Tiềm năng, lợi thế và cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh Điện Biên

14/10/2008

“Đất Điện Biên rất rộng, người Điện Biên thân thiện, mến khách và đặc biệt nhiều tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa được đầu tư, khai thác... Tỉnh Điện Biên mong muốn sau Diễn đàn này sẽ có nhiều nhà đầu tư đến... để chúng tôi được đón tiếp quý vị với tư cách là các Chủ dự án trên địa bàn tỉnh”. Với tinh thần ấy, trong số chuyên đề này Báo Điện Biên Phủ xin đăng bài tham luận của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Viết Bính - tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Tây Bắc năm 2008.

Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc của Việt Nam, tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với cả 2 quốc gia là Lào và Trung Quốc, có vị trí địa lý kinh tế, quốc phòng đặc biệt quan trọng trong khu vực Tây Bắc Việt Nam. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 956.290ha với trên 74% là đất nông lâm nghiệp, mật độ dân số bình quân 49 người/km2, là nơi cư trú của21 dân tộc anh em. Toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, với trung tâm là T.P Điện Biên Phủ, nơi ghi dấu những chiến tích hào hùng làm lên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu cách đây 54 năm.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Nhà nước; được sự quan tâm giúp đỡ có hiệu quả của các bộ ngành Trung ương, sự hợp tác có hiệu quả của các nhà đầu tư; sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, các mặt KT-VH-XH, QP-AN của tỉnh Điện Biên đã và đang có bước phát triển ổn định, mang dấu ấn của một giai đoạn phát triển mới trong xu thế hội nhậphợp tác và phát triển.

Nhịp độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 20042007 ước đạt 10,5%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng xác định. Đến năm 2007, GDP bình quân đầu người ước đạt 5,83 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 365 USD, tăng gần 40% so với năm 2005, lương thực bình quân đạt 400kg/người/năm, ngoài mục tiêu đáp ứng nhu cầu lương thực trên địa bàn, bước đầu đã tạo ra những sản phẩm có chất lượng và giá trị cao như: gạo, ngô, đậu tương... Tiềm năng cho phát triển các ngành công nghiệp bước đầu đã được khai thác với các dự án đầu tư như: Nhà máy Xi măng Điện Biên, các công trình thủy điện Nà Lơi, Thác Trắng, Nậm Mức, Nậm He... và các dự án khai thác chế biến khoáng sản chì kẽm, vàng, đồng được triển khai thực hiện góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Lợi thế về du lịch dịch vụ và kinh tế cửa khẩu bước đầu được khai thác và phát huy có hiệu quả, hàng năm đã thu hút được từ 150-180 ngàn lượt du khách đến Điện Biên; lượng khách du lịch quốc tế đến Điện Biên và lượng hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới của tỉnh ngày càng tăng, nhất là sau khi cửa khẩu Tây Trang (tiếp giáp với Phoong Sa Ly - Lào) được nâng cấp thành cửa khẩu Quốc tế và cửa khẩu chính Huổi Puốc (tiếp giáp với Luông Pha Băng - Lào) được mở. Hoạt động đầu tư đã có nhiều chuyển biến tích cực với sự tham gia của các thành phần kinh tế, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội trong 4 năm 20042007 ước đạt khoảng 5.200 tỷ đồng, trong đó năm 2007 đạt 1.800 tỷ đồng, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH và tăng cường kết cấu hạ tầng KT-XH trên địa bàn.

Đến hết năm 2007, toàn tỉnh đã có 104/106 xã, phường có đường ôtô đến trung tâm xã, với 70/106 xã đi lại được quanh năm; 100% xã, phường có điện thoại và điểm bưu điện văn hoá xã; trung tâm các khu đô thị, thị tứ đã được phủ sóng điện thoại di động; 81/106 xã, phường có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, 72% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch và 61% dân cư nông thôn được cấp nước sinh hoạt. Các mặt đời sống văn hoá tinh thần, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân được quan tâm, QP-AN được tăng cường và ổn định, quan hệ đối ngoại và hợp tác với các nước, đặc biệt là với các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân NamTrung Quốc ngày càng được mở rộng và tăng cường. Đó là những tiền đề quan trọng, tạo đà cho sự phát triển vững chắc của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Mặc dù đạt được những thành tựu nêu trên, nhưng đánh giá tổng thể, Điện Biên vẫn là một tỉnh chậm phát triển so với các tỉnh thành khác trong cả nước, đời sống nhân dân vẫn còn rất khó khăn; thu hút đầu tư còn hạn chế cả về số lượng và quy mô dự án, dẫn đến nhiều tiềm năng lợi thế của địa phương chưa được khai thác sử dụng có hiệu quả.

Để tăng tốc phát triển trong giai đoạn tới, nhất là khi nước ta đã chính thức trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO; Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã xác định những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm giai đoạn đến năm 2010 và được cụ thể hoá thành 10 chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện; trong đó mục tiêu, nhiệm vụ về thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế để thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH và phát triển nguồn hàng xuất khẩu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định đến việc thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch 5 năm giai đoạn 2006-2010.

Với tinh thần đó, tại diễn đàn này, tỉnh Điện Biên giới thiệu tổng quan về tiềm năng lợi thế của tỉnh Điện Biên, những cơ chế chính sách ưu đãi nhà đầu tư được hưởng khi đầu tư vào Điện Biên, những danh mục các dự án khuyến khích thu hút đầu tư; đồng thời khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên luôn sẵn sàng đón nhận và cam kết tạo những điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội và xúc tiến các hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là những lĩnh vực được xác định là tiềm năng, lợi thế trên tinh thần hợp tác cùng phát triển. Cụ thể là:

- Về sản xuất nông lâm nghiệp: Với điều hiện khí hậu ưu đãi, thổ nhưỡng phong phú cộng với quỹ đất chưa sử dụng trên 41 vạn ha, chiếm tói 43% tổng diện tích tự nhiên là điều kiện rất thuận lợi để phát triển sản xuất gắn với chế biến các loại cây công nghiệp lâu năm như: chè, cà phê, cao su, cây cọc rào, trồng rừng sản xuất và các loại cây công nghiệp ngắn ngày như: ngô, đậu tương, bông...

- Về sản xuất công nghiệp: Tỉnh Điện Biên có 2 lợi thế chính mới chỉ khai thác được một phần. Đó là tiềm năng về đầu tư các công trình thủy điện, bên cạnh những dự án được các nhà đầu tư khảo sát lập dự án để xúc tiến hợp tác đầu tư, tỉnh đang tiến hành khảo sát lập bổ sung quy hoạch thủy điện để cung cấp những thông tin chính xác cho các nhà đầu tư. Hai là tiềm năng về khoáng sản, mặc dù được đánh giá là có nhiều loại khoáng sản, song do công tác khảo sát mới chỉ dừng ở mức sơ bộ; hiện nay, đã có nhiều nhà đầu tư đang tiến hành thăm dò, đánh giá trữ lượng những tài nguyên quý còn ẩn dấu trong lòng đất nhằm mở ra khả năng hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết trong khai thác, chế biến khoáng sản.

- Về tiềm năng du lịch, dịch vụ: Điện Biên có hệ thống các điểm di tích lịch sử Điện Biên Phủ đã và đang được quan tâm trùng tu, tôn tạo với nhiều cảnh quan thiên nhiêm sinh thái đẹp như Hồ Pa Khoang, động Pa Thơm, hồ Huổi Phạ cùng bản sắc văn hoá của 21 dân tộc... tỉnh có sân bay Điện Biên Phủ và hệ thống các tuyến Quốc lộ đang được đầu tư nâng cấp đồng bộ, có các cửa khẩu với Lào và Trung Quốc, trong đó cửa khẩu Tây trang đã được nâng cấp thành cửa khẩu Quốc tế, là những điều kiện rất thuận lợi để khai thác tiềm năng du lịch, dịch vụ và thương mại và kinh tế cửa khẩu với các nước trong tiểu vùng.

Về cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư: Điện Biên thuộc địa bàn đặc biệt ưu đãi đầu tư. Do vậy, các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh được hưởng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư ở mức cao nhất theo qui định của Luật Đầu tư. Ngoài ra, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh Điện Biên được cung ứng miễn phí trích lục bản đồ địa chính khu đất cho thuê; hướng dẫn lập hồ sơ xin thuê đất và ký hợp đồng thuê đất; lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng đối với trường hợp thuê đất ngoài khu công nghiệp; hỗ trợ xây dựng hoặc xây dựng các công trình hạ tầng ngoài hàng rào cơ sở sản suất kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ vận chuyển sản phẩm từ Điện Biên Phủ đến Hà Nội đối với các dự án trồng rừng gắn với chế biến...

Cùng với chính sách hỗ trợ, khuyến khích đặc biệt ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư, việc giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư (không quá 7 ngày), cấp giấy chứng nhận đầu tư (không quá 20 ngày) được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông; nhà đầu tư chỉ cần làm việc trực tiếp với Sở Kế hoạch và Đầu tư Điện Biên để nhận giấy chứng nhận đầu tư và triển khai các thủ tục thực hiện dự án trong thời gian nhanh nhất.

Với tiềm năng và cơ hội đầu tư còn rất lớn, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư nhất quán, điều kiện đầu tư ngày càng thuận lợi hơn, cùng với sự trọng thị của các cấp các ngành, tỉnh Điện Biên mong muốn rằng, trong thời gian tới sẽ có cơ hội được hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhất là trong các lĩnh vực thủy điện, sản suất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến các loại khoáng sản, trồng và chế biến nông, lâm sản, xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu du lịch, chợ, trung tâm thương mại và khách sạn... (Những thông tin cụ thể của từng dự án đã được cung cấp trong tài liệu Điện BiênTiềm năng và cơ hội đầu tư).

Đất Điện Biên rất rộng, người Điện Biên thân thiện mến khách và đặc biệt nhiều tiềm năng, lợi thế của tỉnh Điện Biên chưa được đầu tư, khai thác và phát huy có hiệu quả, đang hứa hẹn những cơ hội đầu tư lớn. Tỉnh Điện Biên mong muốn sau Diễn đàn này tỉnh Điện Biên sẽ có nhiều nhà đầu tư đến và tìm hiểu kỹ hơn, cụ thể hơn về những tiềm năng sẵn có của Điện Biên để chúng tôi được đón tiếp quý vị với tư cách là các chủ dự án trên địa bàn tỉnh.

Bùi Viết Bính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên


Nguồn: www.baodienbienphu.com.vn

Tin khác