Kể từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9, giá cà phê bắt đầu ổn định sau khi tăng mạnh. Trong tháng 9, giá cà phê Robusta tăng nhẹ (2,3%) từ 1477,75 USD/tấn vào đầu tháng lên 1511,67 USD/tấn vào ngày 29 tháng 9. Nguyên nhân chính là nguồn cung đã được cải thiện bởi những dự đoán khả quan về một niên vụ cà phê bội thu của Việt Nam.
1. Biến động giá thế giới và giá trong nước
a) Giá thế giới
Theo Tổ chức cà phê thế giới (ICO), chỉ số giá tổng hợp trung bình tháng 9 là 95,98 xu Mỹ/cân Anh (2114,1 USD/tấn), tăng 0,2% so với mức trung bình tháng trước (2109,7 USD/tấn). Giá cà phê tháng 9 biến động trong biên độ hẹp (±3,8% xung quanh mức trung bình), trong khoảng từ 92,39 xu Mỹ/1cân Anh (2035,0 USD/tấn) đến 99,67 xu Mỹ/1cân Anh (2195,4 USD/tấn).
Nguồn: ICO
Kể từ đầu năm 2006, giá cà phê giảm luôn có xu hướng giảm, chỉ số giá tổng hợp trung bình giảm từ mức 2229 USD/tấn tháng 1/2006 xuống 1895 USD/tấn vào tháng 6/2006. Sau đó bắt đầu tăng vào tháng 7/2006, và tiếp tục xu hướng tăng mạnh vào tháng 8. Đến tháng 9, giá cà phê tương đối ổn định, giao động xung quanh mức trung bình 1968,4 USD/tấn.
Giá cà phê Robusta ổn định trong tháng 9, chủ yếu là do những dấu hiệu khả quan về sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ mới. Lượng xuất khẩu cà phê của các nước sản xuất chính đều tăng đáng kể. Xuất khẩu của Braxin đạt 2,3 triệu bao (138 nghìn tấn) tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái (tuy có giảm 8% so với tháng 8), trong đó, xuất khẩu Arabica tăng 36%, Robusta tăng 146%. Mặt khác, sự tham gia của các quỹ đầu cơ cũng khiến cho giá biến động nhẹ.
Nguồn: Reuteur theo như trích dẫn của ICARD 2006
Mặc dù, có nhiều dự báo khả quan về lượng cung trong thời gian tới, song giá cà phê vẫn không giảm trong tháng 9. Chênh lệch giá cà phê Robusta giữa các kỳ hạn tháng 11/2006; tháng 1/2007 và tháng 7/2007 có xu hướng thu hẹp dần. Điều này khiến chỉ số giá tổng hợp tăng.
Cụ thể, giá cà phê Robusta trong tháng 9 diễn biến như sau:
Tuần đầu tháng 9, giá cà phê Robusta tiếp tục tăng (khoảng 12%) theo đà tăng cuối tháng 8 do các hoạt động đầu cơ trục lợi. Giá cà phê kỳ hạn tháng 11/06 tăng lên mức 1590USD/tấn vào ngày 06/9, cao hơn 20USD so với mức giá cao nhất của tháng 8.
Từ ngày 06 đến 18 tháng 9: Giá cà phê Robusta giảm mạnh, kỳ hạn tháng 11/06 giảm từ mức 1590USD/tấn xuống 1409USD/tấn vào ngày 18/9 (giảm 11,4%) do sức ép bán ra trục lợi của các nhà đầu cơ. Trong đó giảm mạnh nhất là sau phiên giao dịch ngày 18/9, giá hợp đồng Benchmark tháng 11/06 giảm 119 USD xuống còn 1.409 USD/tấn (giảm 7%). Giá hợp đồng giao ngay tháng 9/06 còn 1.690 USD/tấn, giảm 76 USD. Mức chênh lệch giá giữa hợp đồng tháng 9 và tháng 11/06 cũng thu hẹp dần sau khi đạt 470 USD - mức cao nhất trong nhiều năm qua. Một số thương nhân cho rằng các quỹ hàng hoá hiện chủ yếu giữ cà phê giao tháng 11/06 vì hợp đồng này sẽ trở thành hợp đồng giao ngay khi hợp đồng tháng 9/06 đáo hạn vào ngày 29/9 và vào cuối năm nay giá có thể sẽ biến động tương tự như thời gian vừa qua . Còn theo các nhà phân tích, nguồn cung khan hiếm sẽ tiếp tục giữ giá ở mức cao cho tới năm 2008 và mức chênh lệch giá giữa các hợp đồng kỳ hạn gần sẽ còn tăng cao trong thời gian tới, thậm chí có khả năng đạt 800 USD.
Cuối tháng 9, giá cà phê robusta dần phục hồi từ ngày 19/9 đến ngày 27/9 sau đó ổn định và giảm dần vao cuối tháng.
Giá cà phê Arabica không biến động đáng kể trong suốt tháng 9. Đường đồ thị xu thế tuyến tính cho thấy giá trung bình cà phê Arabica, tháng 9, tăng nhẹ. Xu thế tăng giá trên thị trường này chủ yếu chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá cà phê Robusta. Những thông tin bất lợi về thời tiết đã giúp giá cà phê Arabica không giảm trong tháng, song cũng không làm giá tăng vì thực tế ảnh hưởng không đáng kể đổi với thu hoạch, sản xuất cà phê. Những biến động tăng-giảm giá là do hoạt động giao dịch của các quỹ đầu cơ trên thị trường.
Nguồn: Reuteur theo như trích dẫn của ICARD 2006
Tuần đầu tháng 9, giá cà phê Arabica tăng nhẹ, cùng với xu hướng tăng của cà phê Robusta, đạt mức cao nhất trong tháng vào ngày 6/9, sau đó giảm cho đến ngày 20/9 (khoảng 7%). Cuối tháng, giá tăng và ổn định ở mức cao nhất trong tháng 9.
b) Giá trong nước
Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam cũng biến động cùng với xu hướng biến động trên thị trường cà phê thế giới trong tháng 9. Trong đó, giá xuất khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng giảm nhẹ, bám sát biến động giá cà phê kỳ hạn tháng 11/2006 trên thị trường London.
Nguồn: Tổng hợp từ các nguồn
Giá cà phê xuất khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng từ đầu tháng, đạt mức cao nhất vào ngày 6/9 (1520 USD/tấn), giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 11/2006 cùng ngày cũng đạt mức cao nhất trong tháng (1590USD/tấn). Sau đó giá xuất khẩu của Việt Nam giảm liên tục cho đến ngày 19/9 (1310 USD/tấn). Đây cũng là thời điểm giá cà phê trên thị trường London ở mức thấp nhất trong tháng. Từ ngày 20/9 đến cuối tháng, cùng với sụ phục hồi của giá cà phê trên thị trường London, giá cà phê xuất khẩu Việt Nam tăng đều đặn và giữ ở mức ổn định 1444-1445USD/tấn vào cuối tháng 9.
Giá thu mua trong nước nhìn chung có xu hướng tăng, theo xu hướng tăng chung trên thị trường London. Giá cà phê Robusta xô tại Đắc Lắc biến động trong khoảng từ 20,9 nghìn đồng/kg đến 22,75nghìn đồng/kg.
2. Tình hình cung cầu cà phê
a) Thế giới
Theo thông tin mới nhất từ ICO, niên vụ 2005/06, sản lượng cà phê thế giới ước đạt 106,6 triệu bao (6396 nghìn tấn), giảm 6,35% so với niên vụ 2004/05. Sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2006/07 có thể tăng 14,4% so với niên vụ 2005/06, lên đạt 122 triệu bao.
Bảng 1: Khối lượng xuất khẩu cà phê thế giới 11 tháng theo niên vụ cà phê
(nghìn tấn)
| Niên vụ | % thay đổi |
04/05 | 05/06 |
Tổng | 4979.4 | 4804.2 | -3.53 |
Phân theo nhóm nước |
|
|
|
Colombian Milds | 686.4 | 649.2 | -5.43 |
Other Milds | 1093.8 | 1138.2 | 4.06 |
Brazilian Naturals | 1551.0 | 1418.4 | -8.56 |
Robustas | 1648.2 | 1598.4 | -3.03 |
Phân theo loại cà phê |
|
|
|
Arabicas | 3331.2 | 3205.8 | -3.77 |
Robustas | 1648.2 | 1598.4 | -3.03 |
Nguồn: ICO, 2006
Theo báo cáo của ICO, tổng lượng xuất khẩu trong tháng 8/2006 đạt 8,36 triệu bao (501,6 nghìn tấn), tăng hơn 11% so với lượng xuất khẩu trong tháng 7. Tổng lượng xuất khẩu trong 11 tháng của niên vụ cà phê (tháng 10/2005 – tháng 8/2006) đạt 80,1 triệu bao (4806 nghìn tấn), giảm 3,53% so với cùng kỳ niên vụ trước. Mặc dù tổng khối lượng giảm, song nhờ giá tăng, tổng giá trị xuất khẩu tính đến tháng 8 năm 2006 đã tương đương 67% giá trị xuất khẩu của năm 2005 (tương đương 6,2 tỷ USD), dự kiến giá trị xuất khẩu trong năm 2006 tăng khoảng 9-10% so với năm trước.
Dự trữ cà phê cuối vụ 2005/06 tại các nước xuất khẩu ước đạt dưới mức 20 triệu bao (1200 nghìn tấn). Tại các nước nhập khẩu, lượng dự trữ cà phê cũng dao động ở mức dưới 20 triệu bao. Tại thị trường London, dự trữ cà phê tính đến hết tháng 9/06 ước đạt 1,82 triệu bao (109,2 nghìn tấn), tăng so với 1,15 triệu bao (69 nghìn tấn)tháng 8/06. Dự trữ cà phê tại New York cũng tăng từ 3,46 triệu bao (207,6 nghìn tấn) tháng 8/06, lên 3,6 triệu bao (216 nghìn tấn) tháng 9/06.
Như vậy, nguồn cung hiện tại vẫn đang hạn hẹp, chưa thực sự đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ. Song, tình hình trên sẽ sớm được cải thiện trong những tháng cuối năm 2006 sau khi các quốc gia trồng cà phê chủ yếu thu hoạch xong .
b) Trong nước
Theo dự đoán của Vicofa, sản lượng cà phê nước ta trong niên vụ 2005-2006 vào khoảng 11-11,5 triệu bao, tương đương với khoảng 660.000 – 740.000 tấn, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. Trong đó: ĐăkLăk: 230.000 – 250.000 tấn, Lâm Đồng: 180.000– 190.000 tấn, Gia Lai: 100.000 – 120.000 tấn, Đăk Nông: 70.000 – 80.000 tấn, Đồng Nai: 30.000 – 40.000 tấn.
Hiệp hội Cà phê và Cacao Việt Nam (Vicofa) cho biết sản lượng cà phê sắp thu hoạch của Việt Nam có thể giảm xuống thấp hơn mức dự báo trước đây do ảnh hưởng của dịch bệnh và côn trùng phá hoại. Ước tính có khoảng 50.000 ha cà phê ở khu vực trồng cà phê chủ chốt Tây Nguyên đang bị hiện tượng vàng lá và quả rụng do ấu trùng ve sầu gây ra, khiến sản lượng có thể giảm 20-30%, chỉ đạt khoảng 660.000-740.000 tấn.
Mục tiêu xuất khẩu cả năm 2006 là đạt kim ngạch khoảng 950 triệu USD, tăng trên 5% so với năm 2005. 9 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt 79% mục tiêu về lượng nhưng đã đạt 83% về kim ngạch xuất khẩu, với giá trị 788 triệu USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm 2005.
3. Nhận định
Dự báo cung cầu cà phê thế giới
Trong bản báo cáo tháng mới nhất của Tổ chức cà phê quốc tế ICO, dự kiến niên vụ 2006/07 tổng sản lượng cà phê thế giới đạt 122 triệu bao (7320 nghìn tấn), tăng 14,4% so với mức 106,6 triệu bao (6396 nghìn tấn) của vụ trước.
Năm 2006, tiêu thụ cà phê thế giới dự đoán đạt 117 triệu bao (tương đương 7020 nghìn tấn), tăng so với 115 triệu bao (6900nghìn tấn) năm 2005, trong đó tiêu thụ ngay tại các nước xuất khẩu đạt 30 triệu bao và tại các nước nhập khẩu là 85 triệu bao.
Dự báo sản lượng cà phê mới nhất của Braxin trong niên vụ 2006/2007 sẽ đạt mức 41,57 triệu bao (2494,2 nghìn tấn), trong đó Arabica là 32,06 triệu bao (1803,6 nghìn tấn), Robusta là 9,51 triệu bao (570,6 nghìn tấn). Sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến đạt 14,5 triệu bao (870 nghìn tấn); của Colombia là 11 triệu bao (660 nghìn tấn).
F.O. Licht cũng đưa ra dự báo tương tự về sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2006/07. Cầu tiêu thụ thế giới có thể sẽ tăng trên mức 117-118 triệu bao (7020-7080 nghìn tấn).
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2006/07 sẽ tăng 10% lên 123,6 triệu bao (7416 nghìn tấn), phần lớn là nhờ Braxin và Việt Nam được mùa cà phê. Sản lượng cà phê của Braxin sẽ đạt 44,8 triệu bao (2688 nghìn tấn), tăng 24% so với niên vụ 2004/05 vì chu kỳ tăng 2 năm một lần sẽ giúp nước này đạt sản lượng 34 triệu bao (2040 nghìn tấn) cà phê Arabica. Sản lượng của hai nước sản xuất cà phê chủ chốt khác là Việt Nam và Côlômbia cũng sẽ tăng lần lượt lên 13,85 triệu bao (831 nghìn tấn) và 11,6 triệu bao (696 nghìn tấn).
Trong những tháng cuối năm 2006, thị trường cà phê có thể có một số điều chỉnh để đạt được mức cân bằng cung cầu trên thị trường trong niên vụ 2006/07 và sản lượng cho niên vụ mới. Nhận định của chuyên gia
Dự báo, giá cà phê sẽ ổn định trong quý cuối năm 2006. Đây cũng là thực tế đã diễn ra trong suốt hơn 10 năm qua, ngoại trừ những năm khủng hoảng (1999 và 2000). Giá cà phê Robusta sẽ có thể giảm giá nhẹ (khoảng 6-7%) trở về ổn định ở mức giá trung bình của năm 2005.
Trong thực tế, kim ngạch xuất khẩu cà phê ở nước ta trong thời gian qua tăng chủ yếu là nhờ giá cà phê thế giới tăng chứ không phải từ sự gia tăng chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Theo nhà phân tích thị trường F.O.Litchs, từ tháng 10/2005 đến tháng 3/2006, thị trường LIFFE đã phải loại bỏ hơn 700.000 bao cà phê kém chất lượng (cà phê dưới loại 3 và 4) thì trong đó đa phần là cà phê có nguồn gốc từ Việt Nam. Năm 2005, thị trường này cũng đã loại bỏ 1,86 triệu bao cà phê kém chất lượng trong đó cà phê Việt Nam chiếm tới 89%.
Như vậy, Việt Nam, đặc biệt là nông dân không nên vội vàng tăng mạnh đầu tư hay mở rộng diện tích cà phê, tránh tình trạng khủng hoảng cà phê cuối thập kỷ 90. Cần thận trọng đánh giá nhu cầu về loại cà phê chất lượng cao và phát triển bền vững trên thế giới. Bên cạnh đó, cũng cần xác định chính xác mức cung từng loại cà phê chính hiện nay của Việt Nam. Có thể cân nhắc việc áp dụng Bộ tiêu chuẩn cho cà phê bền vững thế giới ở Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi áp dụng Bộ tiêu chuẩn này, cần nghiên cứu tính khả thi, chi phí và lợi ích mà người dân và các tác nhân trong ngành cà phê thu được để đưa ra lộ trình và phương pháp áp dụng hợp lý.
Là một trong những quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới nhưng lâu nay, Việt Nam vẫn chưa được xem là nước tiêu thụ cà phê. Theo số liệu thống kê mới nhất thì mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng từ 750.000 – 800.000 tấn cà phê, 90% số đó dành để xuất khẩu, chỉ còn khoảng 30.000 tấn (5%) được tiêu thụ trong nước. Với tỷ lệ cà phê dành cho xuất khẩu quá cao như vậy đã gây ra sức ép về thị trường xuất khẩu khá nặng nề cho cà phê Việt Nam, nhất là mỗi khi thị trường xuất khẩu có vấn đề thì ngành cà phê Việt Nam dễ rơi vào một cuộc “khủng hoảng thừa”, chịu bất lợi về giá rất lớn. Do vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh khuyến khích tiêu thụ cà phê trong nước. Mức tiêu thụ của Việt Nam chiếm khoảng 20% sản lượng mới có khả năng giảm áp lực. Vì thế, mở rộng thị trường tiêu thụ cà phê trong nước vẫn là một giải pháp khả thi, giúp tránh được rủi ro bất ổn trên thị trường thế giới. Để thực hiện được chiến lược này, cần nhanh chóng ước lượng mức cầu hiện tại và xu thế tiêu thụ cà phê trong nước.
Tài liệu tham khảo:
ICARD. 2006. Chuyên trang cà phê tại trang tin xúc tiến thương mại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại địa chỉ http://www.agroviet.gov.vn/caphe/
ICO. 2006. Báo cáo thị trường của Tổ chức cà phê quốc tế tại địa chỉ http://www.ico.org/documents.aspx
Trung tâm Xúc tiến thương mại và du lịch Đắc Lắc. 2006. http://www.daktra.com.vn/default.aspx?id=1&id_tin=883
VICOFA. 2006. Tin giá trên trang web của Hiệp hội Cà phê Ca cao tại địa chỉ http://www.vicofa.org.vn/vicofa/tintuc.shtml
VINANET. 2006. Tin cà phê ca cao trên trang web của Trung tâm Xúc tiến thương mại, Bộ Thương mại, tại địa chỉ http://www.vinanet.com.vn/Eachofgoods.aspx?mh=CFC