Ngày 8/7/2024, tại Hà Nội, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và bà Ram-la Kha-li-di, Trưởng đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị Đối thoại chính sách “Tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”.
Tham dự Hội nghị Đối thoại chính sách có khoảng hơn 100 đại biểu đến từ 70 cơ quan trong nước và quốc tế, hơn 20 tỉnh thành trong cả nước và người hàng trăm đầu cầu tham dự trực tuyến.
Hội nghị Đối thoại chính sách nhằm mục đích nâng cao nhận thức của các bên liên quan về vai trò của kinh tế tuần hoàn đối với các mục tiêu phát triển trong ngành nông nghiệp; Lan tỏa các thông điệp chính của Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trì thực hiện; Chia sẻ các mô hình thực hành tốt về kinh tế tuần hoàn; Định hướng các ngành hàng nông nghiệp chủ lực và thị trường cho phát triển kinh tế tuần hoàn; Tìm hiểu các khó khăn, thuận lợi từ đó, kiến nghị các giải pháp về cơ chế và chính sách cho phát triển kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển và hội nhập hiện nay, không một ngành nào có thể tăng trưởng độc lập mà không có sự tương tác và phối hợp với các ngành khác.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vừa là yêu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời là một giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả nhằm triển khai các cam kết quốc tế, nhiệm vụ quốc gia và ngành về phát triển xanh và bền vững”. Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường khi các mô hình nông nghiệp tuần hoàn được áp dụng. Hơn bao giờ hết, tác động khí hậu, khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, dịch bệnh v.v. khiến các quốc gia phải thay đổi tư duy phát triển và sản xuất theo nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”.
Trên nguyên tắc tăng cường hợp tác quốc tế đa phương, phối hợp đa ngành, Thứ trưởng kêu gọi cộng đồng quốc tế, các Bộ ban ngành từ trung ương tới địa phương, khối tư nhân cùng chung tay hỗ trợ, thúc đẩy ngành nông nghiệp triển khai 10 mục tiêu, 6 nhiệm vụ về nông nghiệp tuần hoàn tại Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, phát triển thị trường, cơ chế chính sách, tăng cường hợp tác quốc tế và truyền thông về nông nghiệp tuần hoàn.
Đồng chủ trì sự kiện, bà Ram-la Kha-li-di, Trưởng đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh “Thúc đẩy thu hồi tài nguyên từ chất thải nông nghiệp sẽ góp phần tái sử dụng, sản xuất nguyên liệu, protein, năng lượng và chất dinh dưỡng, đồng thời tăng cường chất lượng thực phẩm và khả năng chống chịu của các hộ sản xuất nhỏ trước những tác động ngày càng tăng của khí hậu. Bên cạnh đó, chúng ta đều có thể góp phần thúc đẩy thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp đến từ các mô hình kinh tế tuần hoàn. Đối với sản xuất nông nghiệp, chúng ta có thể dựa vào khoa học, công nghệ và các thí điểm thành công đã có ở Việt Nam để thiết kế các hệ thống canh tác sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên ở cấp độ trang trại và dọc theo toàn bộ chuỗi cung ứng, với sự tham gia của tất cả các bên như chế biến, vận chuyển, bán lẻ, qua đó thúc đẩy sự cung ứng có trách nhiệm từ trang trại đến bàn ăn.
Tại các phiên đối thoại, đại diện các tổ chức quốc tế (Liên minh Châu Âu, Úc, Ca-na-da, Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc v.v.), khối tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các Bộ ban ngành đã cùng nhau chia sẻ về các cơ chế hợp tác quốc tế và phối hợp liên ngành nhằm thúc đẩy thực hành nông nghiệp tuần hoàn, giới thiệu các mô hình nông nghiệp tuần hoàn thành công, đánh giá cao sự tích cực chủ động của ngành nông nghiệp về nỗ lực thực hành nông nghiệp tuần hoàn. Đặc biệt, nhấn mạnh tới đối tác công - tư trong sự thành công của nông nghiệp tuần hoàn, cụ thể là vai trò chủ động của Khối tư nhân trong việc ứng dụng khoa học công nghệ và triển khai các sáng kiến, mô hình nông nghiệp tuần hoàn tiên tiến.
Trong phiên đối thoại, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc cũng đã giới thiệu những kết quả ban đầu thu được từ việc triển khai Bộ công cụ NDC-Kinh tế Tuần hoàn. Bộ công cụ này được xây dựng nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc xác định, ưu tiên, triển khai và theo dõi các giải pháp nông nghiệp tuần hoàn góp phần thực hiện mục tiêu NDC 2025. Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc cũng tuyên bố nghiên cứu sắp tới của mình về chuỗi giá trị cà phê và lúa gạo phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Viện Chăn nuôi và Viện Kinh tế Nông nghiệp để xây dựng các biện pháp tổng hợp mới cho chuỗi giá trị nông-thực phẩm tuần hoàn, phát thải carbon thấp.
Các bên cùng nhau nhất trí, cam kết thúc đẩy hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành về nông nghiệp tuần hoàn, sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và mục tiêu Net - Zero của quốc gia. Đồng thời, cũng mong muốn sau Hội nghị Đối thoại chính sách, các Bên sẽ chủ động gặp gỡ để đề xuất và triển khai các hoạt động cụ thể trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn theo chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp.
Với sự tham gia tích cực của 70 cơ quan, ban ngành của Chính phủ Việt Nam, các đối tác phát triển quốc tế và trong nước, các tỉnh thành tham dự trực tuyến từ nhiều điểm cầu khác, trên tinh thần hợp tác, xây dựng, sự chuẩn bị chu đáo của 02 cơ quan chủ trì, Hội nghị Đối thoại chính sách đã diễn ra trong không khí đóng góp, cởi mở và thành công tốt đẹp.
Hình ảnh
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ảnh: UNDP)
Bà Ram-la Kha-li-di, Trưởng đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (Ảnh: UNDP)
Phiên thảo luận thứ nhất: Tăng cường hợp tác quốc tế về kinh tế tuần hoàn (Ảnh: UNDP)
Phiên thảo luận thứ hai: Doanh nghiệp chuyển đổi nông nghiệp bền vững (Ảnh: UNDP)