Trong hai ngày 31/7 và 1/8, lần lượt đã có hai cuộc hội thảo trình bày các kết quả ban đầu của một số nghiên cứu đánh giá tác động của việc gia nhập và thực hiện cam kết gia nhập WTO tới Việt Nam. Hội thảo do Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) tổ chức tập trung vào đánh giá tác động của việc gia nhập WTO đối với quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT. Trong khi đó, nghiên cứu của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tập trung đánh giá những tác động vĩ mô của gia nhập WTO.
1. Nghiên cứu “Đánh giá tác động của việc gia nhập WTO đối với quản lý nhà nước của Bộ” được thực hiện trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ thực hiện cải cách hành chính tại Bộ NN&PTNT (do Đại sứ quán Hà Lan và UNDP tài trợ, thời gian thực hiện 2007-2012) tập trung vào ba nội dung chính:
(i) Đánh giá vai trò của Bộ NN&PTNT trong quá trình đàm phán gia nhập WTO và khả năng vai trò trong các cuộc đàm phán tự do hóa thương mại sắp tới, etc.
(ii) Đánh giá về thể chế và tổ chức của Bộ NN&PTNT trong việc thực hiện cam kết gia nhập WTO;
(iii) Đánh giá các khía cạnh pháp lý của việc thực hiện các cam kết gia nhập WTO.
Một số kết luận và đề xuất đáng chú ý rút ra từ nghiên cứu này là:
(i) Chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ công trong Bộ NN&PTNT chưa được tách bạch rõ ràng;
(ii) Chức năng quản lý của các cục chuyên ngành chịu trách nhiệm sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, thú y) chưa thống nhất thành một đầu mối để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa từ sản xuất tới thị trường tiêu thụ;
(iii) Đầu tư cho nghiên cứu khoa học và khuyến nông là biện pháp quan trọng để thúc đẩy và phát huy vai trò tích cực của hội nhập kinh tế quốc tế với nông nghiệp, nông thôn;
(iv) Cần đẩy mạnh công tác thông tin dự báo thị trường, giá cả nông sản thực phẩm;
(v) Thiết lập mạng lưới đại diện nông nghiệp ở nước ngoài tại các sứ quán một số thị trường xuất khẩu nông sản quan trọng của Việt Nam (Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, ASEAN).
v.v…
2. Nghiên cứu của CIEM cung cấp bức tranh tổng quát về kinh tế, xã hội Việt Nam sau 1,5 năm gia nhập WTO trên các khía cạnh: thương mại, đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô, một số vấn đề xã hội và thể chế kinh tế. Báo cáo nghiên cứu tóm tắt cho rằng, mặc dù thời gian gia nhập còn ngắn nhưng có thể nhận định xu hướng tác động nhìn chung là tích cực. Tuy nhiên, một mặt do những biến đổi bất lợi của bối cảnh thế giới (đặc biệt là giá dầu mỏ tăng cao, kinh tế Mỹ bất ổn, etc.) và do những hạn chế bên trong của nền kinh tế chưa được khắc phục kịp thời (nhất là về cơ sở hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực) nên những cơ hội mà hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO đem lại chưa được tận dụng tốt, thậm chí là gây tác động trái với mong muốn. Ví dụ điển hình là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao trong hai năm trở lại đây có nguồn gốc rất lớn từ sự kì vọng của các nhà đầu tư nước ngoài vào việc Việt Nam gia nhập WTO, nhưng do khả năng hấp thụ trong nước và khả năng điều tiết vốn vào các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế chưa tốt nên đã tạo ra sức ép về cán cân thanh toán cho nền kinh tế , etc.
Nghiên cứu cũng cảnh báo không nên đánh đồng việc gia nhập WTO và tác động của việc thực hiện các cam kết WTO với những biến đổi có phần bất lợi của nền kinh tế Việt Nam hiện nay (như lạm phát cao, tăng trưởng giảm, thâm hụt thương mại tăng, etc.). Chẳng hạn, khi phân tích thâm hụt thương mại của Việt Nam hiện nay, cần làm rõ đó là thâm hụt do những mặt hàng nào và do thị trường nào tạo ra, trên cơ sở đó đối chiếu với các cam kết về các mức thuế quan mà Việt Nam đã cam kết với những mặt hàng và thị trường này khi gia nhập WTO để xác định có đúng là do thực hiện cam kết gia nhập WTO tạo ra hay không, etc.
Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu cũng như các chuyên gia tham dự hội thảo nhìn chung đều thống nhất khi cho rằng việc bóc tách, lượng hóa các tác động của việc thực hiện cam kết gia nhập WTO tới kinh tế và đặc biệt là tới lĩnh vực xã hội là hết sức khó khăn không chỉ do thời gian gia nhập WTO của Việt Nam chưa lâu, mà còn do những hạn chế về số liệu, khung phân tích và khả năng vận dung các phương pháp nghiên cứu hiện đại (như áp dụng các mô hình) tại Việt Nam còn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, tham mưu, tư vấn và phản biện chính sách.