Chuyển đổi cơ cấu và vai trò của nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế

17/02/2009

AGROINFO – Chiều ngày 16/02/09 tại Hà Nội, GS. Peter Timmer - chuyên gia kinh tế cao cấp, Trung tâm Phát triển toàn cầu, Đại học Stanford, Hoa Kỳ có bài thuyết trình về “Chuyển đổi cơ cấu và vai trò của nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế”. GS. Timmer đến Việt Nam trong chương trình làm việc với Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT. Đến dự hội thảo có TS. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng; các chuyên gia trong nước như Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Nguyễn Quang A, Võ Trí Thành…và đông đảo cán bộ nghiên cứu trong và ngoài Viện; các báo đài....v.v. Nhằm chia sẻ kinh nghiệm, bài học về quá trình chuyển đổi cơ cấu và vait rò của ngành nông nghiệp trong tiến trình phát triển kinh tế thế giới, GS.Peter Timmer đã nhắc đến các trường hợp của các nước TBCN như Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản trước khi họ thực hiện công nghiệp hóa đã có một sự đầu tư mạnh mẽ, thích đáng cho nông nghiệp. Ông cho rằng, các trường hợp của các nước sẽ là kinh nghiệm cần thiết cho Việt Nam. Ông đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến vai trò của nông nghiệp trong công nghiệp hóa và phát triển kinh tế; làm thế nào để nông nghiệp có vai trò to lớn hơn nữa trong quá trình phát triển?; làm thế nào để chuyển vai trò của nông nghiệp sang cho công nghiệp và dịch vụ; có phải khi quốc gia giàu có, nông nghiệp sẽ mất đi?...v.v. Từ những phân tích thực tiễn, ông nhấn mạnh cần phải đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để phát triển thành thị. Trong đó, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng gắn với thị trường (như trường hợp của Hà Lan, Đan Mạch) là giải pháp quan trọng để thoát nghèo. Chuyển đổi cơ cấu ở các quốc gia không chỉ là tiến trình kinh tế mà còn là một tiến trình chính trị. Quá trình này đòi hỏi cần phải chú ý tới việc đầu tư cho KHCN, vấn đề di cư lao động, khoảng cách thu nhập nông thôn – đô thị, ....v.v.

Trả lời câu hỏi của nhiều chuyên gia trong nước về một mô hình phát triển nông nghiệp tối ưu cho Việt Nam, GS. Timmer cho rằng không có một mô hình nào có thể áp dụng triệt để cho Việt Nam, kể cả các trường hợp thành công nhất như Hà Lan, Đan Mạch, Đài Loan, Nhật Bản…Nguyên nhân do sự khác biệt về địa lý, đất đai, khí hậu và cả về thể chế nhà nước. Do vậy, cần nhìn nhận các quốc gia này trong tiến trình lịch sử để đúc rút những kinh nghiệm cho một mô hình riêng của Việt Nam.

Hiện Giáo sư C.Peter Timmer là chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Hội nhập Toàn cầu - Cơ quan nghiên cứu và Tư vấn Chính sách nổi tiếng của Hoa Kỳ (2003 - 2007). Các hoạt động nghiên cứu của Timmer tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Bản chất của “tăng trưởng vì người nghèo” và ứng dụng của chiến lược này ở Inđônêxia và các quốc gia khác ở Châu Á; Tác động của chiến lược này đến người nghèo (cả nhà sản xuất và người tiêu dùng); cùng việc chuyển đổi cơ cấu trong bối cảnh lịch sử với vai trò là khuôn khổ để hiểu biết khía cạnh kinh tế chính trị của chính sách nông nghiệp.

Giáo sư C.Peter Timmer đã giảng dạy trên 40 năm tại các trường đại học danh tiếng nhất của Hoa Kỳ:

- Đại học Harvard (1967 - 1972), (1977 - 1998)

- Đại học Stanford (1968 - 1975), (2007 - 2008)

- Đại học Cornell (1975 - 1977)

- Đại học California (1998 - 2003)


(Phạm Văn Hanh - AGROINFO)

Tin khác