Kiến nghị tăng giá sàn mua lúa tạm trữ

28/02/2013

Sau gần một tuần triển khai thu mua tạm trữ, người dân đã bắt đầu trữ lúa lại không bán ra nữa.

Đến thời điểm hiện tại, ĐBSCL đã thu hoạch trên 700.000ha lúa đông xuân. Sau gần một tuần triển khai thu mua tạm trữ, đến nay, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), các doanh nghiệp trên địa bàn ĐBSCL đã mua vào khoảng 20% số lượng được giao với giá 4.500 - 5.400 đồng/kg (tùy loại), cao hơn trước thời điểm triển khai chương trình 100 - 250 đồng/kg. Tuy nhiên, theo VFA, người dân đã bắt đầu trữ lúa lại không bán ra nữa.
Theo công bố của Bộ Tài chính, giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân ở ĐBSCL khoảng 3.134 - 4.474 đồng/kg. Tại Đồng Tháp, giá thành sản xuất lúa là 4.200 đồng/kg. Như vậy, với giá lúa hiện nay, nông dân lãi rất thấp và càng không thể đạt mức lãi 30% như chủ trương của Chính phủ.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, hiện giá lúa bắt đầu tăng nhẹ nhưng việc triển khai thu mua còn quá chậm so với thực tế, người dân phải chịu thiệt thòi vì bán lúa với giá thấp, nguồn lãi thu được ít, khó có thể bù cho các mùa vụ tiếp theo. Tại Kiên Giang, giá mua bình quân của các doanh nghiệp tại kho là 4.568 đồng/kg lúa và 6.693 đồng/kg gạo. Thực tế, đây là giá thương lái và hàng xáo bán cho doanh nghiệp, còn nông dân bán lúa cho thương lái chỉ dao động khoảng 4.200 đồng/kg (lúa tươi) đối với giống IR50404.
Theo ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, với giá này nông dân không thể có lãi 30%. Muốn nông dân có lãi 30% thì giá lúa mua tại ruộng cho dân phải là 4.700 đồng/kg.
Trước tình hình giá thu mua tạm trữ không cao hơn giá thành bao nhiêu, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định giá tiêu thụ lúa hàng hóa, đảm bảo quyền lợi của nông dân. Trong đó cần quy định giá sàn mua lúa tạm trữ, đảm bảo cho nông dân có lãi ít nhất 30%; đồng thời ưu tiên phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ ở những tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa lớn như Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An. Trước đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định giá sàn mua lúa vụ đông xuân là 4.500 đồng/kg, thấp hơn so với năm ngoái 703 đồng/kg.
Theo Bộ NN-PTNT, ĐBSCL xuống giống vụ đông xuân 2012 - 2013 hơn 1,52 triệu ha, tăng hơn 73.000 ha so với vụ trước. Hiện nay, phần lớn diện tích lúa đang ở giai đoạn trổ bông và chín. Theo tính toán sơ bộ, năng suất bình quân ước đạt trên 6,4 tấn/ha, trong đó một số địa phương đạt năng suất bình quân khá cao như Hậu Giang 7,03 tấn/ha, Cần Thơ 6,94 tấn/ha, Đồng Tháp 6,86 tấn/ha…
Đến nay, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo được gần 2,9 triệu tấn, tăng hơn 99% so cùng kỳ năm ngoái; trong đó hợp đồng thương mại chiếm 84,38%, hợp đồng tập trung 16,62%. Theo kế hoạch, trong quý 1-2013 các doanh nghiệp sẽ giao khoảng 1,3 triệu tấn; quý 2-2013 giao 2,2 triệu tấn; tổng cộng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm là 3,5 triệu tấn. Theo VFA, sản lượng gạo hàng hóa vụ đông xuân 2012 - 2013 khoảng 3,8 triệu tấn, cộng với tồn kho năm 2012 chuyển sang khoảng 780.000 tấn. Về cơ bản, các doanh nghiệp sẽ tiêu thụ hết lúa vụ đông xuân cho nông dân ĐBSCL với giá đảm bảo có lợi.
Theo Bộ Công thương, năm 2013, nước ta có khả năng xuất khẩu 7,5 - 8 triệu tấn gạo. Song vấn đề lo ngại là xuất khẩu gạo năm nay chịu sức ép cạnh tranh quyết liệt từ Thái Lan; Ấn Độ; Myanmar; Pakistan… trong khi những thị trường truyền thống như Indonesia và Philippines giảm nhập khẩu, hướng tới mục tiêu tự cung tự cấp lương thực.
VFA lo ngại, hiện giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đang thấp hơn giá gạo Ấn Độ và Pakistan nhưng cao hơn Myanmar và khó tăng giá do cạnh tranh gay gắt. Hiện Thái Lan tồn kho khoảng 13 triệu tấn gạo, cộng với 3 triệu tấn gạo sẽ thu hoạch trong vụ này, nâng sản lượng tồn kho lên 16 triệu tấn.
Một số thông tin cho biết, Thái Lan đang tính toán bán một lượng lớn gạo để giảm áp lực dự trữ, nhưng không biết họ bán lúc nào, giá ra sao… Vì vậy, việc tiêu thụ lúa vụ hè thu tới ở ĐBSCL là một thách thức không nhỏ.
Theo Sài Gòn giải phóng

Tin khác