Xin Bộ trưởng cho biết một số kết quả nổi bật sau 3 năm thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNNN)?
Sau 3 năm thực hiện đề án TCCNNN, về tổng quan chúng ta đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Thứ nhất, một số ngành hàng đã đổi mới, tiếp cận phương thức sản xuất của thế giới như chăn nuôi lợn, gia cầm. Thứ hai, trong ngành hàng thủy sản, đặc biệt là hai đối tượng chủ lực tôm nước lợ và cá tra, chúng ta đã cập nhật được điều kiện, công nghệ cũng như quá trình tổ chức sản xuất so với thế giới. Về ngành rau quả, chúng ta cũng có những tiến bộ, năm 2016, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu rau, quả cán đích 2,5 tỷ USD, cao hơn cả giá trị xuất khẩu lúa gạo.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã tập trung đẩy mạnh TCC và đạt được những kết quả quan trọng. Ví dụ, ở Đồng bằng sông Cửu Long có Đồng Tháp, Tây Nguyên có Lâm Đồng, miền núi phía Bắc có Hà Giang; các tỉnh này đã tập trung vào những sản phẩm mũi nhọn có lợi thế, bước đầu đem lại thu nhập khá cho người nông dân và đúng hướng đi của quá trình TCC là khai thác lợi thế.
Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta phải khẳng định một điều,TCCNNN là quá trình lâu dài, bền bỉ chứ không thể làm ngay được. Trên bình diện rộng, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún vẫn phổ biến, ở đó năng suất lao động, hiệu quả kinh tế, chuỗi giá trị còn ở mức thấp. Đặc biệt, rủi ro về mặt thị trường và những biến động thiên tai ngành nông nghiệp phải chịu tác động rất lớn. Đây là những tồn tại mang tính chất căn bản mà thời gian tới chúng ta phải tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất lớn, quy mô sản xuất nhỏ phải co lại, khi đó TCCNNN mới thành công.
Có ý kiến cho rằng, để TCCNNN thành công, Chính phủ không nên chỉ chú trọng vào đảm bảo an ninh lương thực. Theo ông, người nông dân phải làm thế nào để có thể làm giàu từ mảnh ruộng của mình?
Điều này hoàn toàn đúng vì mục tiêu cuối cùng của sản xuất là phải hiệu quả. Chính vì vậy, chúng ta lựa chọn sản phẩm phải theo nhu cầu thị trường. Trước đây, chúng ta xuất khẩu 7 - 8 triệu tấn gạo/năm, tuy nhiên, những năm gần đây, nhu cầu thị trường, đặc biệt là các trung tâm cung ứng gạo có thay đổi. Thế giới có 7 tỷ người thì chỉ một nửa ăn gạo, sản phẩm thương mại cung ứng gạo trên toàn cầu khoảng 35 triệu tấn, với giá trị 12 tỷ USD. Như vậy, đây là phân khúc hẹp, trong khi có nhiều quốc gia đang có lợi thế hơn chúng ta về sản xuất lúa gạo như Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ... Nguồn cung mặt hàng gạo có xu hướng tăng nhưng nhu cầu của thế giới chỉ có giới hạn. Đó là chưa kể, ngoài đất (mỗi năm chúng ta phải dành 7,7 triệu hecta đất cho cây lúa) thì việc sản xuất lúa còn tiêu thụ một lượng nước rất lớn, trong khi đó, biến đổi khí hậu gây thiếu nước ngọt. Như vậy, cộng yếu tố thị trường và yếu tố xu hướng phát triển nền nông nghiệp bền vững trên cơ sở khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thì việc chỉ đạo các địa phương chủ động chuyển đổi một phần diện tích lúa sang những đối tượng sản xuất khác cho hiệu quả cao hơn là chủ trương hoàn toàn đúng. Mục tiêu từ nay đến năm 2025, sẽ có 700.000ha đất lúa được chuyển sang những đối tượng sản xuất khác cho hiệu quả cao hơn.
Trong bối cảnh đất nước hội nhập, sự cạnh tranh ngày càng cao hơn, để giúp nông dân cũng như doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ có những chính sách nào, thưa Bộ trưởng?
Liên quan đến vấn đề thị trường, về tổng quan, tôi khẳng định, chủ trương mở thị trường của chúng ta là tốt và chúng ta rất chủ động. Hiện, chúng ta đã ký được 10 hiệp định thương mại tự do và đang cam kết để đi đến ký kết những hiệp định thương mại tự do ở mức cao nhất như TPP.
Trên thực tiễn, 2016 là năm hết sức khó khăn của ngành nông nghiệp, thiên tai diễn ra suốt từ đầu năm trên cả 7 vùng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đến giờ phút này, tổng giá trị xuất khẩu nông sản đã cán đích trên 32,1 tỷ USD, trong đó thặng dư tuyệt đối có khả năng vượt trên 7,5 tỷ USD. Điều này cho thấy về mặt khai thác thị trường, Việt Nam đã làm khá tốt. Tuy nhiên, vẫn đòi hỏi chúng ta cần cố gắng nhiều hơn nữa. Như đối với thị trường nhập khẩu, chúng ta phải thiết kế những giải pháp kỹ thuật mang tính phù hợp với hội nhập để bảo vệ thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân một cách hợp pháp. Trên cơ sở đó, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Thứ hai, mở thị trường trong các hiệp định thương mại tự do đã tốt, nhưng khai thác từng nhóm thị trường thì chưa hết tiềm năng và chưa đúng giá trị. Ví dụ, mặt hàng thịt lợn, sữa, rau quả, đúng ra nếu chúng ta có những hợp đồng cấp nhà nước thì Trung Quốc vẫn là thị trường lớn, chúng ta có thể mở nhanh được tổng sản lượng xuất khẩu. Thậm chí, ở những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản..., tiềm năng để hàng nông sản của chúng ta bước vào là hoàn toàn có thể. Trên cơ sở đó, chúng ta phải cố gắng hơn nữa với từng nhóm ngành hàng, từng nhóm đối tượng thị trường để có những giải pháp tích cực.
Cụ thể, vừa rồi chúng ta đã làm việc với Úc và bước đầu được thị trường này chấp nhận cho xuất khẩu tôm nguyên con. Và khi thị trường Úc được mở thì gần như mặc định các thị trường khác cũng chấp nhận, tạo tiền đề tốt cho sản phẩm nông sản của Việt Nam rộng đường đến với nhiều thị trường khó tính.
Hiện, Bộ đang bàn với Hiệp hội Cá tra Việt Nam tiếp tục có những biện pháp đấu tranh về pháp lý với những thị trường thường xuyên gây khó khăn cho chúng ta như Hoa Kỳ - một thị trường đang chiếm tỷ trọng về thủy sản lớn- phù hợp với thông lệ của hiệp ước thương mại tự do. Tôi hy vọng, Việt Nam đã mở thị trường tốt rồi thì phải khai thác từng nhóm thị trường với từng nhóm mặt hàng có tiềm lực.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được coi là một trong những giải pháp để đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị quy mô lớn. Thời gian tới, sẽ có những chính sách nào cho doanh nghiệp khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, thưa Bộ trưởng?
Trong việc hình thành các chuỗi liên kết, doanh nghiệp được coi là lực lượng nòng cốt, phối kết hợp chặt chẽ với nông dân, thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác. Riêng trong năm 2016, với số lượng gần 1.500 doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp rất lớn như TH, Dabaco, Vingroup,... cho thấy chính sách của chúng ta bắt đầu đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, trên thực tiễn phải khẳng định, chính sách chúng ta đưa ra nhiều nhưng ở nhiều nơi, nhiều loại chính sách còn bất cập.
Thứ hai, trong việc tổ chức thực hiện những chính sách đó, nhất là trong cải cách hành chính của các bộ, ban, ngành, các địa phương làm chưa tốt, vì vậy, đến bây giờ, chúng ta mới chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp trên tổng số hơn 500.000 doanh nghiệp. Vì vậy, chúng ta cần phải ban hành những chính sách sát hơn, hiệu quả hơn, tích cực cải cách thủ tục hành chính theo hướng sát thực tiễn hơn, tích cực hơn, nhằm huy động được tổng nguồn lực của toàn xã hội tham gia vào mặt trận nông nghiệp, nông thôn.
Về phía Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, tất cả các cơ quan quản lý phụ trách những ngành đầu vào phải quản lý tốt hơn. Những cơ quan cấp phép thủ tục hành chính phải gọn hơn và hiệu quả hơn, không gây phiền hà cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế.
Hiện, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ cũng rất quyết tâm trong việc cải thiện môi trường đầu tư, đưa ra những chính sách khuyến khích và tập trung cải cách hành chính. Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội trong kỳ họp vừa qua về tiếp tục tập trung cho tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, có một nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các ngành phải tập trung làm trong thời gian ngắn là nghiên cứu chỉnh sửa Nghị định 210. Đây là nghị định tương đối quan trọng tập trung những chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và PTNT và một số bộ, ngành khác chỉnh sửa, tham mưu để Thủ tướng Chính phủ có thể ban hành được nghị định mới này trong một thời gian ngắn tới đây.
Bên cạnh đó, những nút thắt khác như đất đai, tín dụng, ngân hàng… chúng ta đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng cố gắng đưa ra được những chính sách mang tính đột phá, tích cực, sát với thực tiễn để có thể thu hút được nhiều doanh nghiệp, bà con nông dân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Năm 2016 đã khép lại, Bộ trưởng có điều gì muốn chia sẻ với bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp?
Năm 2016 là một năm khó khăn, vất vả nhất đối với nông nghiệp và bà con nông dân bởi quý I/2016, chúng ta phải đối diện với trận rét lịch sử tại 14 tỉnh phía Bắc. Cùng với đó, toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gặp một đợt nhiễm mặn cũng như hạn hán lịch sử cả trăm năm mới gặp. Những tháng cuối năm, mưa lũ lịch sử lại hoành hành khắp các tỉnh miền Trung. Nhưng bằng sự cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị và nông dân, chúng ta đã giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất và vẫn tập trung vào những dư địa tăng trưởng. Ví dụ như chăn nuôi, thủy sản, rau quả, cây công nghiệp để có được tổng giá trị xuất khẩu nông lâm sản năm 2016 đạt 32,1 tỷ USD.
Như vậy, một năm rất khó khăn, một năm rất đồng lòng, một năm tập trung các giải pháp khắc phục, chúng ta vẫn có những mặt sáng về xuất khẩu nông sản. Điều này giúp bà con nông dân khắc phục khó khăn. Hy vọng, sang năm 2017, ngành nông nghiệp sẽ có nhiều điểm sáng.
Năm 2016, với những kiến tạo và hành động mạnh mẽ của Chính phủ mới, niềm tin của doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, bà con nông dân được củng cố một bước đáng kể. Việc hơn 110.000 doanh nghiệp ra đời trong thời gian vừa qua đã cho thấy rõ điều đó. Hy vọng, với niềm tin này, bước vào năm 2017, với những cố gắng vượt bậc của chúng ta, kỳ vọng sẽ là một năm thắng lợi cho bà con nông dân và ngành nông nghiệp.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Kinh tế nông thôn