"Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính với hàng nông sản"

22/05/2018

Ông Trần Tuấn Anh nói cần tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới, tránh hệ luỵ khi đầu ra của nông sản phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Sáng 22/5, trong thảo luận ở tổ của đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã đề cập đến xuất khẩu nông, thuỷ sản, trong đó có một số mặt hàng vì sao thường xuyên phải "giải cứu". 

Theo ông, số lượng thị trường xuất khẩu tính bằng tỷ USD của Việt Nam từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tăng lên 29; hơn 20 thị trường trên 2 tỷ USD.

Xuất khẩu nông, thủy sản năm 2017 chưa có thống kê cuối cùng nhưng ước tính vào khoảng 35-37 tỷ USD. Tuy nhiên, Bộ trưởng Công Thương cho hay, sản phẩm nông sản của Việt Nam chưa thực sự tham gia vào chuỗi nông thủy sản thế giới; một số sản phẩm có tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, ví dụ cá tra, lâu nay chưa có thương hiệu nên vẫn gặp rào cản kỹ thuật.

"Câu chuyện về thị trường xuất khẩu nông, thủy sản còn nhiều chuyện phải bàn, đặc biệt là tìm kiếm thị trường bền vững", ông nói.

Cụ thể, năm 2017, các thị trường xuất khẩu lớn đều có tăng trưởng, đặc biệt là Trung Quốc, Mỹ, tăng tới 60%. Nhưng trong đà tăng xuất khẩu của hàng hoá nông sản Việt Nam sang Trung Quốc, vẫn còn đó lo ngại về việc giải cứu dưa hấu ở Quảng Nam, ớt ở Quảng Trị... 

“Cả ớt hay dưa hấu không nằm trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Đây chỉ là sản phẩm mùa vụ, phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ thương mại, xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới, chứ không phải chính ngạch”, Bộ trưởng Công thương lý giải vì sao nhiều mặt hàng nông sản thường xuyên phải giải cứu.

Lãnh đạo ngành Công Thương nhấn mạnh, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính với Việt Nam nữa, bởi giờ họ cũng theo thông lệ chung của quốc tế trong truy xuất nguồn gốc, kiểm tra chất lượng. Ông Tuấn Anh lấy ví dụ, trong 100 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trước đây, hiện Trung Quốc chỉ cấp phép cho 27 doanh nghiệp. “Nếu chúng ta cứ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc mà không phát triển thị trường mới thì hệ lụy sẽ rất lớn”, Bộ trưởng Tuấn Anh cảnh báo.

"Phải tập trung khơi thông mọi thị trường, nhất là thị trường tiềm năng. Trong đó lưu ý có chính sách kịp thời để tháo gỡ rào cản", ông nhấn mạnh.

Không phủ nhận trách nhiệm của ngành Công Thương, song Bộ trưởng Tuấn Anh cho rằng cần mở rộng sự tham gia của bộ ngành, địa phương trong việc tổ chức sản xuất nông nghiệp. “Hôm nay là dưa hấu, ngày mai có thể là hành tây, bí đao”, ông chia sẻ quan ngại.

Năm nào cũng "giải cứu" thì không còn ý nghĩa

Cùng mạch ý kiến trên, đại biểu tỉnh Tiền Giang Nguyễn Minh Sơn nêu lại báo cáo của Chính phủ, trong đó có đoạn “dự báo nhu cầu, thị trường để phục vụ sản xuất hàng nông sản còn yếu”. 

Nhìn lại từ đầu năm tới nay, theo ông Sơn “chúng ta đã giải cứu rất nhiều”. Gần đây nhất Quảng Nam kêu gọi giải cứu dưa hấu; huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đề nghị mỗi công chức mua 9kg ớt để giúp nông dân. Ngoài ra còn giải cứu củ cải, bí đỏ… ở một số tỉnh, thành phía Bắc.

“Giải cứu hết cuộc này đến cuộc khác, cứ thế này không ổn và với cách làm như hiện nay thì sẽ còn lặp lại”, ông Sơn nói và nhấn mạnh đến việc tổ chức sản xuất nông sản theo tín hiệu thị trường, ngành Công Thương phải vào cuộc tốt hơn để người nông dân đỡ phải kêu gọi "giải cứu".

Ông Lê Viết Chữ - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, cũng cho rằng "giải cứu" chỉ dùng trong những trường hợp bất khả kháng, nếu năm nào cũng giải cứu thì không còn ý nghĩa.

"Để chấm dứt tình trạng này cần nhiều giải pháp, trong đó Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế, tư vấn kịp thời cho người dân. Với bà con nông dân cũng cần chủ động hơn, vì nhiều người biết thừa dưa mà vẫn trồng", ông Chữ nói.

Theo VnExpress


Tin khác