* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Doanh nghiệp Việt phải vươn ra biển lớn”
Với thông điệp “Chính phủ kiến tạo” cùng hàng loạt nghị quyết của Chính phủ nhằm tạo môi trường làm ăn thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, thời gian qua Chính phủ đã tạo ra không khí hào hứng làm ăn trong cộng đồng doanh nhân.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (hàng đầu, bìa phải) và Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (hàng đầu, bìa trái) trao cúp Thánh Gióng cho các doanh nhân tiêu biểu năm 2016
|
* Ông Lê Vĩnh Sơn (chủ tịch HĐQT Công ty CP quốc tế Sơn Hà):
Đừng để doanh nghiệp “cô đơn”
Cách đây 3-4 năm, doanh nghiệp (DN) chúng tôi đã bị áp thuế chống bán phá giá vào Mỹ cho sản phẩm ống inox công nghiệp. Mỗi năm chúng tôi bán khoảng 70-80 triệu USD, nếu mất thị trường này sẽ mất ngoại tệ, công ăn việc làm, ảnh hưởng ngành mũi nhọn khi xuất đi thị trường quan trọng. Dù kêu lên Bộ Công thương nhờ hỗ trợ, song DN vẫn phải tự bơi, tự xoay xở để giải quyết vì cơ quan chức năng nói rất nan giải, cũng một phần do nhận thức về phòng vệ thương mại tại thời điểm đó chưa nhiều.
Bài học từ 4 năm trước, tôi cho rằng cơ quan chức năng có trách nhiệm liên quan, cần có hệ thống rà soát, có thể gặp trực tiếp DN hoặc nhóm DN để có sự chuẩn bị phòng tránh bị kiện hoặc ứng phó với trường hợp xảy ra kiện. Thực tế cho thấy nếu Chính phủ có hỗ trợ, bảo trợ để tránh hoặc đấu tranh chống lại các vụ kiện với sự quan tâm và các giải pháp cụ thể, DN mới không bị cô đơn.
* Ông Trần Thanh Hải (Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương):
Doanh nghiệp cần chủ động hơn
Bên cạnh hỗ trợ thông tin về các hiệp định thương mại tự do, chúng tôi cũng phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức của DN về việc ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), có phương án nếu trở thành đối tượng liên quan trong một vụ áp dụng thuế tự vệ hoặc thuế chống phá giá. Chúng tôi cũng liên tục cập nhật thông tin về các biện pháp PVTM mà các nước áp dụng. DN có thể vào trang http://canhbaosom.vn để nắm được thông tin mới nhất.
Để tránh những vụ kiện PVTM, khi xuất khẩu, DN phải đưa ra mức giá quá hợp lý so với mặt bằng giá chung và kiểm soát được lượng hàng hóa xuất khẩu. Đa dạng hóa thị trường thay vì phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Khi liên quan đến một vụ kiện PVTM, DN nên chủ động liên hệ, hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Xuất nhập khẩu và các hiệp hội ngành hàng để có biện pháp ứng phó thích hợp.
* Ông Nguyễn Văn Dung (Giám đốc phát triển thị trường Công ty CP thương mại An Dương, Hà Nội):
Phá sản vì thủ tục thông quan hàng hóa
Thời gian thông quan hàng hóa cho lô hàng thực phẩm vẫn còn quá dài, khiến DN mất cơ hội kinh doanh, thậm chí phá sản. Nguyên nhân chính là thủ tục giấy tờ giữa các cơ quan chức năng, nhất là kiểm tra chuyên ngành. DN phải đến nộp trực tiếp mẫu lô hàng và chờ kết quả kiểm dịch động vật như đối với hàng tươi sống từ 3-5 ngày.
Nếu thời gian trả kết quả rơi vào ngày nghỉ hay ngày lễ, DN phải mất 7-9 ngày. Khi có kết quả, DN lại phải đến tận nơi để lấy. Nhiều lô hàng cá hồi tươi sống chỉ có hạn là 15-20 ngày nhưng thời gian kiểm dịch mất đến cả một tuần thì nguy cơ DN không bán được hàng do “quá date” rất cao. Tại sao cơ quan quản lý không thực hiện việc chuyển kết quả kiểm tra chuyên ngành qua đường điện tử?
Ngoài ra, nhiều lô hàng đông lạnh không được cơ quan kiểm dịch thú y cho đưa về kho lạnh của DN để chờ kết quả kiểm dịch. Do đó, hàng phải lưu tại cảng và DN mất thêm chi phí lưu kho và tiền điện khoảng 20-25 triệu đồng/container trong 3-5 ngày chờ kiểm dịch. Với khoảng 300 container nhập khẩu mỗi năm, riêng chi phí này DN mất khoảng 5-7 tỉ đồng.
* Ông Âu Anh Tuấn (Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan - Tổng cục Hải quan):
Sẽ giảm số mặt hàng kiểm tra chuyên ngành
Danh mục mặt hàng bắt buộc phải qua kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan quả thật quá nhiều, chiếm 30-35% hàng hóa nhập khẩu và có nhiều mặt hàng phải qua kiểm tra của nhiều cơ quan. Vướng nhất trong kiểm tra chuyên ngành là những bộ như Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương - với số mặt hàng thuộc danh mục phải kiểm tra chuyên ngành rộng, như phải kiểm tra chất lượng, kiểm dịch.
Với số lượng tờ khai cả nước 7-8 triệu tờ khai xuất nhập khẩu. Giả định số tờ khai nhập khẩu chiếm một nửa, 3,5-4 triệu tờ khai, trong đó 30% số tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành, tức là có hơn 1 triệu tờ khai. Trong khi đến nay chỉ mới có 150.000 hồ sơ thực hiện điện tử, gần 90% là tờ khai giấy, buộc DN phải đến nộp cho hải quan nên mất thời gian, chi phí thông quan hàng hóa.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, tỉ lệ hàng hóa kiểm tra chuyên ngành phải được giảm xuống còn 15% vào cuối năm nay thay vì 30-35% như hiện nay. Và việc cấp giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành sẽ phải thực hiện bằng điện tử thay vì thủ công. Các cơ quan chức năng đang chạy đua để thực hiện yêu cầu này, hi vọng sẽ giảm bớt khó khăn cho DN.
* Bà Bùi Thị Hương (Giám đốc điều hành Vinamilk):
Gõ nhiều cửa, chưa nhận được trả lời
Càng hội nhập sâu với thế giới, cộng đồng DN càng mong mỏi các chính sách nhà nước minh bạch, nhất quán để DN có thể yên tâm đầu tư. Như nghị định 210/2013 đề cập chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, tuy nhiên khi Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam (một công ty con của Vinamilk) là đối tượng được hưởng ưu đãi nhưng dù đã nộp hồ sơ từ rất lâu, đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ bộ ngành.
Nếu chúng tôi được hưởng cơ chế đúng nghị định 210, chúng tôi không chỉ đảm bảo đủ nguồn lực đầu tư phát triển thêm đàn bò, mà còn đóng góp không nhỏ cho quá trình phát triển nông thôn các tỉnh.
Chúng tôi cũng đã đeo đuổi kiến nghị Bộ NN&PTNT từ rất lâu là cần có tiêu chuẩn hướng dẫn xử lý cụ thể đối với chất thải, nhưng đến nay cũng chưa nhận được kết quả giải quyết. Nếu Bộ NN&PTNT sớm ban hành quy chuẩn, không chỉ giúp DN tiết kiệm tài nguyên mà còn hạ được giá thành sản phẩm.
* Ông Hoàng Thanh Vân (Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT):
Phải gõ đúng cửa
Bộ KH&ĐT đã có văn bản số 05 hướng dẫn thực hiện chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Vinamilk có thể liên lạc với sở KH&ĐT các tỉnh và căn cứ vào hướng dẫn 05 để xem công ty có đủ các yêu cầu để được nhận chính sách khuyến khích hay không. Nếu đủ điều kiện, chắc chắn các sở sẽ trả lời ngay, không cần gửi lên cấp bộ. Có thể DN chưa nhận được đầy đủ thông tin là nên hỏi cơ quan nào, vì vậy mới có tình trạng chậm trễ này.
Với kiến nghị về hướng dẫn chuẩn chất thải các trang trại gia súc của Vinamilk, Bộ NN&PTNT đã chuyển cho Bộ TN&MT xem xét. Tháng 7-2016, Bộ TN&MT đã ban hành quy định về chất thải trong các trang trại chăn nuôi, các DN có thể áp dụng. Theo đánh giá của cá nhân tôi, quy định này có nhiều điểm mới và tiếp cận với quy định tương tự của khu vực.
Theo Tuổi trẻ