Nghe nhà nông kể chuyện

12/08/2009

AGROINFO – Làm nông nghiệp nhiều rủi ro, nhưng người nông dân vẫn đời đời tảo tần chung thủy, một nắng hai sương. Đóng góp của người nông dân cho đất nước, nhân dân không hề nhỏ. Trong những chuyến công tác của mình, cán bộ AGROINFO đã ghi nhận những sẻ chia, tâm sự nhọc nhằn của nhà nông…

Lê Văn Cường, 58 tuổi. Ấp Thới Thuận A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, Cần Thơ: Nghề nông không ít rủi ro

Ông Lê Văn Cường: " Làm nghề nông quả là nhiều rủi ro, thay đổi..."

Gia đinh tôi có 9 người gồm 2 vợ chồng và 7 người con. Hiện gia đình chúng tôi có 1 ha đất nông nghiệp các loại.

Nguồn thu nhập chính của gia đình tôi từ là trồng lúa và hoa màu.Thu nhập của gia đình năm 2008 đạt 2 triệu/tháng. Nhưng năm nay sợ sẽ bị giảm do giá lúa đang tuột dốc. Trước đây gia đình trồng 2 vụ lúa và 1 vụ nuôi tôm nhưng từ năm 2009 do đầu ra của tôm càng xanh không có cộng với việc giá cả bấp bênh trong khi giá thức ăn chăn nuôi và giá con giống tăng nên năm 2009 chuyển sang làm 2 vụ lúa, 1 vụ màu.a

Chi tiêu trong gia đình chủ yếu cho ăn uống và sinh hoạt. Năm ngoái, giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh làm chi phí sản xuất tăng, chi tiêu cũng tăng, ảnh hưởng tới thu nhập. Năm nay, giá vật tư nông nghiệp đỡ hơn.

Từ cuối năm ngoái, các sản phẩm nông nghiệp làm ra khó tiêu thụ hơn do người làm ra các sản phẩm nhiều (tôm, hoa màu) trong khi thị trường tiêu thụ lại không ổn định. Lúa và rau màu đều bị tồn đọng. Mà nếu bán trễ thì lỗ vài ngàn đồng.

Qua đài báo cũng biết nhà nước có chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi 4% nhưng xuống đến địa phương thì chưa thấy có. Mấy năm về trước khi còn làm bên thủy sản thì gia đình có được vay vốn nhưng giờ nghỉ làm thủy sản thì không được vay vốn nữa.

Bác Hoàng Văn Hò – 55 tuổi ( người dân tộc Dáy) – Tổ trưởng tổ 5 xã Nam Cường, thành phố Lào Cai: Mất đất phải xoay đủ nghề

Bác Hoàng Văn Hò: "Mất đất, chúng tôi xoay nhiều nghề kiếm sống...

Nhà hiện có tôi và vợ chồng người con trai. Gia đình trước đây làm nghề chăn nuôi trồng trọt nhưng từ ngày đất nông nghiệp được chính quyền Lào Cai sử dụng đưa vào quy hoạch thì chúng tôi không còn đất để trồng trọt và chăn nuôi nữa. Con trai tôi hàng ngày đi làm phụ hồ, còn con dâu thì đi bán xôi dạo. Cuộc sống khó khăn nên mặc dù con trai bác cưới vợ đã được hai năm nhưng vẫn đang kế hoạch, chưa dám sinh con. Giờ 3 miệng ăn đã chật vật lắm rồi, nếu thêm nhân khẩu không biết lấy gì để nuôi.

Ở đây, không riêng gì gia đình tôi mà hầu hết người dân - trước đây chỉ toàn “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nay sau khi đất nông nghiệp bị thu hồi đều có cuộc sống khá khó khăn. Mất nghề nông, chúng tôi phải kiếm kế sinh nhai bằng bất cứ nghề nào: lái xe ôm, lái taxi, phụ hồ, bốc vác,… Tuy nhiên, các công việc đó chỉ dành cho thanh niên khỏe mạnh, còn những người ở độ tuổi từ 50 tuổi trở lên thì rất khó kiếm được việc làm. Những người này lại không có lương hưu hay trợ cấp mà chỉ sống dựa vào con cái của họ.

Tôi mong muốn chính quyền Lào Cai quan tâm hơn nữa đến đời sống của các hộ gia đình có đất nông nghiêp bị nhà nước thu hồi phục vụ cho các dự án. Thiết nghĩ chính quyền cần hỗ trợ đào tạo nghề, có chính sách cụ thể rõ ràng để tránh tình trạng người dân sau một thời gian nhận tiền đền bù đất lại trở về nghèo túng không còn đất đai canh tác, cần tạo công ăn việc làm cho không chỉ thanh niên mà cả những người trung tuổi.

Bác Nguyễn Văn Lộc, Đông La - Hoài Đức - Hà Nội: Khó tiếp cận với vốn mua máy cày từ Ngân hàng Nông nghiệp

Bác Nguyễn Văn Lộc: "Thật khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.."

Cả gia đình tôi có 8 người, đều làm nông nghiệp lâu năm, được chi 5 sào ruộng. Hai đứa con trai đi làm thuê xây dựng. Chúng tôi trồng xen cả lúa, rau và cây hoa màu. Sau khi thu hoạch rau trồng theo phương pháp đảm bảo vệ sinh mà xã hướng dẫn, vợ tôi thường đem ra chợ ngoài Hà Đông bán vì được giá hơn, đồng thời tranh thủ mua phân bón và các vật tư nông nghiệp khác về phục vụ sản xuất để tiết kiệm chi phí.

Cuộc sống của gia đình có khá lên chút ít từ năm ngoái đến nay. Tuy nhiên, giá thành các loại vật tư đầu vào đều tăng giá rất mạnh, ví như phân đạm hiện giờ giá khoảng 7.000-8.000 VNĐ/kg, cao gấp 2-3 lần so với giá đầu năm ngoái.

Băn khoăn nhất của tôi là chuyện khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. Ví như chính sách nhà nước thông qua ngân hàng Nông nghiệp cho nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để mua máy cày, nhằm hiện đại hóa nông nghiệp. Hộ nghèo như gia đình tôi và một số gia đình hàng xóm đã đi vay thử nhưng không thành công, do điều kiện quá ngặt nghèo, người nông dân nghèo không thể đáp ứng. Không chỉ thế, thời gian mới đây, nhà nước thông qua các hợp tác xã hỗ trợ miễn phí cho một số xã viên khó khăn thuốc diệt cỏ và phân bón, tuy nhiên tác dụng của các loại hóa chất đó gần như là không có, tôi sử dụng một vài lần thấy không có tác dụng nên lại phải đi mua loại khác về dùng. Thiết nghĩ thực hiện chính sách như vậy vừa không hiệu quả, lãng phí tiền của của Nhà nước, vừa gây tâm lý phản cảm cho người nông dân, mất niềm tin vào các chính sách của Nhà nước.

AGROINFO: Hồng Liên - Ngọc Yến - Võ Nga (ghi)


Tin khác