Mỗi xã, phường một sản phẩm: Dư địa phát triển còn lớn

06/10/2017

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng - Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, khẳng định, với hàng nghìn nông, đặc sản riêng có của các địa phương, chúng ta có dư địa tương đối lớn để triển khai chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) trên phạm vi cả nước, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân để thực hiện tốt tiêu chí về thu nhập, vốn được coi là nhiệm vụ “khó nhằn” với bất kỳ địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm một gian hàng tại Hội chợ các sản phẩm OCOP do tỉnh Quảng Ninh tổ chức. 

4.823 sản phẩm phân bố ở khắp các vùng miền

Ông Nguyễn Minh Tiến cho biết, qua báo cáo sơ bộ của các địa phương, đã thống kê được trên cả nước có tới 4.823 sản phẩm đặc sản được phân bố ở khắp các vùng miền, nhưng mới có 22 sản phẩm được đăng ký thương hiệu hoặc chứng nhận chỉ dẫn địa lý. “Như vậy, có thể thấy, chúng ta có dư địa rất lớn để triển khai OCOP trên phạm vi toàn quốc”, ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, trong định hướng phát triển của Bộ Nông nghiệp và PTNT, sẽ ưu tiên phát triển 3 nhóm sản phẩm, đó là: Nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, là những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu tương đối lớn như gạo, tôm, cà phê,...: nhóm sản phẩm cấp tỉnh, đã khẳng định được thương hiệu của từng địa phương như: vải Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên,...; nhóm sản phẩm thứ ba chính là mục tiêu mà OCOP hướng đến: những đặc sản của từng xã, huyện, tuy quy mô sản xuất của những sản phẩm này còn nhỏ, là sản phẩm của từng xã, phường, vùng miền nhưng cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

“Trên thực tế, OCOP đã được triển khai thành công tại Nhật Bản từ những năm 1960, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai thí điểm từ năm 2009 ở một số địa phương. Nhưng do còn khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn lực đầu tư nên dù đạt kết quả khả quan nhưng việc  nhân rộng gặp nhiều khó khăn.

Sau đó, tỉnh Quảng Ninh thí điểm từ năm 2012, bắt đầu chính thức từ năm 2013 và đến nay đã xây dựng, phát triển được 126 sản phẩm, phần lớn đều có thị trường rộng mở. Qua kinh nghiệm của Quảng Ninh, tôi cho rằng, triển khai OCOP, chúng ta sẽ làm được hai việc vốn được đánh giá rất khó khăn từ trước đến nay là, giám sát được chất lượng sản phẩm và đảm bảo đầu ra cho bà con nông dân. Nếu làm tốt hai việc này, bất cứ việc phát triển sản phẩm nào cũng thành công, mang lại việc làm và thu nhập cho nông dân”, ông Tiến khẳng định.

Được biết, trên cơ sở thành công của Quảng Ninh sau 3 năm thực hiện Đề án “Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm”, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng Đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến 2030 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong năm 2017 để nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Hiện, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang tiến hành tổng hợp báo cáo kết quả rà soát, đánh giá hiện trạng các sản phẩm đặc sản nông nghiệp, dịch vụ, du lịch trên địa bàn khu vực nông thôn của các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh), quy hoạch định hướng phát triển sản phẩm trên địa bàn của các địa phương; hoàn chỉnh dự thảo lần 1 của Đề án để lấy ý kiến các bộ ngành Trung ương và các địa phương, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đã có 12 tỉnh chủ động tổ chức Hội nghị cấp tỉnh tập huấn về xây dựng chương trình OCOP của tỉnh và xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện.

“Với việc xây dựng đề án, Bộ Nông nghiệp và PTNT khẳng định sẽ triển khai chương trình trên diện rộng. Nếu được Chính phủ thông qua, chương trình sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó giúp các địa phương hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới, vì nâng cao thu nhập cho người dân là tiêu chí quan trọng và không dễ thực hiện”, ông Tiến nói.

Những bước đi đầu tiên

Sau thành công bước đầu, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt Đề án chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm tỉnh Quảng Ninh - OCOP” giai đoạn 2017-2020, với tổng kinh phí lên tới 850 tỷ đồng.

Mục tiêu của Đề án là, hằng năm, mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 1-2 ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ thực hiện theo chương trình OCOP đã ban hành; phát triển ổn định ít nhất 80 tổ chức kinh tế, 250 sản phẩm OCOP; phấn đấu có 6/12 sản phẩm cấp tỉnh đủ điều kiện tham gia vào chuỗi sản phẩm quốc gia.

Bến Tre cũng sẽ công bố Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” trong thời gian tới và lồng ghép vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Theo đánh giá, Bến Tre hội tụ đủ các điều kiện để thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” vì địa phương này đã có những nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận như: bò Ba Tri; hoa cảnh, cây giống, cây ăn trái ở Chợ Lách và Châu Thành; các làng nghề chế biến cá khô ở các xã ven biển của hai huyện Ba Tri và Bình Đại... 

Không những thế, Bến Tre còn được mệnh danh là “thủ phủ” của dừa với hơn 70.000 ha, chiếm gần 40% diện tích trồng dừa của cả nước, sản lượng gần 600 triệu quả/năm. Bến Tre cũng đang ưu tiên phát triển 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo chuỗi giá trị gắn với công nghệ cao và du lịch sinh thái.

Ngay sau chủ trương của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đầu tháng 7/2017, UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình OCOP đến UBND các quận, huyện, sở, ngành. Đối tượng thực hiện gồm sản phẩm (hàng hóa) và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền gồm 6 nhóm: thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm, nội thất, trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.

Qua kết quả khảo sát, trên địa bàn thành phố hiện có 41 sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, trong đó, có một số sản phẩm điển hình, có lợi thế đặc trưng như: lúa giống của HTX Hòa Tiến 1, bánh tráng Túy Loan, bánh khô mè Bà Liễu, rượu cần Phú Túc, nước mắm Nam Ô, nấm linh chi An Hải Đông, tré Bà Đệ, dầu tràm Tiên Ông, dầu gió Linh Ứng của Công ty Tinh dầu Hoàng Lịch, du lịch sinh thái làng quê Phong Nam… Điều đáng mừng là, những sản phẩm có tiếng của Đà Nẵng đều đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, cấp chứng nhận sản phẩm an toàn như: nước mắm Nam Ô, tré Bà Đệ hay dầu tràm Tiên Ông, dầu gió Linh Ứng...

Trên cơ sở kết quả khảo sát của chương trình, Đà Nẵng sẽ tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ như hỗ trợ đào tạo, tập huấn, đẩy mạnh sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, trọng tâm là xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, lợi thế của từng địa phương theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Hiện, các địa phương trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã hoàn thành công tác khảo sát để hình thành các nhóm sản phẩm, trên cơ sở đó sẽ đánh giá tiềm năng, lợi thế để hình thành các nhóm sản phẩm theo 3 cấp sản phẩm chủ lực (cấp quốc gia; cấp vùng, thành phố; cấp quận, huyện).

Hà Tĩnh cũng đang gấp rút triển khai chương trình OCOP sau khi đã khá thành công với mô hình vườn mẫu, tiêu chí số 20 trong xây dựng nông thôn mới. Theo thống kê, Hà Tĩnh hoàn toàn có thể triển khai OCOP vì có khá nhiều sản phẩm nông nghiệp, thủ công được nhiều người biết đến như: Bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn, cam chanh Thượng Lộc, cam Khe Mây, nhung hươu, đồ gỗ Thái Yên… Tuy nhiên, những sản phẩm đó vẫn chưa thực sự phát huy tiềm năng, thế mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu mạnh mang tầm quốc gia. Thu nhập và đời sống người dân trong sản xuất các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp còn thấp, sản xuất nhỏ, quy mô hộ gia đình là chủ yếu, năng suất lao động, giá trị canh tác trên đơn vị diện tích còn thấp, các sản phẩm chủ yếu là “xuất thô”, chưa được chế biến sâu, bao bì mẫu mã sản phẩm đơn giản, chưa có thương hiệu, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại địa phương, số doanh nghiệp và HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít, lại chưa đạt điều kiện nhà sản xuất.

Đây chính là lý do Hà Tĩnh đã tổ chức một đoàn công tác đến Quảng Ninh để học hỏi kinh nghiệm làm OCOP với quyết tâm sẽ giúp những đặc sản của quê hương vươn xa hơn, khẳng định được tiếng tăm trên thị trường, thay vì chỉ tiêu thụ trong phạm vi hẹp hiện nay.

Chánh văn phòng nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Huy Oánh cho biết, trên cơ sở tham quan học tập tại Quảng Ninh, Hà Tĩnh đang đề xuất kế hoạch xây dựng và thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” với một số sản phẩm: Cam chanh, cam bù Hương Sơn, bưởi Phúc Trạch, mật ong, các sản phẩm từ nhung hươu và một số sản phẩm từ hải sản, đồ mộc Thái Yên… Ngoài ra, OCOP Hà Tĩnh cũng xây dựng 5 tour, tuyến du lịch trải nghiệm nông thôn mới tại các địa phương.

Tất cả mới chỉ là những bước khởi đầu, nhưng hy vọng từ thành công của Quảng Ninh, các địa phương sẽ có thêm kinh nghiệm để triển khai hiệu quả chương trình OCOP, từ đó giúp cho sản vật của mỗi vùng miền được “lên tiếng”, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó có đóng góp thiết thực cho Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác