Triển vọng ngành hàng lúa gạo thế giới tháng 6/2024

26/06/2024

Sản lượng gạo thế giới niên vụ 2024/2025 dược dự báo đạt mức cao kỷ lục 527,6 triệu tấn, không đổi so với mức dự báo trong tháng 5/2024 nhưng tăng 7,6 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước.

 

Diện tích thu hoạch lúa thế giới được dự báo ở mức cao kỷ lục 167,6 triệu ha, không đổi so với mức dự báo trong tháng trước nhưng tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Các quốc gia được dự báo tăng diện tích thu hoạch niên vụ 2024/2025 bao gồm Bangladesh, Brazil, Campuchia, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Indonesia, Iraq, Pakistan, Philippines và Thái Lan. Diện tích lúa tăng chủ yếu là do giá gạo trên thế giới ở mức cao, lượng nước tưới tiêu đáp ứng được nhu cầu và thời tiết được dự báo quay trở lại thông thường sau khi hiện tượng El Nino gây khô hạn tại Đông Nam Á, và gây mưa lớn tại các khu vực Nam Mỹ.

Năng suất lúa trung bình niên vụ 2024/2025 được dự báo ở mức gần 4,71 tấn/ha, tăng từ mức 4,69 tấn/ha. Trung Quốc, Bangladesh, Campuchia và Philippines được dự báo đạt mức năng suất cao kỷ lục trong niên vụ 2024/2025.

Cung gạo thế giới niên vụ 2024/2025 được dự báo ở mức kỷ lục 704,4 triệu tấn, tăng 1,9 triệu tấn từ mức dự báo trong tháng trước và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, đây là lần tăng đầu tiên kể từ niên vụ 2021/2022. Tổng cung gạo được dự báo tăng là do sản lượng gạo tăng 7,6 triệu tấn cao hơn mức giảm 2,6 triệu tấn ở tồn kho đầu kỳ.

Tiêu dùng gạo thế giới niên vụ 2024/2025 được dự báo ở mức 526,4 triệu tấn, không đổi so với dự báo trong tháng trước nhưng tăng 3,8 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn 1,2 triệu tấn so với sản lượng gạo. Tiêu dùng gạo được dự báo tăng tại Kenya và Philippines, trong khi giảm tại Benin và Pakistan.

Ấn Độ đóng góp một phần lớn vào mức tăng tiêu dùng gạo thế giới, tăng 2,5 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước lên mức 120 triệu tấn. Tiêu dùng gạo của Ấn Độ tăng là do Hệ thống Phân phối Công cộng của Chính phủ Ấn Độ được kỳ vọng sẽ cung cấp lương thực cho khoảng 800 triệu người góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại quốc gia này sẽ được tiếp tục trong niên vụ 2024/2025 với nguồn cung gạo nhiều hơn. Tại Philippines, tiêu dùng gạo niên vụ 2024/2025 cũng được dự báo tăng 300.000 tấn lên mức 17,4 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước, do dân số tăng và tăng mức tiêu dùng bình quân đầu người. Ở chiều ngược lại, tiêu dùng gạo của Trung Quốc được dự báo giảm 3,2 triệu tấn xuống mức 145 triệu tấn, đây là năm giảm thứ ba liên tiếp, do việc sử dụng gạo làm thức ăn chăn nuôi ít hơn do nguồn cung ngô nhiều hơn.

Tồn kho gạo cuối kỳ niên vụ 2024/2025 được dự báo ở mức 178 triệu tấn, tăng 1,9 triệu tấn từ mức dự báo trong tháng trước và tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng đầu tiên kể từ niên vụ 2020/2021. Trong đó, tồn kho gạo của Ấn Độ đã tăng 2 triệu tấn lên 38,5 triệu tấn. Tồn kho gạo của Philippines tăng 500.000 tấn lên 3,9 triệu tấn. Ở chiều ngược lại, tồn kho cuối kỳ được dự báo giảm trong tháng này tại Pakistan, Thái Lan và Việt Nam, do xuất khẩu tăng trong niên vụ 2023/2024. Niên vụ 2024/2025, Ấn Độ và Trung Quốc được dự báo chiếm khoảng 80% lượng tồn kho cuối kỳ thế giới, tương đương so với cùng kỳ năm trước.

Thương mại gạo thế giới năm 2025 được dự báo ở mức 53,8 triệu tấn, không đổi so với mức dự báo trong tháng trước nhưng giảm 0,8 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu gạo thế giới giảm trong năm 2025 chủ yếu là do giảm nhập khẩu tại các quốc gia như Brazil, Trung Quốc, Indonesia, Iraq, and Kenya. Trong đó, Indonesia là quốc gia có lượng giảm nhập khẩu gạo lớn nhất với mức giảm 2 triệu tấn xuống 1,5 triệu tấn do nguồn cung gạo gia tăng. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu gạo được dự báo tăng tại các quốc gia như Bangladesh, Philippines, Ả Rập Xê Út, Senegal, Somalia, Nam Phi, UAE, Hoa Kỳ và Việt Nam. Trong đó, nhập khẩu gạo của Philippines được dự báo tăng 500.000 tấn lên mức 4,7 triệu tấn.

Xuất khẩu gạo năm 2025 được dự báo tăng tại các quốc gia Argentina, Brazil, Campuchia, EU, Ấn Độ, Paraguay, Hoa Kỳ, và Uruguay. Trong đó, Ấn Độ là quốc gia có lượng tăng xuất khẩu lớn nhất với 1 triệu tấn lên mức 18 triệu tấn, chiếm khoảng 1/3 thương mại gạo thế giới. Ở chiều ngược lại, Myanmar, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam được dự báo xuất khẩu thấp hơn trong năm 2025, chủ yếu là do nguồn cung thấp hơn.

Quách Đại Vương/Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn/IPSARD;

Tổng hợp từ: https://www.ers.usda.gov/webdocs/outlooks/109360/rcs-24e.pdf?v=9151.2


Tin khác