Năng lượng sinh học – giải pháp cho an ninh năng lượng?

31/07/2008

AGROINFO – Giá dầu thế giới đang tăng cao và dự trữ dầu trên thế giới ngày càng khan hiếm. Với đặc trưng là một nước nông nghiệp trồng nhiều cây tinh bột và cây công nghiệp có dầu, phát triển nguồn năng lượng sinh học liệu có phải là một lựa chọn có tiềm năng cho Việt Nam? Để có cơ sở tham vấn ý kiến của các cơ quan có liên quan về kết quả nghiên cứu và đánh giá, sáng ngày 25/07/2008, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội thảo “Định hướng chiến lược phát triển nhiên liệu sinh học cho phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam”.

Hội thảo có sự tham gia của TS. Mercy Sombilla - đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB (đơn vị tài trợ dự án), TS. Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược NNPTNT và đại diện các Bộ, Ngành, đơn vị nghiên cứu liên quan.

Năng lượng hóa thạch – khoảng cách cung và cầu ngày càng lớn

Nhu cầu năng lượng của thế giới hiện nay đang ở mức 87,5 mb/ngày. Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, năm 2030 con số này sẽ lên tới 116 mb/ngày. Trong khi đó dự trữ năng lượng hóa thạch đang giảm dần. Khoảng cách giữa cung và cầu năng lượng ngày càng lớn.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, lượng xăng dầu thiếu hụt ở Việt Nam năm 2010 là 12,40 triệu tấn và lên tới 44,23 triệu tấn vào năm 2020. Lượng dầu thô của Việt Nam có thể cạn kiệt trong 30 năm tới, trong khi tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người của Việt Nam dự kiến tăng gấp 3 lần cho đến năm 2030. Trong tình hình này, một chiến lược về năng lượng thay thế là đặc biệt quan trọng.

Năng lượng sinh học - Năng lượng thay thế?

Trong các nguồn năng lượng thay thế, hiện nay sinh khối là nguồn năng lượng phổ biến ở Việt Nam, còn các nguồn năng lượng có thể tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời mới chỉ được sử dụng hạn chế.

Là một nước nông nghiêp nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, Việt Nam trồng nhiều cây tinh bột và cây có dầu có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất năng lượng sinh học như ngô, sắn, mía,...Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến an ninh lương thực và môi trường, việc sản xuất nhiên liệu sinh học cần tránh sử dụng cây lương thực và không xâm phạm đến đất trồng cây lương thực, thay vào đó nên tận dụng các vùng đất trống hoặc kém hiệu quả. Trên cơ sở cân nhắc các yếu tố liên quan đến công nghệ, an ninh lương thực, nghèo đói và môi trường, nhóm nghiên cứu đã đề xuất bốn khả năng cho sản xuất nhiên liệu sinh học của Việt Nam là cây cọc rào (Jatropha), cây chùm ngây, Cao lương (Bo bo) và mỡ cá tra, cá basa.

Nhìn chung, các ý kiến tại hội thảo ủng hộ phát triển cây Jatropha. Mặc dù giống cây này cho năng suất thấp nhưng lại tận dụng được vùng đất cằn cỗi và không ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Ngoài ra, bã cây sau khi xử lý có thể làm thức ăn giàu protein cho gia súc. Trong khi đó, năng lượng sản xuất từ mỡ cá tra, cá basa có thể bị đông đặc khi nhiệt độ thấp và sinh ra khí độc.

Hội thảo cũng đề cập tới một số vấn đề cần quan tâm khi sản xuất năng lượng sinh học tại Việt Nam: trồng luân canh một số loại cây, giao thông, công nghệ và hợp tác với một số nước láng giềng như Lào, Cam-pu-chia trong việc canh tác cây nguyên liệu,...


Tin khác