Đầu tư vào nông nghiệp chưa tương xứng với đóng góp của ngành

26/06/2024

Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; là bệ đỡ mỗi khi nền kinh tế rơi vào suy thoái hoặc khủng hoảng; là ngành duy nhất tạo ra xuất siêu với mức độ ngày một tăng cao. Cùng với việc đảm bảo an ninh lương thực, tăng trưởng nông nghiệp giúp tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, tạo môi trường chính trị - xã hội ổn định và đây là yếu tố nền tảng tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, thu hút đầu tư tư nhân cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong thời gian qua ngành nông nghiệp chưa nhận được mức đầu tư tương xứng từ xã hội, tỷ lệ vốn đầu tư xã hội trong tổng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp liên tục giảm. Đầu tư công thấp, khả năng thu hút đầu tư doanh nghiệp tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp còn hạn chế nên chưa phát huy hết tiềm năng phát triển ngành nông nghiệp.

 

Đầu tư vào nông nghiệp thấp và có xu hướng giảm

Nông nghiệp Việt Nam được biết tới là ngành có tiềm năng lớn nhưng lại khó thu hút đầu tư. Tổng vốn đầu tư xã hội vào ngành nông nghiệp thấp và có xu hướng giảm. Theo Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2010-2022, tổng vốn đầu tư xã hội vào nền kinh tế bình quân mỗi năm khoảng 2.007 nghìn tỷ đồng nhưng đầu tư vào nông nghiệp chỉ 95 nghìn tỷ đồng, trong khi công nghiệp là 836 nghìn tỷ đồng và dịch vụ là 1.076 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đầu tư xã hội vào nông nghiệp có xu hướng giảm từ 6,15% năm 2010 xuống 5,03% năm 2017 và chỉ còn 4,33% năm 2022. Tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư xã hội cũng giảm bình quân từ 7,5%/năm giai đoạn 2011-2016 xuống còn 1,8%/năm giai đoạn 2017-2022.

Trong những năm qua, mặc dù  Đảng Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Nghị định 57/2018/NĐ- CP ngày 17/4/2018 về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững,… nhưng theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện cả nước chỉ có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, một con số rất khiêm tốn so với tổng số trên 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Ngoài ra, theo Tổng cục Thống kê, lực lượng doanh nghiệp đang hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 là 12.094 doanh nghiệp, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2010 nhưng cũng chỉ chiếm 1,35% tổng số doanh nghiệp cả nước.

Hiệu quả đầu tư trong nông nghiệp cao hơn so với công nghiệp và dịch vụ

Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) của toàn nền kinh tế bình quân giai đoạn 2011-2016 đạt 5,97 và tăng lên 8,75 giai đoạn 2017-2022. Tuy nhiên, hệ số ICOR ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2011-2022 đều thấp hơn so với ngành công nghiệp, dịch vụ ngoại trừ năm 2016. Bình quân giai đoạn 2011-2016 hệ số ICOR ngành nông nghiệp là 4,94 và giảm xuống 4,92 giai đoạn 2017-2022. Trong khi hệ số ICOR của ngành công nghiệp tăng từ 6,85 lên 8,03 và dịch vụ tăng từ 6,41 lên 13,48. Đồng thời, trong giai đoạn 2011-2022, vốn đầu tư vào khu vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 4,3-6,2% tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội nhưng khu vực này tạo ra 12-16% GDP của cả nước; trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tuy tạo ra 33%-38% GDP nhưng vốn đầu tư của khu vực này chiếm tới 41%-44% tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội; khu vực dịch vụ tạo ra 39%-43% GDP nhưng vốn đầu tư chiếm tới 51%-58%. Điều này cho thấy, khu vực nông nghiệp được đầu tư ít nhưng mang lại hiệu quả cao nhất, trong khi khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ tuy có đóng góp lớn đối với tăng trưởng kinh tế nhưng lượng vốn đầu tư vào khu vực này cũng ở mức rất cao.

Hệ số ICOR phân theo ngành kinh tế

 

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê

Đề xuất chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và có vai trò đặc biệt quan trọng trong ổn định kinh tế - xã hội. Các nghiên cứu gần đây cho thấy nông nghiệp luôn là phao cứu sinh của đất nước mỗi khi nền kinh tế rơi vào suy thoái hoặc khủng hoảng. Tuy nhiên, trong thời gian qua ngành nông nghiệp chưa nhận được mức đầu tư tương xứng từ xã hội. Để thúc đẩy khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp cần đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, các hình thức liên kết công tư vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp; thu hút vốn đầu tư từ doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất đầu vào, dịch vụ hậu cần, chế biến nông sản, quản lý chất lượng, phát triển thị trường,.. gắn thu hút doanh nghiệp với nhu cầu thị trường, theo địa phương và lĩnh vực trọng điểm. Cụ thể như sau:

- Đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất, quy hoạch đất nông nghiệp để tạo được các quỹ đất có diện tích lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất và hạn chế hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tri thức hóa nông dân thông qua các hoạt động đào tạo, dạy nghề, cử đi học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước. Đặc biệt, cần chú trọng cung cấp thông tin cho người nông dân qua các chương trình ứng dụng, các trang tin điện tử giúp người nông dân chủ động trong việc học tập, đổi mới tư duy sản xuất.

- Đẩy mạnh sự phối hợp giữa các ngành công nghiệp hỗ trợ, triển khai các chính sách liên quan đến logistics, hệ thống lưới điện, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống thủy lợi, các chính sách liên quan đến hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi… để tạo nền tảng cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao phát triển, giúp tăng khả năng thu hút nguồn vốn vào lĩnh vực này.

- Đơn giản hóa các thủ tục trong việc vay vốn ngân hàng, khuyến khích ngân hàng cung cấp tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp kinh doanh có vùng nguyên liệu được tổ chức và có hợp đồng nông sản với nông dân.

- Huy động các nguồn lực đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn để hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể như phát triển các trục giao thông Bắc Nam cả bằng đường bộ cao tốc, đường sắt chất lượng cao và đường thủy đáp ứng nhu cầu vận tải chuyên dụng của ngành nông nghiệp (chuyên chở động vật và sản phẩm tươi sống, đông lạnh). Quy hoạch hệ thống đường thủy, đường sắt và đường bộ thuận lợi kết nối giữa các vùng chuyên canh nông nghiệp chính với các đô thị, hải cảng, cửa khẩu để thông ra các thị trường lớn, hệ thống căn cứ hậu cần cho ngành đánh bắt hải sản xa bờ…là những yêu cầu chuyên biệt cần phải chú ý đầu tư.

- Đẩy mạnh liên kết công - tư thông qua xây dựng các diễn đàn về chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đưa doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình hoạch định các chính sách liên quan; cùng doanh nghiệp thiết kế những dự án đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả cho cả doanh nghiệp và nông dân; cung cấp dịch vụ công để hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp như thông tin về chính sách, cơ sở dữ liệu cho đầu tư, chuyên gia của từng lĩnh vực…để tư vấn, phát triển dự án và thị trường. Tập trung phát triển mô hình đối tác công tư với các lĩnh vực ưu tiên: Phát triển chuỗi giá trị nông sản, phát triển sản phẩm khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ tư vấn, phát triển (sản xuất, kinh doanh, đời sống, phòng chống thiên tai, và bảo vệ môi trường)./.

Nguyễn Thị Thuỷ, Ban Chính sách và Chiến lược/Ipsard

 


Tin khác