Nâng cao năng lực SPS giúp doanh nghiệp tránh bị đào thải

26/06/2024

Sau nhiều năm thai nghén, Đề án nâng cao hiệu quả thực thi SPS được ban hành giữa tháng 6/2024 và được kỳ vọng giúp nông sản Việt tiếp cận với công nghệ thế giới.

Ông Lê Thanh Hòa: Nâng cao khả năng thực thi SPS chứng tỏ Việt Nam đã theo kịp khoa học công nghệ của thế giới.

Ông Lê Thanh Hòa: Nâng cao khả năng thực thi SPS chứng tỏ Việt Nam đã theo kịp khoa học công nghệ của thế giới.

Giám sát chặt chẽ ngay từ yếu tố đầu vào

Ngày 19/6, Thủ tướng ban hành Quyết định 534/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp SPS của WTO và cam kết SPS trong khuôn khổ các FTA".

Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam đánh giá, đề án giúp các cấp, các ngành và địa phương nâng cao nhận thức, khả năng thực thi các quy định SPS, nhất là trong bối cảnh thị trường nhập khẩu liên tục cập nhật theo hướng nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. “Nếu không thực hiện tốt việc giám sát từ vùng nguyên liệu đến cơ sở chế biến, chúng ta có thể gặp nguy cơ bị tăng tần suất kiểm tra đối với nông sản xuất khẩu”, ông Nam nói.

Theo ông Nam, hoạt động ưu tiên số một của đề án là kiện toàn cơ cấu, tổ chức Văn phòng SPS Việt Nam. Cùng với đó, là mở rộng các đơn vị chuyên môn. Trước đây, hỗ trợ Văn phòng SPS Việt Nam gồm 3 Bộ là NN-PTNT, Công thương và Y tế. Trong đề án mới, trách nhiệm còn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao. Ngoài ra, là đầu mối SPS tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, việc bổ sung các bộ, ngành trong đề án vừa được Thủ tướng phê duyệt, giúp việc kiểm tra, rà soát các yếu tố đầu vào ngay tại vùng sản xuất trở nên chặt chẽ hơn.

“Lâu nay chúng ta hầu như chỉ quan tâm đến thành phẩm cuối. Nếu có vấn đề, mới truy lại quy trình sản xuất. Thêm vào đó, một số yếu tố như nước tưới, đất canh tác, tiêu chuẩn đóng gói…chưa có cơ quan chuyên môn trực tiếp quản lý, giám sát”, ông Nam phân tích, và nói thêm rằng căn cứ đề án mới, vùng sản xuất giờ không những phải đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương, mà còn phải đảm bảo vệ sinh, thân thiện với môi trường.

Ông Ngô Xuân Nam: Lâu nay chúng ta hầu như chỉ quan tâm đến thành phẩm cuối.

Ông Ngô Xuân Nam: Lâu nay chúng ta hầu như chỉ quan tâm đến thành phẩm cuối.

Trên quan điểm “đầu vào chuẩn thì đầu ra chắc chắn chuẩn”, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam hy vọng địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp chủ động, tự nâng cao vai trò trong chuỗi giá trị, đồng thời quyết tâm không để các quy định SPS của thị trường nhập khẩu trở thành “hàng rào” với nông sản.

Trong dài hạn, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ phối hợp xây dựng Cổng thông tin quốc gia về SPS. Để thực hiện, Văn phòng đang kết nối Bộ Ngoại giao, hệ thống thương vụ tại nước ngoài… để có những thông tin sớm, mang tính chất dự báo thị trường. Cùng với đó, kiến nghị Bộ NN-PTNT có những chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hoặc lồng ghép hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực thực thi SPS cho địa phương vào các chương trình sẵn có.

Quy định SPS như một “sàng lọc” doanh nghiệp

 Theo ông Lê Thanh Hòa, bên cạnh vấn đề công khai, minh bạch hóa thông tin, đề án nâng cao hiệu quả thực thi SPS còn là cách để Việt Nam chứng tỏ với thế giới về khả năng đáp ứng những yêu cầu về mặt khoa học trong vệ sinh, an toàn thực phẩm. "Nâng cao khả năng thực thi SPS giúp chúng ta có đủ năng lực, cũng như tự tin để phản hồi ý kiến của các quốc gia khác, khi họ thay đổi những quy định liên quan", ông Hòa chia sẻ.

Việt Nam hiện tham gia 19 FTA. Hàng rào thuế quan xuất khẩu đi những thị trường trọng điểm gần như không còn, thay vào đó là các hàng rào kỹ thuật. Quy định SPS được xem là một trong số đó. Nếu không hiểu chắc, nắm rõ, doanh nghiệp có thể gặp những rủi ro như: hàng hóa không thể thông quan, bị trả lại, hoặc thậm chí đền bù hợp đồng. 

Nghiêm trọng hơn, việc doanh nghiệp không tuân thủ quy định SPS còn là cơ sở để quốc gia nhập khẩu đánh giá, cân nhắc áp dụng các biện pháp như tăng tần suất kiểm soát, hoặc yêu cầu giấy chứng nhận từ cơ quan có thẩm quyền.

Chế biến rau tại HTX nông nghiệp huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Chế biến rau tại HTX nông nghiệp huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

"Quy định SPS như một sàng lọc. Doanh nghiệp nào đủ điều kiện sẽ hội nhập sâu rộng vào sân chơi quốc tế. Ngược lại, sẽ bị đào thải", ông Hòa nhìn nhận và cho biết thêm, ngoài quy định SPS, những thị trường như EU còn đòi hỏi ngày một cao vấn đề môi trường, phát triển bền vững, lao động.

Nhận định, tiêu chuẩn quốc tế sẽ ngày càng được nâng cao, lãnh đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường khuyến cáo, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi xuất khẩu. Bên cạnh việc cập nhật thông tin, còn phải liên tục cải tiến sản phẩm, quy trình sản xuất... đồng thời có sự đổi mới sáng tạo để hoàn thiện sản phẩm ở mức cao nhất.

Đề án nâng cao hiệu quả thực thi SPS đặt mục tiêu 100% địa phương được kiện toàn đầu mối hỏi đáp các quy định SPS, đồng thời 100% cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ.

8 nhiệm vụ, 9 giải pháp và 10 hoạt động ưu tiên được nêu trong đề án. Trong đó, Bộ NN-PTNT được giao nhiệm vụ xây dựng Cổng thông tin quốc gia về các biện pháp SPS, dự kiến triển khai từ 2024 đến 2025. Song song với đó, Bộ NN-PTNT sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đánh giá sự phù hợp liên quan đến quản lý an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động, thực vật phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về SPS.


https://nongnghiep.vn/nang-cao-nang-luc-sps-giup-doanh-nghiep-tranh-bi-dao-thai-d390974.html

Tin khác