Đẩy mạnh phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp của Việt Nam

23/10/2024

Ngày 22/10/2024, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp với Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Úc (CSIRO) tổ chức Hội thảo về Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp của Việt Nam. Hội thảo trong khuôn khổ nghiên cứu: “Tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp: Đề xuất các giải pháp và chính sách phù hợp với bối cảnh phát triển nông nghiệp của Việt Nam” với sự tài trợ của Chương trình Aus4Innovation của Đại sứ quán Úc.

Mục đích của nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp để giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường mà ngành nông nghiệp đang và sẽ phải đối mặt trong tương lai; dựa trên các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn của Việt Nam và các nước trên thế giới, đặc biệt là từ Úc đề xuất giải pháp chính sách giúp tăng cường hiệu quả của hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp của Việt Nam.

TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

Hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp của Việt Nam đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của ngành cũng như toàn ngành kinh tế của Việt Nam, khoa học công nghệ đã đóng góp trên 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta thời gian qua. Chính nhờ khoa học công nghệ mà tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp luôn duy trì ở mức cao, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của cả nước. Giai đoạn 2011-2021, GDP ngành nông nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 2,84%/năm. Năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp ước đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt trên 53 tỷ đô la Mỹ, thặng dư thương mại toàn ngành năm 2023 đạt hơn 11 tỷ đô la Mỹ, mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước, nhiều mặt hàng ghi nhận những kỷ lục mới, điển hình là gạo và rau quả. Sản lượng lúa đạt  43,5 triệu tấn năm 2023( tăng 1,9%), năng suất lúa đạt 61 tạ/ha (tăng 1 tạ/ha); sản lượng thịt hơi các loại 7,79 triệu tấn (tăng 6,38%); sản lượng thủy sản 9,32 triệu tấn (tăng 2,3%); sản lượng gỗ khai thác 20,84 triệu m3 (tăng 2,8%), v.v. Nhiều nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ rất cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: Tôm, cá tra,… Nhiều doanh nghiệp lớn ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới như: TH (sữa), Dabaco (chăn nuôi), Nafoods (trồng, chế biến trái cây), Masan (giết mổ, chế biến), Nam miền Trung (tôm), Vingroup (rau), Ba Huân...; rất nhiều vùng nuôi, trồng; nhiều nhà máy chế biến sản phẩm công nghệ cao đã được hoàn thành trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam được đánh giá là tăng trưởng chưa bền vững, có quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, công tác bảo quản chế biến kém phát triển, tổn thất sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường bất ổn, năng suất lao động thấp, thu nhập của người nông dân vẫn còn bấp bênh. Trong khi đó, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như thu hẹp diện tích canh tác, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, v.v.

Tại Hội thảo, các kinh nghiệm đổi mới sáng tạo của Úc và Việt Nam đã được các diễn giả đến từ Úc và Việt Nam chia sẻ. Các đại biểu tham dự hội thảo đã đánh giá rằng, nhiều nước đã thành công với kinh nghiệm tập trung quản lý con người và sản phẩm trong phát triển khoa học công nghệ.

TS. Kim Wimbush, Tham tán CSIRO Đại sứ quán Úc, Giám đốc Chương trình Aus4Innovation

TS. Zelalem Lema, chuyên gia của CSIRO, Úc

 

Theo ông Trần Mạnh Báo, Giám đốc Công ty Thái Bình Seed, đổi mới và sáng tạo là khác nhau và cần đi liền với nhau. Việt Nam cũng cần lựa chọn những đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện của mình. Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam cho rằng việc vận dụng các chính sách khoa học công nghệ từ cơ sở chưa hiệu quả, do vậy cần đề xuất những giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và vận dụng tốt hơn tại cộng đồng, địa phương.

Ông Trần Mạnh Báo, Giám đốc Công ty Thái Bình Seed

Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam

GS. Andy Hall, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Úc, Úc cho rằng, kết quả đổi mới sáng tạo cần có sự phản hồi liên tục về việc ứng dụng trong thực tiễn để phản ánh đổi mới nào hoạt động có hiệu quả. Để nâng cao hiệu quả của đổi mới sáng tạo, cần định hướng cho cả hệ thống đổi mới sáng tạo, có hướng đi rõ ràng. Kinh nghiệm của Úc là các bên tham gia trong hệ thống cùng thảo luận xác định hướng phát triển để có sự đồng thuận, thống nhất về cách làm, lợi ích các bên.  

GS. Andy Hall, chuyên gia cao cấp của CSIRO, Úc

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đề xuất cần có tổ chức trung gian năng động, mềm dẻo, kết nối được các bên trong hệ thống đổi mới sáng tạo, tăng cường đổi mới sáng tạo thông qua khuyến nông cộng đồng và cần xem xét xây dựng đề án đổi mới sáng tạo cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Các đại biểu đều đánh giá cao mục tiêu của dự án và kỳ vọng các kết quả nghiên cứu sắp tới của dự án xác định rõ những điểm đang hoạt động tốt trong hệ thống đổi mới nông nghiệp hiện tại và chỉ ra những khoảng trống, điểm nghẽn của hệ thống để đề xuất các định hướng và giải pháp nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống đổi mới sáng tạo nông nghiệp Việt Nam để đáp ứng với bối cảnh mới trong tương lai./.

Xuân Hoa, Ban Chính sách Chiến lược, IPSARD

 

 


Tin khác