Tác động của Biến đổi khí hậu lên người nghèo, phụ nữ và người trẻ ở khu vực nông thôn

12/03/2024

Ngày 5/3/2023, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc mới công bố một báo cáo về tác động của biến đối khí hậu lên các nhóm đối tượng là người nghèo, phụ nữ và trẻ em ở khu vực nông thôn. Báo cáo có tựa đề “The unjust climate” (tạm dịch là “Khí hậu không công bằng”). Theo báo cáo, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng không cân đối đến thu nhập của phụ nữ nông thôn, người sống trong nghèo đói và người cao tuổi vì khả năng thích ứng với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt của các nhóm đối tượng này không đồng đều

 

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc đã phân tích dữ liệu kinh tế xã hội từ hơn 100.000 hộ gia đình nông thôn (đại diện cho hơn 950 triệu người) trên 24 nước thu nhập thấp và trung bình. Bằng cách tích hợp thông tin này với dữ liệu nhiệt độ và lượng mưa hàng ngày được tham chiếu địa lý trong 70 năm, báo cáo xem xét các yếu tố gây căng thẳng về khí hậu khác nhau tác động như thế nào đến thu nhập, lao động và chiến lược thích ứng của người dân, phân biệt dựa trên sự giàu có, giới tính và độ tuổi của họ.

Mỗi năm ở các nước thu nhập thấp và trung bình, hộ có chủ hộ là nữ ở khu vực nông thôn phải chịu tổn thất tài chính lớn hơn đáng kể so với hộ có chủ hộ là nam. Tính trung bình, các hộ có chủ hộ là nữ mất thu nhập nhiều hơn 8% do nắng nóng và 3% do lũ lụt so với các hộ có chủ hộ là nam. Điều này có nghĩa là mức giảm bình quân đầu người là 83 đô la Mỹ do nắng nóng và 35 đô la Mỹ do lũ lụt, tổng cộng lần lượt là 37 tỷ đô la Mỹ và 16 tỷ đô la Mỹ tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

Nếu nhiệt độ trung bình chỉ tăng 1°C, những hộ có chủ hộ là nữ sẽ phải đối mặt với mức giảm tổng thu nhập lớn hơn 34% so với hộ có chủ hộ là nam. Xem xét những khác biệt đáng kể hiện có về năng suất nông nghiệp và thu nhập giữa phụ nữ và nam giới, nghiên cứu cho thấy rằng nếu không được giải quyết, biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng đáng kể những khoảng cách này trong những năm tới.

Theo dữ liệu, các tác động không chỉ khác nhau theo giới tính mà còn theo tình trạng kinh tế xã hội. Căng thẳng về nhiệt độ, hoặc tiếp xúc quá nhiều với nhiệt độ cao, làm trầm trọng thêm sự chênh lệch thu nhập giữa các hộ gia đình nông thôn được phân loại là nghèo, những người phải chịu tổn thất lớn hơn 5% (17 đô la Mỹ bình quân đầu người) so với nhóm khá giả, trong cùng điều kiện số liệu về lũ lụt. Trong khi đó, nhiệt độ khắc nghiệt làm tình trạng lao động trẻ em trở nên trầm trọng hơn và tăng khối lượng công việc không được trả lương cho phụ nữ ở các hộ gia đình nghèo.

Nghiên cứu cho thấy người dân nông thôn và mức độ dễ bị tổn thương của họ với khí hậu chưa được lồng ghép đầy đủ trong các kế hoạch khí hậu quốc gia. Trong đóng góp do quốc gia tự quyết định  và kế hoạch thích ứng quốc gia  của 24 quốc gia được phân tích trong báo cáo, chỉ 6% trong số 4.164 hành động khí hậu được đề xuất đề cập đến phụ nữ, 2% đề cập rõ ràng đến thanh niên, chưa đến 1% đề cập đến người nghèo và khoảng 6% đề cập đến nông dân ở các cộng đồng nông thôn.

Những phát hiện quan trọng khác trong báo cáo:

Trung bình một năm, các hộ nghèo mất 4,4% tổng thu nhập do lũ lụt so với các hộ khá giả.

Nhiệt độ tăng làm tăng sự phụ thuộc của các hộ nghèo vào nền nông nghiệp nhạy cảm với khí hậu so với các hộ không nghèo. Nhiệt độ trung bình tăng 1°C sẽ làm tăng 53% thu nhập từ nông nghiệp của các hộ nghèo và giảm 33% thu nhập phi nông nghiệp của họ so với các hộ không nghèo.

Phụ nữ quản lý đất sản xuất có khả năng như nam giới trong việc áp dụng các biện pháp nông nghiệp thích ứng với khí hậu, nhưng thường mất nhiều thu nhập và cơ hội phi nông nghiệp hơn khi gặp phải các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Mỗi ngày nhiệt độ cực cao làm giảm tổng giá trị cây trồng do phụ nữ nông dân sản xuất đi 3% so với nam giới.

Trung bình một năm, các hộ gia đình do người trẻ làm chủ hộ có tổng thu nhập tăng 3% do lũ lụt và 6% do nắng nóng so với các hộ có chủ hộ lớn tuổi.

Căng thẳng do nắng nóng khiến các hộ gia đình trẻ ở nông thôn ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tăng thu nhập phi nông nghiệp hàng năm thêm 47 tỷ đô la Mỹ so với các hộ gia đình khác.

Nhiệt độ khắc nghiệt thúc đẩy trẻ em tăng thời gian làm việc hàng tuần thêm 49 phút so với người lớn ở độ tuổi trưởng thành, chủ yếu làm việc trong khu vực phi nông nghiệp, có mối quan hệ chặt với sự gia tăng gánh nặng công việc của phụ nữ.

Báo cáo cho thấy rằng việc giải quyết những thách thức này đòi hỏi phải có những biện pháp can thiệp có mục tiêu để trao quyền cho nhiều nhóm dân cư nông thôn khác nhau tham gia vào các biện pháp thích ứng với khí hậu. Các phương pháp chuyển đổi có tính tới yếu tố giới cần được cân nhắc để giải quyết tình trạng phân biệt đối xử giới, định kiến giới cố hữu vốn là các rào cản ngăn cản phụ nữ thực hiện toàn quyền đối với các quyết định kinh tế ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

(Nguyễn Ngọc Yến, Trung tâm Phát triển nông thôn/Ipsard, tổng hợp từ báo cáo “The unjust climate”. https://www.fao.org/documents/card/en?details=cc9680en)

 


Tin khác