Sửa đổi một số tiêu chí nông thôn mới và quy trình xét công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới

12/03/2024

Ngày 01/3/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 211/QĐ-TTg về việc “Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; Bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021-2025” (sau đây gọi tắt là Quyết định 211). Tiếp đó, ngày 07/3/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 03/2024/QĐ-TTg về việc “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” (sau đây gọi tắt là Quyết định 03). Một số điểm chính của hai Quyết định này như sau:

1. Sửa đổi tiêu chí nông thôn mới

a) Một số quy định chung

- Sửa đổi quy định cũ: “Đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc huyện nghèo và huyện vừa thoát nghèo giai đoạn 2018-2020, mức đạt chuẩn nông thôn mới hoặc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao được áp dụng theo quy định đạt chuẩn đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc” thành “Đối với các xã khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã an toàn khu thuộc huyện nghèo: Mức đạt chuẩn nông thôn mới hoặc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao được áp dụng theo quy định đạt chuẩn đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc”. Việc sửa đổi này để chỉ rõ đối tượng xã theo các quy định hiện hành, bởi quy định cũ chưa chỉ rõ như thế nào là xã đặc biệt khó khăn.

- Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định 211 (ngày 01/3/2024), các bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng quản lý nhà nước, rà soát, hoàn thiện, ban hành văn bản hợp nhất về hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí nông thôn mới và Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao cấp xã, huyện và các tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù giai đoạn 2021-2025 đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Như vậy, chậm nhất đến ngày 01/4/2024, các bộ, ngành liên quan cần có văn bản hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc các bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

b) Sửa đổi tiêu chí xã nông thôn mới: sửa đổi 04/57 chỉ tiêu thuộc 04/19 tiêu chí

- Sửa đổi chỉ tiêu 13.1 từ “Xã có hợp tác xã hoạt động hiệu quả và theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã” thành “Xã có hợp tác xã hoạt động hiệu quả và theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã, hoặc xã có tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật và có hợp đồng hợp tác, tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương”. Như vậy, việc thành lập hợp tác xã không còn là một yêu cầu bắt buộc để đủ điều kiện công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới như nhiều năm qua nữa, thay vào đó các địa phương có thể thành lập các tổ hợp tác để phù hợp với nhu cầu và năng lực thực tế.

- Sửa đổi chỉ tiêu 15.4 từ “Tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử” thành “Xã triển khai thực hiện sổ khám chữa bệnh điện tử”. Sửa đổi này là cần thiết bởi việc sử dụng phần mềm Sổ khám chữa bệnh điện tử trên điện thoại thông minh hiện nay chưa phổ biến, hệ thống y tế chưa cung ứng đồng bộ các dịch vụ liên quan, và không phải người dân nào cũng có điện thoại thông minh, nhất là trẻ em và người già (trong khi quy định là “tỷ lệ dân số…”).

- Sửa đổi chỉ tiêu 17.1 về “Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn” theo hướng thay thế việc quy định “cứng” tỷ lệ phần trăm số hộ trên địa bàn xã sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung (vốn là một việc rất khó khăn trong đầu tư, nhất là đối với khu vực miền núi) thành “Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung (nếu có)”.

- Sửa đổi chỉ tiêu 18.4 từ “Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định” theo hướng “chẻ nhỏ” thêm thành 03 “tiểu chỉ tiêu” là: a) Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn; b) Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật; c) Hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý. Có hai vấn đề cần bình luận ở đây: thứ nhất, cách sửa đổi thành “tiểu chỉ tiêu” trực tiếp và Bộ tiêu chí là không đồng bộ với cách thiết kế chung và không cần thiết. Đa phần các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí đều cần đánh giá bởi những chỉ tiêu nhỏ hơn và những chỉ tiêu nhỏ hơn này nằm trong văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan chứ không nên đưa vào bộ tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ ban hành; thứ hai, theo quy định tại Điều 3 của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gồm 05 tiêu chí: (1) Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn; (2) Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật; (3) Hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý; (4) Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; (5) Tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính quyền cấp xã; hàng năm, cấp xã phải tổ chức triển khai thực hiện và phấn đấu đạt 5/5 tiêu chí để được công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Vì vậy vệc giảm 02 tiêu chí: (4) Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và (5) Tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội khi đánh giá xã nông thôn mới là không phù hợp với Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

c) Sửa đổi tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao: sửa đổi 16/75 chỉ tiêu thuộc 09/19 tiêu chí

- Sửa đổi chỉ tiêu 3.2 từ “Có ít nhất 01 tổ chức thủy lợi cơ sở hoạt động hiệu quả, bền vững” thành “Tổ chức thủy lợi cơ sở (nếu có) hoạt động hiệu quả”. Chỉ tiêu đánh giá là ≥ 1. Việc sửa đổi như thế này cũng gây “băn khoăn” bởi nội dung sửa đổi có mở đóng ngoặc chữ “nếu có” nhưng đánh giá lại tính là ≥ 1, như vậy lại được hiểu là “Có ít nhất 01…”. Nên chăng thay bằng chỉ số ≥ 1 thì chỉ cần đánh giá là “Đạt” như nhiều trường hợp khác có lẽ sẽ “thuận tình” hơn.

- Sửa đổi chỉ tiêu 3.4 từ “Có 100% số công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng được bảo trì hàng năm” và phân cấp cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể, thành “Tỷ lệ công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng được bảo trì hàng năm” và đảo con số 100% sang cột chỉ tiêu đánh giá. Việc điều chỉnh này cơ bản không làm thay đổi bản chất của vấn đề, nói chung là để có sự đồng bộ trong cách gọi tên nội dung của chỉ tiêu, theo hướng con số tỷ lệ sẽ nằm ở cột chỉ tiêu đánh giá.

- Sửa đổi chỉ tiêu 8.4 từ “Có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội và tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới” thành “Có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội”. Việc điều chỉnh này cũng hơi đáng tiếc bởi việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lấy ý kiến hài lòng của người dân rất cần được khuyến khích, thay cho cách làm “cũ” là in phiếu, lấy ý kiến, thu phiếu, nhập phiếu, làm sạch số liệu, tổng hợp kết quả… vừa tốn kém, mất thời gian, không đảm bảo khách quan, không đảm bảo chính xác. Trên thực tế đã có địa phương từ chối việc đánh giá sự hài lòng của người dân bằng ứng dụng công nghệ thông tin, phải chăng để “du di” trong kết quả thu nhận được!?

- Bãi bỏ nội dung tiêu chí “12.3. Tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn” và chỉ tiêu “Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể” thuộc tiêu chí số 12 về Lao động. Điều chỉnh này là hợp lý vì rất khó để xác định một cách thống nhất như thế nào là “ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn”.

- Sửa đổi chỉ tiêu 13.3 từ “Có mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, hoặc mô hình nông nghiệp áp dụng cơ giới hóa các khâu, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm” thành “Có mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, hoặc mô hình quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp, hoặc mô hình nông nghiệp áp dụng cơ giới hóa các khâu, hoặc mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm”. Ở đây có một điểm có sự trùng lặp với chỉ tiêu 13.1 về “Hợp tác xã hoạt động hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định”, bởi chỉ tiêu 13.1 xem như đã có mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, vậy thì chắc chắn sẽ đạt được một trong mấy cái “hoặc” của chỉ tiêu 13.3. Cũng cần lưu ý thêm rằng, tuy có sửa đổi về việc không cần thiết phải có hợp tác xã trong bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng đối với xã nông thôn mới nâng cao thì chỉ tiêu 13.1 không có sự điều chỉnh nên mặc nhiên xã nông thôn mới nâng cao phải có hợp tác xã.

- Sửa đổi chỉ tiêu 13.4 về “Ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã” thành “Ứng dụng công nghệ số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã”. Sửa đổi này là cần thiết, bởi “chuyển đổi số” là một quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số, do đó “chuyển đổi số” không phải là một công nghệ hay một thực thể “hữu hình” nên không thể gọi là “ứng dụng chuyển đổi số”.

- Sửa đổi chỉ tiêu 14.2 từ “Tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe (áp dụng đạt cho cả nam và nữ)” thành “Xã triển khai thực hiện quản lý sức khoẻ điện tử”; chỉ tiêu 14.3 từ “Tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa (áp dụng đạt cho cả nam và nữ)” thành “Xã triển khai thực hiện khám chữa bệnh từ xa”; chỉ tiêu 14.4 từ “Tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử” thành “Xã triển khai thực hiện tốt sổ khám chữa bệnh điện tử”. Việc điều chỉnh này, cũng như trường hợp chỉ tiêu 15.4 của bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM đã đề cập ở phần trên, là cần thiết bởi hệ thống hạ tầng, công nghệ, dịch vụ, nhân lực y tế hiện nay chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Tuy vậy, khi đã điều chỉnh thì cần có sự đồng bộ, bởi chỉ tiêu 14.4 có thêm yếu tố “tốt” còn các chỉ tiêu còn lại lại không có.

- Sửa đổi chỉ tiêu 15.2 từ “Có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên” thành “Có dịch vụ công trực tuyến một phần”. Sửa đổi này để phù hợp với khoản 1 Điều 11 Nghị định 42/2022/NĐ-CP, theo đó từ ngày 15/8/2022, cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo 02 mức độ như sau: (1) Dịch vụ công trực tuyến toàn trình: là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích; (2) Dịch vụ công trực tuyến một phần: là dịch vụ công trực tuyến không bảo đảm các điều kiện của dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

- Sửa đổi chỉ tiêu 16.1 từ “Có mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả được công nhận” thành “Có mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật và mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở”. Việc sửa đổi như thế này được hiểu rằng xã đạt chỉ tiêu 16.1 phải đồng thời có cả 02 mô hình như nội dung điều chỉnh.

- Sửa đổi chỉ tiêu 16.2 từ “Tỷ lệ mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm thuộc phạm vi hòa giải được hòa giải thành” thành “Tỷ lệ mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở được hòa giải thành”.

- Sửa đổi chỉ tiêu 17.10 về “Tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng” theo hướng không quy định tỷ lệ cụ thể theo vùng mà phân cấp cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh “quy định cụ thể (nếu có) để phù hợp với quy hoạch, điều kiện thực tế, nhu cầu của cộng đồng và đặc điểm văn hóa từng dân tộc”. Ở đây cụm từ “nếu có” ở trong ngoặc đơn còn gây khó hiểu, bởi “nếu có” được hiểu là trường hợp có hình thức hỏa táng ở địa phương thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quy định tỷ lệ cụ thể, còn trường hợp ở địa phương không có hình thức hỏa táng thì phải chăng Uỷ ban nhân dân tỉnh không cần có văn bản quy định và các xã trên địa bàn sẽ không áp dụng chỉ tiêu này?!

- Sửa đổi chỉ tiêu 18.1 về “Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung”, chỉ tiêu 18.2 về “Cấp nước sinh hoạt đạt chuẩn bình quân đầu người/ngày đêm” và chỉ tiêu 18.3 về “Tỷ lệ công trình cấp nước tập trung có tổ chức quản lý, khai thác hoạt động bền vững” theo hướng bỏ quy định đối với phân loại xã khu vực III bởi theo quy định xã nông thôn mới nâng cao là xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, trường hợp xã khu vực III đạt chuẩn nông thôn mới thì sẽ không còn được coi là xã khu vực III nữa và do đó việc phân loại như quy định trong bộ tiêu chí cũ là không phù hợp. Ngoài ra, chỉ tiêu đánh giá đối với chỉ tiêu 18.2 và 18.3 còn được sửa đổi theo hướng phân cấp cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể (quy định cũ đưa ra tỷ lệ cụ thể theo vùng nhưng không phù hợp với thực tế nhiều địa phương).

d) Sửa đổi tiêu chí huyện nông thôn mới: sửa đổi 06/36 chỉ tiêu thuộc 5/9 tiêu chí

- Sửa đổi chỉ tiêu 2.4 từ “Bến xe khách tại trung tâm huyện (nếu có theo quy hoạch) đạt tiêu chuẩn loại IV trở lên” thành “Bến xe khách tại huyện (nếu có theo quy hoạch) đạt tiêu chuẩn loại IV trở lên”. Sửa đổi “tại trung tâm huyện” và thay bằng “tại huyện”, đơn giản bởi không phải bến xe khách của huyện cứ phải nằm ở trung tâm huyện.

- Sửa đổi chỉ tiêu 5.4 từ “Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đạt kiểm định chất lượng giáo dục” thành “Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 1, hoặc đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục thông qua các thiết chế giáo dục khác được giao chức năng, nhiệm vụ giáo dục thường xuyên trên địa bàn”.

- Sửa đổi chỉ tiêu 6.2 từ “Chợ trung tâm huyện đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm” thành “Có mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm theo hướng dẫn”.

- Sửa đổi chỉ tiêu 6.4 từ “Có Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp hoạt động hiệu quả” thành “Có Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp hoặc đơn vị chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp hoạt động hiệu quả”.

- Sửa đổi chỉ tiêu 7.4 từ “Có công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung áp dụng biện pháp phù hợp” thành “Có công trình xử lý nước thải sinh hoạt áp dụng biện pháp phù hợp”.

- Sửa đổi chỉ tiêu 9.5 từ “Có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên” thành “Có dịch vụ công trực tuyến một phần”.

đ) Sửa đổi tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao: 05/38 chỉ tiêu thuộc 5/9 tiêu chí

- Sửa đổi chỉ tiêu 2.3 từ “Bến xe khách tại trung tâm huyện (nếu có theo quy hoạch) đạt tiêu chuẩn loại III trở lên” thành “Bến xe khách tại huyện (nếu có theo quy hoạch) đạt tiêu chuẩn loại III trở lên”.

- Sửa đổi chỉ tiêu 3.1 từ “Các công trình thủy lợi do huyện quản lý được bảo trì, nâng cấp, đảm bảo tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu theo chuyển đổi số” thành “Các công trình thủy lợi do huyện quản lý được bảo trì, nâng cấp”.

- Sửa đổi chỉ tiêu 5.5 từ “Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đạt kiểm định chất lượng giáo dục” thành “Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2, hoặc đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục thông qua các thiết chế giáo dục khác được giao chức năng, nhiệm vụ giáo dục thường xuyên trên địa bàn”.

- Sửa đổi chỉ tiêu 6.3 từ “Có chợ đạt tiêu chuẩn chợ hạng 2 hoặc trung tâm thương mại đạt chuẩn theo quy định” thành “Có chợ đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm theo quy định”.

- Sửa đổi chỉ tiêu 9.2 từ “Có dịch vụ công trực tuyến” thành “Có dịch vụ công trực tuyến toàn trình”.

e) Bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã

Quy định bổ sung đòi hỏi huyện đặc thù không có đơn vị hành chính cấp xã khi xét đạt chuẩn nông thôn mới phải có tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện đạt từ 90% trở lên và đạt 38 chỉ tiêu thuộc 09 tiêu chí.

Đánh giá chung: Việc sửa đổi các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới là cần thiết và phù hợp với thực tiễn quá trình triển khai, hạn chế việc cố gắng “chạy theo tiêu chí” trong khi nguồn lực có hạn và nhu cầu chưa cấp thiết bằng các nội dung khác. Tuy nhiên, ngoài những chỉ tiêu, tiêu chí sửa đổi theo Quyết định 211, còn có nhiều tiêu chí khác cần được xem xét điều chỉnh như: (1) Chỉ tiêu “Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung” vẫn áp dụng đối với mức độ xã nâng cao, huyện đạt chuẩn và huyện nâng cao; (2) Chỉ tiêu 13.5 trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới về “Có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả” chỉ phù hợp với một số địa phương; (3) Chỉ tiêu 6.3 trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao về “Tỷ lệ thôn, bản, ấp đạt tiêu chuẩn văn hóa theo quy định và đạt chuẩn nông thôn mới” vừa đạt chuẩn văn hóa (đã có tiêu chí) vừa đạt chuẩn nông thôn mới ở cấp thôn (chưa có quy định); (4) Chỉ tiêu 17.11 trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới, chỉ tiêu 17.5 trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, chỉ tiêu 7.2 trong bộ tiêu chí huyện nông thôn mới và chỉ tiêu 7.4 trong bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao về “Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn” còn chưa phù hợp với thực tế, còn hình thức trong thực hiện và đánh giá; (5) Chỉ tiêu 6.1 trong bộ tiêu chí huyện nông thôn mới về “Có khu công nghiệp, hoặc cụm công nghiệp được đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hoặc cụm ngành nghề nông thôn” chưa phù hợp với nhiều huyện có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển nhưng không có khu, cụm công nghiệp hoặc cụm ngành nghề nông thôn…

2. Sửa đổi quy trình xét công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới

Quyết định 03 chủ yếu bổ sung những sửa đổi để có cơ chế đầy đủ áp dụng đối với các huyện đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã, trong đó bao gồm sửa đổi điều kiện công nhận, thu hồi quyết định công nhận; sửa đổi quy định về tổ chức đánh giá, lấy ý kiến; sửa đổi các mẫu biểu. Hiện nay có 04 huyện tham gia xây dựng nông thôn mới là huyện đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã, gồm: huyện Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng), huyện Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Rà soát lại Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Quyết định 18) và rà soát những sửa đổi trong Quyết định 03 có thể thấy một số điểm sau nếu được điều chỉnh thì sẽ phù hợp hơn:

- Thứ nhất, Quyết định 18 sử dụng cụm từ “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh” là thừa đi chữ “cấp tỉnh” bởi khi nhắc đến “Sở” thì đương nhiên đó là ở cấp tỉnh.

- Thứ hai, cũng từ vấn đề về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong Quyết định 18 các công việc như tiếp nhận hồ sơ, xây dựng báo cáo, hoàn thiện hồ sơ… đều được ghi rõ đó là việc do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện. Trong khi đó, Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh là cơ quan chủ yếu thực hiện nhiệm vụ này, song không một lần nào được đề cập đến (mặc dù có những Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh hiện còn chưa xác định vị trí rõ ràng có thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay không).

- Thứ ba, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các văn bản quy phạm pháp luật là quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Bình đẳng giới. Quyết định 18 và Quyết định 03 đều là các văn bản quy phạm pháp luật, cần lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, ít nhất là trong các mẫu biểu báo cáo đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới của cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh theo các mức độ đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu hay hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

- Thứ tư, cũng từ vấn đề về mẫu biểu báo cáo đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới nêu trên, nội dung trong các mẫu biểu yêu cầu các địa phương đánh giá theo từng tiêu chí nông thôn mới tương ứng với cấp độ và mức độ mà địa phương đó đề nghị được xét công nhận. Vấn đề ở đây là xây dựng nông thôn mới có 11 nội dung thành phần, mỗi nội dung thành phần gồm nhiều tiểu nội dung, qua đó bao quát hầu hết các lĩnh vực khác nhau mà mỗi địa phương cần quan tâm thực hiện trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Vì thế, báo cáo đánh giá nên được tiếp cận theo 11 nội dung thành phần thì sẽ đầy đủ hơn, còn kết quả theo tiêu chí thì khi đã đề nghị xét công nhận thì 100% các chỉ tiêu và tiêu chí đều đương nhiên phải đạt theo yêu cầu.

- Thứ năm, Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 02/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có đề cập đến mục tiêu liên quan đến huyện nông thôn mới kiểu mẫu; Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2025 còn một “đối tượng” nữa phấn đấu xây dựng nông thôn mới, đó là huyện nông thôn mới kiểu mẫu, tuy nhiên quy định hiện hành chưa có nội dung về xét công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Nguyễn Ngọc Luân - Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp/Ipsard

 


Tin khác