Đậm đà bản sắc Tây Nguyên

10/03/2015

Cây cà phê Việt Nam ngày càng có giá trị văn hóa, kinh tế cao, tiếp tục khẳng định vị thế, thương hiệu của mình trên thị trường cà phê thế giới, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu được 1,6 triệu tấn cà phê, thu được gần 3,4 tỷ USD”, đó là lời phát biểu của đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tại Lễ khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V- năm 2015 với chủ để “ Cà phê Buôn Ma Thuột – Hội tụ tinh hoa đại ngàn”, diễn ra tối nay 10-3.

 

Đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, phát biểu chỉ đạo.

 

Tại buổi lễ, đồng chí Y Dhăm Ênuôl, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V- năm 2015 có 21 chương trình được tổ chức. Trong đó có 16 chương trình chính và 5 chương trình phụ trợ. Các chương trình chính gồm: Triển lãm ảnh nghệ thuật “Hành trình cà phê Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk”; trưng bày hiện vật - Ảnh kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột; Hội chợ  - Triển lãm chuyên ngành cà phê; Chương trình trò chơi cho nông dân 5 tỉnh Tây Nguyên; Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk; Khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 5 - năm 2015; Bắn pháo hoa tầm thấp 15 phút; Hội nghị về phát triển cà phê bền vững; Chung kết Hội thi Nhà nông đua tài; Chương trình Đêm hội vào mùa; Chương trình chung kết Hội thi pha chế cà phê; Giới thiệu hoạt động của Công ty cổ phần Sở giao dịch hàng hóa và cà phê Buôn Ma Thuột; Hội thảo về giao dịch hàng hóa và sự phát triển của ngành cà phê, nông sản Việt Nam; Gặp mặt biểu dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu vùng Tây Nguyên; Bế mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 5 - năm 2015…

 

“Buôn Ma Thuột là địa danh có diện tích và sản lượng cà phê cao nhất nước với trên 230 ngàn hecta và sản lượng đạt trên 480 ngàn tấn. Lễ hội là dịp để nâng cao giá trị xuất khẩu, tiếp tục tôn vinh mặt hàng cà phê – một trong mười sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và là sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Đắk Lắk; khẳng định vị trí quan trọng của ngành cà phê Việt Nam. Ngoài đây, đây cũng là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm về sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư tại Đắk Lắk nhằm phát triển kinh tế - xã hội, làm giàu các vùng nông thôn của tỉnh”, đồng chí Y Dhăm Ênuôl nói.

 

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Đại Quang nhấn mạnh: Trong suốt 40 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết một lòng, chung sức xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Trong nững thành tựu của Đắk Lắk, có sự đóng góp quan trọng của cây cà phê được trồng tại đất nước ta từ 100 năm, gắn bó mật thiết với đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân các dân tộc, nhất là khu vực Tây Nguyên. Sản phẩm cà phê Đắk Lắk, tiêu biểu là thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng đã có mặt hơn 80 quốc gia trên thế giới. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu được 1,6 triệu tấn cà phê, thu được gần 3,4 tỷ USD, trong đó có cà phê Đắk Lắk với thương hiệu Buôn Ma Thuột nổi tiếng, thơm ngon, đậm đà hương vị đặc trưng của vùng đất đỏ bazan. Cây cà phê Việt Nam ngày càng có giá trị văn hóa, kinh tế cao, tiếp tục khẳng định vị thế, thương hiệu của mình trên thị trường cà phê thế giới, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

 

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác