông nghiệp và hàng nông, thủy sản từ trung ương đến địa phương tiếp tục được trang bị cơ sở vật chất hiện đại; các trung tâm quan trắc và viễn thám, cơ quan thú y, bảo vệ thực vật và cơ quan kiểm lâm tiếp tục được đầu tư nâng cao năng lực… đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu quản lý, phục vụ sản xuất của ngành.
Bước sang năm 2013, để tiếp tục đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, Bộ NN&PTNT đã xác định sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/6/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 16/01/2012 của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; rà soát lại các công trình đầu tư dở dang đang bị giãn, hoãn tiến độ, đẩy nhanh việc thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, tập trung đầu tư hoàn thiện các dự án quan trọng đối với sự phát triển của ngành; kiên quyết khắc phục có hiệu quả tình trạng dàn trải, kém hiệu quả trong phân bổ và sử dụng vốn đầu tư.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp sẽ từng bước thực hiện tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư công theo hướng ưu tiên bố trí vốn hoàn thành các dự án hạ tầng trực tiếp phục vụ sản xuất, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng đang đầu tư dở dang và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cảng cá; các dự án phục vụ nghiên cứu khoa học, thực hiện chương trình giống; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng chống dịch bệnh vật nuôi, cây trồng; nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng…
Tiếp tục hướng phát triển hệ thống thủy lợi đa mục tiêu, đảm bảo nhu cầu cung cấp nước cho thâm canh cây trồng, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối và cung cấp nước cho phát triển công nghiệp, phục vụ đời sống dân sinh...; tập trung nguồn lực hoàn thành các công trình dở dang; đầu tư mới chủ yếu để đảm bảo an toàn các hồ chứa, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, chống ngập lụt tại các đô thị lớn, các công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản trên cơ sở xem xét kỹ tính cấp bách, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn vốn; đồng thời tiếp tục bảo dưỡng, nâng cấp các công trình hiện có…; tiếp tục chủ động trong công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhất là ở các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai.../.
Theo cpv.org

Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=10004&cn_id=570547


Tin khác