Doanh nghiệp nông nghiệp “đói” đất

06/10/2017

Trong khi tốc độ tăng trưởng giá trị sản lượng nông nghiệp bình quân trên một hecta đất giảm dần vì ruộng đất phân tán, manh mún, các doanh nghiệp muốn đầu tư đồng bộ, quy mô lớn cho sản xuất nông nghiệp lại gặp rất nhiều khó khăn để có đất, từ việc thiếu đất cho vùng nguyên liệu, xây dựng trụ sở, khu chế biến cho tới giá thuê đất cao.

Ts. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), nhận định, thời gian gần đây, đóng góp của đất đai vào tăng trưởng nông nghiệp dường như đã tới hạn. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản lượng nông nghiệp bình quân trên một hecta đất của Việt Nam đang giảm dần và thấp hơn các nước trong khu vực. 

Năng suất đất thấp hơn khu vực 

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản lượng nông nghiệp bình quân trên một hecta đất (theo giá cố định) giai đoạn 1986 – 1993 của Việt Nam (3,8%/năm) chỉ thấp hơn Thái Lan (4,3%/năm) nhưng tương đương với Trung Quốc, cao hơn Indonesia (3,7%), Ấn Độ (3,3%) và Bangladesh (2,6%).

Vị trí này vẫn được duy trì trong giai đoạn 1994 – 2007 nhưng đến giai đoạn 2008 – 2013, tốc độ tăng trưởng giá trị sản lượng trên một hecta đất của Việt Nam chỉ còn 1,7%, thấp hơn so với Ấn Độ (3,6%), Trung Quốc (2,7%), Indonesia (2,7%) và Bangladesh (3,1%).

Ông Tuấn cho biết, ruộng đất phân tán, manh mún là cản trở chính cho việc nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Diện tích đất bình quân hộ nông nghiệp chỉ vào khoảng 0,46ha và trung bình được chia thành 2,83 mảnh. 

“Quy mô diện tích đất của hộ nông dân Việt Nam thấp hơn Trung Quốc và thấp hơn rất nhiều so với các nước khác ở châu Á, châu lục vốn được coi là nơi đất chật, người đông”, ông Tuấn nói.

Nguyên nhân được ông Tuấn chỉ ra là do quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất diễn ra rất chậm. Theo số liệu điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam, trong giai đoạn 1993 – 2014, diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp và đất mặt nước bình quân hộ nông nghiệp chỉ tăng nhẹ từ 5.408m2 lên 6.748m2, chủ yếu do tăng diện tích đất lâm nghiệp và đất mặt nước cho nuôi trồng thủy sản. 

Trong khi đó, diện tích đất cây hàng năm bình quân một hộ giảm từ 4.121m2 xuống 3.334 m2, số mảnh đất bình quân mỗi hộ cũng giảm từ hơn 4 mảnh xuống gần 3 mảnh.

Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) muốn đầu tư đồng bộ, quy mô lớn cho sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn để có đất. Theo điều tra năm 2015 của Ipsard, các khó khăn về đất đai thường gặp đối với DN nông nghiệp là thiếu đất cho vùng nguyên liệu, xây dựng trụ sở, khu chế biến, giá thuê đất cao… 

Có 50% số DN được điều tra cho biết việc thiếu đất và mặt bằng là cản trở chính yếu nhất để họ đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh ở khu vực nông nghiệp nông thôn; 67,7% DN nông nghiệp đánh giá chính sách đất đai không thuận lợi gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. 

Báo cáo “Đề xuất cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển DN trong nông nghiệp” của Ipsard cũng cho thấy, 63,5% DN tiếp cận đất đai gặp khó khăn, trong đó 45,1% đặc biệt khó khăn do chính sách đất đai chưa tạo ra được thể chế hợp lý và hiệu quả để quản lý và điều tiết thị trường đất nông nghiệp, đồng thời chưa khai thác và sử dụng hiệu quả hết tiềm năng của đất phục vụ cho sản xuất. 

Ngoài ra, thị trường mua bán quyền sử dụng đất không được hình thành một cách chính thống và minh bạch, nhất là với thị trường sơ cấp, trong khi thị trường thứ cấp có hoạt động nhưng còn nhiều điều kiện ràng buộc cộng với cơ sở giá không phù hợp với giá thị trường. 

Chính vì vậy, đất nông nghiệp hiện đang bị đẩy vào tình trạng vừa không có giá trị thật vừa được sử dụng không hiệu quả, khó chuyển nhượng, khó chuyển đổi mục đích sử dụng để tối đa hóa hiệu năng, điều đó khiến cả Nhà nước và DN đầu tư vào đất đều thiệt hại về kinh tế. 

Đất nông nghiệp hiện đang bị đẩy vào tình trạng vừa không có giá trị thật vừa được sử dụng không hiệu quả, khó chuyển nhượng, khó chuyển đổi mục đích sử dụng để tối đa hóa hiệu năng, điều đó khiến cả Nhà nước và DN đầu tư vào đất đều thiệt hại về kinh tế

Tạo quỹ đất sạch cho DN thuê

Theo đánh giá của DN, các khó khăn trong chính sách đất đai DN gặp phải bao gồm: các quy định về chuyển nhượng đất nông nghiệp để lấy quỹ đất sản xuất nông nghiệp, thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng đất bao gồm rất nhiều loại thuế, phí như thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, lệ phí địa chính, lệ phí thẩm định… làm tăng chi phí đầu tư cho DN. 

Ông Dương Văn Chín, Tập đoàn Lộc Trời, kiến nghị, nếu DN có nhu cầu sở hữu đất đai ở nông thôn cho xây dựng nhà máy hoặc tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn của riêng mình thì Nhà nước nên cho vay tiền với lãi suất 0% trong vòng 20 để DN thuê đất của các nông dân liền kề nhằm hình thành cánh đồng đúng nghĩa.
Ông Chín dẫn chứng, như trường hợp một tỉnh cần 60 tỷ đồng để thuê 100ha đất và giao cho DN, nhưng đáng tiếc, tỉnh không có 60 tỷ đồng để thực hiện.

“Trong trường hợp này, Nhà nước nên cho tỉnh trên vay 60 tỷ đồng với lãi suất 0% thì sẽ hình thành được 100ha cánh đồng lớn liền canh do DN quản lý. Hàng năm, tỉnh thu từ DN 3 tỷ đồng để trả lại cho trung ương. Mọi việc sẽ diễn ra thuận lợi và DN sẽ về nông thôn đầu tư sản xuất”, ông Chín nói. 

Ngoài ra, ông Chín cũng kiến nghị, nếu DN cần đất để lập nhà máy tại nông thôn, Nhà nước nên miễn 100% phí chuyển nhượng đất đai phải nộp cho Nhà nước.

DN chỉ phải trả một lần tiền mua đất cho nông dân. Tổng hợp kiến nghị sau tọa đàm với chủ đề “Tích tụ ruộng đất, được và mất”, ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, cho biết, hầu hết kiến nghị đều cho rằng muốn thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, điều quan trọng là cần rà soát, điều chỉnh chính sách về đất đai. 

Theo đó, muốn đẩy mạnh việc tích tụ và tập trung đất đai, cần để nó diễn ra một cách tự nhiên, đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên liên quan, theo đúng quy luật kinh tế thị trường. Cụ thể, cần phân định rõ đối với hai khái niệm đất đai là lãnh thổ và đất đai là nguồn lực cho nền kinh tế.

DN chỉ mạnh dạn đầu tư khi quyền tự do tài sản được đảm bảo. Do đó, cần có hành lang pháp lý để bảo vệ quyền tự do tài sản của người dân.

Đồng thời bài học từ những vụ việc đã qua cho thấy, dịch chuyển đất không tạo ra bất ổn nếu Nhà nước không can thiệp quá sâu vào sự giao dịch tự nhiên của thị trường. 

Vì vậy, nhằm tránh xảy ra xung đột, Nhà nước cần tránh dùng mệnh lệnh hành chính để hỗ trợ DN trong tích tụ đất đai. Phải đảm bảo là người Việt Nam ai có nhu cầu đều được mua, không bị hạn chế vì hộ khẩu hay bất cứ lý do gì.

Tuy nhiên, để hạn chế mặt tiêu cực của tích tụ, tập trung đất đai, Nhà nước cần đề ra các điều kiện để chọn được những DN có nhu cầu thật sự, có tiềm lực kinh tế, nhằm tránh hiện tượng “tích tụ, hay tập trung trá hình”. 

Các chuyên gia cũng cho rằng để tháo gỡ nút thắt về đất đai, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm tạo quỹ đất sạch cho DN thuê làm trụ sở, nhà máy chế biến và hạ tầng kỹ thuật đi kèm, kho chứa, mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao.

Đặc biệt trong hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai, nguyên tắc là Nhà nước bảo hộ cơ chế tự nguyện của DN và người dân thông qua việc thực hiện vai trò trung gian của chính quyền địa phương trong quá trình đàm phán của DN với người dân.

Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Cần có một cơ chế chính để DN cùng với bà con nông dân tập trung tích tụ đất đai. Như vậy, không hẳn Nhà nước hỗ trợ bằng tiền cho DN đi mua đất của nông dân, mà đây chính là cơ chế để DN và nông dân cùng có lợi, cùng hợp tác với nhau để góp đất, tạo ra quỹ đất lớn hơn cho việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới. 

Ông Dương Văn Chín - Tập đoàn Lộc Trời

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên cấp một lần và vĩnh viễn vô thời hạn cho nông dân để không phải tốn kém trong việc cấp lại sổ đỏ. Việt Nam nên học tập Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc phân công cho cấp tỉnh lập ra cơ quan quản lý và môi giới đất nông nghiệp để xúc tiến việc chuyển nhượng, buôn bán, tích tụ đất đai tại nông thôn.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn

DN có dự án nông nghiệp nếu nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trong vùng chuyên canh đã được quy hoạch cần được hỗ trợ toàn bộ chi phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho DN. Đồng thời, DN được ký hợp đồng thuê đất nông nghiệp, thuê mặt nước với chính quyền địa phương nhận ủy quyền của hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác. Giá thuê đất dựa trên cơ sở thỏa thuận, ổn định ít nhất 5 năm. 

Theo Thời báo Kinh doanh


Tin khác