Điện Biên: Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bảo đảm sự phát triển bền vững

17/10/2008

Tỉnh Điện Biên có hơn 83% dân số sống ở khu vực nông thôn, nên sản xuất nông, lâm nghiệp (bao gồm cả thuỷ sản) luôn được coi là ngành sản xuất chính, có vai trò hết sức quan trọng trong việc ổn định xã hội, đồng thời có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Nhiều năm qua do biến động thị trường, thiên tai, dịch bệnh,... đã tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của nông dân và sự phát triển của nông thôn. Tuy vậy, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên luôn xác định: phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là cơ sở để bảo đảm sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh bền vững cả trước mắt và lâu dài. Triển khai thực hiện quan điểm chỉ đạo của tỉnh, các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, để việc sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, tăng trưởng bình quân khoảng 5,14%/năm. Bình quân lương thực đầu người đạt 430 kg/ người/ năm. Kết quả này không những giúp Điện Biên bảo đảm được an ninh lương thực, mà còn có một phần xuất ra ngoài tỉnh.

Đạt được những kết quả trên là do trong những năm qua Điện Biên đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đưa hàng chục loại giống cây trồng, vật nuôi được chọn tạo vào sản xuất nông nghiệp. Không chỉ ứng dụng khoa học công nghệ sinh học mà cơ giới hóa cũng được áp dụng rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ sử dụng máy móc vào các công việc như làm đất, tuốt lúa ở một số vùng trong tỉnh đạt trên 80%. Công nghệ sau thu hoạch, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp bước đầu được ứng dụng. Do đó, đã góp phần triển khai thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện đời sống của người lao động ở nông thôn.

Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn được đổi mới và phát triển phù hợp với yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp hàng hóa. Kinh tế hộ phát huy mạnh mẽ vai trò kinh tế của mình, đáng chú ý là đến nay, tỉnh Điện Biên đã có 1.224hộ gia đình phát triển theo hình thức kinh tế trang trại, cho thu nhập bình quân từ 40-50 triệu đồng/hộ/năm. Nét mới trong phát triển kinh tế trang trại là loại hình sản xuất ngày càng đa dạng và có sự chuyển dịch về cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng các trang trại trồng cây hằng năm và cây lâu năm, tăng tỷ trọng các loại trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất kinh doanh tổng hợp.

Các hợp tác xã kiểu cũ đã cơ bản được chuyển đổi và hình thành nhiều hợp tác xã mới theo Luật Hợp tác xã. Đến nay, toàn tỉnh có 27 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp đang hoạt động. Những hợp tác xã này bước đầu thực hiện có hiệu quả vai trò hỗ trợ kinh tế hộ và các thành phần kinh tế khác ở nông thôn phát triển. Qua đó, góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho nông dân và nông thôn ngày càng giàu có hơn, dân chủ và công bằng hơn; đồng thời, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân ở từng địa phương. Không chỉ có kinh tế hộ, kinh tế hợp tác, các doanh nghiệp ở nông thôn cũng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ đầu tư phát triển của kinh tế tư nhân ngày càng cao.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn cũng không ngừng được tăng cường, nhất là về hệ thống thủy lợi. Với sự nỗ lực đầu tư của Nhà nước và khơi dậy được nguồn vốn trong dân, đến nay đã có 104/106 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; 90,5% số xã có điện lưới quốc gia. Hệ thống chợ, bưu chính viễn thông nông thôn, các chương trình kiên cố hóa trường học, xây dựng trạm y tế, nhà văn hóa được quan tâm đầu tư phát triển. Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao được tăng cường, sóng phát thanh, truyền hình phát triển tới hầu hết các vùng nông thôn, góp phần quan trọng nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân nông thôn.

Kinh tế nông thôn phát triển nên đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ngày càng được cải thiện. Thu nhập thực của nông dân tăng khá nhanh. Công tác xóa đói, giảm nghèo được đẩy mạnh. Tỷ lệ hộ giàu, khá giả tăng lên; số hộ nghèo đói giảm xuống. Tỉnh cơ bản đã xóa được số hộ đói.

Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của sự phát triển đất nước và của tỉnh, nhất là khi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và là thành viên của WTO, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng cũng đang bộc lộ nhiều yếu kém, khó khăn và đứng trước những thách thức to lớn cần được khắc phục, vượt qua như: Sản xuất nông nghiệp có xu hướng tăng trưởng chậm lại và kém bền vững. Năng suất, chất lượng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi còn thấp và chậm được cải thiện. Vệ sinh, an toàn thực phẩm thấp và đang là thách thức lớn. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp đang giảm nhanh. Nguyên nhân chủ yếu là do những năm gần đây, đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng đô thị. Dân số gia tăng, đất canh tác suy giảm dẫn đến quy mô canh tác của các hộ nông dân ngày càng giảm. Dịch bệnh xảy ra liên tiếp trong mấy năm qua đã đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của nông nghiệp nói riêng, toàn nền kinh tế nói chung. Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm. Ngành trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng lớn; các ngành chăn nuôi, lâm nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế và xu hướng phát triển không ổn định. Cơ cấu lao động ở nông thôn chuyển dịch chậm. Việc ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp còn chậm. Hầu hết các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh thấp. Hệ thống quản lý thủy nông, thú y, bảo vệ thực vật, cung ứng giống, vật tư chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp. Tỷ trọng nông sản qua chế biến công nghiệp đạt thấp. Những yếu kém trên làm cho giá trị kinh tế của nông sản thấp, giá thành sản phẩm cao, an toàn, vệ sinh thực phẩm chưa được quan tâm đầy đủ khi đưa sản phẩm ra thị trường, công sức của người lao động không được bảo đảm, và do vậy, gây nên những tổn thất lớn về kim ngạch xuất khẩu và thu nhập cho nền kinh tế quốc dân.

Quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X); để xây dựng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Điện Biên hiện nay, Đảng bộ tỉnh chủ trương lãnh đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ một số vấn đề như: Đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh trong thời kỳ mới. Đồng thời tăng cường sự tác động của công nghiệp để phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện và gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn. Tăng sự tác động của công nghiệp đối với quá trình sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm cũng như tăng năng suất, hiệu quả lao động trong nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi những thành tựu của khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Để xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và xuất ra ngoài tỉnh. Trước mắt cần tập trung cải tạo cây trồng, vật nuôi, tạo và nhân nhanh các giống có năng suất, chất lượng và giá trị cao bằng tăng cường hơn nữa năng lực nghiên cứu trong nước, kết hợp với chuyển giao công nghệ từ ngoài vào để chọn được những giống có hiệu quả cao nhất. Đưa nhanh công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện liên kết “4 nhà” là nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp và nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước. Thêm vào đó, Nhà nước cần có chủ trương, chính sách khuyến khích và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; có chính sách thu hút đội ngũ này về làm việc tại các vùng nông thôn, để họ có điều kiện chuyển giao nhanh chóng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân và các thành phần kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn.

Vân Chương

Ban Tuyên giáo tỉnh Điện Biên


Nguồn: www.cpv.org.vn

Tin khác