Mô hình nuôi cá lóc với nông dân nghèo vùng ven biển

03/09/2009

AGROINFO - Con cá lóc đang được Trung tâm khuyến nông Thanh Hóa triển khai thành mô hình phát triển kinh tế cho nông dân nghèo ven biển và đạt hiệu quả cao.

Với 75% nguồn kinh phí từ nguồn vốn ADB và 25% vốn đối ứng của tỉnh. mục tiêu của Dự án khoa học công nghệ nông nghiệp - phần Khuyến nông nhằm tăng cường sự tiếp cận của nông dân nghèo với các dịch vụ của Khuyến nông, đáp ứng nhu cầu của thực tế sản xuất nông lâm ngư nghiệp. Năm 2009, từ nguồn kinh phí của Dự án, Trung tâm khuyến nông Thanh Hoá đã triển khai mô hình nuôi cá lóc thương phẩm tại xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Cá lóc mang lại hiệu quả kinh tế cho các vùng ven biển Thanh Hóa

Quảng Tiến là một xã ven biển Sầm Sơn, giao thông đi lại thuận tiện, ngành nghề chính là nghề cá, và cấy lúa. Tiềm năng đất đai và lao động của Quảng Tiến không thiếu nhưng nhìn chung cuộc sống của bà con nông ngư dân vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những hộ làm nông. Xã ven biển này hiện có tới 424 hộ nghèo và 391 hộ cận nghèo, chiếm tới hơn 20% tổng số hộ trong xã. Qua khảo sát thực tế, Trung tâm khuyến nông Thanh Hóa nhận thấy, Quảng Tiến có nhiều ao hồ, nguồn thức ăn từ cá con dồi dào, rất phù hợp để phát triển nuôi cá lóc. Và để giúp bà con tiếp cận với các dịch vụ khuyến nông từ nguồn vốn của Dự án khoa học công nghệ nông nghiệp, đầu năm 2009, mô hình nuôi các lóc thương phẩm đã được triển khai ở 10 hộ nông dân nghèo, số lượng hơn 11 ngàn con cá giống.

Nguồn cá lóc giống được Trung tâm khuyến nông di ương từ các tỉnh phía Nam ở dạng cá hương. Sau đó được ương nuôi đạt tiêu chuẩn rồi mới thả xuống ao nuôi cho các hộ. Với bà con làm nông xã Quảng Tiến, con cá lóc hay cá chuối chỉ là loại cá của sông hồ, đồng ruộng. Trước đây, nếu lỡ chúng vào ao là phải tìm cách đánh bắt, triệt hạ để bảo vệ đối tượng cá con trôi, mè, trắm chép. Chưa bao giờ cá lóc được xem là đối tượng nuôi. Bởi vậy, công tác tập huấn, tham quan học tập đã được Trung tâm khuyến nông chú trọng và triển khai ngay từ đầu, giúp bà con thay đổi quan niệm về loại cá có thể đem lại lợi nhuận hơn nhiều so với đối tượng cá nuôi truyền thống. Cá lóc là loại ăn mồi tươi sống, môi trường nước cần đảm bảo trong sạch, không tù đọng. Do đó, Trung tâm khuyến nông thường xuyên cử cán bộ khuyến ngư xuống bám sát địa bàn, giúp bà con thực hiện đúng quy trình quản lý ao nuôi, từ cho ăn đến thay nước, xử lý nước, mục tiêu vừa đảm bảo được đầu con, vừa đạt được tốc độ sinh trưởng nhanh nhất. Đến nay sau 4 tháng triển khai, Dự án đã được nghiệm thu, tổng kết và được đánh giá là một dự án có hiệu quả cao đối với địa phương Quảng Tiến trong những năm gần đây.

Gia đình ông Lê Văn Hện là một hộ nghèo của xã. Nhà ông có 5 nhân khẩu, vợ đi chợ, chồng ở nhà chăn nuôi. Diện tích ao vườn nhà ông tuy rộng, nhưng nhiều năm qua ông Hện cứ loay hoay tìm đối tượng con nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Sau khi được chọn tham gia dự án, được tập huấn kỹ thuật, ông Hện đã thực hiện tốt các khâu từ chăm sóc quản lý đàn cá trong ao đến việc phòng trị bệnh cho cá. Ngoài những kiến thức được tập huấn, trong quá trình làm, ông Hện còn tự rút được nhiều kinh nghiệm hay, truyền đạt cho nhiều hộ khác làm theo. Nhờ đó, sau khi kết thúc dự án, gia đình ông đã có được một nguồn thu đáng kể. Và cái được lớn nhất theo ông Hện đó là vốn kiến thức kỹ thuật nuôi cá lóc, một đối tượng nuôi vốn hoàn toàn xa lạ. Đồng thời chuyện làm ăn của gia đình ông cũng được nâng cao hơn trước nhờ cách làm có bài bản, kế hoạch.

Qua nghiệm thu, tổng kết dự án cho thấy 10 hộ tham gia đều cho sản lượng từ 4 - 5 tạ cá/ 300m2, với giá bán hiện nay từ 40 – 45.000 đồng/kg thì sau 4 tháng nuôi, mỗi hộ thu về từ 18 đến 25 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng là trên 15 triệu đồng. Đây là mức thu nhập từ nuôi cá nước ngọt mà lâu nay những hộ nghèo ở xã Quảng Tiến này chưa bao giờ có được

Để có được thành công này, Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện tốt công tác triển khai dự án, từ việc chọn địa điểm, đối tượng hộ dân để xây dựng mô hình, đến việc bám sát cùng các nông hộ theo dõi chặt chẽ quá trình thực hiện dự án. Trước kia những hộ nghèo này sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, và chủ yếu làm theo kinh nghiệm là chính, đến khi được tham gia dự án, các hộ dân đã có sự hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là việc thường xuyên đi lại thăm hỏi, trao đổi thông tin cùng nhau. Nhờ đó khi có vấn đề khó khăn về dịch bệnh, được sự hướng dẫn của cán bộ chỉ đạo mô hình, các hộ đã cùng bàn bạc tìm cách tháo gỡ.

Thông qua mô hình nuôi cá lóc, nguồn vốn từ Dự án khoa học công nghệ nông nghiệp của tỉnh Thanh Hoá không chỉ góp phần nâng cao mức sống cho dân nghèo ở xã Quảng Tiến bằng chính cái nghề họ đang có trong tay mà về lâu dài còn trang bị cho họ vốn kiến thức khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất hiệu quả. Khi kết thúc dự án, những hộ dân này có thêm một nghề mới trong tay, vững tin đầu tư sản xuất. Cũng thông qua mô hình nuôi cá lóc thương phẩm này, dự án khoa học công nghệ nông nghiệp còn giúp cho chính quyền địa phương các xã ven biển có được định hướng cụ thể trong việc xoá đói giảm nghèo cho nông dân, nông thôn.

Hiệu quả của mô hình nuôi cá lóc thuộc dự án khoa học công nghệ nông nghiệp Thanh Hoá do Trung tâm khuyến nông triển khai ở xã Quảng Tiến cho thấy, để nguồn vốn đầu tư cho nông dân, nhất là người nghèo có hiệu quả, thì vấn đề tìm hiểu điều kiện, thế mạnh của địa phương, hiểu rõ được nguyện vọng của dân, nhu cầu của thị trường là rất quan trọng. Bà con nông dân các địa phương ven sông, biển có điều kiện về ao hồ, đầm, dồi dào nguồn thức ăn từ phụ phẩm của nghề chài lưới có thể học tập và nhân rộng mô hình nuôi cá lóc thương phẩm ở xã Quảng Tiến.

Nguyễn Hùng (Trung tâm khuyến nông Thanh Hoá)

Hình thức nuôi thủy sản xen canh đạt hiệu quả cao tại xa Quảng Khê- Quảng Xương- Thanh Hóa

Xã Quảng Khê có diện tích 120 ha nuôi nước lợ. Trước kia số diện tích này phân tán dải dác và do nhiều chủ hộ sử dụng với qui mô nhỏ lẻ, chính vì vậy việc tập trung quản lý và xử lý khi có dịch bệnh xảy ra gặp nhiều khó khăn. Năm 2004 uỷ ban nhân dân xã đã vận động bà con dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại hệ thống ao nuôi nhờ đó từ 75 hộ nuôi đến nay số diện tích này được giao cho 25 chủ hộ quản lý, với mỗi hộ có diện tích ít nhất từ 3 ha ao nuôi trỏ lên, người dân được giao đất ổn định lâu dài, nên rất yên tâm đầu tư vốn để tập trung cho sản xuất.

Hiện nay ở Quảng Khê các hộ nuôi trồng thuỷ sản đã tập hợp lại với nhau và hoạt động theo hình thức tổ hội, nhờ đó thông qua các buổi sinh hoạt các hội viên đã có sự gắn bó, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất, những cách làm hay, kinh nghiệm quí đã được phổ biến cùng nhau. Hội nuôi trồng thuỷ sản xã Quảng Khê xác định với địa hình đồng đất của địa phương chỉ thích hợp với loại hình nuôi xen canh gối vụ, ngoài con tôm sú cần đưa thêm những loài có giá trị kinh tế khác vào nuôi thả, áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chính vì vậy trong những năm qua đa số các hội viên tuỳ vào điều kiện kinh tế cũng như khả năng của mỗi hộ đã lựa chọn hình thức đa dạng hoá con nuôi, ngoài tôm sú, còn có các loại thuỷ sản khác như cua biển, cá vược, cá bống bớp…, để đưa vào nuôi thả. Với cách làm này không chỉ tăng thêm thu nhập trên một đơn vị diện tích so với nuôi chuyên tôm mà còn góp phần cải thiện môi trường ao nuôi.

Đây là 8 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản của gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn, có được diện tích rộng này đó là nhờ gia đình đã làm tốt công tác dồn điền đổi thửa. Một vài vụ nuôi đầu do chỉ tập trung nuôi chuyên tôm nên năng suất khá bấp bênh và hiệu quả không tương xứng với tiềm năng. Năm 2004 được Trung tâm khuyến ngư nay là Trung tâm khuyến nông tỉnh đầu tư xây dựng mô hình nuôi cua thương phẩm bằng nguồn cua giống sản xuất trong tỉnh, vụ nuôi này gia đình ông Tuấn đã thu được 1 tấn cua thương phẩm trên diện tích 0,5 ha, từ thành công của mô hình, nhận thấy con cua khá phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của mình từ đó đến nay mỗi năm ông Tuấn đã tổ chức ương nuôi hàng vạn con cua giống, không chỉ phục vụ nhu cầu nuôi thả trong gia đình mà còn cung ứng cho bà con trong vùng, thu nhập từ nuôi tôm cua kết hợp mỗi năm gia đình ông luôn giữ mức thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng.

Cũng giống như ông Tuấn gia đình ông Lê Xuân Hạnh có tới 7,5 ha diện tích ao nuôi, ông Hạnh luôn được bà con nuôi trồng thuỷ sản trong vùng tin cậy và tìm đến học hỏi bởi cung cách sản xuất mang tính khoa học và hiệu quả cao. Khu nuôi trồng thuỷ sản của gia đình ông được quy hoạch khá hoàn chỉnh, có hệ thống cống cấp và thoát nước riêng biệt. Trên tổng diện tích của mình ông Hạnh dành một phần để xây dựng hệ thống ao ương nuôi theo từng cấp độ, con giống khi đưa về được ông Hạnh ương nuôi chăm sóc kỹ, đến khi giống đã đủ kích cỡ, khoẻ mạnh ông Hạnh mới thả xuống ao nuôi thương phẩm. Cách làm này không chỉ giúp cho con giống được thuần hoá với môi trường, khí hậu mà còn tránh được rủi ro thiệt hại do mầm bệnh từ con giống mang lại. Sau khi thả tôm được gần 2 tháng ông Hạnh đưa cua , cá rô phi, cá bống bớp đã được ương nuôi vào trong ao nuôi tôm sú, nhờ công tác quản lý môi trường tốt nên gần chục năm trở lại đây ao nuôi không xảy ra dịch bệnh. Riêng vụ nuôi xuân hè năm nay theo ước tính của ông Hạnh thu hoạch từ tôm là 1,5 đến 2 tấn, cua đạt gần 3 tấn và hàng tấn cá các loại, giá trị ước đạt gần 1 tỷ đồng. Với mức thu nhập ổn định này ông Hạnh dư sức nuôi 3 người con đang theo học Đại học.

Nghề nuôi trồng thuỷ sản nước lợ không những đòi hỏi đầu tư cơ sở hạ tầng tốt, nắm vững kỹ thuật mà còn phải biết lựa chọn đối tượng con nuôi, hình thức sản xuất phù hợp với từng địa phương mới mong mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cách làm của các hộ nuôi trồng thuỷ sản ở Quảng Khê là cách làm hay, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường một cách bền vững, mô hình này rất cần được nhân rộng đối với vùng triều ven biển.

Nguyễn Hùng (Trung tâm Khuyến nông Thanh Hoá)


Tin khác