Xuất khẩu nông sản 2 tháng đầu năm: Tín hiệu vui

28/02/2013

Trong hai tháng đầu của năm 2013, xuất khẩu gạo, càphê của nước ta tăng mạnh, kéo tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) của nhóm hàng nông sản đạt 4,83 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2012. Đây được xem là tín hiệu vui cho ngành XK nông - lâm - thủy sản trong năm mới.

Rộng đường xuất khẩu 
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, kim ngạch XK nông - lâm - thuỷ sản tháng 2 ước đạt 2,26 tỷ USD, đưa giá trị XK nông - lâm - thuỷ sản 2 tháng đầu năm 2013 ước đạt 4,83 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2012.
Gạo là mặt hàng nông sản XK chủ lực, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 2 ước đạt 233.000 tấn, trị giá 107 triệu USD, đưa khối lượng XK gạo 2 tháng ước đạt 677.000 tấn, giá trị kim ngạch 310 triệu USD. Giá XK gạo bình quân tháng 1 đạt 457 USD/tấn, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2012. 
 
Mặt hàng cao su, tuy có sự sụt giảm về lượng nhưng lại tăng trưởng mạnh về giá trị. Ước sản lượng XK cao su tháng 2 đạt 70.000 tấn, giá trị 222 triệu USD, đưa kim ngạch 2 tháng ước đạt 518 triệu USD, giảm 31,5% về lượng nhưng tăng 16,6% về giá trị.
Tương tự, XK chè tháng 2 ước đạt 9.000 tấn, giá trị đạt 13 triệu USD, đưa kim ngạch 2 tháng ước đạt 33 triệu USD, tăng 18,6%. 
Sản lượng XK càphê tháng 2 ước đạt 196.000 tấn, giá trị 339 triệu USD, đưa kim ngạch 2 tháng ước đạt 884 triệu USD, tăng 38,1% về giá trị.
Đối với mặt hàng thủy sản, ước giá trị kim ngạch XK 2 tháng đạt 876 triệu USD, tăng 11,6%. 
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 308 triệu USD, tăng 55,4% so cùng kỳ năm 2012.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, dù XK nông sản đầu năm nay có nhiều dấu hiệu khả quan, mang lại niềm vui lớn cho cả DN cũng như nông dân song vẫn thiếu tính ổn định. Thời gian tới, giá cả cũng có nhiều biến động, đó là khi các nước bước vào thời kỳ thu hoạch một số loại nông sản chính như càphê, hồ tiêu, ca cao... Do vậy, để XK bền vững, các DN cần đẩy mạnh đầu tư khâu chế biến để tăng tính cạnh tranh và đi sâu vào các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… 
Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) cho biết, Việt Nam vẫn còn cơ hội ở những thị trường mới, điển hình là Nhật Bản. Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để tạo được nguồn hàng nông - thủy sản XK ổn định và chất lượng trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát và lập quy hoạch mới các vùng nguyên liệu, áp dụng quy trình VietGAP đối với các cơ sở sản xuất lớn. Bộ cũng sẽ thực hiện chương trình giúp các DN củng cố và mở rộng thị trường truyền thống, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, khai thác các thị trường mới ở châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ.
Tăng tốc đưa nông sản vào Nhật Bản
Nhật Bản đang là một trong những thị trường XK lớn của Việt Nam, năm 2012, kim ngạch XK sang thị trường này đạt 13,1 tỷ USD, tăng 21,4% so với năm 2011, đứng thứ hai sau Hoa Kỳ và chiếm 11,4% tổng kim ngạch XK. Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn xuất siêu vào Nhật Bản, với thặng dư thương mại năm 2012 đạt hơn 1 tỷ USD. Dự báo năm 2013, XK vào nước này tăng khoảng 20%, đạt trên 15 tỷ USD.
Thời gian qua, Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết nhiều thỏa thuận kinh tế quan trọng. Đây là điều kiện thuận lợi để tăng XK nông sản của Việt Nam sang Nhật Bản. Việc giảm thuế mạnh mẽ các mặt hàng nông sản XK vào Nhật Bản cũng mở ra cơ hội cho các DN tăng năng lực cạnh tranh. Cụ thể là, với Hiệp định Đối tác kinh tế Việt - Nhật (VJEPA), Nhật Bản đã cam kết giảm thuế tương đương gần 84% giá trị nông sản XK của Việt Nam. Và ngay khi VJEPA có hiệu lực, trong số 2.020 dòng thuế nông sản, Nhật Bản đã xóa bỏ 784 dòng, chiếm 36% tổng số dòng thuế nông sản và chiếm 67,6% giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo lộ trình VJEPA, đến năm 2020, sẽ có trên 800 dòng sản phẩm nông sản và thủy sản Việt Nam vào Nhật Bản với thuế suất 0%. Các dòng thuế có lộ trình giảm từ 3-5 năm, bao gồm 14 sản phẩm có nhiều tiềm năng XK như: mì chính, đậu tương, gừng; các loại hoa quả như chuối, sầu riêng, chôm chôm...
Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục giảm và loại bỏ thuế nhập khẩu đối với 72 dòng nông sản trong 7 năm và 214 dòng có lộ trình giảm và loại bỏ thuế quan trong 10 năm. Đáng chú ý, các mặt hàng rau, quả chế biến, ngô, sắn chế biến, các loại gia vị, nước sốt đang là những mặt hàng mà DN Việt Nam có khá nhiều lợi thế khi XK sang thị trường này. 
Riêng đối với thủy sản, trong số 330 mặt hàng, đã có 64 mặt hàng được giảm thuế ngay khi VJEPA được thực thi, chiếm 71% sản phẩm thủy sản XK của Việt Nam sang Nhật Bản. Đặc biệt, có một tin vui cho ngành tôm là, từ tháng 1/2013, thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này vào Nhật Bản hạ xuống mức 0%.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Công ty Chế biến xuất khẩu thủy sản Thọ Quang cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, số lượng đơn hàng từ Nhật Bản đã tăng khoảng 15% so với thời điểm bình thường do thông tin giảm thuế suất bằng 0% cho các mặt hàng thủy sản.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, Việt Nam có cơ hội XK nông sản sang Nhật Bản vì sự khác biệt giữa mùa vụ, khí hậu và chủng loại rau quả. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản vẫn “đóng kín”. Hiện, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Bộ Y tế, Phúc lợi xã hội của Nhật đang triển khai các chương trình hợp tác kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng hàng XK và thừa nhận kết quả kiểm nghiệm của nhau, trước hết là những mặt hàng Việt Nam có tiềm năng và thế mạnh như thủy sản, rau quả...
Theo các chuyên gia, không thể chỉ chờ Nhật Bản xem xét nới lỏng quy chế vệ sinh an toàn thực phẩm, mà cả hai bên cùng quan tâm tháo gỡ bằng việc triển khai các chương trình hợp tác kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa và chấp nhận kết quả kiểm nghiệm của nhau. Riêng với mặt hàng thủy sản, cần nhanh chóng giải quyết vấn đề dư lượng Ethoxyquin trong tôm nói riêng, các chất kháng sinh tồn dư trong thủy sản nói chung. Còn với gạo, các DN XK Việt Nam cũng cần chú ý nâng cao chất lượng bằng các giống gạo ngon, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu chất lượng cao dành riêng cho XK đến những thị trường khó tính như Nhật Bản.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2013/2/39367.html


Tin khác